Tin thế giới sáng thứ Năm

Thế Vận Hội Tokyo: Nhật hoàng lo ngại nguy cơ gia tăng dịch bệnh Covid

Kim Ngân

image.png
Áp phích quảng cáo Thế Vận Hội 2020 trước Trung tâm truyền thông IBC/MPC tại Trung tâm triển lãm Tokyo Big Sight. REUTERS – FABRIZIO BENSCH

Chỉ còn chưa đầy một tháng trước lễ khai mạc Thế Vận Hội Tokyo (vào ngày 23 tháng 7), hoàng đế Naruhito mới đây bày tỏ lo lắng về tình hình dịch tễ tại Nhật Bản, và « quan ngại về nguy cơ gia tăng lây nhiễm sau sự kiện thể thao quốc tế này ».

Tuyên bố của Nhật hoàng khiến cho chính quyền Nhật Bản, các chuyên gia về luật hiến pháp cũng như các nhà tổ chức Thế Vận Hội bối rối. Tuy nhiên, nhiều người dân Nhật Bản đồng tình với quan điểm này của Nhật hoàng và bỏ qua việc ông đã không giữ im lặng.

Từ Tokyo, thông tín viên Bruno Duval tường trình:  

“Nhật hoàng không được phép đưa ra những phát biểu mang tính chất chính trị hoặc về định chế.

Đây là lý do mà Akihito, thân phụ của Naruhito, vào năm 2016, không thể yêu cầu một cách rõ ràng rằng, hãy để ngài thoái vị. Vào thời điểm đó, ngài chỉ bày tỏ lo ngại không thể thực hiện các tránh nhiệm được lâu nữa, do tuổi cao và sức khỏe không bảo đảm.

Do vậy, Nhật hoàng Akihito đã bày tỏ quan điểm bằng hình thức gián tiếp, nghĩa là thông qua phát ngôn của cố vấn thân cận của ngài mà con trai ngài, hoàng đế Naruhito cũng vừa cho biết suy nghĩ của mình về Thế Vận Hội.

Điều này khiến chính phủ Nhật tức giận, nhưng đối với nhiều cư dân thành phố Tokyo, họ đồng tình với việc hoàng đế phát biểu.  

Một người cho biết : « Việc duy trì tổ chức Thế Vận Hội trong điều kiện đại dịch toàn cầu đang diễn ra phức tạp khiến nhiều người dân Nhật lo lắng, ngay bản thân Nhật hoàng cũng không yên tâm, và tôi thấy mối bận tâm này là hiển nhiên ».  

Một người khác nhận xét : « Nhật hoàng muốn gần gũi với dân chúng, như điều mà thân phụ của ngài đã làm. Điều ngài muốn là cần cẩn trọng hơn để Thế Vận Hội không ảnh hưởng xấu tới tình hình dịch bệnh tại Nhật Bản. Tôi cho rằng, ý kiến của ngài hoàn toàn đúng ».

Người thứ ba cũng đồng ý : « Tôi đồng tình với hoàng đế Naruhito. Chúng ta phải gia tăng các biện pháp phòng dịch để đất nước không rơi vào đợt dịch mới. Điều đáng mừng là hoàng đế đã phát biểu không chậm trễ, bởi từ đây đến lúc khai mạc, chúng ta vẫn còn thời gian để điều chỉnh các quy định dịch tễ nếu cần thiết”.  

Tám trong số mười người được thăm dò ý kiến lo sợ rằng Thế Vận Hội sẽ làm đại dịch bùng phát trở lại. Một nguyên nhân nữa gây bất an là mới chỉ có 10% người dân Nhật được chích vacxin ngừa virus Covid-19. 

Covid: Thế giới tiêm được 3 tỉ liều vac-xin

Trọng Thành

image.png
Nhân viên y tế chuẩn bị vac-xin Sinovac của Trung Quốc để tiêm cho người dân tại Trung tâm Tangerang, ngoại ô Jakarta, Indonesia, ngày 30/06/2021. REUTERS – AJENG DINAR ULFIANA

Để khống chế đại dịch Covid-19, tiêm vac-xin được coi là vũ khí chủ lực. Tính cho đến hôm 29/06/2021, thế giới tiêm được tổng cộng 3 tỉ liều. Tuy nhiên, hiện tượng bất bình đẳng cao độ về tỉ lệ tiêm chủng giữa các nước « thu nhập cao » với các nước « thu nhập thấp » đang cản trở công cuộc chống dịch toàn cầu.

Theo tổng hợp của hãng tin Pháp AFP, dựa trên các số liệu chính thức, tính đến 11 giờ trưa hôm qua, hơn 3 tỉ liều vac-xin đã được sử dụng, trong đó khoảng 1,2 tỉ liều được tiêm tại Trung Quốc, hơn 300 triệu tại Ấn Độ và tại Mỹ. Tốc độ tiêm chủng tăng tốc trong những tuần gần đây. Nếu như phải mất 20 tuần, kể từ 12/2020, thế giới mới tiêm được 1 tỉ liều, thì các mốc 2 tỉ, 3 tỉ liều đã đạt được sau có 6 tuần và 4 tuần.

Cho đến nay, Liên Hiện Châu Âu đã tiêm được tổng cộng hơn 350 triệu liều. Hơn 30% dân châu Âu đã hoàn thành tiêm chủng. Các nước đông dân nhất của khối, là Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, đều đã có khoảng một phần ba dân cư tiêm chủng xong.

Mức độ bất bình đẳng trong tiêm chủng thể hiện rõ cho dù đa số các nước nghèo đã bắt đầu tiêm chủng, chủ yếu nhờ vào cơ chế Covax của Liên Hiệp Quốc. Trong lúc tại các nước « thu nhập cao » (theo tiêu chuẩn của Ngân Hàng Thế Giới), tỉ lệ chích ngừa trung bình là 79 liều/100 dân, thì với các nước « thu nhập thấp », tỉ lệ này chỉ là một liều/100 dân. Còn có năm quốc gia hoàn toàn chưa bắt đầu chương trình tiêm chủng, gồm ba quốc gia châu Phi (Tanzania, Burundi và Eritrea), một quốc gia vùng vịnh Caribê (Haiti) và Bắc Triều Tiên.

Trong số các vac-xin được sử dụng nhiều nhất, vac-xin Anh – Thụy Điển AstraZeneca đứng đầu, được sử dụng tại gần 80% quốc gia và vùng lãnh thổ (171 trên 216). Tiếp theo đó là Pfizer-BioNTech (47 %), Sinopharm và Moderna (48 %), Sputnik V (40 %)…

Nga là quốc gia sản xuất vac-xin xuất khẩu, nhưng dân Nga lại rất ngờ vực với các loại vac-xin sản xuất trong nước. Cho đến nay mới chỉ có 15% dân Nga tiêm ít nhất một liều, theo thống kê của trang Gogov hôm 28/06, tổng hợp số liệu của các vùng và truyền thông. Tốc độ tiêm chủng chậm cũng được coi là một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh bùng phát trong những ngày gần đây tại Nga, với hơn 500 người chết mỗi ngày, liên tục từ một tuần nay.

Đông Nam Á, khu vực với 650 triệu dân cư, cũng đứng trước áp lực phải đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng, để hướng tới 70% dân cư được chích ngừa nhằm đạt miễn dịch cộng đồng, trong bối cảnh biến thể Delta được coi là đang đe dọa khả năng mở cửa trở lại. Theo số liệu của trang mạng độc lập Reporting Asean, tính đến ngày 23/06, Singapore là quốc gia đi đầu, với 35% dân số hoàn thành tiêm chủng, Cam Bốt xếp thứ hai với 16%, Việt Nam đứng cuối với 0,2%.

Liên Hiệp Châu Âu chuẩn bị triển hạn trừng phạt Nga thêm 6 tháng

Trọng Thành

image.png
Lãnh đạo ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu, Josep Borrell, trong cuộc họp báo công bố cách tiếp cận mới trong quan hệ với Nga, Bruxelles, Bỉ, ngày 16/06/2021. AP – Johanna Geron

Một số nguồn tin ngoại giao hôm 30/06/2021, cho hay Liên Hiệp Châu Âu đang chuẩn bị kéo dài lệnh trừng phạt kinh tế đối với chính quyền Nga thêm 6 tháng. Trừng phạt được áp đặt do việc Nga sáp nhập bán đảo Crimée năm 2014 và gây bất ổn tại Ukraina.

Các biện pháp trừng phạt Nga bao gồm cấm mọi đầu tư vào vùng Crimée và thành phố Sebastopol. Liên Âu lập « danh sách đen » nhắm vào nhiều nhân vật và doanh nghiệp bị cáo buộc tham gia gây bất ổn định Ukraina. Trong số các đối tượng của loạt trừng phạt của Liên Âu có nhiều ngân hàng Nga, doanh nghiệp quốc phòng, và công ty dầu mỏ của Nga. Liên Âu cũng cấm các đầu tư tài chính tại Nga.

Hồi tuần trước, tại thượng đỉnh Liên Âu ở Bruxelles, tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định phương thức dùng trừng phạt để buộc Nga phải từ bỏ các hoạt động gây bất ổn tại Ukraina, là « không hiệu quả ». Tuy nhiên, chủ trương tái khởi động đối thoại với Matxcơva của tổng thống Pháp và thủ tướng Đức đã bị nhiều nước châu Âu phản đối.

Rốt cuộc các lãnh đạo châu Âu đã thỏa thuận « sẵn sàng phản ứng cứng rắn và có phối hợp đối với mọi hành động ác ý, bất hợp pháp và gây rối mới của chính quyền Nga, bằng cách sử dụng tất cả các biện pháp hiện có ». Như vậy, việc triển hạn trừng phạt Nga thêm 6 tháng đã được bật đèn xanh.

Theo hãng tin Pháp AFP, lãnh đạo ngoại giao Liên Âu Joseph Borell, được giao trách nhiệm tìm các biện pháp trừng phạt bổ sung, « kể cả trừng phạt về kinh tế ». Theo một nhà ngoại giao châu Âu, việc này đã được khởi sự.

Quyết định trừng phạt chính thức sẽ còn phải được ngoại trưởng các thành viên châu Âu đồng ý trong phiên họp hôm 12/07. Về nguyên tắc, để được thông qua, quyết định trừng phạt phải được tất cả 27 thành viên Liên Âu ủng hộ.

Bắc Triều Tiên : Kim Jong Un sa thải nhiều quan chức cấp cao

image.png
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un trong phiên họp toàn thể của Ủy ban Trung ương lần thứ 8 đảng Lao Động Triều Tiên ngày 16/06/2021. REUTERS – KRT

Sự cố liên quan đến đại dịch Covid-19 “gây ra một cuộc khủng hoảng to lớn cho an ninh của quốc gia và nhân dân Bắc Triều Tiên”, lãnh đạo Kim Jong Un tuyên bố như trên.

Hãng tin AFP trích dẫn hãng thông tấn trung ương Bắc Triều Tiên, KCNA, hôm 30/06/2021, cho biết, nhiều quan chức cấp cao đã bị cách chức và nhiều người đã được bổ nhiệm để thay thế.

Tuy nhiên, nội tình của sự cố nghiêm trọng này không được tiết lộ.  

Trong một cuộc họp của Bộ Chính Trị đảng Lao Động Triều Tiên, Kim Jong Un đã chỉ trích những người bị cách chức này là « con mồi của sự ích kỷ và thụ động » và nhấn mạnh rằng «việc thiếu năng lực, vô trách của các quan chức cấp cao là yếu tố chính làm chậm quá trình thực thi các nhiệm vụ quan trọng ».

Bắc Triều Tiên đã đóng cửa biên giới từ tháng 1/2020 để tự bảo vệ mình trước loại virus Covid-19 lần đầu tiên xuất hiện ở nước láng giềng Trung Quốc. Tuy nhiên, biện pháp chống dịch bước đầu có vẻ cứng rắn này lại khiến quốc gia vốn nổi tiếng cô lập với thế giới do chương trình hạt nhân của mình, trở nên cô độc thêm. Đặc biệt, huyết mạch kinh tế của Bắc Triều Tiên là hoạt động giao thương với Trung Quốc, bị ngừng lại. Ngoài ra, toàn bộ nhân viên cứu trợ quốc tế cũng đã rời đi.  

Kim Jong Un gần đây thừa nhận rằng Bắc Triều Tiên phải đối mặt với « tình hình lương thực căng thẳng » do ngừng giao thương với Trung Quốc. Vào tháng 4 vừa qua, ông đã kêu gọi thực hiện một « hành trình gian khổ (…) để giúp người dân đối phó với những thiếu thốn lương thực ». « Hành trình gian khổ » là cụm từ được sử dụng ở Bắc Triều Tiên lần đầu để chỉ nạn đói những năm 1990, khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng, sau sự kiện Mátxcơva cắt giảm viện trợ cho nước này khi Liên Xô sụp đổ.  

Các nhà lãnh đạo ở Bình Nhưỡng cho đến nay vẫn tuyên bố rằng dịch Covid-19 vẫn chưa chạm đến Bắc Triều Tiên, điều này khiến nhiều chuyên gia nghi ngờ.


Miến Điện: Tập đoàn quân sự trả tự do cho 700 tù nhân

Trọng Thành

image.png
Nhà tù Insein tại Rangoon (Miến Điện) được biết đến là nơi giam giữ nhiều người chống đảo chính. STR AFP

Tập đoàn quân sự Miến Điện thông báo ngày hôm 30/06/2021, quyết định trả tự do cho khoảng 700 tù nhân tại trại giam Insein, ở Rangoon. Nhà tù Insein là nơi giam giữ nhiều người chống đảo chính.

Theo hãng tin Anh Reuters, giám đốc nhà tù, Zaw Zaw, từ chối cho biết danh tính của các tù nhân được trả tự do. Hãng tin Anh dẫn nguồn tin của ban Miến Điện đài BBC cho biết. Trong số những người được thả hôm nay có nhiều người bị cáo buộc « kêu gọi nổi dậy », sau cuộc đảo chính ngày 01/02/2021.

Về phần mình, trang mạng đối lập Myanmar Now nêu khả năng trên toàn quốc có khoảng 2.000 người sẽ được trả tự do. Một giới chức quản lý trại giam của tập đoàn quân sự từ chối bình luận về thông tin nói trên.

Theo một hiệp hội hỗ trợ tù nhân chính trị Miến Điện (AAPP), đã có ít nhất hơn 5.200 người bị giam giữ kể từ đảo chính, và 883 người bị chính quyền quân sự sát hại.

Tập đoàn quân sự dường như có thêm một hành động xoa dịu khác. Hôm qua, kênh truyền hình Myawaddy, do quân đội kiểm soát, cho biết chính quyền quân sự từ bỏ việc truy nã 24 nhân vật nổi tiếng, do các lời lẽ « chống chính quyền ». 24 nhân vật, bao gồm nhiều nghệ sĩ, vận động viên, bác sĩ, giáo viên, người có ảnh hưởng lớn trên các mạng xã hội, nằm trong số hàng trăm người bị tập đoàn quân sự truy bắt.

Kể từ cuộc đảo chính đến nay, chính quyền quân sự liên tục phải đối mặt với các cuộc biểu tình, bãi công khắp cả nước. Nổi dậy vũ trang chống tập đoàn quân sự cùng bùng lên tại nhiều nơi, đặc biệt tại các khu vực sắc tộc thiểu số.

Viện Quốc Tế Hòa Bình chỉ ra thất bại của LHQ « trên nhiều cấp độ »
Báo chí đối lập Miến Điện hôm nay đặc biệt chú ý đến bản báo cáo của Viện Quốc tế Hòa bình (IPI), có trụ sở tại New York, chỉ trích mạnh mẽ phản ứng của Liên Hiệp Quốc về khủng hoảng Miến Điện.

Báo cáo dài 36 trang, công bố hôm 28/06, tập trung phân tích thất bại của Liên Hiệp Quốc trong việc xử lý cuộc khủng hoảng do cuộc đảo chính quân sự tại Miến Điện, « trên nhiều cấp độ », từ thất bại về thiếu một chiến lược chung đến các hoạt động bảo vệ nhân quyền cụ thể không hiệu quả.

Theo Damian Lilly, tác giả của báo cáo, phản ứng của Liên Hiệp Quốc với khủng hoảng này là « vô cùng không phù hợp ». Báo cáo của Viện Quốc tế Hòa bình nhấn mạnh là một trong các phương tiện chủ yếu mà Liên Hiệp Quốc có thể sử dụng hiệu quả hơn là « Cơ Chế Điều Tra Độc Lập về Miến Điện » (IIMM – Investigative Mechanism for Myanmar), được thành lập năm 2018, vốn được lập ra để thu thập các bằng chứng về các tội ác chống nhân loại, tội ác chiến tranh, tội ác diệt chủng đối với người Rohingya, mà các lực lượng an ninh Miến Điện bị cáo buộc.

Theo báo cáo của IPI, cơ chế IIMM có thể được mở rộng để tập hợp các bằng chứng về tội ác của tập đoàn quân sự trong cuộc khủng hoảng hiện nay.

Theo Myanmar Now, báo cáo của IPI điểm mặt vai trò chủ chốt của Trung Quốc và Nga trong việc cản trở các nỗ lực quốc tế ngăn chặn giới tướng lĩnh Miến Điện đàn áp người dân, nhưng đồng thời cũng phê phán cơ quan đại diện của LHQ tại Miến Điện là đã không hành động.

Cơ quan Liên Hiệp Quốc tại Miến Điện bị chỉ trích là « bất lực hoặc lưỡng lự » trong việc thực hiện « các biện pháp bảo vệ cơ bản như trợ giúp pháp lý, hỗ trợ tâm lý xã hội và xử lý hồ sơ cụ thể của hàng nghìn dân thường nạn nhân của bạo lực ».

Related posts