Bắc Kinh khoe hiệu quả vac-xin Covid Trung Quốc dù ca nhiễm tăng ở các nước khách hàng

Trọng Nghĩa

image.png
Source : Our World in Data, AFP, Reuters. © Studio Graphique France Médias Monde

Nhiều quốc gia trên thế giới, từ Indonesia, Cam Bốt cho đến Brazil, Chilê hiện phụ thuộc rất nhiều vào vac-xin Trung Quốc để tiêm chủng ngừa Covid-19 cho dân chúng của họ. Thể nhưng, với sức công phá của biến thể Delta – xuất xứ từ Ấn Độ – đang lan rộng khắp nơi, với số ca nhiễm mới tăng vọt tại các quốc gia dựa vào thuốc chủng “made in China”, ngày càng có thêm nhiều mối hoài nghi về công hiệu của sản phẩm Trung Quốc.

Trên vấn đề vac-xin, một mặt Trung Quốc như thông lệ, không hề công khai số liệu, nhưng mặt khác lại cho các chuyên gia trong nước khẳng định hiệu quả của các loại thuốc chủng nội địa, đặc biệt đối với biến thể Delta.

Trong một bài giải thích đề ngày 29/06/2021, hãng tin Anh Reuters đã lược ghi quan điểm của các chuyên gia y tế Trung Quốc về hiệu quả của vac-xin mà nước họ phát triển chống lại biến thể Delta đang hoành hành tại Trung Quốc và trên thế giới.

Vac-xin Trung Quốc có hiệu quả “phần nào” đối với Delta
Theo Reuters, nhận định chung của một số nhà nghiên cứu Trung Quốc đều khẳng định công hiệu nhất định của các loại vac-xin mà nước này chế tạo. Phát biểu với các nhà báo, nhà dịch tễ học Chung Nam Sơn, người đã giúp Bắc Kinh định hình chiến lược chống Covid-19, đã cho rằng vac-xin Trung Quốc có “phần nào” hiệu quả trong việc giảm nguy cơ nhiễm Covid có triệu chứng và nghiêm trọng từ biến thể Delta

Theo giáo sư Chung Nam Sơn, tuy nhiên đó chỉ là những kết quả nghiên cứu ban đầu về các ca nhiễm ở thành phố Quảng Châu mới đây, với số mẫu bệnh phẩm còn rất ít.

Còn phát ngôn viên hãng Sinovac thì khẳng định rằng kết quả sơ bộ dựa trên các mẫu máu của những người được tiêm chủng cho thấy tác dụng chống lại biến thể Delta tăng gấp ba lần, và nếu tiêm thêm một mũi thứ ba sau hai liều quy định, điều đó có thể nhanh chóng tạo ra phản ứng kháng thể mạnh hơn và bền hơn chống lại Delta. Thế nhưng, phát ngôn viên này không cho biết chi tiết.

Riêng ông Phùng Tử Kiện (Feng Zijian), cựu phó giám đốc Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh Trung Quốc thì lại công nhận với truyền thông nhà nước Trung Quốc vào tuần trước rằng các kháng thể mà hai loại vac-xin Trung Quốc kích hoạt, kém hiệu quả hơn trong trường hợp biến thể Delta so với các biến thể khác. Nhân vật này không cung cấp thông tin chi tiết về hai loại vac-xin được nhắc đến.

Nhìn chung, việc tiêm chủng vẫn có thể giúp bảo vệ người được chích ngừa vì chưa thấy trường hợp người đã được tiêm chủng nào ở tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc, bị Covid-19 với các triệu chứng nghiêm trọng. Quảng Đông là nơi phát hiện những trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Delta ở Trung Quốc. Tất cả các ca bệnh nặng đều là những người chưa được tiêm chủng.

Trung Quốc không cung cấp dữ liệu đầy đủ

Việc thiếu dữ liệu chi tiết về vac-xin của Trung Quốc đối với biến thể Delta, theo Reuters,  khiến cho giới khoa học quốc tế không thể nào đánh giá một cách đúng đắn hiệu quả của vac-xin TQ.

Theo ông Kim Đông Nhạn (Jin Dong-Yan), một nhà virus học tại Đại Học Hồng Kông, các tuyên bố của ông Phùng Tử Kiện vẫn không đủ để chứng minh rằng vac-xin Trung Quốc có hiệu quả đối với các trường hợp nghiêm trọng, vì cần thêm dữ liệu.

Cho đến nay, Trung Quốc vẫn không cung cấp kết quả nghiên cứu dựa trên dữ liệu với quy mô lớn trong các thử nghiệm lâm sàng hoặc sử dụng thực tế, cũng như cung cấp thông tin chi tiết từ các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm.

Ngược lại, đối với các vac-xin phương Tây, một nghiên cứu của Cơ Quan Y Tế Cộng Cộng Anh Quốc – Public Health England (PHE) vào tháng 5 cho thấy vac-xin Pfizer-BioNTech có hiệu quả 88% đối với bệnh có triệu chứng vì bị nhiễm biến thể Delta, hai tuần sau liều thứ hai. Hiệu quả này thấp hơn so với mức 93% đối với biến thể Alpha, lần đầu tiên được xác định ở Anh.

Theo PHE, hai liều vac-xin AstraZeneca có hiệu quả 60% đối với bệnh có triệu chứng từ Delta so với 66% đối với Alpha.

Riêng về vac-xin tiêm một liều duy nhất của Johnson&Johnson, thì chưa thấy có dữ liệu có ý nghĩa nào về tác dụng bảo vệ, trong bối cảnh các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Hoa Kỳ đang cân nhắc nhu cầu tiêm tăng cường bằng vac-xin sử dụng mRNA (Pfizer và Moderna).

Indonesia: Đã được tiêm chủng bằng Sinovac nhưng vẫn bị nhiễm Covid-19

Dẫu sao thì hiện tượng lây nhiễm mạnh vì biến thể Delta tại các nước chuyên dùng vac-xin Trung Quốc đang là gia tăng mối hoài nghi về hiệu quả của thuốc chủng mà Bắc Kinh đang tung ra khắp thế giới, đặc biệt tại khu vực Đông Nam Á và Mỹ-Latinh.

Theo số liệu được hãng tin Nhật Bản Kyodo ngày 18/06 vừa qua công bố, thì tại vùng Đông Nam Á chẳng hạn, chiến dịch tiêm chủng tại Indonesia và Cam Bốt hầu như hoàn toàn dựa vào vac-xin Trung Quốc với 90% số liều là thuốc chủng Trung Quốc. Theo sau hai nước này là Lào 89% và Philippines trên 60%.

Trường hợp Indonesia rất được chú ý vì nước vừa ghi nhận số ca nhiễm thường nhật kỷ lục được cho là đến từ biến thể Delta. Theo giới chức y tế Indonesia vào đầu tháng 6, hàng trăm nhân viên y tế của họ (khoảng 350 người) đã bị nhiễm Covid-19 mặc dù đã được tiêm vac-xin Sinovac. Nguồn tin trên tuy nhiên không cho biết là liệu các bệnh nhân này có phải là nạn nhân của biến thể Delta hay không.

Hiệu quả của vac-xin Sinovac cũng bị hoài nghi tại Chilê, với việc dịch bệnh bùng phát trở lại mạnh mẽ cho dù phần lớn người dân đã được tiêm chủng, và chủ yếu bằng vac-xin Trung Quốc. Theo tuần báo Pháp L’Express ngày 28/06,  Tình trạng ở quốc gia Nam Mỹ này tồi tệ đến mức mà chính thủ tướng Ý Mario Draghi gần đây đã nhận định dè dặt: “Vac-xin Trung Quốc (…) tỏ ra không phù hợp, hãy nhìn vào kinh nghiệm ở Chilê”.

Vào lúc tâm lý nghi ngờ về hiệu quả của vac-xin Trung Quốc gia tăng trong bối cảnh thiếu vắng thông tin, Tổ Chức Y Tế Thế Giới ngày 18/06 vừa qua đã chính thức cảnh báo rằng không nên kết luận vội vàng trước khi có được các dữ liệu “từ các nghiên cứu được thiết kế nghiêm túc về hiệu quả của các loại vac-xin khác nhau đang được sử dụng ở các quốc gia khác nhau đối với các biến thể khác nhau”.

Related posts