Trung Quốc tìm đến Đông Phi để có chỗ đứng thứ hai ở Ấn Độ Dương

Vũ Dương

Dự án cảng trị giá 10 tỷ USD ở thị trấn Bagamoyo đã làm dấy lên đồn đoán rằng Trung Quốc, nhà đầu tư chính của dự án đang tìm cách thiết lập một chỗ đứng lưỡng dụng thứ hai ở bờ biển Đông Phi (ảnh minh họa: Youtube/DKN.TV).

Thông tin Tanzania sẽ hồi sinh một dự án cảng trị giá 10 tỷ USD ở thị trấn Bagamoyo đã làm dấy lên đồn đoán rằng Trung Quốc, nhà đầu tư chính của dự án đang tìm cách thiết lập một chỗ đứng lưỡng dụng thứ hai ở bờ biển Đông Phi, một động thái sẽ tăng cường đáng kể các mục tiêu chiến lược của Bắc Kinh trong khu vực.  

Theo trang Nikkei, mục đích đề xuất của cảng Bagamoyo là giúp giảm bớt tắc nghẽn tại cảng chính của đất nước, Dar es Salaam, cách đó khoảng 75km về phía nam. 

Bagamoyo cũng có thể trở thành một cửa ngõ hàng hải cho nước láng giềng Congo, “mỏ vàng khoáng sản phi đại dương/phi địa cực chưa được khai thác lớn nhất thế giới”, theo Lauren Johnston, một giảng viên của Trường Kinh tế và Chính sách công tại Đại học Adelaide. 

Nhưng cảng này có thể được khai thác cho các mục đích vượt ra ngoài mục đích thương mại thuần túy. Nó cũng có thể được sử dụng như một trung tâm sửa chữa tàu cho Hải quân Trung Quốc, hoặc có lẽ còn hơn thế nữa.

Trung Quốc đã thành lập căn cứ quân sự ở nước ngoài đầu tiên ở Djibouti, miền bắc châu Phi vào năm 2017.

Tổng thống Tanzania, bà Samia Suluhu Hassan vào cuối tuần trước đã thông báo Tanzania sẽ khởi động lại dự án cảng Bagamoyo.

Chuyên gia về Ấn Độ Dương, Darshana Baruah, cho biết, Đông Phi mang lại cho Trung Quốc một điểm vào Ấn Độ Dương dễ dàng hơn so với các địa điểm khác gần eo biển Malacca.

Trung Quốc đã gắn kết với Ấn Độ Dương hơn hầu hết các quốc gia khác đã và đang làm, theo ông Baruah. Ông Baruah nhấn mạnh: “Tôi không nói về chiến tranh. Tôi đang nói về những xung đột hoặc cạnh tranh hạn chế. Ngay cả khi eo biển Malacca gián đoạn, Trung Quốc có thể duy trì hoạt động của mình ở khu vực Ấn Độ Dương mà không nhất thiết phải thường xuyên gọi về nước”

Trong khi trọng tâm hàng hải chính của Bắc Kinh là ở biển Hoa Nam và Hoa Đông, Trung Quốc cũng đã dồn nỗ lực xây dựng các quan hệ ở Ấn Độ Dương. 

Trung Quốc có cơ quan đại diện ngoại giao tại tất cả 6 quốc đảo trong khu vực, đó là Sri Lanka, Maldives, Mauritius, Seychelles, Madagascar và Comoros. 

Trong khi đó, Washington chỉ có ba, ở Sri Lanka, Mauritius và Madagascar, và có kế hoạch cơ quan ngoại giao thứ tư ở Maldives.

“Ấn Độ, Pháp và Anh không có mặt ở tất cả sáu quốc đảo này”, ông Baruah lưu ý.

Việc bảo đảm một chỗ đứng ở Đông Phi cũng sẽ cho phép Trung Quốc chuẩn bị cho các trường hợp bất thường như vụ việc kênh đào Suez tắc nghẽn hồi đầu năm nay. Con tàu chở hàng Ever Given, dài 400 mét mắc cạn đã khóa cứng một trong những tuyến đường thủy bận rộn nhất thế giới trong gần một tuần.

Nếu có bất kỳ điều gì xảy ra ở Kênh đào Suez, thì kênh Mozambique sẽ nhanh chóng trở thành tuyến đường thay thế. Tuyến đường thủy rộng 400km giữa Madagascar và Mozambique là tuyến đường vận chuyển hàng hải quan trọng ở miền đông châu Phi. 

Các chuyên gia cũng lo ngại rằng việc có một cảng hoặc căn cứ an ninh của Trung Quốc ở Tanzania cũng sẽ làm suy yếu Tanzania. 

Tại sự kiện do trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tổ chức vào hôm thứ Ba, chỉ huy Bộ Tư lệnh Mỹ ở châu Phi, Tướng Stephen Townsend, cảnh báo các nước châu Phi phải rành mạch về sự can dự của Trung Quốc. 

Ông nói: “Tôi nghĩ rằng có thể làm ăn với Trung Quốc, nhưng tốt hơn là bạn nên tham gia cuộc chơi với đôi mắt và đôi tai mở, Trung Quốc đang mang lại rất nhiều đầu tư cho lục địa, và các đối tác châu Phi hãy cố gắng tận dụng điều đó mà không bị lợi dụng”.

Related posts