Cách chức Phó tư lệnh Quân khu 9
Thanhnien – Ngày 1/7, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã thay mặt Thủ tướng ký quyết định thi hành kỷ luật cách chức đối với thiếu tướng Trần Văn Tài, Phó tư lệnh Quân khu 9, “do đã có những vi phạm, khuyết điểm rất nghiêm trọng trong công tác và Ban Bí thư đã thi hành kỷ luật về Đảng”.
Theo báo chí trong nước, trước đó, hôm 25/5, Ban Bí thư đã họp và đưa ra kết luận trong thời gian giữ cương vị Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó bí thư Đảng uỷ, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bạc Liêu, ông Tài đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc của Đảng uỷ Quân sự tỉnh Bạc Liêu, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra vi phạm pháp luật và vi phạm quy định của Bộ Quốc phòng trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác huấn luyện, diễn tập và thực hiện quyết toán, sử dụng kinh phí trái quy định.
Vi phạm của thiếu tướng Trần Văn Tài được xác định là “rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín tổ chức đảng, Quân đội Việt Nam, gây bức xúc trong dư luận đến mức cần phải kỷ luật nặng.
Ai sẽ được nhận hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ đồng?
Tuoitre – Người lao động bị ảnh hưởng COVID-19 sẽ được nhận từ 1,5 triệu đồng/người đến 3,71 triệu đồng/người, trong khi lao động tự do được hỗ trợ ít nhất là 1,5 triệu đồng/người…
Đây là một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết 68 vừa được Chính phủ ban hành, nhằm hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Theo nghị quyết mới này, có 12 nội dung và nhóm đối tượng được hưởng các chính sách hỗ trợ.
Đầu tiên là giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng (từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022) cho người lao động thuộc đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (trừ cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, người lao động trong các cơ quan của Nhà nước, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập được hưởng lương từ ngân sách nhà nước).
Thứ đến là chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Người sử dụng lao động đã đóng đủ bảo hiểm xã hội hoặc đang tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất đến hết tháng 4 năm 2021 mà bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 thì người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất 6 tháng kể từ thời điểm nộp hồ sơ đề nghị.
Thứ 3, hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động. Người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp khi đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ; thay đổi cơ cấu công nghệ theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật lao động. Mức hỗ trợ tối đa là 1,5 triệu đồng/người lao động/tháng và thời gian hỗ trợ tối đa 6 tháng.
Tiếp đến là hỗ trợ một lần người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, với mức 1,8 triệu đồng/người (nghỉ việc từ 15 ngày đến dưới 1 tháng) và mức 3,7 triệu đồng/người nếu nghỉ việc từ 1 tháng trở lên.
Nội dung thứ 5 của nghị quyết nêu hỗ trợ một lần người lao động ngừng việc do COVID-19 với mức 1 triệu đồng/người.
Bên cạnh đó là hỗ trợ người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập chấm dứt hợp đồng lao động, mức 3,71 triệu đồng/người/lần duy nhất.
Chưa hết, gói 26.000 tỷ đồng còn để hỗ trợ người lao động đang mang thai, người đang nuôi con hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 6 tuổi thêm 1 triệu đồng/người.
Trẻ em phải điều trị do nhiễm COVID-19 hoặc cách ly y tế được ngân sách nhà nước đảm bảo các chi phí điều trị và tiền ăn theo quy định (80.000 đồng/người/ngày) và được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/trẻ em trong thời gian điều trị, cách ly từ ngày 27/4 đến hết 31/12/2021.
Nội dung thứ 8 quy định hỗ trợ tiền ăn mức 80.000 đồng/người/ngày đối với người phải điều trị nhiễm COVID-19 (F0) từ ngày 27/4 đến ngày 31/12/2021, thời gian hỗ trợ theo thời gian điều trị thực tế nhưng tối đa 45 ngày. Người phải cách ly (F1) cũng được nhận hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng/người/ngày không quá 21 ngày.
Thứ 9 là hỗ trợ một lần 3,71 triệu đồng/người đối với hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ và đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn (không bao gồm các đơn vị nghệ thuật lực lượng vũ trang) phải dừng hoạt động từ 15 ngày trở lên để phòng, chống dịch COVID-19.
Tiếp đến, các hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, có đăng ký thuế và phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên được ngân sách nhà nước hỗ trợ một lần 3 triệu đồng/hộ.
Kế đó, với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác, căn cứ điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương, các tỉnh, thành phố xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ nhưng mức hỗ trợ không thấp hơn 1,5 triệu đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương.
Cuối cùng là chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất.
40 doanh nghiệp muốn tổ chức công nhân ở lại nhà máy
VnExpress – 40 doanh nghiệp ở TP.HCM đã đăng ký tổ chức cho công nhân ăn nghỉ, làm việc tại nhà máy để đảm bảo sản xuất và phòng chống COVID-19.
Chiều 1/7, Ban quản lý các khu chế xuất – công nghiệp TP.HCM (Hepza) cho hay, đang phối hợp ngành chức năng kiểm tra điều kiện tổ chức nơi ở tập trung tại 22 doanh nghiệp thuộc Hepza đăng ký thực hiện vừa cách ly, vừa sản xuất. Nếu đạt yêu cầu, Hepza sẽ chấp thuận để các nhà máy triển khai.
Ông Phạm Thanh Trực, Phó ban quản lý Hepza giải thích “cách ly” được hiểu là doanh nghiệp bố trí nơi ở, làm việc của lao động tại nhà máy tách biệt bên ngoài tránh đưa mầm bệnh vào. Doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện như được cơ quan chức năng đánh giá nguy cơ lây nhiễm thấp; nơi ở tách biệt khu vực sản xuất; lối ra vào thuận tiện, có hệ thống camera giám sát…
Công ty cổ phần cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng (Khu công nghiệp An Hạ, huyện Bình Chánh) là một trong 40 doanh nghiệp đăng ký thực hiện. Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch công đoàn công ty cho hay nhà máy có nhiều đơn hàng cần hoàn thành, nếu dịch xâm nhập mà không ứng phó kịp sẽ thiệt hại lớn. Do đó, doanh nghiệp đã lên phương án bố trí cho hơn 700 công nhân ở lại nhà máy nếu phát hiện dịch.
Trước diễn biến dịch phức tạp, hai hôm trước UBND TP.HCM yêu cầu các địa phương phối hợp Sở Y tế thẩm định các doanh nghiệp ở thành phố đã đăng ký vừa sản xuất, vừa cách ly, hoàn thành trước ngày 5/7. Hepza tiếp tục vận động, nhân rộng doanh nghiệp triển khai cách làm trên.
TP.HCM có hàng chục nghìn doanh nghiệp, nhà máy với hơn 1,6 triệu lao động. Môi trường làm việc ở nhà máy được đánh giá khép kín, đông người, khi dịch xuất hiện dễ bùng phát, khó kiểm soát. Thời gian qua, các nhà máy ở khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân), Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh), Tân Phú Trung (Củ Chi), Tân Thuận (quận 7), Khu công nghệ cao (TP. Thủ Đức) ghi nhận nhiều ca nhiễm, bị phong tỏa và ngừng sản xuất.
Quảng Bình gửi hàng tấn cá biển vào tâm dịch Sài Gòn
Vietnamnet – 5 giờ sáng ngày 30/6, những thành viên của Câu lạc bộ Du lịch Quảng Bình í ới gọi nhau đến chợ cá Nhân Trạch – chợ hải sản lớn nhất ở địa phương. Họ bắt đầu thu mua cá tươi vừa được các ngư dân chuyển lên bờ sau một đêm đi đánh bắt.
Sau khi thu mua, những thành viên tiếp tục vận chuyển đến kho đông lạnh để sơ chế, đóng gói số cá. Việc thu mua, đóng gói kéo dài đến tận trưa.
Chị Trần Thị Thùy Dung, Chủ nhiệm CLB Du lịch Quảng Bình cho biết, chiến dịch gom cá tặng người Sài Gòn bắt đầu từ chiều ngày 28/6.
Chị Dung cho hay: “Hiện tại, ở TP.HCM do dịch bệnh, nhiều người lao động mất việc, giảm thu nhập, những bữa ăn hằng ngày cũng gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, thời gian vừa qua, Quảng Bình cũng như các tỉnh miền Trung bị lũ lụt tàn phá, đã nhận được sự hỗ trợ của người dân cả nước. Vì vậy người dân ở mảnh đất này muốn làm việc gì đó để cảm ơn những ân tình mà họ nhận được”.
Chị Dung cũng chia sẻ thêm, Quảng Bình là miền biển, đặc sản mùa này là cá nục – món hải sản tươi, ngon, nhiều dưỡng chất, giá cả lại phải chăng. Vì vậy nhóm chị đã quyết định chọn loại cá này để gửi tặng người dân Sài Gòn.
Chị cho hay: “Giá cá nục mua tại thuyền là 15 nghìn đồng/kg, cộng thêm chi phí túi đựng, cấp đông… là khoảng 20 nghìn/kg. Vì vậy chúng tôi quyết định chọn cá nục để có thể mua được nhiều, chuyển vào cho bà con. Cá sẽ được đưa đến các khu vực cách ly, người lao động nghèo, công nhân thất nghiệp…”.
Lời kêu gọi của nhóm được nhiều cá nhân, tổ chức hưởng ứng và ủng hộ bằng nhiều hình thức. Chị Dung nói “Có người góp vài kg cá nục, có người góp cả tạ cá ngừ, cá thu. Trong đó, một nhiếp ảnh gia cũng quyết định đấu giá ảnh và dùng toàn bộ số tiền để ủng hộ người dân Sài Gòn. Sau 2 ngày kêu gọi, số tiền chúng tôi nhận được lên đến khoảng 100 triệu đồng”.
Điều may mắn là việc thu mua cá để hỗ trợ Sài Gòn đều được người dân làng chài ủng hộ nhiệt tình.
Chị Dung nói thêm “Từ khâu thu mua đến giá cả, nhân lực cấp đông, vận chuyển, chúng tôi đều được ưu đãi. Chúng tôi còn được một công ty vận tải hỗ trợ chuyển 1 xe container chở cá từ Quảng Bình vào Sài Gòn (khoảng 30 tiếng) hoàn toàn miễn phí”.
Chị cho biết thêm: “Khi cá được chuyển vào Sài Gòn, những con người quê ở Quảng Bình sống ở đây sẽ hỗ trợ làm việc với chính quyền, phân bố cá về “Tủ lạnh yêu thương 0 đồng” ở các địa phương vùng dịch, để cung cấp cho bà con”.
CLB Du lịch Quảng Bình có hơn 50 thành viên. Họ là những người làm trong ngành du lịch của tỉnh này. Đợt lũ lụt tại miền Trung vừa qua, họ đã chung tay giúp đồng bào mình vượt khó khăn.
Các thành viên của CLB kêu gọi và nấu 17 nghìn suất cơm đưa đến vùng lũ. Họ cũng tổ chức thành công chiến dịch thu mua rác thải sau lũ, nhằm dọn dẹp môi trường sống cho địa phương.
Chị Dung nói: “Dù những người làm du lịch như chúng tôi cũng đang phải trải qua quãng khoảng thời gian khó khăn chung do đại dịch, nhưng chúng tôi vẫn muốn đồng hành hỗ trợ cùng cộng đồng, bắt đầu từ những việc nhỏ nhất”.