LÒNG CAN ĐẢM

Nguyễn Thơ Sinh

Tháng sáu đã khép lại… Những sự kiện liên quan đến người đồng tính cũng theo đó mà hạ màn, nhường lại sân khấu thời sự cho những mảng đề tài khác. Tất nhiên năm nay hơi lạ, nhiều vụ người Mỹ gốc Á bị tấn công xem ra vẫn là một đề tài nóng, dây dưa, y như đám cháy khó dập tắt.

Khi nước Mỹ không còn văn minh nhân bản như người Việt mình từng biết đến, ngày đó Mỹ gốc Á không bị tấn công lộ liễu giữa ban ngày. Còn hôm nay, nhìn lại, ngao ngán, băn khoăn tự hỏi: Liệu tình trạng này sẽ kéo dài, càng lúc càng xấu, càng tồi tệ hơn, trở thành một căn bệnh mãn tính? Rồi lại hỏi tiếp: Ai là người có trách nhiệm đứng ra can thiệp? Chính phủ? Cảnh sát? Hay chúng ta phải nghĩ cách tự mình bảo vệ mình trước.

Làn sóng Mỹ gốc Á (hay di dân gốc Á) sống tại Mỹ bị tấn công càng lúc càng nhiều đến độ trở thành tiếng còi báo động. Bởi xưa nay, đặc biệt với những ai đến Mỹ cuối thập niên 1980, đầu thập niên 1990, tình trạng di dân gốc Á sống ở Mỹ bị tấn công không xảy ra với tần số “cơm bữa” như đang thấy hiện nay.

Không ít cho rằng tình trạng kỳ thị di dân gốc Á sống tại Mỹ chẳng mới mẻ lạ lẫm gì. Thay vào đó đây là tình trạng xảy ra thường xuyên, song do gần đây các trang mạng xã hội xúm vào đưa tin, cùng với sự hiện diện của điện thoại thông minh nên những pha Mỹ gốc Á bị tấn công lập tức được quay lại. Không ít các vụ tấn công được thiết bị ghi hình của một cao ốc hay một văn phòng ghi lại. Chúng có mặt khắp nơi. Bến xe buýt có máy ghi hình, bưu điện cũng có, ngân hàng, nhà hàng cũng có. Rồi Internet xuất hiện rầm rộ, thành ra các vụ Mỹ trắng, Mỹ đen, thậm chí Mễ tấn công Mỹ gốc Á lập tức được loan đi như lửa cả gặp rơm khô.

Có lẽ xưa nay mảng tin Mỹ gốc Á bị tấn công không ai chú ý đến. Vâng. Một người Mỹ gốc Á bị tấn công, bị sách nhiễu, bị nạt nộ ức hiếp không đủ quan trọng để người ta quan tâm đến. Ai cũng biết Mỹ gốc Á thành đạt tại nhiều địa hạt trên đất Mỹ, song điều đó hoàn toàn không ăn nhập gì đến chuyện họ được xã hội Mỹ thực sự quan tâm đến. Chẳng có gì khó hiểu. Họ là thiểu số. Không hẳn mạng sống của họ rẻ như bèo, không đáng giá một xu; xét về mặt nhân định xã hội, một người gốc Á sống trên đất Mỹ gẫm lại chẳng là cái thá gì đối với bản đồ phân bổ dân số Mỹ, trong đó óc kỳ thị chủng tộc hiện diện như một thứ DNA nguy hiểm đáng sợ chẳng ai quỡn để nói nhiều về nó.

Thế là dạo gần đây làn sóng Mỹ đen, Mỹ trắng, Mễ tấn công Mỹ gốc Á tha hồ xuất hiện. Từ bờ Tây cho đến bờ Đông nước Mỹ, nơi đâu cũng thấy những cái tin Mỹ vàng bị ăn hiếp khiến Mỹ gốc Á nóng mặt bất bình. Với một số đó là chuyện hiển nhiên, với một số khác đó là nỗi ám ảnh lo lắng không biết khi nào mình sẽ trở thành nạn nhân chính thức.

Hãy tưởng tượng, một ngày bình thường nào đó, một di dân gốc Á cao niên, một phụ nữ đã lớn tuổi, cụ đi chợ, bất ngờ một quả đấm tung thẳng vào giữa mặt khi đứng đợi tại một ngã tư đèn xanh đèn đỏ. Cụ choáng váng. Mắt nổ đom đóm. Chuyện gì đang xảy ra thế này? Trời ạ. Tôi có làm gì gây hại đến ai đâu. Bao năm qua tôi sống ở đây đã quen. Nước Mỹ văn minh lịch sự lắm mà. Sao tự nhiên hôm nay người ta đấm thẳng vào mặt tôi như vầy! Vài phút sau khuôn mặt cụ tím bầm. Và để tự vệ, cụ vớ được một khúc gỗ tiện tay nện cho kẻ dám tấn công cụ một bài học nhớ đời. Hắn bị còng khi nằm trên băng-ca chuyển đến bệnh viện vì sự phản công của cụ.

Hay chuyện một thím khác của New York, một ngày yên bình đẹp trời, thím mặc bộ đồ đẹp nhất đang trên đường đến nhà thờ, hoàn toàn bình yên và thanh thản trong lòng. Đùng một cái, một gã đàn ông to cao, mức cân gần nặng gấp đôi thím. Hai con người xa lạ ấy chẳng hề quen biết, không oán không thù, chỉ vì đi ngược đường, một khoảnh khắc ngắn ngủi, họ chạm mặt, gã đàn ông da đen bữa đó quạu quọ khó ở sao đó (gặp thím) đã co chân đạp mạnh. Thím mất thăng bằng, lăn kềnh trên nền bê tông, đầu gục xuống mặt đường. Trong khi thím chưa kịp hoàn hồn, tìm thế gượng ngóc đầu lên lại bị gã đàn ông hộ pháp nọ bồi thêm mấy cú đạp la-phan nữa. Thím cố ngóc lên nhưng không được. Nhìn thím hết sức đáng thương, vô phương tự vệ như con thú yếu bị một con thú khác hung hãn hơn tấn công. Thước phim dài hơn 6 phút do máy ghi hình cài đặt tại một chung cư hạng sang gần Quảng trường Time Square của New York đã ghi lại vụ tấn công ấy. Ai xem qua đoạn phim ấy cũng đều sôi gan, ngứa người. Một số thực sự sốc. Một số cảm thấy không thể nào tưởng tượng nổi khi chứng kiến thái độ dã man ấy.

Trường hợp đầu là cụ Xiao Zhen Xie, một phụ nữ Mỹ gốc Hoa, 75 tuổi. Cụ bị tấn công tại San Francisco, dám đứng lên đánh trả kẻ tấn công mình. Trường hợp thứ hai là thím Vilma Kari, 65 tuổi, người Mỹ gốc Philippines, bị tấn công tại New York. Đó là hai vụ nổi lên trên mặt báo với khả năng phát tán nhanh chóng. Còn nhiều vụ khác xuất hiện nhưng không ai biết đến, chìm xuồng, nhanh chóng rơi vào quên lãng.

Hãng thông tấn AP chạy một bài báo có tên Doormen fired for failing to intervene in anti-Asian attack của tác giả Michael Sisak đăng ngày 06 tháng 04 tường thuật lại chuyện hai nhân viên gác cửa (doorman) của một khu chung cư sang trọng gần Time Square lập tức bị sa thải vì không ngăn cản hành vi tấn công của gã da đen nọ với thím Vilma Kari.

Không luận chuyện đúng sai tại sao hai người đàn ông gác cửa khoanh tay đứng nhìn người đàn ông nọ tấn công thím Vilma Kari. Thực ra khi quan sát video clip ấy nhiều người không đồng ý hoàn toàn với nội dung bài báo. Bởi đó là những thước phim câm với hình ảnh nhập nhoạng do camera quay lại. Nhiều thông tin bị thiếu hoặc không rõ ràng nên không ai dám nói mình có được một bức tranh hoàn chỉnh. (Thành ra) nếu trách hai người đàn ông nọ vô tâm xét kỹ lại có phần hơi kẹt cho họ.

Có nhiều lý do để hai doormen này từ chối không can thiệp, dù vóc dáng của họ không kém hung thủ là mấy. Tuy nhiên đặt vào vị trí của họ, mấy ai trong chúng ta có đủ can đảm để can thiệp? Những nỗi lo mơ hồ, tỷ như liệu kẻ đang hăng máu, nổi cơn điên kia sẽ tấn công người dám “xía mõm vô”. Nếu là người bình thường nhất định hắn đã chẳng tấn công một phụ nữ gốc Á không quen biết, không thù không oán? Nếu họ ra tay nghĩa hiệp biết đâu sẽ vướng họa “không phải đầu, lại phải tai” nên để chắc ăn họ quyết định không dây vào với hủi!

Hơn nữa không ai bảo hai doormen này có trách nhiệm phải ra tay can thiệp. Hiển nhiên vì vậy đây là chuyện tùy hỷ, hoàn toàn tự nguyện (optional) – muốn làm thì làm, không muốn thì thôi, không ai ép. Vì vậy chuyện họ can thiệp (hay không can thiệp) thuần túy 100% ý thức tự giác. Tức họ có quyền “say no” và từ chối. Tuy nhiên khi xem đoạn băng, vụ tấn công quá dã man, ai coi cũng sôi máu nên họ cảm thấy hai vị doormen này lẽ ra phải có trách nhiệm đứng ra giải vây cho người phụ nữ đáng thương nọ. Tuy nhiên nếu trách nhiệm này không được ghi xuống rõ ràng, họ đâu có nghĩa vụ phải thực hiện những điều không ấn định rõ trong hợp đồng lao động.

Hoặc có thể họ lo sợ cho tánh mạng của chính bản thân. Họ không biết người đàn ông kia thân thế ra sao. Anh ta có thể bị tâm thần, mà sức mạnh của người điên có Trời mới biết rõ nó mạnh đến cỡ nào. Biết đâu anh ta có súng? Hoặc có dao găm lận lưng. Hoặc có thể anh ta biết võ nghệ. Tóm lại một câu: Dây vào anh ta sẽ gặp nhiều rắc rối hơn những điều lợi lộc. Đã thế, hai doormen này có quá nhiều thứ phải lo đến trong cuộc sống. Can thiệp vào vụ này biết đâu họ sẽ gặp những rắc rối, tỷ như bị trả thù chẳng hạn; đó là điều cuối cùng họ không muốn xảy ra với bản thân mình.

Cuối cùng hai doormen nọ bị sa thải vì không ngăn cản vụ tấn công đáng nên án ấy. Có thể vì lý do mặt mũi (marketing) hoặc trước sức ép công phẫn của dư luận, ban điều hành tòa chung cư buộc phải có phản hồi thỏa đáng. Họ không thể im lặng mãi được. Vụ tấn công dã man ấy khiến lòng người nổi giận, nhất là nó xảy ra tại tiền sảnh của tòa chung cư. Máy ghi hình cũng là camera của khu chung cư, trong tình thế ấy, họ buộc phải có hành động cụ thể. Sa thải hai doormen nọ là lựa chọn tiện nghi hơn cả.

Rất may hai doormen này có tham gia nghiệp đoàn. Nghiệp đoàn của họ đã đứng ra can thiệp. Từ những lý do vừa thảo luận phần trên, hai doormen có lý do tin rằng họ không có trách nhiệm phải thực hiện những việc làm ngoài khuôn khổ thỏa thuận trong hợp đồng lao động. Sẽ mất ít nhất vài tháng để kết luận xem chuyện ban điều hành tòa chung cư sa thải hai doormen lần này đúng luật hay không. Người ta phải chờ. Sau khi có kết quả điều tra mới xác định rõ lỗi do ai và hình thức kỷ luật sẽ nặng nhẹ ra sao.

Quay lại chuyện vụ gã da đen nọ tấn công thím Vilma Kari, từ những gì quan sát được nơi đoạn băng ghi hình, sự việc diễn ra tương đối nhanh. Lúc đó người doorman thứ hai chưa xuất hiện khi vụ tấn công đang trong lúc cao trào. Người doormen đầu tiên chứng kiến vụ tấn công đã khép cửa chính lại, lấy cớ vì cửa đóng nên không trông thấy gì. Lúc đó camera quay cảnh ngoài đường, một người đứng gần đó bị hung thủ tiến đến hằm hè. Có lẽ do người này lớn tiếng can thiệp nên hung thủ nổi giận? Sau đó, gần một phút, khi cảm thấy thực sự an toàn hai doormen mới bước ra vì hung thủ đã bỏ đi. Không có bất cứ cú điện thoại nào gọi 911 yêu cầu hỗ trợ. Không ai gọi báo cảnh sát. Hai doormen chỉ bước ra khỏi khu lobby của tòa chung cư khi hung thủ đã bỏ đi.

Nếu được nghiệp đoàn bênh vực, hai doormen nọ sẽ không bị mất việc. Thậm chí ban điều hành tòa chung cư có thể bị hai doormen này kiện cáo vì đã tiến hành thủ tục sa thải thiếu công bằng. Có thể họ sẽ thắng kiện và số tiền bồi thường sẽ không nhỏ, ít nhất chúng tương xứng với những tổn thất thiệt thòi họ gánh chịu trong thời gian bị sa thải.

Còn tình huống xấu hơn thì sao? Họ bị sa thải vĩnh viễn vì luật sư cãi cho tòa chung cư là luật sư giỏi, nhiều bằng chứng được đưa ra giúp họ khẳng định hai doormen đã làm sai (thiếu trách nhiệm bảo vệ công chúng tại phạm vi bất động sản của tòa chung cư). Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là một tin xấu đối với hai doormen nọ vì vừa bị thất nghiệp, khoản lương không có, vừa đối diện với khó khăn chung giữa lúc cuộc sống không mấy thuận lợi do hệ lụy đại dịch Covid-19 vẫn còn.

Trở lại câu chuyện hai doormen xui xẻo vướng vào một sự kiện chẳng tốt đẹp gì. Người quen khi gặp họ sẽ hỏi: Bộ hai ông đui hả, không thấy người đàn bà đáng thương kia bị tấn công hay sao. Hay hai ông cố tình ngó lơ. Hoặc họ sẽ dè bỉu: Đồ nhát gan, thấy người gặp nạn không dám đứng ra can thiệp, bộ mấy ông là đàn bà, hả. Tóm lại một câu: Khi tự nhiên trở thành người nổi tiếng bất đắc dĩ trong một bối cảnh không mấy tốt đẹp gì, hẳn họ sẽ khó chịu vì ít nhiều sẽ mang tiếng xấu.

Còn chuyện lòng can đảm…

Nếu rơi vào cảnh của hai doormen nọ, chúng ta sẽ phản ứng như thế nào? Liệu chúng ta có dám có những phản ứng can thiệp, chí ít là kêu cứu, la ó (mục tiêu cốt lõi phân tán thái độ hung hăng của hung thủ). Hay chúng ta sẽ đóng cửa lòng, nhắm mắt lại, coi câu chuyện một người đàn bà gốc Á bị tấn công hoàn toàn không dính dáng liên hệ đến chúng ta.

Và lòng can đảm, nên chăng, đó là chuyện tùy hỉ, hoàn toàn không nhất thiết cần được thực hiện? Hay nghiêm túc hơn, lòng can đảm là điều mỗi chúng ta ai cũng nên có để xã hội không loạn lên, như câu chuyện gã đàn ông da đen nọ tấn công thím Vilma Kari giữa ban ngày ban mặt?

Nguyễn Thơ Sinh

Related posts