Tin thế giới sáng Chủ Nhật

Mỹ và NATO đã rút hết quân khỏi căn cứ không quân Bagram, Afghanistan

Thùy Dương

image.png
Lính Mỹ đang chuyển một máy bay trực thăng Blackhawk lên phi cơ C-17, căn cứ Bagram, Afghanistan, ngày 16/06/2021. AFP – COREY VANDIVER

Toàn bộ quân Mỹ và NATO hôm qua 02/07/2021 đã rời khỏi căn cứ không quân Bagram, căn cứ quân sự lớn nhất ở Afghanistan được đặt dưới sự quản lý của quân đội Hoa Kỳ. Phe Taliban nói « vui mừng » về việc các lực lượng nước ngoài rời khỏi căn cứ Bagram, vốn là cột trụ trong các chiến dịch của quân Mỹ trong suốt cuộc chiến bắt đầu từ năm 2001 tại Afghanistan.

Cũng trong ngày hôm qua, phát ngôn viên Nhà Trắng, Jen Psaki, thông báo Mỹ sẽ rút toàn bộ quân khỏi Afghanistan trước cuối tháng 08/2021.

Từ Kabul, thông tín viên Sonia Ghezali giải thích:

« Việc rời căn cứ không quân Bagram là một chặng quan trọng trong quá trình rút quân Mỹ khỏi Afghanistan, một chặng mang tính biểu tượng cao. Căn cứ Bagram là một khu phức hợp cực kỳ lớn, bao quanh là các bức tường chống nổ và phủ hàng rào dây thép gai. Căn cứ nằm cách thủ đô Kabul 50 km về phía bắc và là căn cứ lớn nhất do Mỹ quản lý ở Afghanistan. Đó là nơi đồn trú của 30.000 binh lính và nhân viên dân sự của Mỹ cũng như các lực lượng của NATO vào thời kỳ các chiến dịch của họ được triển khai ở mức cao nhất.

Ở những khu làng lân cận, người dân tỏ thái độ cay đắng về sự ra đi của quân đội Hoa Kỳ. 20 năm sau khi quân Mỹ can thiệp vào Afghanistan, đất nước này dường như đang bên bờ vực của sự hỗn loạn. Taliban thực sự đang tiến tới với một tốc độ khủng khiếp. Từ vài ngày nay, họ đã cố gắng chiếm được thủ phủ của một số tỉnh.

Theo một số nguồn tin, quân nổi dậy đã chiếm các đồn biên phòng ở biên giới với Tajikistan và có thể sớm giành quyền kiểm soát biên giới với Uzbekistan. Taliban cho thấy rõ ràng là họ có lợi thế so với lực lượng an ninh Afghanistan, lực lượng sẽ lâm cảnh đơn độc chỉ sau chưa đầy ba tháng nữa ».

Nóng kỷ lục kéo dài, cháy lớn tại Canada và Mỹ: Hậu quả rõ ràng của Biến đổi khí hậu

Trọng Thành

image.png
Ngọn lửa bùng lên tại các khu phố ở Lytton, miền tây Canada, ngày 30/06/2021. via REUTES – 2 RIVERS REMIX SOCIETY

Sau một tuần nóng kỷ lục, bang British Columbia, miền tây Canada, tiếp tục phải đương đầu với nạn cháy rừng. AFP hôm qua, 02/07/2201, ghi nhận hàng chục vụ cháy rừng tại miền tây Canada và vùng California, Hoa Kỳ.

Gần 500 người chết trong đợt nóng kể từ ngày 25/06 tại Canada, ít nhất 16 người chết tại Mỹ. Ngôi làng Lytton, với khoảng 250 dân, cách thành phố Vancouver, Canada, 250 km về phía đông bắc, bị lửa tiêu hủy đến 90%. Lytton là nơi ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục, 49,6°C trong tuần vừa qua, cao hơn gần 5°C so với mức kỷ lục trước đó vào năm 1937. Nhiều nơi tại bang British Columbia nhiệt độ vượt quá 40°C, tức cao hơn 20°C so với nhiệt độ trung bình vào thời điểm này.

Các bang miền tây bắc nước Mỹ, Washington và Oregon cũng ghi nhận mức nóng kỷ lục trong tuần qua. Tại bắc California, một trận cháy rừng lớn thiêu hủy 200 km². Riêng tại British Columbia, Canada, cơ quan quản lý rừng ghi nhận 9 trận cháy lớn, với tổng diện tích hơn 600 km².

Nguyên nhân trực tiếp của hiện tượng này là hiệu ứng « vòm nhiệt », khi không khí nóng dưới mặt đất không tỏa đi được do áp suất không khí rất cao ở phía trên, áp suất cao nén xuống không khí bên dưới làm tăng sức nóng tại chỗ. Mức nóng lại càng gia tăng trong bối cảnh khu vực miền tây Canada và Mỹ đang trong giai đoạn khô hạn.

Kể từ thứ Năm, 01/07, hiệu ứng « vòm nhiệt » tiếp tục di chuyển về phía đông Canada, tới các vùng bình nguyên miền trung Canada. Ngoài bang British Columbia, các bang Alberta, Saskatchewan, Manitoba, một phần vùng lãnh thổ tây bắc và cả khu vực phía bắc bang Ontario (miền đông Canada) cũng đang bị đợt nóng này đe dọa.

Hiện ứng « vòm nhiệt » là một hiện tượng khí hậu được giới khoa học biết đến, và không phải là mới với khu vực này. Tuy nhiên, do tác động của biến đổi khí hậu, đợt nóng đến sớm hơn so với mọi năm và kéo dài. Trả lời Le Monde, nhà khí hậu học Nikos Christidis, cơ quan khí tượng Anh, cảnh báo « nếu không có biến đổi khí hậu do con người, sẽ gần như không thể nào có một kỷ lục nhiệt độ cao như vậy tại miền tây Hoa Kỳ. Xác suất của một kỷ lục nhiệt độ như vậy chỉ là vài chục nghìn năm mới xảy ra một lần ».

Hiện tại, nhiệt độ Trái đất mới tăng quá 1,2°C so với thời tiền công nghiệp, mà các hiện tượng thời tiết cực đoan như hiện tượng « vòm nhiệt » nói trên đã xảy ra dữ dội và thường xuyên. Giới khoa học về khí hậu nhiều lần nhấn mạnh, nếu nhiệt độ Trái đất tăng quá 1,5°C, các hiện tượng khí hậu bất thường, cực đoan sẽ còn xảy ra dồn dập hơn nữa, với mức độ dữ dội hơn nữa. 


Đảo chính Miến Điện : Mỹ trừng phạt nhiều quan chức cao cấp của tập đoàn quân sự

Thanh Hà

image.png
Biểu tượng của phong trào phản kháng Miến Điện, tại thị trấn Kamayut gần Rangoon, ngày 11/04/2021. AP

Trừng phạt tập đoàn quân sự Miến Điện đảo chính, Mỹ biến lời nói thành hành động. Hôm 02/07/2021, chính quyền Biden thông báo danh sách trừng phạt nhắm vào 7 tướng lĩnh Miến Điện cùng 15 thân nhân của họ.

Thông cáo của bộ Tài Chính Mỹ giải thích : « Không thể chấp nhận quân đội khai tử nền dân chủ và tiến hành một chiến dịch đàn áp thô bạo nhắm vào người dân Miến Điện ». Hoa Kỳ tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt nhắm vào các tướng lĩnh Miến Điện và buộc những người có liên quan đến cuộc đảo chính phải chịu trách nhiệm về các hành vi nói trên. Washington không loại trừ khả năng nhắm vào các nguồn thu nhập của quân đội Miến Điện và giới lãnh đạo tập đoàn quân sự nước này.

Trong số 7 quan chức Miến Điện bị trừng phạt, có bộ trưởng Thông Tin ; bộ trưởng Đầu Tư và Quan Hệ Kinh Tế với Nước Ngoài ; bộ trưởng Lao Động, Nhập Cư và Dân Số ; bộ trưởng bộ Xã Hội và ba thành viên trong hội đồng quân sự quốc gia.

Tài khoản của những người này và vợ con họ, cũng như những tập đoàn trong tầm kiểm soát của những nhân vật nói trên sẽ bị phong tỏa. 22 nhân vật trong tầm ngắm của chính quyền Biden bị cấm giao thương với các doanh nghiệp Mỹ.

Chân dung tướng Min Aung Hlaing bị đốt
Đúng vào ngày sinh nhật 65 tuổi của lãnh đạo tập đoàn quân sự Miến Điện, tướng Min Aung Hlaing, hôm nay nhiều người biểu tình chống vụ đảo chính ngày 01/02/2021 đã đốt ảnh chân dung của ông. AFP nhắc lại 65 tuổi là tuổi để các tướng lĩnh Miến Điện nghỉ hưu chiếu theo Hiến Pháp năm 2008. Trên các mạng xã hội, một cách tượng trưng, nhiều người kêu gọi nấu những bát canh Mohinga thường được dùng trong dịp tang lễ. Đây là hình thức người biểu tình Miến Điện cầu nguyện để tướng Min Aung Hlaing chóng từ giã cõi đời.


Covid-19 : Gần nửa dân số Bồ Đào Nha bị giới nghiêm trở lại vào ban đêm

Trọng Thành

image.png
Khu phố trung tâm Lisboa, Bồ Đào Nha, ngày 24/06/2021. © REUTERS – PEDRO NUNES

Kể từ ngày hôm 02/07/2021, gần nửa dân số Bồ Đào Nha, tiếp tục phải tuân thủ lệnh giới nghiêm vào ban đêm, để đề phòng đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại, với khoảng 2.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, mức cao chưa từng có kể từ giữa tháng 2/2021.

Việc đi lại giữa vùng thủ đô Lisboa và phần còn lại của đất nước đã bị cấm trong kỳ nghỉ cuối tuần, từ hai tuần nay. Người phát ngôn của chính phủ Bồ Đào Nha ghi nhận tình hình đang trở nên nghiêm trọng hơn, cho dù « không thể so được với những thời điểm tồi tệ nhất mà đất nước đã trải qua kể từ một năm rưỡi nay ». Tại thủ đô Lisboa, việc áp dụng trở lại một số biện pháp siết chặt phòng dịch gây tâm lý thất vọng.

Thông tín viên Marie-Line Darcy tường trình từ Lisboa :

« Tại Lisboa, nơi có lệnh giới nghiêm từ 23 giờ, dân chúng có vẻ hơi hoài nghi về hiệu quả của biện pháp này. Cô Mariana, 23 tuổi, không giấu được vẻ hẫng hụt. Cô nói : « Tôi không hiểu tại sao lại là 23 giờ, điều này khá là võ đoán. Tôi cũng không biết là biện pháp này có cho phép hãm lại dịch bệnh hay không. Về phần cá nhân, tôi thấy thất vọng, bởi vì tôi sẽ không thể làm gì được. Nhất là vào lúc này, khi trời đẹp thế này mà lại không thể đi dạo, thật là khủng khiếp ! »

Vẫn theo Mariana, giờ giới nghiêm này bị coi là quá sớm, và có thể sẽ không được tuân thủ. Theo Mariana, « nếu giới trẻ muốn đi uống với nhau ở đâu đó, hay tụ tập sau 23 giờ, cho dù bị cấm, họ vẫn sẽ đi ». Mariana báo trước là cô sẽ không tuân thủ lệnh giới nghiêm, dù chỉ để ra đầu phố hút một điếu thuốc.

Ông Edgar, một người bán băng đĩa nhạc, tuổi trung niên, thì có quan điểm cần kiên nhẫn trước tình hình hiện tại. Ông nói : « Mọi người thật là ích kỷ. Không phải là bằng cách nhất nhất chống lại các biện pháp của chính quyền mà vấn đề sẽ được giải quyết. Ai có thể làm tốt hơn được ? Những người phản đối không có giải pháp nào, và bản thân họ cũng không biết họ đang nói gì nữa ».

Khoảng 4 triệu người Bồ Đào Nha trên tổng số 10 triệu người sẽ phải tuân thủ lệnh giới nghiêm này ».


Thủ tướng Đức công du Anh Quốc : Berlin quan ngại về Covid-19 mùa Euro 2020

Thanh Hà

image.png
Thủ tướng Đức Angela Merkel và đồng nhiệm Anh Boris Johnson trong cuộc họp báo chung ngày 02/07/2021, tại Luân Đôn. Jonathan Buckmaster POOL/AFP

Trong chuyến công du Anh Quốc lần cuối ở cương vị thủ tướng Đức hôm 02/07/2021, bà Angela Merkel được tiếp đón trọng thể. Thủ tướng Đức được nữ hoàng Elizabeth II tiếp tại lâu đài Windsor. Nhưng trọng tâm chuyến đi này của thủ tướng Đức là buổi làm việc với đồng nhiệm Anh, thủ tướng Boris Johnson.

Thủ tướng hai nước đã có một buổi làm việc chung và trong cuộc họp báo, lãnh đạo Đức bày tỏ quan ngại về biến thể Delta đang hoành hành tại Anh trong mùa cúp bóng đá châu Âu. Berlin gián tiếp chỉ trích Luân Đôn dỡ bỏ biện pháp hạn chế số khán giả vào cửa xem các trận đấu bóng Cúp Euro 2020 diễn ra tại sân vận động Wembley.

Thông tín viên Marie Boeda từ Luân Đông tường thuật :

“Một bức tường thành về miễn nhiễm đối với virus corona. Boris Johnson khoe thành tích của chiến dịch tiêm chủng tại Anh. Ông nhắc lại, tới nay 85 % người trên 18 tuổi đã được chích một liều vac-xin và 63 % đã được nhận được đầy đủ hai mũi tiêm. Vac-xin hiệu quả với biến thể Delta, con số khá ít người chết tại bệnh viên đã chứng minh điều đó. Khả năng đón tiếp khán giả cho các cuộc tranh tài ở vòng bán kết và chung kết giải bóng đá Euro năm nay tại sân vận động trong tuần này được nâng lên thành 60.000 người thay vì 40.000 như dự kiến.

Bà Merkel bày tỏ quan ngại. Thủ tướng Đức trực tiếp nêu bật điều này với ông Boris Johnson trong cuộc họp báo chung. Bà nói : « Liệu tôi có thể thưa với ngài thủ tướng là tại Đức, chúng tôi quyết định giới hạn số khán giả vào xem các trận đấu trên sân vận động ở Munich ? Chính phủ Anh sẽ đưa ra những quyết định riêng, nhưng tôi lo ngại và tự hỏi rằng liệu có đông khán giả quá hay không.”

Số ca lây nhiễm tại Anh liên tục gia tăng do biến thể Delta. Chỉ riêng trong ngày hôm 01/07/2021, trên toàn quốc đã có 24.000 trường hợp được ghi nhận. Trong trận đá bóng giữa Anh Quốc và Scotland, gần 20.000 cổ động viên Scotland đã tập hợp về Luân Đôn và các xét nghiệm từ đó tới nay cho thấy 2.000 trong số này dương tính với virus corona. »

Related posts