“Hình ảnh thú vị đối với người hâm mộ bóng đá Việt Nam khi lá cờ đỏ sao vàng đã xuất hiện trên khán đài VCK EURO 2020.” (Vietnamnet).
“Điều đó cho thấy, tình yêu dành cho bóng đá của người Việt không thua kém bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.” (Vietnamnet)
“Trong số hơn 6 vạn fan, có cả những khán giả Việt Nam với lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện trên khán.” (Vietnamnet)
“Anh Dũng (?) ạ, có một điều tôi muốn nói là tôi rất xúc động khi chứng kiến lá cờ Việt Nam trên khán đài sân Saint Petersburg.” “Lá quốc kỳ phải nói là được treo ở một vị trí rất đặc biệt.” (Mr Tạ Biên Cương, đại ý, không chính xác câu chữ nhưng nói đi nói lại rất nhiều lần.)
Trong khi đó, nhiều người trên mạng lại cho rằng việc mang cờ tới khán đài một giải đấu không có đội tuyển Việt Nam tham dự là “kỳ quặc”, “vô duyên”, “chẳng có gì đáng tự hào”, “lạc lõng”…
Một Facebooker viết: “Thú thật, nhìn thấy 3, 4 lá cờ khá to của một nước không liên quan đến giải Euro nằm giữa khán đài B và xung quanh trên sân St. Petersburg khá kỳ quặc. Ngay cả 2 đội đá trên sân là Thụy Sĩ và Tây Ban Nha cũng chỉ có 1 lá cờ nhỏ treo khiêm tốn 1 góc.
Các BLV nhà đài thấy tự hào về chuyện này. Mình thì chỉ thấy kỳ quặc, không lý giải nổi.”
“Nói thật, tui cảm thấy chẳng có chút gì tự hào khi xuất hiện quốc kỳ VN trên khán đài EURO. Đại tiệc của người ta,mang cờ vào đó tôi thấy lạc lõng và vô lý hơn là hứng thú với điều đó. Thật ra đó là kiểu tư duy ăn ké,…” một facebooker khác viết.
Về vấn đề này, mình chia sẻ một số ý sau đây:
1. CÓ AI MANG CỜ NHƯ MẤY CỔ ĐỘNG VIÊN VIỆT NAM KIA KHÔNG?
Câu trả lời là có. Có nhưng không phải là chuyện phổ biến.
Cho nên mấy bạn “anti” nói là “không có ai làm như vậy” là không đúng.
Người hâm mộ từ các nước không có đội tuyển tham dự tại các giải đấu như World Cup, Euro… thi thoảng cũng mang cờ của họ lên khán đài treo chơi. Các “tiểu quốc bóng đá” dường như càng có ham muốn đó. Có thể thấy mấy nước kiểu như Trung Quốc, Việt Nam, Uzbekistan… thường có người mang cờ đi xem Euro, World Cup dù không có đội tuyển của họ tham dự.
Dân đến từ các nước bóng đá mạnh như Brazil, Anh, Pháp… thì rất hiếm khi mang cờ tới các giải đấu mà đội tuyển của họ không tham gia, nhưng việc mang theo biểu tượng quốc gia in trên áo, mũ… thì khá phổ biến.
Nói tóm lại, mang cờ mình đi treo tại mấy giải đấu đó đúng là kiểu “ăn ké” thôi. Nó cũng giống như livestream của chị Hằng hàng trăm ngàn người đang xem, có ông nội thẩm mỹ viện lên spam quảng cáo và để lại số điện thoại vậy.
Đó chính xác là ké fame!
2. MANG CỜ NHƯ VẬY CÓ ĐƯỢC PHÉP KHÔNG?
Ban tổ chức các giải đấu thể thao như World Cup và Euro nói chung “say no” với chính trị. Nhưng việc kiểm soát chủ yếu là đối với vận động viên và thành viên đội bóng tham gia.
Khán giả thì thoải mái hơn. Họ có thể mang biểu tượng, khẩu hiệu chính trị tới sân. Nhiều người mang theo khẩu hiệu “giải phóng Palistine”, “tự do cho Tây Tạng”… hay khẩu hiệu “Hãy gạt chính trị ra khỏi trận đấu” (giữa các trận đấu có Iran, Mỹ hoặc Bắc Triều Tiên… chẳng hạn).
Người Argentina đi xem bóng đá (tất nhiên là ở World Cup nơi đội tuyển của họ luôn có mặt) thì thường mang theo các khẩu hiệu liên quan tới quần đảo Malvinas (mà người Anh đang kiểm soát với tên gọi Falkland) treo lên như một tuyên bố chủ quyền.
Cá nhân mình đã đi hơn 10 cái sự kiện cả World Cup và Euro, chưa thấy các khẩu hiệu chính trị liên quan đến Việt Nam nhưng cờ, mũ cối và hình lãnh tụ thì nhiều.
(Tới đây, mình phân vân nếu trên khán đài xuất hiện các hình ảnh “không thân thiện với chính quyền Việt Nam” thì các BLV và nhà đài sẽ xử lý như thế nào? Có lẽ sẽ cúp các đoạn đó đi.)
Tất nhiên là khẩu hiệu cũng vừa phải, ôn hòa, còn nếu gây hấn quá thì bị dẹp ngay.
Một điểm cần lưu ý là treo cờ treo quạt thì phải đúng nơi chốn. Treo che hết các biểu tượng giải đấu, bảng quảng cáo, tầm mắt của người xem là bị dẹp.
Tóm lại, mang cờ, cũng là một biểu tượng chính trị, đi treo trong sân là được phép nhưng không phải muốn treo đâu thì treo. Thêm nữa, cuộc chơi của người ta mà mình “áp đảo” quá thì cũng ngộ! Hic!
3. CỔ ĐỘNG VIÊN CÁC NƯỚC THƯỜNG MANG GÌ?
Cổ động viên các nước có đội tuyển thi đấu thì mang theo cờ, áo, mũ, hình cầu thủ ngôi sao… và các biểu tượng, các niềm tự hào của nước họ.
Chẳng hạn người Hà Lan mang theo hình cô gái vắt sữa bò, người Pháp mang theo hình con gà trống hoặc cái bánh mì baguette, người Argentina mang theo hình Maradona, Messi và Giáo hoàng Francis…
Cổ động viên Anh có lẽ đặc biệt nhất. Bên cạnh các biểu tượng “quốc gia đại sự” thì rất nhiều người mang theo cờ của các đội bóng quê nhà. Đó không nhất thiết phải là Arsenal, Man United, Chelsea,… mà là các đội bóng nơi khu phố của họ, nơi mà mỗi chiều cuối tuần họ có thể tới làm vài ly bia, xem thằng bạn hàng xóm đá, xem ông HLV đồng thời là thầy giáo trường làng đứng chỉ đạo.
Nhiều người mang theo hình ảnh hoặc viết lên những câu rất vui. “Vợ tôi gọi điện bảo sắp sinh, nhưng tôi nói với cô ấy tôi còn bận xem World Cup,” (tiếng Anh thì ngắn hơn, nhưng đại khái là xem bóng đá quan trọng hơn vợ đẻ), “Cesc ơi, cưới em đi!” (Cesc là một cầu thủ Tây Ban Nha), “Robben chỉ là một hòn đảo” (cái này hồi World Cup 2010 ở Nam Phi, Robben là cầu thủ xuất sắc của Hà Lan đồng thời cũng là tên một hòn đảo nổi tiếng, nơi Nelson Mandela từng bị giam cầm. Ý nói Robben ạ, cậu giỏi thì giỏi nhưng đội chúng tôi sẽ cô lập cậu ngay. Rất chi là thông minh!)…
Mình cũng để ý thấy hầu như không nước nào, kể cả có đội tuyển tham dự lẫn không, mang theo hình lãnh tụ, tướng tá, các nhân vật chính trị.
Việc mang theo hình lãnh tụ lên khán đài chủ yếu xuất hiện ở những nhóm cổ động viên các quốc gia quân chủ thần quyền như người Thái mang hình vua hoặc một số nước có tệ sùng bái lãnh tụ. (Ngoại lệ: Hình Nelson Mandela khi World Cup diễn ra ở Nam Phi và trong giai đoạn nhà lãnh đạo này đang bệnh nặng như một sự tôn vinh, tri ân và cầu nguyện.)
Thử tưởng tượng khán đài World Cup trong trận đấu giữa Iran và Mỹ, bên này là hình George Washington, Abraham Lincoln… bên kia là hình Sayyid Ruhollah Khomeini, Ali Khamenei… hay một trận khác có Kim Jong-il, Kim Jong-un rồi trận khác nữa có Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình… Người Pháp thì mang theo Charles de Gaulle, người Anh thì mang theo Nữ hoàng Elizabeth II hay Winston Churchill…
Khi đó, Mỹ sẽ tận dụng tối đa các cú sút xa kiểu Tomahawk, Iran thì đánh hai biên bằng các vụ đột kích cảm tử, Trung Quốc thì dùng chiến thuật biển người lấy thịt đè người (nhưng hỡi ôi mỗi bên đều chỉ 11 cầu thủ!), thủ quân Bắc Triều Tiên hơi mập nhưng không ngại chơi bạo lực và không ngừng ăn vạ!
World Cup mới máu lửa làm sao!
4. NIỀM TỰ HÀO HAY NỖI ÁM ẢNH?
Các quốc gia có đội tuyển tham dự lần đầu, như người Panama lần đầu tiên có mặt ở World Cup 2018, dù thua “sặc gạch” nhưng vẫn có quyền tự hào và hầu như ai cũng chia sẻ với họ điều đó.
Còn lý do để những “tiểu quốc bóng đá” tự hào, hãnh diện nơi giải đấu mà họ không có mặt khó hiểu hơn nhiều.
Tự hào về điều gì? Về chuyện mình có tiền đi xem World Cup? Cái đó đáng tự hào về mặt cá nhân thật, nhưng nếu coi đó là một niềm tự hào quốc gia như anh bình luận viên kia không ngớt nức nở thì quả là bay bổng quá.
Ở một khía cạnh khác, sự xuất hiện này dường như mang theo nỗi ám ảnh, tự ti nhiều hơn là tự hào: ám ảnh được nhìn thấy, được biết đến, được có mặt, được chứng minh (Chứng minh gì? Xin thưa, chúng tôi muốn chứng minh với thế giới rằng “đất nước tôi, nhân dân tôi cũng yêu bóng đá không kém quý vị” như báo Vietnamnet viết. Chứng minh vậy để làm gì? Tại sao phải chứng minh? Lâu nay bị ai khinh là không yêu bóng đá rồi ấm ức hả? Đi mà hỏi Vietnamnet!).
Khi ta cần, ta khát khao ai đó nhìn thấy ta, biết đến ta, “à, nó cũng có mặt kìa”, “nó cũng tồn tại kìa”, thì bao hàm trong đó là sự tự ti, đặt ta thấp hơn cái người ban chứng chỉ thừa nhận kia.
Cá nhân mình, khi nhìn thấy hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng, hay nón lá hay một cái gì đó liên quan tới Việt Nam, trực tiếp hay qua ti vi (trên khán đài các giải đấu không có đội tuyển Việt Nam), thì trong đầu hiện lên một vài từ khóa: thông tin, quen thuộc, tin tức, tò mò.
Thông tin: Hình ảnh đó cung cấp cho mình thông tin ở đó có người Việt hoặc có gì đó liên quan đến Việt Nam đang hiện diện.
Quen thuộc: Nhìn những hình ảnh nước mình thì hiển nhiên là có cảm giác quen thuộc.
Tin tức: Đó là một thông tin, nhưng nó có thể là tin tức (để đăng báo) được không? Đó là một câu hỏi bình thường của một phóng viên.
Tò mò: Họ là ai? Họ đến đây bằng cách nào? Họ mua vé loại gì? Hết nhiêu tiền?
Trong những từ khóa đó, không hề có “tự hào”, và tất nhiên cũng không có “tự nhục”.
5. MANG THEO THỨ GÌ?
Mang theo thứ gì đi xem World Cup, Euro (những giải đấu không có Việt Nam tham dự) là quyền cá nhân của mỗi người, miễn sao nó phù hợp với quy định của nơi mà họ đến.
Mình không phán xét chuyện đó.
Tuy nhiên, mình có thể nói mình thích hoặc không thích điều gì.
Mình không thích quảng bá hình ảnh Việt Nam như là một đất nước “chỉ biết đánh nhau giỏi” (thông qua các hình ảnh và thông điệp làm liên tưởng đến chiến tranh, chứ không phải cờ).
Bây giờ thế giới phẳng, kết nối mạng phà phà nên việc tìm hiểu lịch sử, văn hóa các nước rất dễ. Tuy nhiên, rất nhiều người nước ngoài khi nhắc đến Việt Nam thì trong đầu họ vẫn hiện lên vài từ khóa cơ bản: “Hold She Ming”, “Pằng pằng pằng”, “America”…
Cái này phổ biến ở lớp bình dân, nhưng cũng hiển hiện ở tầng lớp elite. Bạn có thể thấy thi thoảng các nhà báo Tây viết về Việt Nam thường kèm các câu viết mà có lẽ chính bản thân họ cũng không chắc chắn là gì, chẳng hạn: “Đất nước có lịch sử gần đây rất hỗn loạn…”
Hồi mình đi Sri Lanka (không liên quan bóng đá), cậu tài xế buổi sáng tới đón mình đi tác nghiệp, vừa rời khỏi khách sạn bèn bảo: “Để tao chở mày ngang qua nhà người bạn của mày.” Mình ngạc nhiên: “Bạn nào?” Cậu nói: “Tao đùa. Đó là kẻ thù. Ý tao là đại sứ quán Mỹ.” Mình cười ha ha: “Thù hằn quái gì giờ này nữa. Giờ ở nước tao người Mỹ hà rầm.”
Nhiều cổ động viên bóng đá, khi thấy mình thì bèn giơ nắm đấm và chào: “Kung fu! Kung fu!” Mình đáp: “Không phải Kung fu!” Họ bèn nói: “Níp Pông! Níp Pông!” Mình đáp: “Không phải Níp Pông!” Họ bèn đoán tiếp: “Kò Ria! Kò Ria!”. Mình mất kiên nhẫn bèn nói: “Tao là người Việt Nam!” Mấy lần thì mấy người kia đều: “Wow, Việt Nam, Hold She Ming! Pằng pằng!” Rồi giơ tay làm bộ đang cầm súng.
Tùy theo người tiếp nhận mà câu chào này sẽ được hiểu như thế nào.
Người thì vỡ òa: “Ôi, họ hâm mộ ta, họ hâm mộ Hold She Ming, hâm mộ Việt Nam đánh nhau giỏi! Thế nên lần sau đi ta bèn đội mũ cối, quàng khăn rằn theo cho dễ nhận diện thương hiệu!”
Mình thì nghĩ trong đầu: Mấy ông nội này chắc xem phim Hollywood nhiều bị nhiễm, thấy Việt Cộng toàn là mấy ông ốm nhom ốm nhách ở trong rừng bị Rambo tỉa từng phát một đây mà!
Xin thưa, cộng sản quê tao bây giờ đi Bentayga, đeo đồng hồ Patek Philippe và đang uống vang trong nhà hàng Guy Savoy đằng kia kìa! Xem bóng đá ở sân Parc des Princes thì họ ngồi phòng lounge chứ không thèm đặt đít trên mấy cái ghế gập ngoài khán đài đâu (tất nhiên mình nói vậy với zero niềm tự hào). Khi nào tới Việt Nam, tao dắt đi vũ trường nha, ở đó mà pằng pằng!
Nói cho vui thôi, chứ mình thấy phản ứng của nhiều người nước ngoài, đến tận hôm nay, là chỉ dấu cho thấy thành công vượt bậc của việc không ngừng quảng bá thương hiệu chiến tranh của Việt Nam, đồng nghĩa với sự thất bại trong việc quảng bá Việt Nam như là một thương hiệu của hòa bình.
Sự quảng bá chiến tranh ấy bên cạnh Hollywood và bộ máy tuyên truyền của nhà nước, có đóng góp không nhỏ của những người bình thường với hình ảnh mũ cối, những câu chuyện chiến tranh mà họ luôn mang theo và chia sẻ với bạn bè quốc tế mỗi khi ra nước ngoài xem bóng đá.
6. TÓM LẠI?
Đi xem bóng đá mang gì theo, treo gì lên cũng được miễn không vi phạm luật chơi. Nhưng rưng rưng với lại tự hào thì nghe lố quá! Tự nhục cũng không nên!
Thêm nữa, đi coi đá bóng, dù có đội tuyển Việt Nam, mà hát đi hát lại “đấu tranh giành toàn vẹn non sông” với lại “kháng chiến đã thành công” nghe không hợp lắm.