Tin thế sáng thứ Ba

Liên Âu kêu gọi Bắc Kinh tái lập lòng tin để cứu vãn Hiệp định Đầu tư Song phương

Trọng Thành

image.png
Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel, thủ tướng Đức Angela Merkel, tổng thống Pháp Emmanuel Macron và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình họp trực tuyến ngày 3012/2020 để thông qua hiệp định đầu tư giữa Trung Quốc và Liên Hiệp Châu Âu. Bruxelles, Bỉ. AFP – JOHANNA GERON

Tại Diễn đàn Hòa bình Thế giới ở Bắc Kinh, do chính quyền Trung Quốc tổ chức, ngày 04/07/2021, đặc sứ Liên Âu kêu gọi Bắc Kinh đối thoại chính trị để tái lập lòng tin, nhằm cứu vãn Hiệp định Đầu tư Song phương (CAI).

Theo báo mạng Hồng Kông South China Morning Post, đặc sứ Liên Âu tại Trung Quốc, ông Nicolas Chapuis, khẳng định không gian đối thoại chính trị giúp cho « sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau » giữa châu Âu và Trung Quốc đã xấu đi nghiêm trọng trong 18 tháng qua. Đặc sứ Nicolas Chapuis lo ngại thái độ « quá hung hăng » của Bắc Kinh đang gây trở ngại cho việc cải thiện quan hệ, cụ thể là việc thông qua Hiệp định Đầu tư Song phương.

Hiệp định Đầu tư Song phương Liên Hiệp Châu Âu – Trung Quốc hiện đang bị Nghị Viện Châu Âu đình chỉ việc phê chuẩn. Các vụ vi phạm nhân quyền của Trung Quốc, đặc biệt là tại Tân Cương, đã buộc Liên Âu phải đưa ra nhiều trừng phạt. Bắc Kinh đã đáp trả.  Theo ông Nicolas Chapuis, Trung Quốc đã đi quá xa khi « tấn công vào giới nghị sĩ châu Âu », bởi mà đối với một nền dân chủ, « tấn công các dân biểu tức là nhắm vào toàn bộ đất nước ».

Đặc sứ Liên Âu kêu gọi Bắc Kinh xem xét lại chính sách này, cũng như tiến hành phê chuẩn công ước quốc tế về lao động cưỡng bức, mở cửa cho các đầu tư châu Âu. Đây là các điều kiện tiên quyết để Nghị Viện Châu Âu có thể xem xét trở lại Hiệp định Đầu tư Song phương Liên Âu – Trung Quốc.

Cũng tại Diễn đàn nói trên, nhiều nhà ngoại giao châu Âu đã khẳng định đối thoại về nhân quyền là điều kiện căn bản giúp cải thiện quan hệ Âu – Trung. Theo Bloomberg, đại sứ Anh tại Trung Quốc, bà Caroline Wilson, nhấn mạnh rằng nhân quyền là « vấn đề nguyên tắc », không phải là công cụ cho các cạnh tranh « địa chính trị ».

Việc các nhà ngoại giao châu Âu nhấn mạnh đến vấn đề đối thoại chính trị, tôn trọng nhân quyền trong quan hệ với Trung Quốc diễn ra trước thềm cuộc đối thoại ba bên Pháp – Đức – Trung qua mạng hôm nay, 05/07/2021, theo phủ tổng thống Pháp. Tương lai của Hiệp định Đầu tư Song phương Liên Âu – Trung Quốc có thể là chủ đề của cuộc thảo luận giữa tổng thống Pháp Emmanuel Macron, thủ tướng Đức Angela Merkel với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Pháp trước nguy cơ “chiến tranh thiết bị bay drone”

Thanh Hà

image.png
Pháp sử dụng drone giám sát an ninh tại nhiều khu vực trên toàn lãnh thổ. Ảnh thiết bị bay thực hiện phi vụ trên bầu trời Paris. AFP PHOTO / DOMINIQUE FAGET

Hãng tin AFP ngày 04/07/2021 tiết lộ báo cáo của Thượng Viện Pháp mang tựa đề « Chuẩn bị đối phó với một cuộc chiến sử dụng thiết bị bay : tầm mức chiến lược ». Báo cáo do Ủy Ban Quốc Phòng của Thượng Viện soạn thảo và sẽ được công bố vào giữa tuần sau.

Nội dung báo cáo của Thượng Viện nêu bật những điểm chính như sau : « Từ 2019 quân đội Pháp đã chủ động tăng cường số lượng thiết bị bay và đề ra mục tiêu từ nay đến 2025 phải làm chủ hàng ngàn chiếc drone thay vì chỉ vài chục đơn vị như cách nay bốn năm ».

Điểm thứ nhì là chỉ riêng trong năm 2020, 58 % các đợt oanh kích trong khu vực sa mạc Sahara, châu Phi, do thiết bị bay Reaper tiến hành. Từ cuối 2019 những thiết bị bay này có mang theo cả vũ khí. Tuy nhiên theo kế hoạch, đến 2028 những chiếc drone Reaper của châu Âu sẽ được thay thế bằng một thế hệ thiết bị bay hiện đại hơn. Kế hoạch hiện đại hóa các chương trình chế tạo thiết bị bay của châu Âu đã bị nhiều chậm trễ nhưng cuối cùng ba đối tác chính là Đức, Ý và Tây Ban Nha đã tìm ra đồng thuận về thời hạn để drone Reaper được thay thế bằng những thiết bị hiện đại hơn.

Ủy Ban Quốc Phòng Thượng Viện Pháp hài lòng trước việc quân đội trang bị càng lúc càng nhiều loại drone nhỏ và gọn nhẹ. Đây là một điểm nổi bật khác trong báo cáo được AFP trích dẫn. Theo các tác giả của báo cáo, đây là điều hết sức quan trọng do thiết bị bay nhỏ và gọn, nhẹ đã được sử dụng trong các cuộc xung đột ở Thượng Karabagh hồi mùa hè năm ngoái, tại Libya vào tháng 9/2019 cũng như trong đợt quân đội Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp vào miền bắc Syria hồi tháng 3/2020. Đây là những công cụ có thể thực hiện những mục đích như là đánh lừa đối phương, tấn công tự sát, lao vào hàng rào phòng thủ của địch … Do vậy dùng drone « low cost » không phải là điều phi lý.

Điểm thứ tư được Thượng Viện Pháp nêu bật đó là hiện tại Israel, Trung Quốc và cả Thổ Nhĩ Kỳ lẫn Iran cùng tung ra thị trường thiết bị bay với giá rẻ điều đó cho phép những chiếc drone này thực hiện những chiến dịch tự sát, dễ bị hy sinh.

Một điểm khác Ủy Ban Quốc Phòng Thượng Viện Pháp khuyến cáo là Paris cần có những phương tiện chống drone và phải xem đây là một ưu tiên, ngay cả trên lãnh thổ quốc gia. Lý do sự hiện diện của những thiết bị bay, kể cả những chiếc drone dân sự càng lúc càng dầy đặc. Năm 2017 số này là khoảng 400.000 và hiện tại thì số này đã lên tới 2,5 triệu. Do vậy, « phát hiện, vô hiệu hóa » những vật thể bay phải là một ưu tiên.  


Hoa Kỳ : Thêm một vụ tấn công tin tặc ồ ạt, hơn 1.000 doanh nghiệp bị đe dọa

Minh Anh

image.png
Tấn công Cyber. Ảnh minh họa. © REUTERS/Kacper Pempel/Illustration

AFP ngày 04/07/2021 cho biết, Kaseya – công ty chuyên cung cấp các phần mềm quản lý đã bị các tin tặc ồ ạt tấn công, ngay trước khi kỳ nghỉ cuối tuần kéo dài bắt đầu. Hơn 1.000 doanh nghiệp có nguy cơ là nạn nhân của đợt tin tặc tống tiền lần này.

Theo AFP, nhà cung cấp phần mềm Kaseya, trụ sở chính đóng tại Miami, ngay trưa ngày thứ Sáu 02/07 đã phát hiện có sự cố về phần mềm VSA. Hiện tại quy mô của đợt tấn công chưa thể thẩm định. Nhưng hệ quả đầu tiên là một chuỗi siêu thị Coop của Thụy Điển đã phải đóng cửa hơn 800 cửa hàng do quầy thu ngân đã bị tê liệt vì cuộc tấn công.

Trên trang mạng, Kaseya ước tính có khoảng 40 doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Những doanh nghiệp này sau đó lại cung cấp các dịch vụ cho nhiều hãng khác. Theo Huntress Labs – hãng chuyên cung cấp các giải pháp an ninh mạng, « khi dựa vào con số các nhà cung cấp dịch vụ tin học đề nghị hỗ trợ và theo dõi các bình luận trên diễn đàn Reddit », thì có nhiều khả năng hơn 1.000 doanh nghiệp nhỏ đã bị tác động.  

Vẫn theo phân tích của Huntress Labs, vụ tấn công dường như đến từ một chi nhánh của nhóm tin tặc Nga, Revel hay Sodinokibi, những tin tặc đã làm tê liệt các hoạt động của JBS – hãng chuyên cung cấp thịt lớn nhất tại Bắc Mỹ và Úc. Tập đoàn Brazil này đã phải trả 11 triệu đô la bằng bitcoin để các tin tặc giải tỏa các hệ thống tin học.  

Thời gian gần đây, Hoa Kỳ trở thành mục tiêu tấn công tin học mà Nga bị cáo buộc có liên quan. Washington tố cáo Kremlin ngầm ủng hộ các vụ tấn công tin học nhắm vào đường ống dẫn nhiên liệu Colonial Pipeline, cũng như là nhiều cơ quan hành chính và các bệnh viện tại Mỹ.  

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã yêu cầu mở một cuộc điều tra, đồng thời cam kết sẽ có những hành động đáp trả nếu như Nga đứng sau vụ việc này. AFP nhắc lại, các vụ tấn công tin tặc nhắm vào Mỹ là một trong những chủ đề thảo luận chính trong cuộc gặp thượng đỉnh Biden – Putin, diễn ra tại Geneve, Thụy Sĩ hồi trung tuần tháng 6/2021.

 Vụ tấn công vào Kaseya, Mỹ : Nhóm tin tặc REvil đòi 70 triệu đô la tiền chuộc

Thùy Dương

image.png
Ảnh tư liệu chụp ngày 23/02/2019. Đội ngũ an ninh mạng của thành phố ersey City, bang New Jersey, Hoa Kỳ, ngày 04/07/201 nỗ lực làm việc để khắc phục hậu quả của đợt tấn công tin tặc đòi tiền chuộc của nhóm REvil. AP – Jenny Kane

Nhóm tin tặc REvil, có liên hệ với Nga và bị nghi là thủ phạm một vụ tấn công mạng quy mô lớn gây ảnh hưởng tới hàng trăm, hàng ngàn công ty trên thế giới, tối hôm qua, 04/07/2021, đòi tổng số tiền chuộc 70 triệu đô la. Đổi lại REvil sẽ khôi phục cho các nạn nhân những dữ liệu mà họ đã đánh cắp, theo một nội dung được đăng tải trên Dark net, hệ thống mạng được mã hóa.

Reuters dẫn lời Allan Liska, nhà nghiên cứu về an ninh của công ty Mỹ chuyên về an ninh mạng và phân tích dữ liệu, Recorded Future, cho rằng thông tin đăng tải trên Dark net « dường như chắc chắn » là của những người đứng đầu nhóm tin tặc REvil. Nhưng hiện giờ, khi Reuters tìm cách liên lạc, nhóm REvil vẫn chưa hồi đáp.

FBI tối thứ Bảy 03/07 thông báo đã mở một cuộc điều tra và phối hợp với Cơ quan an ninh mạng và an ninh hạ tầng cơ sở của Mỹ (CISA) và các cơ quan khác để tìm hiểu về quy mô, tầm mức mối đe dọa. Chính tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đích thân ra lệnh mở điều tra, đặc biệt để xác định xem vụ tấn công có được thực hiện từ Nga hay không.  

Thứ Sáu 02/07, công ty Kaseya, chuyên về công nghệ thông tin và phần mềm quản lý, có trụ sở tại Miami, là nạn nhân của một vụ tấn công mạng lớn, gây phản ứng dây chuyền nhanh chóng làm tê liệt máy tính của hàng ngàn doanh nghiệp sử dụng dịch vụ của Kaseya trên toàn thế giới. Các chuyên gia an ninh mạng nhanh chóng nhận định thủ phạm vụ tấn công là nhóm REvil.

Công ty Kaseya hiện đang tích cực làm việc 24 giờ/24 tại tất cả các khu vực trên thế giới để giải quyết sự cố và tái lập dịch vụ. Kaseya hy vọng, sau 24-48 tiếng đồng hồ, có thể tái lập hoạt động cho các doanh nghiệp khách hàng bằng phần mềm từ xa và tìm giải pháp để khách hàng có thể sử dụng trực tiếp phần mềm ngay từ máy tính của doanh nghiệp.

Hồi tháng 06, chi nhánh Hoa Kỳ của tập đoàn chế biến thịt của Brazil JBS đã phải trả khoản tiền chuộc 11 triệu đô la sau khi bị REvil tấn công.

Bộ trưởng Y Tế Pháp cảnh báo nguy dịch Covid-19 tái bùng phát cuối tháng 07

Thùy Dương

image.png
Du khách trên đại lộ Champs Elysees, Paris, Pháp. Ảnh chụp ngày 17/06/2021. AP – Michel Euler

Bộ trưởng Y Tế Pháp Olivier Véran hôm 04/07/2021 cảnh báo một đợt dịch Covid-19 mới có thể bùng phát tại Pháp ngay từ cuối tháng 07 và nhấn mạnh số ca nhiễm mới thường nhật tại Pháp đang tăng trở lại cùng với đà lây lan của biến thể Delta.

Reuters dẫn lời bộ trưởng Y Tế Pháp, theo đó từ 5 ngày nay, số ca nhiễm mới không những không giảm mà còn tăng trở lại, chủ yếu do biến thể Delta vốn lây lan rất nhanh. Bộ trưởng Olivier Véran liên hệ với tình hình ở nước láng giềng Anh Quốc và lưu ý Pháp phải tăng tốc chiến dịch tiêm ngừa Covid-19, « chạy đua với thời gian », « tiêm ngừa là một cơ may chứ không phải hình phạt » bởi « các loại vac-xin làm giảm nguy cơ nhiễm bệnh nặng, kể cả đối với biến thể Delta ».

Theo giáo sư Alain Fischer, đặc trách chương trình chủng ngừa Covid-19 của chính phủ Pháp, những ai còn chần chừ, chưa chịu đi tiêm vac-xin là « đang phạm sai lầm ».

Trên diễn đàn của báo Le Journal du Dimanche, 96 bác sĩ, trong đó có nhiều bác sĩ trưởng khoa vốn đã trở nên nổi tiếng trên các phương tiện truyền thông Pháp thời đại dịch, đề nghị chính phủ ra quyết định ngay lập tức về việc bắt buộc tiêm phòng Covid-19 đối với tất cả người làm công ăn lương trong các trung tâm dưỡng lão EHPAD và bệnh viện. Chính phủ Pháp hiện đang đẩy nhanh tiến trình tham vấn về việc bắt buộc nhân viên y tế tiêm ngừa Covid-19.

Nga: Kỷ lục về số ca nhiễm mới
Tại Nga, hôm qua 04/07 chính quyền ghi nhận số ca nhiễm thường nhật cao nhất tính từ ngày 02/01/2021 đến nay : hơn 25.000 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ và 663 ca tử vong. Trong tuần qua, Nga trải qua 5 ngày liên tiếp có số ca tử vong vì virus corona cao kỷ lục, chủ yếu là do biến thể Delta.

Related posts