Mạn Vũ
Ngày 1/7 trên quảng trường Thiên An Môn, Tập Cận Bình có bài phát biểu dài nhân kỷ niệm trăm năm thành lập ĐCSTQ. Bài phát biểu này gây ‘kinh hãi’ cho người dân thế giới, đồng thời nó mang tinh thần hiếu chiến và tiếp tục là màn biểu diễn ‘chiến lang’ của ông Tập…
Ông Tập nói: “Người Trung Quốc xưa nay chưa bao giờ bắt nạt, áp bức và nô dịch nhân dân các quốc gia khác. Quá khứ không, hiện tại không và tương lai cũng không làm việc đó”.
Người dân Trung Quốc thì không nhưng ĐCSTQ thì… có
Ý của ông Tập là người Trung Quốc chưa bao giờ “bắt nạt, áp bức và nô dịch” người dân nước khác. Nhưng ĐCSTQ thì có, “quá khứ, hiện tại và tương lai sẽ áp bức nhân dân các quốc gia khác”.
Trong quá khứ, sau khi xuất khẩu bạo lực đỏ sang Campuchia, ĐCSTQ đã tiếp tay cho Khơ-me đỏ thảm sát 1/4 người dân Campuchia (khoảng 2 triệu người).
Hiện tại, ĐCSTQ bắt nạt người dân, ngư dân các nước khác ở khu vực Biển Đông. Ngay cả khi ngư dân đánh cá trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của họ, họ vẫn bị tàu giám sát hải quân của ĐCSTQ xua đuổi, đe dọa và trấn áp.
Đoạn lời của ông Tập thực sự gây ‘kinh sợ’ cho người dân thế giới.
Ông Tập nói: “Nhân dân Trung Quốc tuyệt đối không cho bất cứ thế lực ngoại lai nào bắt nạt, áp bức và nô dịch chúng ta. Nếu ai muốn làm thế ắt sẽ bị Vạn Lý Trường Thành do máu và thịt của 1,4 tỷ nhân dân Trung Quốc làm cho ‘vỡ đầu chảy máu’ “.
Ở đây có từ ‘vỡ đầu chảy máu’ (đầu phá huyết lưu – 頭破血流), đồng nghĩa với từ ‘máu chảy đầy mặt’. Nếu phiên dịch sang tiếng Anh cho bạn bè quốc tế đọc sẽ là một câu vô cùng đáng sợ, đó chính là ‘đánh vào đầu bọn họ cho máu chảy đầy mặt’ – ‘get their heads bashed bloody’. Những từ ngữ mang đậm ‘mùi máu tanh’ này khiến người dân các nước kinh hãi. Họ sẽ cảm thấy, làm thế nào mà Tổng bí thư một nước lớn lại dùng ngôn ngữ bạo lực như vậy để tuyên bố với nước ngoài!…
Trên thực tế toàn thế giới đều biết rằng, không có bất cứ quốc gia nào bắt nạt được ĐCSTQ, không có bất kỳ quốc gia nào bắt nạt người dân Trung Quốc, mà thế giới đang cố gắng giúp đỡ người dân Trung Quốc.
Cho nên lời tuyên thệ của ông Tập là chủ trương ‘chiến lang’ trong đối ngoại của ĐCSTQ. Họ đối ngoại như thế nào với Đài Loan, Hoa Kỳ, Nhật Bản, các nước trong khu vực Biển Đông…? Chính là dùng từ ‘vỡ đầu chảy máu’ để biểu đạt chủ trương đó, giống như một đoạn trong bài hát “Quốc tế ca” là đánh cho ‘hoa rơi tan tác biết là về đâu’ (1).
Phản ứng cương nghị của Mỹ – Nhật
Những lời của Tập Cận Bình đã khiến cho thế giới vừa kinh hãi vừa phản cảm, dẫn đến phản ứng từ các tổ chức và quốc gia.
Để đáp lại, Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ đã đăng một bức hình kèm theo dòng chữ rất có ý vị. Họ đăng bức hình Hàng không mẫu hạm USS Independence kèm theo dòng chữ: “Đây là bức hình chụp Tàu sân bay USS Independence khi đang tuần tra phía Tây Thái Bình Dương năm 1996”.
Nội dung bài đăng ám chỉ ‘khủng hoảng tên lửa’ ở eo biển Đài Loan năm 1996. Khi ấy ở Đài Loan đang bầu cử dân chủ và bỏ phiếu lần đầu tiên. Lúc đó ĐCSTQ do Giang Trạch Dân đứng đầu đã đe doạ Đài Loan bằng cách phóng tên lửa xung quanh eo biển Đài Loan. Tổng thống Hoa Kỳ lúc đó là Clinton đã điều hai nhóm tác chiến tàu sân bay tiến vào eo biển Đài Loan. Một trong số đó là hàng không mẫu hạm USS Independence.
Bởi vì trong bài phát biểu của ông Tập có nhắc đến nỗ lực thống nhất Đài Loan, cho nên Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ chỉ cần sử dụng hình ảnh và một chú thích ngắn gọn để cảnh cáo ĐCSTQ không được hành động tuỳ tiện.
Đồng thời phía Nhật Bản đang nỗ lực hợp tác với Hoa Kỳ nhằm ngăn chặn cuộc xâm lược quân sự của ĐCSTQ vào Đài Loan. Bởi vì chỉ một ngày sau khi ông Tập phát biểu (ngày 2/7), ĐCSTQ đã cử tàu chiến đến quấy rối Đài Loan.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản là Yasuhide Nakayama cũng nhắc nhở ĐCSTQ rằng, Okinawa (nơi đồn trú của quân đội Mỹ) rất gần Đài Loan, như môi với răng, mà ‘môi hở thì răng lạnh’. Nếu ĐCSTQ dùng vũ lực tấn công Đài Loan, Nhật Bản và Mỹ tuyệt đối sẽ không đứng nhìn.
ĐCSTQ giống Đức Quốc xã
Ngoài ra dư luận quốc tế nói rằng lời tuyên thệ của Tập Cận Bình giống với lời tuyên thệ của Hitler, nó mang đầy chủ nghĩa quân phiệt và tinh thần hiếu chiến.
Năm đó trong bài phát biểu, Hitler nói về sự hồi sinh của dân tộc Đức, nói về nền kinh tế đã phát triển như thế nào dưới sự cai trị của Hitler. Hitler nói trong 3 năm Đức Quốc xã cầm quyền, nước Đức đã ‘hồi sinh’ sau đống hoang tàn từ Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, khi ấy người Đức nào cũng có nhà và xe hơi, có thể nói là phát triển số một ở châu Âu.
Còn trong bài phát biểu ngày 1/7, ông Tập đã lặp lại 21 lần ‘sự phục hưng của dân tộc Trung Hoa’. Nó giống hệt như bài diễn giảng của Hitler về ‘sự hồi sinh của dân tộc Đức’.
Ngoại giới cũng đánh giá rằng, khung cảnh ở Thiên An Môn lúc đó không chỉ giống với khung cảnh Quảng trường Kim Nhật Thành ở Triều Tiên, mà còn giống với khung cảnh khi Hitler phát biểu năm đó. Mà theo ẩn dụ của người phương tây, Đức Quốc xã là biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt. Tập Cận Bình cũng thể hiện ‘sức mạnh quân sự’ bằng cách cho 15 máy bay chiến đấu F-20 bay vút qua bầu trời sau bài phát biểu.
Truyền thông và dư luận quốc tế bao gồm Mỹ, Âu, Nhật, Úc, Ấn… đều cho rằng bài phát biểu của Tập Cận Bình tương đương với hành động gây chiến. Điều này giống như năm xưa Từ Hy Thái Hậu đứng trên điện Kim Loan mà tuyên chiến với ‘Liên quân tám nước’ vậy.
Nhưng lần tuyên chiến này của ông Tập không phải chỉ với 8 nước mà là với hàng trăm thậm chí 200 quốc gia. Bởi vì ĐCSTQ đã phát tán và che giấu dịch bệnh khiến 200 quốc gia bị tổn hại nặng nề.
Chú thích:
(1) “Hoa rơi tan tác”: Nguyên gốc là ‘Lạc hoa lưu thuỷ’ – 落花流水: hoa rụng bị nước cuốn đi.
*Theo bài phân tích của học giả Trần Phá Không đăng trên Túng luận thiên hạ (Tự do đàm luận thiên hạ) ngày 3/7.
Mạn Vũ biên dịch