Anh Vũ
Biến chủng virus Delta tiếp tục lây lan tại châu Âu, giữa lúc nhiều nước đang dần gỡ bỏ các biện pháp hạn chế phòng dịch cũng như giấy thông hành y tế đối với du khách vừa có hiệu lực tại Liên Hiệp Châu Âu. Tổ Chức Y Tế Thế giới đã cảnh báo một làn sóng dịch mới có khả năng lại bùng lên trong những tuần tới.
Xu hướng đáng lo ngại này giờ được các nhà dịch tễ học đánh giá là khó tránh khỏi. Tuy nhiên đợt bùng phát dịch này có khả năng không dữ dội và có thể kiểm soát được với điều kiện các nước phải đạt mục tiêu tiêm chủng trong dân.
Một viễn ảnh châu Âu ra khỏi đường hầm dịch Covid-19 trong mùa hè này đang mở ra. Trên các bãi biển, trong các thành phố hay bên các quán hàng, người dân ở Pháp cũng như nhiều nước châu Âu đang lấy lại được cảm giác trở về với những thói quen bình thường vốn bị kìm hãm trong suốt một thời gian dài vừa qua. Thế nhưng, dịch Covid-19 vẫn còn đó phía trước.
Những con số ghi nhận trong tuần qua không khỏi gây lo ngại cho các cơ quan y tế. Lấy thí dụ ở Pháp, sau nhiều tuần giảm mạnh, số ca nhiễm những ngày qua vẫn đều đặn mỗi ngày trên 2 000 ca, tuy con số này chưa tới mức báo động nhưng xu hướng gia tăng gây lo ngại. Bộ trưởng Y Tế Pháp Olivier Veran hôm 04/07 đã nói đến khả năng một « làn sóng dịch thứ tư » có thể bùng lên cuối tháng 7 này. Đó có thể chỉ là những dự đoán của lãnh đạo y tế Pháp trước tốc độ lây lan cao của biến thể Delta, nhất là khi nhìn những gì đang diễn ra bên kia bờ biển Manche.
Tại Anh Quốc, chính quyền ghi nhận số ca nhiễm mới bùng nổ vì biến thể Delta trong những ngày qua, tuy nhiên dường như tình hình vẫn kiểm soát được nhất là khi các bệnh viện không rơi vào tình trạng quá tải bệnh nhân. Một câu hỏi đặt ra là nếu xảy ra, đợt bùng phát dịch mới mà báo chí hay một số nhà chuyên môn vẫn gọi là « làn sóng dịch thứ 4 » sẽ có quy mô thế nào ? « Điều này phụ thuộc phần lớn vào tỷ lệ tiêm chủng trong dân chúng », theo nhà dịch tễ học Mahmoud Sureik, giáo sư về y tế công cộng thuộc Đại học Versailles Saint-Quentin, Pháp. Chuyên gia này nhấn mạnh rằng : « Các hậu quả của đợt bùng phát lại này chắc chắn sẽ đỡ nặng hơn các đợt dịch trước, nhờ có miễn dịch cộng đồng tự nhiên (tức số người đã nhiễm Covid-19) và miễn dịch do tiêm phòng trong dân, mà chiếm đa số là những người dễ nhiễm virus ».
Đúng là tại Anh Quốc, những tuần qua đã ghi nhận số ca nhiễm tăng đột biến, nhưng ít nhất cho đến lúc này chưa xuất hiện tình trạng tăng vọt các trường hợp bệnh nặng phải nhập viện hay tử vong. Chuyên gia Jean-Paul Stahl, trưởng khoa nhiễm trùng bệnh viện Grenoble, trên nhật báo La Croix nhận định « việc một số người có nguy cơ nhiễm cao đã được tiêm chủng sẽ hạn chế những tác động đến các bệnh viện ».
Các chuyên gia đều thống nhất với nhau là cách tốt nhất để ngăn chặn đợt bùng phát dịch mới với biến thể Delta là tiêm phòng và con số ít nhất phải là 70% dân số được tiêm đủ 2 liều vac-xin. Hiệu quả của vac-xin đối với biến thể Delta đã được chứng minh dù ở mức khác nhau đối với từng loại thuốc chủng : Khoảng từ 55% đến 71% đối với vac-xin AstraZeneca và từ 73% đến 85% đối với sản phẩm của Pfizer hay Moderna, theo tài liệu của Hội đồng Khoa Học của Chính phủ Pháp (SAGA) đề ngày 09/06 được Le Monde đang tải.
Như vậy một đợt bùng phát dịch mới với biến thể Delta khó có thể tránh khỏi đối với không chỉ châu Âu mà tất cả các nơi trên thế giới. Nhưng điều có thể tránh được là những kịch bản tai họa như các đợt trước : bệnh viện quá tải, số ca tử vong ồ ạt hay trở lại cuộc sống trong phong tỏa hay hạn chế … Phương cách duy nhất là đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng trong dân chúng. Tiêm phòng Covid-19 giờ là cuộc chạy đua nước rút với biến thể Delta. Một biện pháp dễ thực hiện hơn vẫn là duy trì các biện pháp vệ sinh phòng dịch như mang khẩu trang và rửa tay thường xuyên, theo khuyến cáo của các cơ quan y tế.