Tin thế giới sáng thứ Năm

WHO thiếu 17 tỷ đô la Mỹ cho cuộc chiến chống Covid-19

Kim Ngân

image.png
Tổng giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới ( WHO), Tedros Adhanom Ghebreyesus, trong một cuộc họp tại Genève, Thụy Sĩ ngày 24/05/2021. AP – Laurent Gillieron

Những thiếu thốn về cơ sở vật chất, bộ kit xét nghiệm, vacxin, thuốc điều trị…đang là thách thức lớn cho thế giới trong cuộc chiến chống lại Covid-19, Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) cảnh báo.

Theo hãng tin AFP, hôm 06/07/2021, tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus đã báo động tình trạng « hai tốc độ » trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, khi nhấn mạnh đến sự chênh lệch giữa các nước về khả năng và phương tiện.

Lãnh đạo WHO nhấn mạnh, các nước đang mở cửa trở lại là những nước đã kiểm soát được nguồn cung ứng các thiết bị y tế khẩn cấp như thiết bị bảo hộ y tế cá nhân, các thiết bị xét nghiệm, ô-xy và đặc biệt là vac-xin, trong khi đó, nhiều nước khác đã không thể tiếp cận đầy đủ những sản phẩm này và do vậy, phải đối mặt với những làn sóng bệnh nhân nhập viện và tử vong. Và các biến thể của virus corona lại càng làm cho tình hình trở nên trầm trọng.

Theo báo cáo tài chính của hệ thống ACT toàn cầu, hệ thống giúp đẩy nhanh tiến độ tiếp cận với các thiết bị y tế chống Covid-19 tại các nước kém phát triển, hiện vẫn còn thiếu gần 17 tỷ đô la Mỹ trước tháng 12/2021. Trong đó, cần gấp hơn 8 tỷ đô la.

Ngoài ra, tỉ lệ được tiêm vac-xin đang rất chênh lệch giữa các quốc gia giàu và nghèo : theo thống kê của AFP, tính đến ngày 06/07/2021, tại các quốc gia thu nhập cao, 84% người dân đã được chích ngừa, còn tại 29 nước nghèo nhất, thì tỷ lệ này là 1%.

Dè dặt trong chia sẻ vacxin
Hôm 06/07 vừa qua, Covax – chương trình phân bổ vac-xin toàn cầu- cho biết 100 triệu liều vac-xin đã được phân bổ tới 135 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số liệu này thấp hơn nhiều so với kì vọng 300 tới 400 triệu liều. Nguyên nhân là Ấn Độ cấm xuất khẩu vacxin AstraZeneca do Viện huyết thanh nước này sản xuất, trong khi vac-xin do viện này sản xuất chiếm số lượng lớn.
Hậu quả là, nhiều nước không có đủ vacxin tiêm mũi thứ hai, nâng cao khả năng đề kháng cho những người đã tiêm một liều, ảnh hưởng đến uy tín của chiến dịch tiêm chủng.

Covid-19 – Lo ngại về biến thể Delta, Pháp triệu tập hội đồng cố vấn dịch tễ

Kim Ngân

image.png
Vừa cho mở lại các hoạt động bình thường, Pháp lại bị đe dịch bùng phát trở lại vì biến thể Delta. Ảnh: Đại lộ Champss Elysées, ngày 17/06/2021. AP – Michel Euler

Biến thể Delta đang là mối lo ngại lớn của nhiều nước châu Âu bởi tính nguy hiểm và mức độ lây lan nhanh. Trong bối cảnh đó, chính phủ Pháp đã triệu tập một cuộc họp của hội đồng cố vấn dịch tễ để bàn biện pháp đối phó với biến thể Delta.

Theo báo Le Figaro, trước khi họp Hội đồng Bộ trưởng, hôm 07/07/2021, chính phủ Pháp đã triệu tập một cuộc họp của hội đồng cố vấn dịch tễ để bàn về chiến lược tiêm chủng và khả năng áp dụng trở lại các biện pháp hạn chế do các ca nhiễm Covid với biến thể Delta đang tăng nhanh.

Hệ thống y tế cộng đồng Pháp hôm qua ghi nhận có 3585 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ. Đây là con số cao nhất ghi nhận được kể từ ngày 12/06/2021.

Đáng lo ngại là biến thể Delta của virus Covid-19 lây lan với tốc độ báo động : Vào tháng Sáu chỉ chiếm chưa đến 5% tổng số ca, nay đã lên tới gần 40% số ca.

Tuy nhiên, có một tin phấn khởi, đó là số người đặt hẹn cho mũi tiêm vac-xin đầu tiên đã tăng lên rất nhiều so với tuần trước. Bộ trưởng bộ y tế Pháp Olivier Veran vui mừng thông báo trên Twitter, hôm qua 06/07 rằng « số lượng người đặt hẹn để tiêm mũi đầu tiên đã tăng lên 40% ». Ông hi vọng nước Pháp sẽ đạt được mục tiêu 40 triệu người được tiêm mũi đầu tiên từ đây đến cuối tháng 8.

Đà lây nhiễm biến thể Delta đã đạt đến ngưỡng báo động đỏ tại hai nước châu Âu khác là Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Do vậy, Bồ Đào Nha đã tái thiết lập lệnh giới nghiêm từ ngày 02/07 ngay khi nhận thấy nguy cơ tái bùng phát dịch ở nước này.


Nam Hàn: Số ca nhiễm Covid lại tăng liên tục mỗi ngày

Thu Hằng

image.png
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 07/07/2021. REUTERS – HEO RAN

Ngày 07/07/2021, Hàn Quốc có thêm 1.212 ca nhiễm Covid-19. Con số này vượt qua mức đỉnh điểm của đợt dịch trước được ghi nhận ngày 25/12/2020. Trước số ca nhiễm mới liên tục tăng thêm chừng 1.000 từ vài ngày nay, cơ quan dịch tễ Hàn Quốc quyết định kéo dài các biện pháp giãn cách xã hội hiện hành thêm 1 tuần : cấm tụ tập từ 5 người, đóng cửa nhà hàng lúc 22 giờ ở thủ đô Seoul và vùng phụ cận…

Thông tín viên Trần Công tại Seoul tường trình :

“Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng lây nhiễm như vậy nhưng tổng quan có thể nhắc đến những nguyên nhân như sau.

Thứ nhất, số người được tiêm vac-xin đầy đủ tăng cao trong tháng 6 vừa qua lên tới gần 10%, khoảng 5 triệu người, và số người được tiêm ít nhất một mũi cũng lên tới gần 30%. Điều này gây ra tình trạng chủ quan trong dân chúng cộng với sự mệt mỏi trong những tháng giãn cách vừa qua khiến cho mọi người tiếp xúc với nhau một cách dễ dãi hơn.

Thứ hai, các hàng quán lơ là công tác phòng dịch, đặc biệt các quán nhậu, bar, club bắt đầu mở cửa và cho khách ngồi thành nhóm 4 người san sát nhau và hầu như không đeo khẩu trang trong quán.

Thứ ba, một vài báo cáo cho thấy một số nhân viên văn phòng, nhân viên bán hàng vẫn tiếp tục làm việc ngay cả khi họ có các triệu chứng nhiễm Covid. Và các nhân viên này đã lây cho đồng nghiệp trong môi trường kín vì hiện tại Hàn Quốc đang là mùa hè nên các công xưởng thường bật điều hòa và đóng kín cửa.

Cuối cùng, các tỉnh khác ở ngoài vùng dịch đã được hạ mức cảnh báo dịch bệnh, vì vậy tại các tỉnh này, người dân được tụ tập đến 6 người từ ngày 01/07. Điều này cũng làm tăng nguy cơ lây bệnh giữa các nhóm đối tượng. Nhưng nguyên nhân này không gây ra tác động đáng kể như những nguyên nhân bên trên.

Ngoài ra, Hàn Quốc là một quốc gia mở, các chuyến bay đến và đi các quốc gia khác cũng mang theo những biến chủng có thời gian ủ bệnh và khả năng lây nhiễm cao trong cộng đồng. Điều này làm dấy lên lo ngại việc bùng phát dịch bệnh do các chủng mới nếu hộ chiếu vac-xin được cấp phép tại Hàn Quốc vào tháng 7”.

Nhiều nước châu Á và châu Đại Dương tiếp tục các biện pháp hạn chế
Indonesia buộc phải áp dụng các biện pháp hạn chế trên toàn quốc, thay vì chỉ áp dụng trên đảo Bali và Java, để đối phó với biến thể Delta. Giải thích về quyết định mới có hiệu lực từ ngày 07/07 cho đến 20/07, bộ trưởng điều phối kinh tế Airlangga Hartarto cho biết là do “số ca tăng nhanh tại nhiều vùng khác”“phải chú ý đến khả năng của hệ thống bệnh viện”.

Dịch Covid-19 cũng có nguy cơ bùng phát ở Miến Điện, với số ca nhiễm kỉ lục 2.318 ca trong vòng 24 giờ được thống kê ngày 04/07. Chính quyền tỉnh Vân Nam lo ngại nguy cơ thành phố Ruili của Trung Quốc (giáp ranh với Miến Điện) trở thành một ổ dịch mới khi phát hiện có đến 12 người Miến Điện nhiễm Covid-19 trong tổng số 15 ca nhiễm mới ngày 07/07. Mọi biện pháp kiểm soát biên giới được phía Trung Quốc tăng cường để ngăn nhập cư bất hợp pháp.

Còn tại Úc, các biện pháp phong tỏa được áp dụng tại thành phố Sydney từ ngày 26/06 sẽ kéo dài thêm một tuần, ít nhất đến ngày 16/07 do vẫn còn có nhiều ca nhiễm mới, thêm 27 ca ngày 07/07.

Nga – Indonesia thảo luận về tiến trình hòa bình cho Miến Điện của ASEAN

Thu Hằng

image.png
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (T) và đồng nhiệm Indonesia Retno Marsudi chụp ảnh chung trước cuộc hội đàm tại Jakarta, Indonesia, ngày 06/07/2021. via REUTERS – HANDOUT

Nga dường như muốn đóng vai trò trung gian trong cuộc khủng hoảng tại Miến Điện. Sau chuyến công du Matxcơva của người đứng đầu tập đoàn quân sự, ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov đã từ Brunei đến Indonesia ngày 06/07/2021. Chuyến công du khu vực Đông Nam Á trong bốn ngày của ngoại trưởng Lavrov cho thấy tầm quan trọng của khu vực đối với Nga.

Theo AP, ông Serguei Lavrov đã hội kiến quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah, nước giữ chức chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2021. Còn tại Indonesia, ngoại trưởng Nga đã thông báo cho đồng nhiệm Retno Marsudi về những thông điệp mà Matxcơva gửi đến các nhà lãnh đạo tập đoàn quân sự Miến Điện. Trong buổi họp báo chung với đồng nhiệm Indonesia, phát biểu với các nhà báo qua hình thức trực tuyến, ông Lavrov khẳng định Nga ủng hộ “đồng thuận 5 điểm” của ASEAN và coi đây là “một cơ sở để đưa tình hình (Miến Điện) trở lại bình thường”.

Đồng thuận 5 điểm của ASEAN về tiến trình hòa bình ở Miến Điện kêu gọi chấm dứt bạo lực ngay lập tức và mở đối thoại mang tính xây dựng “vì lợi ích của người dân”. Tuy nhiên, theo ngoại trưởng Indonesia, để thực hiện được, thì “tập đoàn quân sự Miến Điện cần phải hợp tác với các thành viên khác của ASEAN”.

Bản “đồng thuận 5 điểm” hiện chỉ tồn tại trên giấy tờ. Singapore kêu gọi ASEAN cần “xúc tiến” kế hoạch này. Trong thư trả lời những câu hỏi của nghị sĩ ngày 06/07, được South China Morning Post trích dẫn, ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan thừa nhận “việc áp dụng thỏa thuận 5 điểm tiến triển chậm và hơi thất vọng”.

Người dân Miến Điện kỷ niệm phong trào sinh viên 1962

Trong khi đó, phong trào phản kháng vẫn tiếp tục tại Miến Điện. Đông đảo người biểu tình đã xuống đường ngày 07/07 để kỷ niệm các cuộc biểu tình sinh viên năm 1962 chống tập đoàn quân sự. Theo AFP, khoảng 100 người đã tập hợp tại thủ phủ kinh tế Rangoon, vài chục người ở thành phố Mandalay và ở vùng Sagaing (miền trung). Họ đốt cờ của quân đội và giương nhiều biểu ngữ : “Nhổ tận gốc quân đội phát xít”, “Hãy giữ vững tinh thần 07/07 và đánh bại chế độ độc tài quân sự”.

Tập đoàn quân sự điều hành đất nước từ năm 1962, hơn một thập niên sau khi giành được độc lập từ Anh Quốc, cho đến năm 2016.

Anh thắt chặt luật nhập cư

Thu Hằng

image.png
Bộ trưởng Nội Vụ Anh Priti Patel trong một cuộc họp chính phủ tại Luân Đôn hôm 21/01/2021. AP – Matt Dunham

Ngày 06/07/2021, chính phủ của thủ tướng Boris Johnson đã đề trình một dự luật về nhập cư. Với những hình phạt nặng hơn, nhắm cả vào người nhập cư bất hợp pháp lẫn những kẻ buôn người, chính phủ Anh muốn ngăn tình trạng này. Thủ tục xét đơn xin tị nạn cũng bị kéo dài và phức tạp hơn.

Thông tín viên Claire Digiacomi tường trình từ Luân Đôn :

« ‘Hệ thống tị nạn đã bị phá hỏng’, theo lời của bộ trưởng Nội Vụ Priti Patel. Và việc xây dựng lại chế độ này mà bà bộ trưởng đề nghị là phải dựa trên sự cứng rắn thắt chặt luật pháp, tức là có thể phạt tới 4 năm tù thay vì 6 tháng như hiện nay, đối với những người nhập cư bất hợp pháp, và thậm chí, những kẻ đưa người vượt biên trái phép có nguy cơ bị án tù chung thân.

Chính phủ Anh cũng muốn dựa vào lực lượng biên phòng (Boder Force) kiểm soát biên giới. Những nhân viên này sắp tới có thể chặn giữ tầu chở người nhập cư trên biển Manche và đưa họ về nước khởi hành. Dĩ nhiên điều này sẽ phải đạt được thỏa thuận với các nước liên quan, như Pháp chẳng hạn.

Bộ Nội Vụ Anh cũng nói là ‘làm việc với các đối tác quốc tế’ để có thể chuyển những người đang xin quy chế tị nạn ra khỏi biên giới Anh, trong đó có nhiều nước được cho là ‘an toàn’, trong thời gian hồ sơ của họ đang được xem xét.

Tất cả những biện pháp này khiến nhiều tổ chức bảo vệ quyền của người nhập cư lo ngại. Đối với tổ chức Refuge Council, luật mới này sẽ ngăn cản hàng nghìn người, phải chạy lánh nạn vì bị trấn áp hoặc vì chiến tranh, được tiếp đón một cách an toàn.

Gần 6.000 người đã vượt biển Manche bất hợp pháp từ 6 tháng qua. Số lần vượt biên trái phép tính đến mùa hè này có lẽ sẽ vượt qua tổng số lần vượt biên trái phép vào năm ngoái ».

Luật về đời tư: Lãnh đạo Hồng Kông không nhân nhượng các tập đoàn Internet

Thanh Phương

image.png
Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga ( G) họp báo cùng các lãnh đạo an ninh ngày 25/06/2021. REUTERS – REUTERS TV


Hôm 06/07/2021, trưởng đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) đã tỏ thái độ kiên quyết trước lời đe dọa của các tập đoàn Internet như Google, Facebook và Twitter rút khỏi đặc khu này nếu luật về bảo vệ đời tư có hiệu lực.
Trưởng đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga khẳng định dự luật về bảo vệ đời tư chỉ nhằm chống lại tệ nạn “doxing”, tức là tiết lộ những dữ liệu cá nhân trên mạng, tạo một khuôn khổ pháp lý để những ủy viên đặc trách bảo vệ đời tư “có thể tiến hành điều tra và các biện pháp ngăn chặn”.

Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga còn so sánh dư luật về đời tư với luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh áp đặt lên Hồng Kông vào năm ngoái và đã được dùng làm công cụ đàn áp đối lập ở đặc khu này. Theo lãnh đạo Hồng Kông, luật về bảo vệ đời tư cũng bị “bêu xấu” giống như luật an ninh quốc gia.

Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho biết ủy ban đặc trách bảo vệ đời tư sẳn sàng gặp đại diện các tập đoàn đang lo ngại, nhưng khẳng định là chính quyền của bà dứt khoát muốn dự luật được thông qua nhanh chóng.

Dự luật về đời tư đã gây lo ngại cho các tập đoàn Internet, sợ rằng họ hay các nhân viên của họ phải chịu trách nhiệm về những nội dung mà người sử dụng Internet đăng trên mạng. Trong một bức thư gởi chính quyền Hồng Kông, đề ngày 25/06 nhưng chỉ mới được công bố trong tuần này, Asia Internet Coalition, quy tụ các tập đoàn Google, Facebook, Twitter, LinkedIn và Apple, cho rằng việc trừng phạt các cá nhân là “không phù hợp với các chuẩn mực và tập quán của thế giới”. Họ đe dọa: “Cách duy nhất để tránh các trừng phạt đó, đối với các tập đoàn công nghệ, sẽ ngừng đầu tư và cung cấp các dịch vụ cho người tiêu dùng Hồng Kông”.

Related posts