Phụng Minh
Hôm 11/7, người dân Cuba tổ chức biểu tình lớn nhất trong vài chục năm qua, từ thủ đô Havana cho đến thành Santiago, kêu gọi “tự do” và đòi Chủ tịch Miguel Diaz-Canel lãnh đạo Đảng Cộng Sản Cuba từ chức, Reuters cho hay.
Các cuộc biểu tình nổ ra trong bối cảnh Cuba rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất và số ca nhiễm COVID-19 tăng kỷ lục. Người dân bày tỏ sự tức giận về tình trạng thiếu nhu yếu phẩm, hạn chế quyền tự do dân sự và việc chính quyền xử lý đại dịch.
Cuba sau đó lên tiếng đổ lỗi cho phía Mỹ vì đã bóp nghẹt nền kinh tế và bắt giữ một số nhà hoạt động nổi tiếng nhất, trong khi chính quyền Biden cho biết họ ủng hộ quyền biểu tình của người dân Cuba.
Theo hãng tin Reuters, ngày 12/7, các đường phố ở Havana đã vắng lặng, mặc dù có sự hiện diện của lực lượng cảnh sát dày đặc. Tình trạng mất mạng internet di động – cách duy nhất để nhiều người Cuba truy cập web – đã diễn ra thường xuyên.
Theo nhóm đòi quyền lưu vong Cubalex, ít nhất 100 người biểu tình, nhà hoạt động và nhà báo độc lập đã bị bắt giữ trên toàn quốc kể từ Chủ Nhật ngày 11/7.
Anh Maykel, 21 tuổi, cư dân Havana, từ chối tiết lộ danh tính vì lý do an toàn nói với Reuters rằng: “Không thể sống ở đây”, “Tôi không biết liệu điều này có thể xảy ra một lần nữa hay không, vì hiện tại, Havana đã được quân sự hóa.”
Anh nói thêm: “Tuy nhiên, người dân Cuba đang dần mất đi nỗi sợ hãi của họ”.
Khi tiếp cận thêm những người khác, hãng Reuters cho biết, họ hy vọng sẽ không có cuộc biểu tình nào nữa, với lý do lo ngại bạo lực và nói rằng họ muốn có nhiều cuộc đối thoại hơn.
Các cuộc biểu tình nổ ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc nhất của Cuba kể từ khi cựu đồng minh Liên Xô sụp đổ và sự gia tăng ca nhiễm COVID-19 khiến các bệnh viện quá tải.
Ngoài ra, việc thắt chặt các lệnh trừng phạt kéo dài hàng thập kỷ của Mỹ và đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lương thực và thuốc men, cũng như tình trạng mất điện.
Lãnh đạo Cuba, Chủ tịch Diaz-Canel trong một bài phát biểu trên truyền hình dài hơn 4 giờ – cùng với Nội các cho biết, một số ít những người phản cách mạng đang gia tăng tình trạng bất ổn và đổ lỗi Mỹ đã bóp nghẹt nền kinh tế nước này.
Tại Washington, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Hoa Kỳ đứng về phía người dân Cuba, những người đã “dũng cảm” khẳng định quyền biểu tình hòa bình của họ, còn Ngoại trưởng Antony Blinken cho rằng Cuba không nên đổ lỗi cho các cuộc biểu tình về các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Theo Reuters, một số nhân vật nổi tiếng của Cuba cho đến nay vẫn chưa động đến các vấn đề chính trị nhạy cảm đã công khai ủng hộ những người biểu tình.
Ca sĩ, kiêm nhạc sĩ Cimafunk, nói: “Tiếng nói của họ cần được lắng nghe và quyền được thể hiện bản thân được tôn trọng. Chúng ta cần đoàn kết và cùng nhau tìm ra con đường phía trước, một cách hòa bình”.
Tại Miami, nơi sinh sống của một cộng đồng lớn người Mỹ gốc Cuba, hàng trăm người đã đến Little Havana vào Chủ nhật (ngày 11/7) để bày tỏ tình đoàn kết và kỷ niệm những gì họ coi là sự khởi đầu của sự kết thúc. Trên Twitter, thị trưởng Miami, Francis Suarez, yêu cầu Hoa Kỳ “hành động”.
Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết họ đã nhận được các báo cáo, báo động về “mất điện, internet, bắt giữ tùy tiện, sử dụng vũ lực quá mức – bao gồm cả việc cảnh sát bắn vào người biểu tình”.
Công ty giám sát mạng Kentik cho biết họ đã quan sát thấy toàn bộ Cuba ngoại tuyến trong vòng chưa đầy 30 phút vào khoảng 4 giờ chiều hôm 11/7, sau đó là một vài giờ gián đoạn.
Liên Hợp Quốc cho biết họ đang theo dõi các cuộc biểu tình và kêu gọi các quyền tự do ngôn luận và hội họp hòa bình được tôn trọng.