Tin thế giới sáng thứ Tư

Lần đầu tiên Nhật Bản đưa “an ninh” Đài Loan vào Sách trắng quốc phòng

Trọng Thành

image.png
Một binh sĩ cầm cờ Đài Loan trong cuộc tập trận giả định Trung Quốc tấn công Tân Trúc (Hsinchu), phía bắc Đài Loan. Ảnh chụp ngày 19/01/2021. AP – Chiang Ying-ying

Chính quyền Nhật ngày càng lo ngại trước nguy cơ Trung Quốc tấn công Đài Loan. Sách trắng quốc phòng thường niên của Nhật Bản công bố hôm nay, 13/07/2021, lần đầu tiên khẳng định một Đài Loan « ổn định » là vấn đề an ninh quốc gia đối với nước Nhật.

Báo mạng Singapore Straits Times dẫn nội dung Sách trắng quốc phòng Nhật Bản, có đoạn : « Bình ổn tình hình liên quan đến Đài Loan là điều quan trọng đối với an ninh của Nhật Bản và sự ổn định của cộng đồng quốc tế ». Sách trắng nhấn mạnh đến nguy cơ khủng hoảng ở mức « chưa từng có ».  Sách trắng quốc phòng Nhật hồi năm ngoái chỉ chủ yếu lưu ý đến việc cán cân quân sự Trung Quốc – Đài Loan đang ngày càng nghiêng về phía Trung Quốc, với khoảng cách mỗi năm một gia tăng.

Sách trắng quốc phòng Nhật Bản năm nay đặc biệt chỉ rõ căng thẳng giữa Bắc Kinh và Đài Bắc gia tăng mạnh, với viễn cảnh có thể bùng phát thành xung đột, « mặc dù Washington thể hiện rõ lập trường ủng hộ Đài Loan về mặt quân sự, nhưng sẽ khó có khả năng Bắc Kinh có bất kỳ thỏa hiệp nào về quan điểm, vì coi Đài Loan là lợi ích cốt lõi ». Bộ Quốc Phòng Nhật Bản cũng ghi nhận việc « Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Loan, và việc Đài Bắc tự trang bị các thiết bị quân sự chủ yếu », trong lúc Bắc Kinh tăng cường các hoạt động quân sự xung quanh Đài Loan, bao gồm việc đưa máy bay liên tục xâm nhập không phận Đài Loan.

Sách trắng kêu gọi Bắc Kinh có thái độ hợp tác hơn với khu vực và cộng đồng quốc tế để làm dịu căng thẳng : « Các đe dọa quân sự của Trung Quốc, kết hợp với sự không đủ minh bạch về các chính sách quốc phòng và các vấn đề quân sự của Trung Quốc, đã trở thành một vấn đề gây quan ngại nghiêm trọng cho khu vực, đối với Nhật Bản cũng như cộng đồng quốc tế ». Ngân sách dành cho quốc phòng của Trung Quốc năm nay là hơn 1.300 tỉ nhân dân tệ (tương đương hơn 200 tỉ đô la Mỹ), tăng 6,8% so với năm ngoái, gấp hơn 4 lần chi phí quân sự của Nhật. Bắc Kinh cũng tập trung phát triển nhanh chóng « các lực lượng hạt nhân, tên lửa, hải quân và không quân » và đã chiếm ưu thế trong hàng loạt các lĩnh vực mới như « không gian, mạng và bức xạ điện từ ».

Giải pháp nào cho tình hình căng thẳng hiện nay xung quanh eo biển Đài Loan và khu vực nói chung ? Trong Sách trắng quốc phòng công bố hôm nay, bộ Quốc Phòng Nhật Bản đề xuất việc tạo ra một « khuôn khổ hợp tác khu vực trong lĩnh vực an ninh » bao trùm vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương. Theo Tokyo, mục tiêu này có thể đạt được thông qua « thúc đẩy chiến lược hợp tác quốc phòng về nhiều mặt và đa tầng » với chủ trương một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do, mở rộng, nơi luật pháp quốc tế được tôn trọng.

Afghanistan: Taliban kêu gọi dân đô thị ra hàng, để tránh “chiến tranh trong thành phố”

Trọng Thành

image.png
Dân quân ủng hộ lực lượng an ninh Afghanistan chống Taliban, tại tỉnh Herat, ngày 09/07/2021. AFP – HOSHANG HASHIMI

Hôm 13/07/2021, quân Taliban kêu gọi dân chúng tại các đô thị Afghanistan ra hàng, để tránh « chiến tranh trong thành phố ». Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh chiến sự tiếp diễn dữ dội ở nhiều nơi. Hôm qua, 12/07/2021, chỉ huy lực lượng Mỹ phụ trách Afghanistan chính thức từ nhiệm.

Một chỉ huy cao cấp của Taliban, Amir Khan Muttaqi, tuyên bố chiến sự đang diễn ra tại cửa ngõ các thành phố lớn, nhưng « các chiến binh Hồi giáo không muốn chiến sự diễn ra trong thành phố ». Taliban kêu gọi « các đồng bào, giới học giả, các giáo sĩ sử dụng mọi kênh liên lạc » để đạt một thỏa thuận nhằm tránh tổn thất cho các thành phố. Viên chỉ huy Taliban, Amir Khan Muttaqi, phụ trách hoạt động gọi hàng, chiêu hồi nhắm vào các binh sĩ, cảnh sát, viên chức chính phủ, cũng như người dân thường.

Một phát ngôn viên khác của Taliban cũng khẳng định là Taliban sẽ « bảo đảm an toàn cho mọi cư dân » và sẽ « không ai bị trả thù ».

Theo AFP, mất đi sự hỗ trợ của quân đội Mỹ và đồng minh, quân chính phủ Afghanistan kháng cự yếu ớt, và chỉ còn bảo vệ được một số thành phố lớn và một số trục đường giao thông chính.

Hôm qua, tư lệnh các lực lượng Mỹ ở Afghanistan, tướng Austin Miller, chính thức rời chức vụ. Nghi thức mang tính biểu tượng nói trên đánh dấu cho việc rút quân của nước Mỹ, sau 20 năm hiện diện quân sự. Tuớng Kenneth McKenzie, tư lệnh bộ tư lệnh trung tâm, có trụ sở Florida, chỉ huy các lực lượng Mỹ tại các khu vực có chiến sự ở Afghanistan, Irak và Syria, đã có mặt tại Kaboul trong dịp này để trấn an các lực lượng Afghanistan và bảo đảm là Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ chính quyền Kaboul.

Miến Điện: Hội Đồng Nhân Quyền lên án quân đội đàn áp người Rohingya và nhiều sắc tộc

Trọng Thành

image.png
Một nhóm người Rohingya nghỉ tạm trên một bãi biển sau khi tàu thuyền bị mắc cạn trên đảo Idaman ở Đông Aceh, Indonesia, ngày 04/06/2021. AP – Zik Maulana

Hôm 12/07/2021, Hội Đồng Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc ra nghị quyết lên án các hành vi xâm phạm nhân quyền của quân đội Miến Điện nhắm vào cộng đồng thiểu số Rohingya theo đạo Hồi và nhiều sắc tộc thiểu số khác. Trung Quốc không ủng hộ nghị quyết, nhưng cũng không bác bỏ nghị quyết này.

Kết thúc khóa họp thứ 47, Hội Đồng Nhân Quyền ra nghị quyết A/HRC/47/L.11, kêu gọi chính quyền quân sự Miến Điện có các biện pháp để « đảo ngược và từ bỏ các chính sách, chỉ thị và các hoạt động loại trừ người Hồi giáo Rohingya và nhiều nhóm sắc tộc khác, bảo đảm để những người buộc phải rời khỏi nơi cư trú… tại bang Rakhine cũng như khắp Miến Điện có cơ hội trở về bản quán, với quyền tự do đi lại và không bị cản trở trong các hoạt động sinh kế và tiếp cận các dịch vụ thiết yếu ». Hội Đồng Nhân Quyền cũng yêu cầu chính quyền quân sự giải quyết « các nguyên nhân gốc rễ » dẫn đến các tình huống như hiện nay, khiến đông đảo người dân phải sơ tán, tị nạn.

Văn bản nghị quyết do Pakistan chủ trì, đại diện cho nhóm các quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác Hồi giáo, đã được thông qua mà không cần bỏ phiếu. Tuy nhiên, trước khi nghị quyết được thông qua, Trung Quốc, một trong 47 thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền, thông báo không ủng hộ nghị quyết, nhưng không đòi hỏi bỏ phiếu về nghị quyết này.

Theo AFP, phát biểu trong phiên họp trình nghị quyết, đại diện của Pakistan Khalil Hashmi, nhấn mạnh đến tình hình nhân quyền tồi tệ tại Miến Điện và nói rằng đây là lý do Hội Đồng Nhân Quyền cần đưa ra lời kêu gọi, yêu cầu chính quyền quân sự Miến Điện ngưng ngay lập tức xâm phạm nhân quyền. Theo đại diện Pakistan, nghị quyết cũng yêu cầu « mở đối thoại và một tiến trình hòa giải mang tính xây dựng và hòa bình, thể theo nguyện vọng và lợi ích của người dân » Miến Điện, « bao gồm cả người Rohingya theo đạo Hồi và các sắc tộc thiểu số khác ».

Hội Đồng Nhân Quyền yêu cầu Cao Ủy Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc tiếp tục theo dõi diễn biến tình trạng xâm phạm nhân quyền ở Miến Điện và báo cáo với Hội Đồng Nhân Quyền trong các phiên họp tới.

Kể từ cuộc đảo chính quân sự 01/02/2021, theo nhiều số liệu, có đến 120.000 người Miến Điện phải bỏ nhà ra đi do tình trạng bạo lực, chưa kể khoảng một triệu người Rohingya tị nạn ngoài Miến Điện và khoảng 600.000 người phải sống tại các trại tị nạn trong nước, trước đảo chính. Hồi tháng 04/2021, Liên Hiệp Quốc dự báo có thêm ít nhất 230.000 người Miến Điện phải tị nạn trong năm nay, trong bối cảnh gần một nửa dân số Miến Điện sẽ rơi vào cảnh nghèo đói.

Tổng thống Pháp thông báo các biện pháp thúc đẩy tiêm chủng

Anh Vũ

image.png
Một điểm tiêm chủng ngừa Covid-19 đặt ở sân tòa thị chính Paris, Pháp. Ảnh chụp ngày 07/07/2021. REUTERS – SARAH MEYSSONNIER

Tối ngày 12/07/2021, trên truyền hình Pháp tổng thống Emmanuel Macron đã có bài diễn văn dài, thông báo một loạt các biện pháp mạnh mẽ nhằm thúc đẩy người dân tiêm phòng Covid-19. Hiệu quả đã thấy ngay hôm sau thông báo của tổng thống.

Trong bối cảnh biến thể Delta dang đe dọa phá hỏng kết quả cuộc chiến chống dịch của Pháp, hôm qua tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lên truyền hình thông báo một loạt các biện pháp mạnh mẽ nhằm tránh một đợt dịch mới có thể bùng phát trở lại.

Vac-xin là vũ khí duy nhất để đẩy lùi Covid -19 lúc này, sau giải thích, thuyết phục người dân cần tham gia tiêm chủng, tổng tống Emmnuel Macron đã thông báo các biện pháp đẩy mạnh tiến độ tiêm chủng ngừa Covid của Pháp. Trước hết là trong những tuần tới, tại Pháp, sẽ mở rộng phạm vi áp dụng giấy thông hành y tế (xác nhận đã tiêm vac-xin hoặc xét nghiệm PCR âm tính). Từ ngày 21/07, chứng nhận này là bắt buộc đối với mọi người từ 12 tuổi trở nên để vào các tụ điểm giải trí, văn hóa như rạp phim, nhà hát chẳng hạn. Đến đầu tháng 8, chứng nhận y tế sẽ là điều kiện bắt buộc đối với khách cũng như nhân viên trong các quán cà phê, nhà hàng, trung tâm thương mại và trên các chuyến bay hay xe lửa đường dài. Hiện tại thông hành chứng nhận y tế đã được áp dụng với các tụ điểm như sân vận động có sức chứa trên một nghìn người và các vũ trường có sức chứa trên 50 người.

Bên cạnh đó, tổng thống cũng thông báo, đến mùa thu năm nay, người làm xét nghiệm PCR sẽ phải trả tiền, trừ khi được bác sĩ kê đơn.

Cuối cùng như đề xuất của giới chuyên gia, tiêm chủng ngừa Covid sẽ bắt buộc cho các đối tượng là nhân viên y tế trong các bệnh viện, viện dưỡng lão. Theo phát ngôn viên chính phủ, có khoảng hơn 4 triệu người trong các đối tượng này, trong đó 1,5 triệu người vẫn chưa tiêm phòng. Những người này đến 15/09 bắt buộc phải tiêm phòng, nếu không sẽ bị kỷ luật hoặc phạt.

Để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, tổng thống Pháp thông báo ngay kỳ khai trường tới sẽ tổ chức chiến dịch tiêm phòng rộng rãi cho các học sinh, sinh viên từ cấp 2 cho đến đại học.

Ngay sau thông báo của tổng thống Emmanuel Macron, hàng trăm nghìn người đã đổ xô vào các trang internet để lấy hẹn tiêm liều vac-xin ngừa Covid-19 đầu tiên, theo thông báo của bộ trưởng Y Tế Pháp Olivier Veran trên Twitter, tối qua. Cụ thể trang mạng chuyên lấy hẹn y tế ở Pháp Doctolib cho biết tối qua đã ghi nhận một kỷ lục có 926 nghìn người Pháp lấy hẹn tiêm phòng.

Hiên tại Pháp đã tiêm chủng được cho hơn 35 triệu trên tổng số hơn 60 triệu dân. Nhưng mới chỉ có trên 39% dân hoàn tất 2 mũi tiêm vac-xin ngừa Covid-19.

Covid-19: WHO chỉ trích các nước giàu ích kỷ độc chiếm nguồn vac-xin

Anh Vũ

image.png
Vac-xin ngừa Covid-19 của Pfizer-BioNTech. Ảnh chụp tại Berlin, Đức, ngày 10/04/2021. REUTERS – Fabrizio Bensch

Trong lúc dịch vẫn chưa kiểm soát được hoàn toàn và trước nguy cơ biến thể Delta lan rộng, nhiều nước đã tính đến chuyện tiêm liều vac-xin thứ 3 trong đầu năm 2022 cho các đối tượng dễ bị lây nhiễm. Ý tưởng này ngay lập tức đã vấp phải sự phản đối của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO), theo đó liều tiêm bổ sung này là « vô nghĩa » trong khi hầu như toàn bộ dân nghèo trên địa cầu vẫn chưa nhìn thấy bóng dáng của những liều vac-xin ngừa Covid-19.

Thông tín viên Jérémie Lanche tường trình từ Genève :

“Chính các nước giàu đã hứa hẹn hàng tỷ liều vac-xin cho chương trình Covax. Cũng chính họ đã chi tiền để duy trì cơ chế chia sẻ vac-xin của Tổ Chức Y Tế Thế Giới. Nhưng ngoài chuyện những lời hứa và các tấm ngân phiếu không phải lúc nào cũng đến đúng lúc, các nước giàu vẫn là những nước lũng đoạn, độc chiếm phần lớn vac-xin đang có sẵn. Một số nước vẫn phản đối đình chỉ bảo hộ bằng sáng chế vac-xin.

Vào lúc mà một số chính phủ đề cập đến chuyện tiêm liều vac-xin thứ 3, lãnh đạo Tổ Chức Y Tế Thế Giới, Tedros Adhanom Ghebreyesus đã không còn kiêng nể gì và lên tiếng chỉ trích các nước giàu :

« Các nước giàu bắt đầu nói: Chúng tôi đã kiểm soát được virus, đó không còn là vấn đề của chúng tôi nữa… Tôi không chắc họ đã tránh được tại họa. Tôi cũng không tin họ đã kiểm soát được dịch vì biến thể Delta và nhiều biến thể khác có thể sẽ nổi lên. Tôi lấy làm tiếc phải nói như vậy, nhưng nếu không có tình đoàn kết, mọi người biết tại sao, đó là vì lòng tham. Vẫn chưa có ai thoát được khỏi tai họa trong chuyện này ».

Lời nhắc nhở trên cũng có giá trị đối với những nhà sản xuất vac-xin mà đứng đầu là Pfizer và Moderna. Tổ Chức Y Tế Thế Giới đã đề nghị các hãng này không dành ưu tiên cho những đơn hàng để chuẩn bị cho liều tiêm thứ 3 của những nước đã đạt tỷ lệ tiêm chủng cao mà nên hướng sự ưu tiên cho chương trình Covax thì hơn. Hiện tại, việc giao vac-xin cho chương trình Covax đang gần như bị đình trệ.”

Related posts