Cơ quan quản lý chống độc quyền của Pháp đã phạt Google gần 600 triệu USD vào thứ Ba (ngày 12/7). Đồng thời cho công ty này 2 tháng để đưa ra khuyến nghị về cách thanh toán cho các kênh truyền thông và nhà xuất bản. Nếu không, họ sẽ phải đối mặt với nhiều hình phạt hơn.
Hôm 13/7, Cơ quan quản lý của Pháp cho biết các nhà chức trách đã phạt Google 500 triệu euro (tương đương 790 triệu Úc kim) do công ty này phớt lờ một số lệnh liên quan đến cuộc đàm phán của công ty công nghệ với các nhà xuất bản tin tức Pháp. Nếu ‘gã khổng lồ’ tìm kiếm này không đệ trình kế hoạch bồi thường cho nhà xuất bản trong vòng 2 tháng tới, công ty này sẽ phải đối mặt với hình phạt bổ sung lên tới 900.000 euro/ngày (tương đương 1,1 triệu USD/ngày).
Năm ngoái, cơ quan quản lý cạnh tranh của Pháp đã yêu cầu Google đàm phán một thỏa thuận với các hãng tin, để trả thù lao tương ứng cho các trích đoạn của bài báo hiển thị trong kết quả tìm kiếm, tin tức và các dịch vụ khác.
Google đã bị phạt vì trong mắt các nhà chức trách, họ đã không làm điều này.
Bà Isabelle de Silva, người đứng đầu Cục Quản lý Cạnh tranh Pháp, cho biết: “Khi một cơ quan quản lý đặt ra các nghĩa vụ đối với một công ty, họ phải tuân thủ nghiêm ngặt cả về tinh thần và văn bản. Thật không may, lần này tình hình đã không như vậy.”
Bà Silva nói rằng đây là mức phạt lớn nhất từ trước đến nay đối với các công ty không tuân thủ phán quyết.
Bà Silva nói rằng Google đã không tuân thủ các quy định, không có thiện chí trong việc đàm phán với các hãng tin và nhà xuất bản. Đồng thời Google cũng từ chối tiến hành các cuộc thảo luận cụ thể về thanh toán trực tuyến cho các nội dung tin tức.
Về vấn đề này, Google cho biết trong một tuyên bố rằng họ “rất thất vọng” trước quyết định này.
Google cho biết, họ đã đạt được thỏa thuận khung với Liên minh Thông tin Báo chí (APIG), tổ chức đại diện cho các hãng thông tấn Pháp, và đã ký thỏa thuận với các ấn phẩm lớn như Le Monde và Le Figaro.
Năm ngoái, công ty này đã thông báo rằng họ dự kiến sẽ thông qua chương trình cấp phép tin tức mới trong vòng 3 năm tới và trả cho các nhà xuất bản hơn 1 tỷ đô la.
Năm 2019 Liên minh Châu Âu (EU) đã sửa đổi toàn diện luật bản quyền của mình. EU yêu cầu các nền tảng như Google và YouTube phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm bản quyền của người dùng. Quy tắc mới cũng yêu cầu các công cụ tìm kiếm và các nền tảng truyền thông xã hội, phải trả tiền cho nội dung được hiển thị của các nhà xuất bản.
Theo Tạ Giai Tuyên, Epoch Times