Mua vac-xin Covid-19: TSMC và Foxconn giúp Đài Loan, Trung Quốc đỡ mất mặt

Thu Hằng

image.png
Phát ngôn viên chính quyền Đài Loan họp báo ngày 12/07/2021 về sự kiện được hai tập đoàn tặng vac-xin chống Covid-19. Hàng chữ lớn phía sau có nghĩa là ‘Trực tiếp cho Đài Loan”. AP

Hai tập đoàn Đài Loan TSMC và Foxconn hợp sức mua chung 10 triệu liều vac-xin trị giá 350 triệu đô la từ nhà sản xuất Đức BioNTech, sau đó tặng lại cho chính quyền Đài Bắc. Giải pháp này được cho là giúp cả Đài Loan và Trung Quốc không bị mất mặt và tránh làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Từ đầu năm 2021, vấn đề vac-xin là một trong những chủ đề căng thẳng trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan. Chính quyền Bắc Kinh nhất quyết yêu cầu tỉnh hải ngoại « nổi loạn » dùng vac-xin nội địa Sinopharm hoặc Sinovac. Trong khi « Đài Loan không đủ tin vào vac-xin Trung Quốc », theo phát biểu của trợ lý giám đốc Trung Tâm Phòng Chống Dịch Bệnh Đài Loan vào tháng 05/2021, và vac-xin Trung Quốc vẫn bị cấm ở Đài Loan.

Vào tháng 01/2021, chính quyền Đài Bắc thử mọi cách hợp tác với công ty BioNTech của Đức để mua vac-xin nhưng luôn bị Bắc Kinh gây sức ép ngáng đường. Kết quả là thỏa thuận đầu tiên đề cập mua 5 triệu liều vac-xin với BioNTech đã bị thất bại. Bắc Kinh bác bỏ mọi cáo buộc với khẳng định công ty Fosun Pharmaceuticals, có trụ sở ở Thượng Hải, là đại diện độc quyền phân phối vac-xin Pfizer/BioNTech trong vùng, kể cả Đài Loan.

Không tự mua được vac-xin, dù có điều kiện tài chính, chính quyền Đài Bắc bị áp lực nặng nề vì hiện chỉ có khoảng 14% dân số tiêm mũi đầu tiên ngừa Covid-19, trong đó có 0,3% được tiêm đủ liều. Nhiều người chán nản, lo ngại dịch bệnh gia tăng, đã tự ý sang Hoa Lục tiêm vac-xin của Trung Quốc. Đài Bắc không cấm nhưng cũng không cản. Nhận viện trợ vac-xin từ Bắc Kinh là « chấp nhận cái chết » về mặt chính trị đối với đảng Dân Tiến cầm quyền, theo nhận định hồi tháng 06 của nhà phân tích Drew Thompson, được The Guardian trích dẫn ngày 13/07.

Ngoài « thọc gậy bánh xe », Bắc Kinh liên tục tố cáo Đài Bắc lôi kéo « các thành phần bên ngoài » can thiệp tình hình nội bộ Trung Quốc, ý muốn nói đến Đài Loan chỉ là một tỉnh của Trung Hoa.. Chính quyền của tổng thống Thái Anh Văn chủ trương độc lập bị Bắc Kinh lên án là « đặt vấn đề chính trị cao hơn lợi ích dân tộc » khi nhận hàng loạt lô vac-xin được Nhật Bản, Hoa Kỳ trao tặng.

Hai tập đoàn TSMC và Foxconn của Đài Loan đã trở thành trung gian giúp hòn đảo tìm ra được giải pháp thuận cả đôi đường. Theo bà Margaret Lewis, giáo sư và là chuyên gia về Trung Quốc thuộc Đại học Luật Seton Hall (Mỹ), thỏa thuận đạt được giữa hai tập đoàn công nghệ Đài Loan và công ty Fosun Pharmaceuticals, đại diện độc quyền của BioNTech trong khu vực, còn cho thấy « khả năng xoay xở » khéo léo của Đài Loan dù hòn đảo có quy chế địa chính trị có một không hai.

Vac-xin được sản xuất tại châu Âu, được chuyển trực tiếp cho chính quyền Đài Bắc theo từng lô bắt đầu ngay từ tháng 07. Trong buổi họp báo ngày 12/07, bộ trưởng Y Tế Đài Loan Trần Thời Trung (Chen Shih Chung) cảm ơn món quà của hai doanh nghiệp tư nhân nhưng từ chối cung cấp thêm chi tiết.

Fosun Pharmaceuticals, nhà phân phối độc quyền vac-xin Pfizer/BioNTech trong khu vực, khẳng định « sẽ làm việc với các đối tác để giúp Đài Loan có được vac-xin an toàn, hiệu quả ngay khi có thể, để bảo vệ sức khỏe cho đồng bào Đài Loan và giúp họ sớm trở lại cuộc sống bình thường ».

Chính quyền Bắc Kinh cho biết không can thiệp vì đây là thỏa thuận giữa các tập đoàn tư nhân. Trên giấy tờ, công ty Đức không trực tiếp cung cấp vac-xin cho chính quyền Đài Bắc, có nghĩa là vẫn công nhận một nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, theo đường lối ngoại giao của Berlin.

Chính quyền của thủ tướng Merkel tránh được tình huống ngoại giao tế nhị.  Dù vẫn cung cấp được vac-xin cho Đài Bắc nhưng không làm phật lòng Bắc Kinh. Có thể nhận thấy điều này thông qua một phát biểu của bộ trưởng Y Tế Đài Loan và được Reuters trích dẫn ngày 13/07 : « Trong suốt quá trình điều phối và đàm phán trong hậu trường, không chỉ tôi mà các nghị sĩ và nhà lãnh đạo Đức, đều cảm thấy rõ mong muốn và nhiệt thành từ ban lãnh đạo công ty BioNTech để cung cấp vac-xin cho Đài Loan ».

Cuối cùng, thỏa thuận trên cũng cho thấy chiến lược « ngoại giao vac-xin » của Trung Quốc không phải lúc nào cũng đạt được hiệu quả mong muốn.

Related posts