100 sinh viên Trung Quốc kiện chính phủ Hoa Kỳ: Trò hề do ĐCSTQ đứng sau

Mạn Vũ

Sinh viên Trung Quốc kiện chính phủ Hoa Kỳ chỉ là trị ở ngọn, còn Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) mới thực sự là gốc rễ của vấn đề…

Từ đầu tháng 7 có 1100 sinh viên ở Trung Quốc muốn cùng nhau đệ đơn kiện chính phủ Hoa Kỳ, đồng thời họ còn thuê một luật sư của Mỹ để làm đại diện. Vụ kiện có thể kéo dài từ 6 tháng đến vài năm, tốn khoảng 500 nghìn đến 1 triệu đô-la Mỹ (11 tỷ đến 23 tỷ đồng). Bây giờ họ đã huy động được 300 nghìn Mỹ kim (gần 7 tỷ đồng). 

Các sinh viên Trung Quốc kiện chính phủ Hoa Kỳ tại một toà án Hoa Kỳ. Vậy thì nếu các sinh viên Trung Quốc bị đối xử bất công ở chính quê hương mình thì liệu họ có dám kiện… chính phủ Trung Quốc ở quốc nội hay không? 

Bản chất hai nước Trung – Mỹ 

Vậy nên tín hiệu này của các sinh viên cho thấy bản chất của hai quốc gia Trung – Mỹ. Học giả Trần Phá Không trong Túng luận thiên hạ (Tự do đàm luận thiên hạ) đăng ngày 13/7 có nhận định như sau: 

“Các sinh viên Trung Quốc này đã nhận ra rằng Hoa Kỳ là một quốc gia theo pháp quyền, vậy nên họ có thể kiện thông qua toà án Hoa Kỳ – một cơ quan độc lập về Tư pháp. Ngoài ra họ còn thừa nhận nước Mỹ là một quốc gia tự do, dân chủ. Nơi đây có thể nhận những vụ kiện xuyên biên giới, hơn nữa các sinh viên tin rằng Hoa Kỳ bảo vệ nhân quyền vì họ còn thỉnh luật sư nhân quyền người Mỹ cho vụ kiện.

Nếu làm ngược lại, ở Trung Quốc liệu bạn dám kiện chính phủ Trung Quốc chăng? Chưa nói đến việc gây quỹ, thì ngay lập tức bạn đã bị bắt vào nhà ngục rồi. Tôi e rằng trong một vài năm bạn phải chịu đàn áp. Sau này vì hồ sơ ‘có vết’, họ sẽ phân biệt đối xử với bạn, việc làm ăn, kinh doanh cùng những khía cạnh khác… có lẽ bạn sẽ bị ĐCSTQ giám sát đến cuối đời. 

Thông qua hành động này, 1100 sinh viên đã tự chứng minh rằng: Trung Quốc không phải là quốc gia của nhân quyền. Bởi vì họ biết rằng, luật sư nhân quyền Trung Quốc đứng ra bảo vệ chính nghĩa và quyền lợi theo Hiến pháp thì chắc chắn những luật sư ấy sẽ bị bắt trên quy mô lớn (1). 

Vậy nên những sinh viên Trung Quốc phát đi thông tin này chính là đã chứng minh: Hoa Kỳ là quốc gia tuyệt vời, dân chủ, nhân quyền, pháp trị. Ngược lại họ cũng chứng minh rằng Trung Quốc là quốc gia có hồ sơ nhân quyền đen tối. Bạn không thể giảng đạo lý với chính phủ, hơn nữa nơi đây không có sự độc lập về Tư pháp. Tư pháp (toà án) là do chính phủ mở, phải nghe lời chính phủ, hơn nữa không có bảo đảm nhân quyền, vậy nên bạn không dám… thỉnh mời luật sư”.

300 nghìn Mỹ kim (7 tỷ đồng) từ đâu ra?

Các phương tiện truyền thông của ĐCSTQ như Tân Hoa Xã, Thời báo Hoàn cầu nói rằng những sinh viên này đã tập hợp lại để kiện chính phủ Mỹ và… nhanh chóng huy động được 300 nghìn đô-la Mỹ. Vậy thì số tiền đó đến từ đâu? 

Chúng ta biết rằng, ở Đại lục, ĐCSTQ muốn quản hết thảy, quản Trời, quản đất, quản người. Ngay cả quyền được sinh con của người dân nơi đây, ĐCSTQ cũng có thể tự quyết… Vậy thì thử hỏi làm sao các sinh viên đệ đơn kiện rồi trong thời gian ngắn quyên góp được 300 đô-la Mỹ? Dưới góc nhìn của mình, Trần tiên sinh cho rằng ĐCSTQ đứng ở hậu trường và ‘hỗ trợ’ cho các sinh viên. 

Các trường đại học ở Hoa Kỳ đặt ‘nước Mỹ trên hết’

Đầu tháng 6, sau khi những sinh viên này bị từ chối cấp thị thực, 550 sinh viên quốc tế Trung Quốc đã viết một lá thư chung cho 50 trường đại học ở Hoa Kỳ để phàn nàn. Kết quả là một nửa trong số các trường đại học này đã trả lời thư của họ. 

Khi các sinh viên đề cập việc khởi kiện chính phủ Hoa Kỳ, thì tất cả 50 trường này đều không muốn ra toà chống lại chính phủ quốc gia mình. Từ câu chuyện này, Trần tiên sinh thấy được hai điều như sau: 

“Thứ nhất, các trường đại học của Mỹ đều là những trường văn minh. Nếu ai viết thư cho họ, thì họ sẽ trả lời lịch sự. Họ không giống như các trường đại học ở Trung Quốc, tất cả đều nằm dưới sự lãnh đạo của ĐCSTQ, cho nên người của nhũng trường này vô cùng kiêu ngạo. 

Nếu có một nhóm sinh viên viết đơn khiếu nại, họ không những không hồi âm, mà bước tiếp theo có thể sẽ mời công an đến điều tra. Nhẹ thì công an mời các sinh viên ‘uống trà’, còn nặng thì về đồn ‘dạy bảo’, nặng hơn nữa có thể phải vào tù thậm chí ‘bốc hơi khỏi nhân gian’. 

Thứ hai, các trường đại học ở Mỹ không muốn ra toà chống lại chính phủ nước mình, bởi vì người Mỹ hiểu khái niệm nhà nước pháp quyền. Bởi đây là một sắc lệnh của tổng thống, mục đích là vì an ninh quốc gia để ngăn chặn ĐCSTQ do thám và đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ. Mặc dù các trường đại học có thể bị thiệt hại về tài chính, nhưng vì mục đích cao cả hơn, họ vẫn đặt ‘nước Mỹ trên hết’.

Do đó cái gọi là 1100 sinh viên Trung Quốc đệ đơn kiện chính phủ Hoa Kỳ thực sự là một trò hề, đằng sau đó là sự sắp xếp của ĐCSTQ. 

Vụ kiện này không thể thắng. Thực chất phía Trung Quốc muốn chính quyền của Biden gỡ bỏ hoặc sửa đổi Sắc lệnh Hành pháp số 10043 (2) do cựu tổng thống Trump ký. Đây là mục tiêu của họ, nhưng nó chỉ là hy vọng huyễn tưởng và giấc mơ xa vời”. 

ĐCSTQ mới là gốc rễ của vấn đề

Là một người có hiểu biết sâu sắc về ĐCSTQ, Trần Phá Không tiên sinh nói rằng: 

“Có thể những sinh viên này họ biết điều đó nhưng họ không nói ra. Bởi vì khi tờ Thời báo Hoàn cầu đưa tin, những sinh viên này nói ‘nước Mỹ đang quay ngược bánh xe lịch sử’. 

Nhưng trên thực tế mọi người đều biết người quay ngược bánh xe lịch sử là chính quyền ĐCSTQ – chính quyền của Tập Cận Bình. Bởi vì trước khi Tập Cận Bình lên nắm quyền thì không có chuyện chính phủ Mỹ từ chối cấp thị thực cho sinh viên Trung Quốc, bao gồm các ngành khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật, quản trị kinh doanh v.v. đều được chính phủ Mỹ cho phép. Nhưng hiện nay không chỉ các ngành khoa học kỹ thuật, những ngành khác cũng bị chính phủ Hoa Kỳ từ chối cấp thị thực. 

Nguyên nhân là gì? Đó là bởi vì sau khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, ông ta đã trấn áp bên trong, đe doạ bên ngoài, cật lực chống Mỹ và phương tây. 

Cho nên 1100 du học sinh Trung Quốc này nên biết rằng ‘oan có đầu, nợ có chủ’, cần biết đâu là ‘trị ở ngọn’ và đâu là ‘trị tận gốc’. Nếu họ kiện chính phủ Hoa Kỳ chính là ‘trị ở ngọn’, còn kiện ĐCSTQ mới là ‘trị tận gốc’, như thế vấn đề mới có thể được giải quyết”. 

Chú thích: 

(1) Đó là sự kiện 709 (ngày 9/7/2015), khi ấy chính quyền của Tập Cận Bình đã ra lệnh bắt giữ khoảng 200 luật sư nhân quyền chỉ trong một ngày. Đây là vụ án bắt giữ luật sư nhân quyền trên quy mô lớn được thế thế giới thừa nhận là có xảy ra tại Trung Quốc. 

(2) Sắc lệnh Hành pháp này cấm nghiên cứu sinh và nhà nghiên cứu có liên hệ đến ‘chiến lược hợp nhất dân sự – quân sự’ của quân đội Trung Quốc nhập cảnh vào Mỹ, nhằm ngăn chặn hành vi gián điệp và thu thập trái phép tài sản sở hữu trí tuệ.

Related posts