Tình hình ở Indonesia ngày càng tồi tệ, số ca nhiễm tăng ‘báo động’
Straitstimes – Hệ thống y tế ở Indonesia đang trên bờ vực sụp đổ trong bối cảnh số ca nhiễm và tử vong có Covid-19 liên tục gia tăng đáng báo động.
Ngày 14/7, quốc gia này ghi nhận thêm 54.517 ca mắc mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên hơn 2,67 triệu người. Đây là mức tăng ca nhiễm kỷ lục trong một ngày tại Indonesia. Indonesia ghi nhận thêm 991 ca tử vong. Tính đến nay, nước này đã có hơn 69.000 người tử vong vì đại dịch. Tuy nhiên nhiều chuyên gia y tế cho rằng con số này không phản ánh đúng thực tế, vì còn nhiều trường hợp chưa được báo cáo.
Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin cho biết biến thể Delta có mặt 11 khu vực bên ngoài đảo Java. Số ca nhiễm và tỉ lệ lấp đầy giường bệnh đã tăng lên đáng lo ngại ở một số khu vực ở Sumatra, Papua, Kalimantan, và cả các vùng hẻo lánh như Tây Papua.
Các bệnh viện trên đảo Java đã hết khả năng nhận thêm bệnh nhân trong những tuần gần đây trong khi vẫn có nhiều người phải chờ để được điều trị.
Theo kết quả của một cuộc khảo sát được công bố hôm 10/7, khoảng 4,7 triệu, trong số khoảng 10,6 triệu người đang sống tại thủ đô Jakarta, Indonesia có thể đã nhiễm virus corona.
Indonesia hiện đã tiêm phòng đầy đủ cho 5,5% dân số, chủ yếu là vaccine Sinovac của Trung Quốc. Tại Jakarta, hơn 1,95 triệu người – chiếm khoảng 18% dân số – đã được tiêm chủng đầy đủ, theo số liệu của Bộ Y tế Indonesia.
Nga ghi nhận số ca tử vong chưa từng có vì COVID-19
Tass.com – Số người tử vong vì COVID-19 ở nước này tiếp tục lập kỷ lục mới cùng với số ca nhiễm mới tăng mạnh.
Bộ Y tế Nga ngày 14/7 công bố thêm 786 ca tử vong vì COVID-19, cao nhất kể từ khi dịch bùng phát. Tính đến nay, Nga ghi nhận tổng cộng hơn 145.000 ca tử vong vì đại dịch.
Ngoài ra, Nga cũng ghi nhận thêm 23.827 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc ở nước này lên hơn 5,8 triệu ca.
Sự xuất hiện của biến chủng Delta gần đây đã khiến số ca nhiễm và tử vong vì virus corona ở nước này tăng mạnh và liên tiếp lập kỷ lục mới.
Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Dịch tễ Trung ương, ông Alexander Gorelov, cho rằng đợt dịch mới đang ở giai đoạn ổn định sau khi tăng vọt, giai đoạn này có thể kéo dài hết tháng 7, sang đầu tháng 8.
Hiện Nga cũng đang chật vật thúc đẩy tiêm chủng khi người dân nước này tỏ ra thờ ơ với vaccine. Theo thống kê của trang Gogov, tính đến 13/7, mới chỉ có 13% trong số 146 triệu người dân của Nga được tiêm chủng đầy đủ dù vaccine ở Nga luôn có sẵn.
WHO: Thế giới đang ở giai đoạn đầu của làn sóng thứ ba của đại dịch
TASS – Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết thế giới hiện đang trong giai đoạn đầu của làn sóng thứ ba.
Trong bài phát biểu khai mạc cuộc họp lần thứ 8 của Ủy ban Khẩn cấp IHR về COVID-19, ông Tedros nói : “Chúng ta đang ở giai đoạn đầu của làn sóng thứ ba”.
Người đứng đầu WHO cho biết trong tuần qua các trường hợp nhiễm COVID-19 đang gia tăng trên toàn cầu và số ca tử vong đã bắt đầu tăng trở lại.
Nguyên nhân, ông Tedros cho biết do sự xuất hiện của biến thể Delta lây lan nhanh. Người đứng đầu WHO cho biết biến thể này hiện đã có mặt tại hơn 111 quốc gia.
Trước đó vào ngày 6/7, trong một cuộc họp báo. Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố thế giới đang trong “giai đoạn vô cùng nguy hiểm” của đại dịch COVID-19.
Theo thống kê của Worldometer, đến nay đại dịch đã lấy đi sinh mạng của 4.070.503 người trên toàn cầu, cả thế giới đã có gần 189 triệu ca nhiễm và mới chỉ hơn 172 triệu trường hợp hồi phục.
Bắc Kinh kêu gọi Pakistan ‘trừng phạt nghiêm khắc’ vụ xe chở chuyên gia Trung Quốc bị đánh bom
SCMP – Bắc Kinh khẳng định nhóm chuyên gia nước này thiệt mạng ở Pakistan ngày 14/7 do chiếc xe chở họ bị đánh bom và kêu gọi nước này điều tra.
Tại một cuộc họp báo, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên kêu gọi Pakistan “trừng phạt nghiêm khắc” các nghi phạm đứng sau vụ tấn công ngày 14/7 và “nghiêm túc bảo vệ an toàn cho các công dân, tổ chức, và dự án” của Trung Quốc tại nước này.
Trong khi đó, Đại sứ quán Trung Quốc tại Islamabad thông báo “dự án của một công ty Trung Quốc ở Pakistan đã bị tấn công, dẫn tới cái chết của công dân Trung Quốc”. Cơ quan này kêu gọi các doanh nghiệp Trung Quốc siết chặt các biện pháp an ninh.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Pakistan cho biết vụ nổ xảy ra do rò rỉ khí gas.
Tuy nhiên, Giám đốc Cảnh sát tỉnh Khyber-Paktunkhwa, ông Moazzam Jah Ansari nói với Reuters rằng vụ việc có dấu hiệu “phá hoại”.
Xe bus chở đoàn kỹ sư, chuyên gia khảo sát và nhân viên kỹ thuật Trung Quốc phát nổ tại Dasu, tỉnh Khyber Pakhtunkhwa của Pakistan ngày 14/7 khiến 13 người thiệt mạng, trong đó có 9 công dân Trung Quốc, 2 binh sĩ và 2 dân thường Pakistan.
Vụ nổ cũng khiến 36 người bị bị thương, trong đó có 28 công dân Trung Quốc.
Khi vụ việc xảy ra, chiếc xe đang đưa đoàn chuyên gia Trung Quốc tới công trường xây dựng một dự án thủy điện Dasu ở tỉnh Khyber Pakhtunkhwa.
Dự án thủy điện này là một phần của Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC), nằm trong kế hoạch đầu tư trị giá 65 tỷ USD nhằm kết nối miền Tây Trung Quốc với cảng Gwadar, miền Nam Pakistan.
Các dự án của Trung Quốc vấp phải nhiều sự phản đối của công chúng Pakistan, người dân địa phương cho rằng lợi ích và việc làm thuộc về người Trung Quốc, trong khi họ bị gạt ra bên lề.
Hồi tháng 4, tổ chức Taliban ở Pakistan tuyên bố nhận trách nhiệm vụ đánh bom tự sát khách sạn ở Balochistan – nơi tiếp đón đại sứ Trung Quốc.
Mỹ bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông và quan ngại về tình hình Myanmar
Nikkei – Ngoại trưởng Antony Blinken hôm 14/7 cho biết Hoa Kỳ bác bỏ yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông và quan ngại về tình hình ở Myanmar.
Phát biểu tại một cuộc họp trực tuyến với các ngoại trưởng của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam (ASEAN), ông Blinken cũng cho biết Hoa Kỳ có “quan ngại sâu sắc” về tình hình ở Myanmar và kêu gọi nhóm hành động để chấm dứt bạo lực và khôi phục nền dân chủ ở nước này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ned Price cho biết trong một tuyên bố rằng, Ngoại trưởng Blinken kêu gọi ASEAN thực hiện “hành động ngay lập tức” về sự đồng thuận và bổ nhiệm một đặc phái viên tới Myanmar. Ông Blinken còn yêu cầu trả tự do cho tất cả những người “bị giam giữ bất công” trong nước và khôi phục quá trình chuyển đổi dân chủ của Myanmar.
Bên cạnh vấn đề Myanmar, ông Blinken cũng nhấn mạnh Hoa Kỳ bác bỏ “yêu sách hàng hải trái pháp luật” của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông nói thêm rằng Washington “sát cánh với các bên tranh chấp Đông Nam Á khi đối mặt với sự chèn ép của (Trung Quốc)”.
Ngoài Biển Đông, sông Mekong đã trở thành một mặt trận mới trong sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, với việc Bắc Kinh vượt qua Washington về cả chi tiêu và ảnh hưởng đối với các nước hạ nguồn do họ kiểm soát vùng nước của con sông.
Ông Price cho biết Ngoại trưởng Blinken “cam kết tiếp tục hỗ trợ cho một khu vực Mekong tự do và rộng mở trong khuôn khổ quan hệ Đối tác Mekong-Hoa Kỳ.”
Cuộc họp của Ngoại trưởng Blinken với các lãnh đạo ASEAN hôm nay diễn ra trong bối cảnh các nhà ngoại giao và giới quan sát lo ngại rằng Washington đã không chú ý đủ đến một khu vực có tầm chiến lược quan trọng nhằm chống lại Trung Quốc ngày càng hung hăng.