Nguồn gốc Covid-19: WHO đòi kiểm tra các phòng thí nghiệm Trung Quốc
Thanh Hà
Tổ Chức Y Tế Thế Giới, ngày 16/07/2021 kêu gọi Bắc Kinh có thái độ “minh bạch”, cho mở điều tra thấu đáo về nguồn gốc virus gây ra đại dịch Covid-19.
Vào lúc virus corona đã cướp đi sinh mạng của hơn 4 triệu người trên toàn cầu, và dưới áp lực của cộng đồng quốc tế ngày càng mạnh, tổng giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới, Tedros Adhanom Ghebreyesus, đưa ra một loạt đề xuất nhằm đẩy mạnh nghiên cứu về nguồn gốc dẫn tới thảm họa y tế hiện nay.
Một cách cụ thể, định chế đa quốc gia này xem việc « kiểm tra các phòng thí nghiệm và cơ quan nghiên cứu có liên quan đang hoạt động tại vùng mà những ca nhiễm đầu tiên được phát hiện vào tháng 12/2019 » là điều cần thiết. Tổ Chức Y Tế Thế Giới « chờ đợi Trung Quốc ủng hộ giai đoạn mới này trong tiến trình nghiên cứu khoa học, minh bạch chia sẻ tất cả mọi thông tin xác đáng »
Hãng tin Pháp AFP nhắc lại hôm đầu tuần, tất cả các thành viên của Tổ Chức Y Tế Thế Giới đã nhận được một tài liệu với những giai đoạn cụ thể cho phép đẩy mạnh công việc điều tra tìm hiểu về nguồn gốc virus corona. Và theo thông tin mà AFP có được, Tổ Chức Y Tế Thế Giới không còn loại trừ giả thuyết virus đã thất thoát khỏi các phòng thí nghiệm Trung Quốc do « tai nạn ». Do vậy cơ quan này đề xuất thủ tục cho phép thẩm định về « mức độ an toàn » tại các phòng thí nghiệm.
Ngoài ra ông Tedros Adhanom Ghebreyesus còn đề nghị ưu tiên điều tra tại các khu vực địa lý nơi SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu, điều tra tại các khu chợ động vật ở Vũ Hán. Sự kiện hiếm thấy là Tổ Chức Y Tế Thế Giới đã trực tiếp yêu cầu Bắc Kinh « hợp tác tốt hơn để tìm hiểu về những gì « đã thực sự xảy ra ».
Trả lời báo chí quốc tế, tổng giám đốc cơ quan này tiếc rằng Trung Quốc đã « thiếu sót » trong việc chia sẻ thông tin và những « dữ liệu thô » liên quan đến virus corona chủng mới. Theo ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, đó thực sự là cả một « vấn đề ».
Đương nhiên Bắc Kinh đã mạnh mẽ bác bỏ những chỉ trích nói trên. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, Triệu Lập Kiên cùng ngày (16/07/2021) khẳng định « một số thông tin mang tính cá nhân không thể được sao chép và lọt ra ngoài lãnh thổ.
Ông này đồng thời bác bỏ tuyên bố của tổng giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới cho rằng « còn quá sớm » để loại trừ hẳn giả thuyết Covid-19 bắt nguồn từ một tai nạn và virus đã thất thoát ra bên ngoài phòng thí nghiệm.
Dấu ấn văn hóa “Pali Pali” (빨리 빨리) trong đại dịch Covid tại Hàn Quốc
Thu Hằng
Dấu ấn văn hóa « Pali » (Khẩn trương) trong đại dịch Covid tại Hàn Quốc ; Cuba cắt mạng xã hội và internet để triệt đường thông tin của người biểu tình ; Washington cũng có tượng Nữ Thần Tự Do ; Trung Quốc khan hiếm đất canh tác ở vùng đông bắc ; Thành phố Venise của Ý cấm du thuyền khổng lồ. Trên đây là một số chủ đề trong tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này của RFI.
Người nước ngoài khi tới Hàn Quốc có lẽ thường bất ngờ trước những tiếng quát tháo của người dân địa phương khi chuyến bay bị trễ, thái độ giận dữ khi tàu điện ngầm hay xe bus đến muộn hay đơn giản là họ ăn xong một bữa ăn chỉ trong vòng 5-10 phút. « Pali Pali » (Nhanh lên ! Nhanh lên nào !) trở thành nét đặc trưng cho lối sống đương đại ở Hàn Quốc và được áp dụng triệt để trong cuộc chiến chống Covid-19 hiện nay.
Thông tín viên Trần Công tường trình từ Seoul :
« “Pali” có nghĩa là “nhanh” trong ngôn ngữ Hàn Quốc. Từ này được lặp lại hai lần mang phong thái thúc giục “nhanh lên, nhanh lên” và trở thành một cụm từ tượng trưng cho tính khí nóng vội của người Hàn Quốc.
Văn hóa “Pali” được hình thành sau chiến tranh Triều Tiên khi mà mọi thứ đã bị tàn phá một cách nặng nề. Để sống sót và độc lập, người dân Hàn đã buộc phải chuyển mình, thay máu trong khoảng thời gian 20 năm từ một nền kinh tế lệ thuộc vào nông nghiệp và công nghiệp nhẹ chuyển sang nền kinh tế công nghiệp nặng và hóa chất trong khoảng những năm 1970 đến 1980. Nhờ văn hóa này mà kỳ tích sông Hán đã xuất hiện và đưa Hàn Quốc vươn tầm thế giới và chỉ đứng sau Nhật Bản trong thời gian này.
Năm 2020, khi đại dịch Covid bắt đầu từ Trung Quốc lan ra các lãnh thổ xung quanh một cách khá chậm chạp thì đột nhiên tốc độ lây nhiễm virus tại Hàn Quốc vượt qua tất cả các nước láng giềng cũng như chính Trung Quốc và trở thành quốc gia có tốc độ lây nhiễm Covid-19 nhanh nhất thế giới. Cũng ngay sau đó, chính quyền đã nhanh chóng thay đổi chiến thuật tiếp cận với đại dịch bằng cách khẩn trương tổ chức những trung tâm lấy mẫu xét nghiệm virus trên cả nước.
Với tốc độ xét nghiệm nhanh khiến cả thế giới ngỡ ngàng, Hàn Quốc lại trở thành một hình mẫu để các nước phương Tây cũng như toàn thế giới học tập để nhanh chóng phát hiện ra bệnh nhân Covid, nhanh chóng cách ly và nhanh chóng điều trị. Hiện nay, Hàn Quốc cũng đang tuyên bố sẽ tiêm chủng với một tốc độ nhanh khủng khiếp với khoảng 1 triệu liều tiêm một ngày và trạm tiêm chủng được bố trí ở khắp nơi như nhà thuốc, phòng khám tư nhân hay bệnh viện.
Nhưng với tốc độ cách ly nhanh chóng mặt như vậy, thì những người trong khu cách ly lại gặp phải một cú sốc lớn về tâm lý. Việc thay đổi cuộc sống từ không có thời gian để, ăn, uống, ngủ, nghỉ chuyển sang một cuộc sống dư thừa thời gian làm cho nhiều người bị choáng ngợp. Để giúp cho người cách ly có việc làm, Hàn Quốc đã phát cho họ những quyển vở tập tô của trẻ nhỏ để họ có thể tập tô và làm quen với cuộc sống chậm rãi trong khoảng thời gian cách ly khó khăn.
Văn hóa “Pali Pali” mang đến cho Hàn Quốc một sức sống mới vươn tầm ra thế giới nhưng điều này cũng tạo một áp lực vô hình lên cá nhân trong cuộc sống gia đình, hay công việc. Hậu quả là căng thẳng kéo dài, mệt mỏi vì thành tích cá nhân và khó có thể cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống ».
Mỹ trừng phạt thêm 7 quan chức Trung Quốc vì đàn áp dân chủ Hồng Kông
Thụy My
Hoa Kỳ hôm 16/07/2021 đã áp đặt trừng phạt lên bảy quan chức Trung Quốc do Bắc Kinh đàn áp phong trào dân chủ tại Hồng Kông. Đây là nỗ lực mới nhất của Washington nhằm buộc Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm về sự xói mòn Nhà nước pháp quyền tại đặc khu, và tất nhiên là phía Trung Quốc đã phản đối.
Trừng phạt của bộ Tài Chính Hoa Kỳ nhắm vào bảy quan chức Trung Quốc là phó giám đốc Văn phòng liên lạc ở Hồng Kông, gồm Trần Đông (Chen Dong), Hà Tĩnh (He Jing), Lư Tân Ninh (Lu Xinning), Cừu Hồng (Qiu Hong), Đàm Thiết Ngưu (Tan Tienui), Dương Kiến Bình (Yang Jianping), và Doãn Tông Hoa (Yin Zonghua).
Reuters dẫn lời ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, theo đó trong những năm qua, các quan chức Trung Quốc đã « phá hoại một cách có hệ thống » các định chế dân chủ Hồng Kông, trì hoãn các cuộc bầu cử, cách chức các dân biểu được bầu, bắt giam hàng ngàn người bất đồng chính kiến. Ông Blinken tuyên bố, do Bắc Kinh kìm hãm khát vọng dân chủ của Hồng Kông nên Washington phải hành động, và đây là thông điệp cho thấy Hoa Kỳ kiên quyết đứng về phía người dân Hồng Kông.
Bộ Tài Chính cùng với các bộ Ngoại Giao, Thương Mại, Nội An trong một thông cáo khác đã nhấn mạnh mối quan ngại của chính phủ Hoa Kỳ về tác động của luật an ninh áp đặt trên Hồng Kông, đối với các công ty quốc tế. Họ có nguy cơ bị giám sát mà không cần có sự cho phép của tòa án, và phải giao nộp các dữ liệu khách hàng cho chính quyền.
Phía Mỹ cũng cảnh báo các cá nhân và doanh nghiệp nên lưu ý đến hậu quả nếu giao dịch với các đối tượng bị trừng phạt. Trước đó Hoa Kỳ đã trừng phạt một số quan chức cao cấp trong đó có trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam).
Tổng thống Joe Biden trong cuộc họp báo hôm thứ Năm 15/07 tố cáo Trung Quốc đã phá vỡ những cam kết khi Hồng Kông được trao trả năm 1997, theo đó đặc khu có quyền tự trị rộng rãi. Từ sau luật an ninh, những người đấu tranh dân chủ bị quy tội nổi dậy, ly khai, khủng bố, thông đồng với thế lực nước ngoài, nhiều nhà hoạt động đã bị tống giam, nhật báo Apple Daily bị bức tử sau 26 năm đồng hành với người dân.
Tối qua người phát ngôn của Văn phòng ủy viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc tại Hồng Kông nói rằng lệnh trừng phạt mới của Mỹ là « hết sức thô bạo », « vô cùng phi lý ».
Reuters cho biết thứ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman đang chuẩn bị chuyến công du châu Á tuần tới, sẽ đi thăm Nhật Bản, Hàn Quốc và Mông Cổ, nhưng không đến Trung Quốc. Một viên chức ngoại giao Mỹ nói rằng Washington còn đang thảo luận với Bắc Kinh về khả năng bà Sherman thăm Trung Quốc.
Mỹ sẵn sàng đối thoại với Trung Quốc ?
Một quan chức cao cấp của bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ hôm 16/07/2021 cho biết Washington để ngỏ khả năng đối thoại ở cấp cao nhất với Trung Quốc. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh thứ trưởng Ngoại Giao, bà Wendy Sherman chuẩn bị một vòng công du châu Á.
Kể từ Chủ Nhật 18/07/2021 bà Sherman bắt đầu chuyến công tác ba nước châu Á, gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Mông Cổ. Trái với mọi đồn đoán, Washington cho biết Trung Quốc không nằm trong chương trình nghị sự của bà Wendy Sherman. Tuy nhiên một quan chức của bộ Ngoại Giao Mỹ được hãng tin AFP trích dẫn ghi nhận Washington « đã nghiên cứu và tiếp tục thăm dò những cơ hội để trao đổi với phía Trung Quốc ở cấp cao nhất, vì lợi ích của nước Mỹ ».
Theo các nhà quan sát ít có khả năng Mỹ và Trung Quốc nhanh chóng nối lại đối thoại trong bối cảnh hôm 16/07/2021 chính quyền Biden cảnh báo nhiều tập đoàn Mỹ về « rủi ro ngày càng lớn » tại Hồng Kông. Nhà Trắng giải thích những rủi ro đó bắt nguồn từ việc Bắc Kinh siết chặt các biện pháp kiểm duyệt và các quyền tự do cơ bản của Hồng Kông. Trước đó, hôm 15/07/2021 Thượng Viện Mỹ biểu quyết dự luật cấm vận tất cả những sản phẩm xuất xứ từ Tân Cương. Đây là hành động nhằm lên án chính quyền Bắc Kinh cưỡng bức lao động người Duy Ngô Nhĩ tại vùng tự trị này.
Lũ lụt chưa từng thấy tại Tây Âu, hơn 150 người thiệt mạng
Thanh Hà
Đức, Bỉ, Hà Lan và Luxembourg bị thiệt hại nặng hơn cả. Tính đến sáng ngày 17/07/2021 có tổng cộng 153 người thiệt mạng tại bốn quốc gia kể trên. Bỉ thông báo có 20 người chết. Còn tại Đức là 133 người nhưng cảnh sát Đức lo ngại thiệt hại sẽ nghiêm trọng hơn thế nữa, đặc biệt là tại thành phố Koblenz, bang Rheinland-Pfalz, miền tây nước Đức.
Tại đây từ đêm Thứ Tư 14/07/2021 mực nước đã dâng lên trong vài giờ, cuốn trôi nhà cửa, cây cối, xe cộ trước sự bất lực của người dân địa phương. Hàng ngàn người phải sơ tán. Chính phủ Đức thành lập một quỹ đặc biệt hỗ trợ nạn nhân. Thiệt hại vật chất ước tính lên tới hàng tỷ đô euro. Thủ tướng Merkel, vừa kết thúc chuyến công du Hoa Kỳ, dự trù đến thị sát tình hình tại chỗ.
Đặc phái viên đài RFI Pascal Thibaut từ Rheinland-Pfalz tường thuật về nỗi cơ cực chưa từng thấy mà người dân Đức phải đối mặt từ sau Thế Chiến Thứ Hai :
« Những tiếng còi báo động của xe cứu hộ hú liên hồi. Dân cư tại đây không ngừng tay quét dọn nhà cửa, hay cửa hàng bị tàn phá. Đồ đạc nội thất còn lại thì được chất đống trên vỉa hè. Máy bơm nước hoạt động hết công sức để sấy khô tầng hầm. Người qua đường bùn lấm lem, mệt mỏi nhưng vẫn miệt mài làm việc không ngừng.
Trạm xăng nhỏ của Peter Heinke bị nước lũ phá tan hoang. Cửa hàng chỉ còn lại là một đống ngổn ngang đổ nát. Ông nói : « Tất cả gần như hỏng hết. Chỉ có những chai rượu là còn trụ lại trên các quầy hàng. Chúng tôi chưa liên lạc được với ai cả. Không biết mọi việc rồi sẽ ra sao. Không biết về mặt tài chính sẽ xoay sở như thế nào. Tôi mất việc làm, mất hết. Chỉ còn lại chút hy vọng thôi ».
Hai phụ nữ trẻ, mặc áo vét bằng da bó sát người, chân đi ủng. Trông họ khá lịch sự nhưng cũng lấm lem đầy bùn trên người. Natalia tự cho phép mình nghỉ ngơi một chút và cô tranh thủ đi thăm con. Chúng đang trú ngụ bên bà ngoại. Natalia cho biết, cô không có ý định bỏ vùng này đi định cư nơi khác và hy vọng là sẽ làm lại từ đầu.
Dân cư tại đây đang bám víu vào hy vọng trong khi chờ đợi được giúp đỡ và công cuộc tái thiết sẽ đòi hỏi nhiều thời gian ».
Sau cuộc biểu tình lịch sử, người dân Cuba phản đối bạo lực
Thụy My
Gần một tuần sau các cuộc biểu tình lịch sử làm rúng động cả nước khiến một người chết, vài chục người bị thương và hàng trăm người bị bắt, chủ tịch Cuba tiếp tục đổ lỗi cho Hoa Kỳ. Ông Miguel Diaz-Canel hôm 16/07/2021 tuyên bố « Kế hoạch của Mỹ đã thất bại »
Quá bất ngờ trước sự kiện ngày 11/07, chính quyền cố xoa dịu dân chúng đồng thời huy động lực lượng ủng hộ chính phủ. Về phía người dân, việc triển khai lực lượng an ninh trên đường phố gây lo lắng, họ phản đối bạo lực trong cuộc biểu tình.Từ La Habana, thông tín viên Domitille Piron gởi về bài phóng sự :
« Ai đã tấn công đầu tiên trong các cuộc biểu tình ? Câu hỏi này gây chia rẽ đối với những ai không xuống đường hôm 11 tháng Bảy, như Daymi chẳng hạn. Ông hoàn toàn phản đối bạo động từ phía người biểu tình.
Daymi nói : « Tất cả các thanh niên ở độ tuổi hai mươi này đã tạo ra nhiều vấn đề, thế nên cảnh sát mới phải bắt đưa đi, vì họ gây rối trật tự xã hội ! Như vậy có những người không phải đến đó để biểu tình ».
Chính quyền nhấn mạnh đến các hành động phá hoại và những vụ xô xát. Nhưng bạo động diễn ra từ mọi phía : lực lượng an ninh, người biểu tình và những người ủng hộ chính phủ, mà chủ tịch Miguel Diaz-Canel đã kêu gọi xuống đường ngày hôm đó. Yunior Garcia coi đây là việc xúi giục dùng bạo lực đối phó với người biểu tình.
Yunior khẳng định : « Lời kêu gọi chiến đấu của ông Diaz-Canel là hành động vô trách nhiệm nhất mà một chính khách có thể làm trong tình hình như thế. Không ai quên được lời kêu gọi bạo lực mà ông ta đã đưa ra giữa lúc tình trạng đang nghiêm trọng ».
Người dân Cuba coi rằng tình hình trước và sau các cuộc biểu tình ngày 11 tháng Bảy đã đổi khác, họ hy vọng có sự thay đổi và tranh luận với Nhà nước.
Jorge Avila mong sẽ có đối thoại. Ông nói : « Có rất nhiều vấn đề tại Cuba cần phải giải quyết, nhưng nếu hướng về phía đối đầu với nhau thì tôi không ủng hộ. Bạo động là con đẻ của sự thiếu hiểu biết, sẽ không đi đến đâu cả. Và giờ đây người dân đang lo sợ, mọi người muốn yên ổn vì mặc dù biết rằng cần phải thay đổi, bạo lực đã gây sợ hãi ».
Sợ các vụ đụng độ và sợ lực lượng an ninh, vốn không có thói quen đối phó với các cuộc biểu tình như vậy ».
Việt Nam kêu gọi Hoa Kỳ bãi bỏ cấm vận Cuba
Việt Nam hôm qua 16/07/2021 kêu gọi Hoa Kỳ chấm dứt « chính sách thù địch » và dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại lâu nay đối với Cuba, sau khi các cuộc biểu tình chưa từng thấy từ nhiều thập niên. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Lê Thị Thu Hằng tuyên bố « Hoa Kỳ cần có những biện pháp cụ thể để bình thường hóa quan hệ với Cuba vì lợi ích của nhân dân hai nước ».
Reuters ghi nhận Việt Nam và Cuba nằm trong số năm quốc gia cộng sản cuối cùng trên thế giới, cùng với Trung Quốc, Lào, Bắc Triều Tiên. Hoa Kỳ cấm vận Cuba từ đầu thập niên 60, và chính quyền La Habana quy cho Mỹ trách nhiệm về những vấn đề kinh tế ở Cuba.
Covid-19: Ca nhiễm tại Pháp tăng nhanh trở lại dưới tác động của biến thể Delta
Trọng Nghĩa
Lần đầu tiên kể từ cuối tháng Năm, số ca nhiễm hàng ngày tại Pháp đã lại vượt ngưỡng 10.000 vào hôm qua, 16/07/2021. Theo giới chức y tế Pháp, biến thể Delta (đến từ Ấn Độ) là nguyên nhân làm cho dịch bệnh bùng phát mạnh trở lại trong những ngày gần đây.
Theo số liệu của cơ quan y tế Pháp Santé Publique France, trong vòng 24 giờ, đã có ít nhất 10.908 người có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút Sars-CoV-2. Số liệu tăng vọt này bắt nguồn từ việc xét nghiệm đã được thực hiện nhiều hơn để bù lại ngày nghỉ lễ Quốc Khánh 14/07, khi số xét nghiệm được thực hiện ít hơn. Thế nhưng, nếu tính theo thời gian 7 ngày vừa qua, các ca nhiễm đã tăng gần gấp đôi, lên đến 40.562 trường hợp, so với 23.039 ca của bảy ngày trước đó.
Ngưỡng 10.000 ca mới hàng ngày đã không bị vượt qua kể từ cuối tháng Năm. Biến thể Delta rất dễ lây lan là nguyên nhân gây ra hầu hết các trường hợp mới này ở Pháp.
Số người nhập viện vì Covid-19 trong 24 tiếng đồng hồ cũng tăng thêm 220 bệnh nhân, và thêm 33 trường hợp mới được đưa vào khoa điều trị tích cực. Số ca tử vong cũng tăng thêm 22 người, nâng tổng số người chết vì Covid-19 ở Pháp lên thành 111.480 người kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào tháng 3/2020.
Anh Quốc: Số ca nhiễm hàng ngày vượt mức 50.000
Tại Vương Quốc Anh, một trong những nước bị Covid-19 tác hại nặng nề nhất ở châu Âu, với 128.500 ca tử vong, cũng chứng kiến đà lây nhiễm tăng cao trong nhiều tuần, thậm chí vượt quá 50.000 trường hợp hàng ngày vào hôm qua 16/07, điều từng thấy kể từ tháng Giêng.
Olympic Tokyo 2020: Ca nhiễm Covid đầu tiên ở Làng Thế Vận
Trọng Nghĩa
Còn tại Nhật Bản, ban tổ chức Thế Vận Hội Tokyo 2020 vào hôm nay, 17/07/2021 thông báo đã ghi nhận trường hợp mắc Covid-19 đầu tiên tại Làng Thế Vận ở thủ đô Tokyo.
Từ thủ đô Nhật Bản, thông tín viên RFI Frédéric Charles cho biết thêm chi tiết:
“Ban tổ chức Thế Vận Hội Tokyo xác nhận là một người nước ngoài làm việc tại Làng Thế Vận đã bị xét nghiệm dương tính với Covid-19. Quốc tịch của bệnh nhân không được tiết lộ.
Các vận động viên chỉ mới bắt đầu đổ về Làng Thế Vận. Đa phần trong tổng số khoảng 11.000 người sẽ ở đó từ ngày 23 tháng 7 đến ngày mùng 8 tháng 8 tới đây. Các vận động viên đến Tokyo 5 ngày trước khi các cuộc tranh tài của họ bắt đầu, và sẽ rời Nhật Bản ngay sau đó.
Cho đến hôm nay, đã có bốn chục người tham gia Thế Vận Hội bị xét nghiệm dương tính với virus, nhưng đây là lần đầu tiên mà một ca nhiễm được phát giác tại Làng Thế Vận.
Giám đốc điều hành Thế Vận Hội Tokyo 2020 Toshiro Muto tuyên bố không biết là người bị nhiễm đó đã được chích ngừa hay chưa, nhưng điều quan trọng là phải phản ứng ngay lập tức.
Cách nay hai hôm, chủ tịch Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế CIO Thomas Bach đã tuyên bố rằng những ai ở trong Làng Thế Vận mà bị xét nghiệm dương tính với Covid-19 đều bị cách ly ngay lập tức, và nguy cơ đối với những người còn lại trong làng hoàn toàn không có.”
Sợ ảnh hưởng sau rút quân, Nga chỉ trích Mỹ thất bại tại Afghanistan
Thụy My
Việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan dẫn đến các nguy cơ về an ninh cho các quốc gia láng giềng và có thể tác động dây chuyền đến tận biên giới nước Nga. Tình hình này gây lo ngại cho Matxcơva, ngoại trưởng Nga hôm 16/07/2021 không ngần ngại cho rằng chiến dịch của Mỹ được tung ra sau các vụ khủng bố ngày 11 tháng Chín đã thất bại.
Từ Moscow thông tín viên Jean-Didier Revoin tường trình :
« Đối với ngoại trưởng Nga, có nguy cơ thực sự là các nước láng giềng với Afghanistan cũng sẽ trở nên bất ổn. Tại Tachkent ở Uzbekistan, nơi Serguei Lavrov tham dự một hội nghị quốc tế về hợp tác với các nước Trung Á và Nam Á, ông nhấn mạnh rằng việc quân Mỹ và NATO triệt thoái quá sớm làm gia tăng bất an về quân sự và chính trị tại các nước xung quanh.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Nga cũng không bỏ lỡ cơ hội chỉ trích chính quyền Mỹ. Serguei Lavrov nói, cho dù ông Joe Biden cố gắng phủ màu sắc lạc quan lên tình hình, tất cả mọi người đều hiểu rằng chiến dịch của Mỹ đã thất bại, ai cũng nhìn nhận như thế kể cả ở Hoa Kỳ.
Những nhận định này cho thấy sự quan ngại của Nga sau khi một ngàn lính Afghanistan tuần trước đã chạy sang tị nạn tại Tadjikistan, để tránh cuộc tấn công của phe Taliban. Matxcơva lo lắng sẽ có tác động domino, quân khủng bố Hồi Giáo trước hết tràn vào các nước Trung Á thuộc Liên Xô cũ, để dễ xâm nhập vào bên trong nước Nga ».