Minh Sang
Thêm 2.015 ca COVID-19, riêng Sài Gòn 1.346 ca
Báo VnExpress dẫn tin từ Bộ Y tế cho hay, sáng 19/7 ghi nhận 2.015 ca dương tính COVID-19, gồm 2.014 ca trong nước và một ca nhập cảnh được cách ly ngay.
2.015 ca mắc mới từ số 53831-55845. Trong 2.014 ca ghi nhận trong nước, có 1.688 ca được phát hiện ở khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.
1.535 ca ghi nhận tại Sài Gòn: 1.346 ca là các trường hợp trong khu cách ly, khu vực đã được phong tỏa; 189 ca là người tại khu vực ổ dịch, tới khám sàng lọc tại bệnh viện.
215 ca ghi nhận tại tỉnh Bình Dương: 123 ca là các trường hợp trong khu cách ly, khu vực đã được phong tỏa; 92 ca đang điều tra dịch tễ.
74 ca ghi nhận tại tỉnh Đồng Nai: 33 ca là các trường hợp trong khu cách ly, khu vực đã được phong tỏa; 32 ca liên quan đến Công ty tại huyện Vĩnh Cửu; 9 ca đang điều tra dịch tễ.
41 ca ghi nhận tại tỉnh Vĩnh Long: 30 ca liên quan đến Công ty tại huyện Long Hồ; 11 ca đang điều tra dịch tễ.
30 ca ghi nhận tại tỉnh Bến Tre: 20 ca là các trường hợp F1 đã được cách ly; 3 ca liên quan đến chợ P5; 1 ca có tiền sử về từ TP. Hồ Chí Minh; 6 ca đang điều tra dịch tễ.
25 ca ghi nhận tại tỉnh Phú Yên: 21 ca là các trường hợp trong khu cách ly, khu phong toả; 4 ca đang điều tra dịch tễ.
19 ca ghi nhận tại tỉnh Sóc Trăng: 4 ca là các trường hợp F1 đã được cách ly; 1 ca có tiền sử về từ TP. Hồ Chí Minh; 1 ca có tiền sử về từ TP. Cần Thơ; 1 ca có tiền sử về từ tỉnh Đồng Nai; 12 ca đang điều tra dịch tễ.
17 ca ghi nhận tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu: 5 ca là các trường hợp F1 đã được cách ly; 10 ca trong khu vực đã được phong tỏa; 1 ca có tiền sử về từ TP. Hồ Chí Minh; 1 ca đang điều tra dịch tễ.
14 ca ghi nhận tại tỉnh Quảng Ngãi: là các trường hợp trong khu cách ly, khu phong toả
12 ca ghi nhận tại TP. Hà Nội: 11 ca là các trường hợp F1; 1 ca có tiền sử đi về từ TP. Hồ Chí Minh.
8 ca ghi nhận tại tỉnh An Giang: 5 ca là các trường hợp F1 đã được cách ly; 2 ca có tiền sử về từ TP. Hồ Chí Minh; 1 ca có tiền sử về từ tỉnh Vĩnh Long.
6 ca ghi nhận tại tỉnh Đồng Tháp: 5 ca là các trường hợp F1 đã được cách ly; 1 ca đang điều tra dịch tễ.
5 ca ghi nhận tại tỉnh Trà Vinh: có tiền sử đi về từ TP. Hồ Chí Minh, đã chủ động khai báo y tế và được cách ly.
3 ca ghi nhận tại tỉnh Bắc Ninh: 1 ca là F1 đã được cách ly từ trước; 2 ca có tiền sử về từ TP. Hồ Chí Minh.
2 ca ghi nhận tại tỉnh Hậu Giang: 1 ca là F1 của 25440; 1 ca có tiền sử đi về từ TP. Cần Thơ.
2 ca ghi nhận tại tỉnh Quảng Nam: 1 ca là F1 của BN51182 đã được cách ly từ trước; 1 ca đang điều tra dịch tễ.
2 ca ghi nhận tại tỉnh Vĩnh Phúc: có tiền sử đi về từ TP. Hồ Chí Minh, đã chủ động khai báo y tế.
2 ca ghi nhận tại tỉnh Lào Cai: có tiền sử đi về từ TP. Hồ Chí Minh, đã chủ động khai báo y tế.
1 ca ghi nhận tại tỉnh Thái Bình: có tiền sử đi về từ TP. Hồ Chí Minh, đã chủ động khai báo y tế.
1 ca ghi nhận tại tỉnh Gia Lai: đang điều tra dịch tễ.
1 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Nội.
Như vậy, Việt Nam có tổng cộng 53.785 ca ghi nhận trong nước và 2.060 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27/4 đến nay là 52.215 ca, trong đó có 7.893 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Trung tâm y tế ở Hậu Giang ngừng nhận bệnh nhân
Zing – Tối 18/7, bác sĩ Lê Minh Quang, Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang cho biết đơn vị đã tạm ngưng tiếp nhận khám, chữa bệnh ngoại và nội trú. Lý do có một nam nhân viên y tế dương tính với COVID-19.
“Nhân viên dương tính đã thực hiện việc lấy mẫu trong khu cách ly, có mặc đồ bảo hộ. Chúng tôi đang chờ kết quả xét nghiệm F1, F2 và bệnh nhân tại trung tâm khoảng trên 200 người”, ông Quang nói.
Cùng ngày, ông Nguyễn Thanh Giang, Chủ tịch huyện Long Mỹ (Hậu Giang) ký quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Trịnh Minh Cảnh, Chủ tịch xã Thuận Hòa vì thiếu trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong phòng, chống dịch Covid-19. Thời gian tạm đình chỉ 5 ngày.
Hiện, toàn tỉnh Hậu Giang có 28 ca mắc COVID-19.
16 doanh nghiệp Khu công nghệ cao Sài Gòn bị đề nghị ngưng sản xuất để phòng dịch
Tuoitre – Theo đó, ngày 13/7, UBND TP.HCM có công văn chỉ cho phép sản xuất đối với những doanh nghiệp đảm bảo nguyên tắc “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường – 2 điểm đến”; nếu không đảm bảo phải dừng hoạt động từ 15/7.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM cho biết qua kiểm tra sơ bộ, ban quản lý ghi nhận 16 doanh nghiệp chưa đảm bảo các tiêu chí để hoạt động như quy định của UBND TP.HCM.
Do đó, ban quản lý đã gửi văn bản yêu cầu các doanh nghiệp này tạm ngưng hoạt động, chờ cơ quan có thẩm quyền phụ trách về thẩm định do Sở Y tế phân công đến trực tiếp thẩm định để quyết định tiếp tục hoạt động hay tạm dừng.
47 ca mắc mới trong ngày, Đà Nẵng thí điểm cách ly F1 ở nhà
Tuoitre – Tối 18/7, TP Đà Nẵng có thêm 47 ca mắc mới liên quan đến 12 chuỗi lây nhiễm. TP này cũng bắt đầu cho phép thí điểm cách ly F1 ở nhà tại một số địa bàn.
ông Lê Trung Chinh, chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đánh giá: Một số chuỗi lây lan tình hình dịch bệnh đã ở trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, vẫn còn chuỗi lây lan dịch bệnh được đánh giá ở mức nguy cơ rất cao, do vậy trong 2 ngày tới sẽ tiếp tục đẩy nhanh việc lấy mẫu theo kế hoạch lấy mẫu đại diện các hộ gia đình.
Cũng trong ngày, Đà Nẵng bắt đầu cho phép thí điểm cách ly F1 tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Theo đó, việc tổ chức thí điểm cách ly F1 tại nhà/nơi lưu trú ở Đà Nẵng sẽ được thực hiện đầu tiên trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn.
TP. Vinh dừng chỉ thị 15, quán cà phê, nhà hàng mở lại từ sáng 19/7
Tuoitre – Tối 18/7, ông Bùi Đình Long – phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An – ký quyết định dừng thực hiện chỉ thị 15, chuyển sang thực hiện chỉ thị 19 đối với TP. Vinh từ 0h sáng 19/7.
Quyết định này nêu rõ tiếp tục tạm dừng một số dịch vụ không thiết yếu. Các hoạt động sẽ được kinh doanh nhưng phải kèm theo các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt như bóng đá, bơi (chỉ cho phép hoạt động tối đa 15 người), các cơ sở kinh doanh ăn uống nhà hàng, quán ăn, cà phê bán tại chỗ…
Ông Nguyễn Đức Trung – chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An vừa ký công điện khẩn yêu cầu giám đốc các sở, ngành cấp tỉnh; chủ tịch UBND các huyện, thành, thị kiểm soát, quản lý và giám sát chặt chẽ người từ các tỉnh, thành phố đến địa bàn Nghệ An và người Nghệ An đi đến các tỉnh, thành phố trở về.
Đà Nẵng: Lễ cưới tại chốt kiểm dịch, cô dâu chú rể trao sính lễ rồi… ai về nhà nấy
Dantri – Chú rể nhà ở Đà Nẵng, cô dâu nhà ở Quảng Nam. Trong ngày vui của đôi bạn trẻ, họ trao nhau sinh lễ và chính thức trở thành vợ chồng ngay tại chốt kiểm soát dịch Covid-19.
Đám cưới của đôi bạn trẻ này được mạng xã hội chia sẻ và dành nhiều lời chúc trăm năm hạnh phúc.
Cả 2 địa phương Đà Nẵng và Quảng Nam đều đã có văn bản về việc phòng, chống dịch Covid-19 và cả 2 bạn trẻ cũng đã biết việc qua lại tự do giữa 2 địa phương trong lúc này là không thể.
Tuy nhiên, ngày cưới đã định nên gia đình 2 bên quyết định tổ chức cưới đúng ngày lành tháng tốt đã chọn ngay tại chốt kiểm soát dịch Covid-19.
Do đó cả 2 gia đình cùng hẹn giờ gặp nhau tại chốt kiểm dịch tại xã Đại Hiệp (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam), giáp ranh với xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) để trao sính lễ.
Sính lễ được 2 gia đình và đôi bạn trẻ trao nhau trước sự chứng kiến của cán bộ y tế và nhân viên tại chốt kiểm soát dịch.
Trao sính lễ xong, thay vì được rước cô dâu về nhà và tổ chức tiệc mừng để chung vui 2 họ, thì chú rể và cô dâu phải ai về nhà nấy.
“Sau khi nhận sính lễ thì gia đình em về nhà thắp hương báo cáo ông bà mình, tổ chức tiệc trà với các thành viên trong gia đình; còn nhà trai thì mang phần bánh cưới về tổ chức tiệc trà cùng với bố mẹ, anh em trong gia đình. Không tổ chức mời đông người”, cô dâu Nguyễn Thị Nhung cho hay.
Sau khi trao sính lễ tại chốt kiểm dịch, đôi bạn trẻ đã chính thức trở thành vợ chồng. Việc tổ chức chung vui với bạn bè, bà con của 2 gia đình, cô dâu Nguyễn Thị Nhung cho biết, khi nào hết dịch sẽ tổ chức báo hỷ.
Ca nhiễm tăng kỷ lục ở Sài Gòn, ngành y tế đang thiếu thiết bị, máy thở, xe cứu thương
Tình hình dịch tại Sài Gòn đang hết sức phức tạp khi thành phố này liên tiếp ghi nhận số ca nhiễm tăng cao qua từng ngày. Tuy nhiên, trong bối cảnh các ca nhiễm tăng vọt, ngành y tế đang thiếu thốn, xe cứu thương và trang thiết bị, vật tư y tế.
Hôm chủ Nhật, ngày 18 tháng 7 Sài Gòn ghi nhận kỷ lục 4.692 ca nhiễm virus corona trong tổng số 5.926 ca được Bộ Y tế công bố. Qua đó, nâng tổng số ca nhiễm ở thành phố đông đúc này từ ngày 27 tháng 4 đến nay lên 30.702 ca.
Trên báo Tuoitre hôm qua, ông Tăng Chí Thượng – phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, đã thiết lập 12 bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 với hơn 34.500 giường đi vào hoạt động.
Theo ông Thượng, ít ngày tới, bệnh viện dã chiến tại khu chung cư Thuận Kiều Plaza (quận 5) với gần 1.000 giường cũng sẽ được đưa vào sử dụng. Ngoài ra đang gấp rút thi công hai bệnh viện dã chiến tại Q7 và huyện Bình Chánh.
Tuy nhiên, trong bối cảnh các ca nhiễm tăng vọt, khiến ngành y tế đang gặp rất nhiều khó khăn, khi thiếu thốn trang thiết bị, vật tư y tế.
Trên báo Zing hôm 18 tháng 7, bác sĩ Lê Mạnh Hùng, Giám đốc bệnh viện điều trị COVID-19 Cần Giờ cho biết, cơ sở này được phân công điều trị F0 có triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, vị trí khá xa trung tâm thành phố. Do đó, việc cấp cứu bệnh nhân trong tình huống cấp bách là điều rất cần được quan tâm. Trước đó, bệnh viện này đã mượn được một xe cứu thương của Bệnh viện Chợ Rẫy nhưng chỉ trong 1-2 tháng. Bác sĩ Hùng mong muốn có thêm 1 xe cứu thương để hỗ trợ bệnh nhân.
Trong khi đó, Bác sĩ Nguyễn Thành Tâm, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 1, cho hay cơ sở này có quy mô 5.000 giường và hiện gần như hết chỗ để tiếp nhận thêm F0.
Bác sĩ này cho biết, khó khăn trong hoàn cảnh hiện nay là nhiều F0 có chuyển biến nặng, cần chuyển lên tuyến trên để điều trị. Trong khi đó, cơ sở này chỉ có 2 xe cứu thương thực hiện việc luân chuyển. Để tận dụng thời gian vàng kịp thời chuyển bệnh nhân, các bác sĩ thường cho 3-4 bệnh nhân nặng đi cùng lúc, trên cùng một xe.
Tại Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 6, theo tìm hiểu của Zing, cơ sở này hiện chỉ có một xe cấp cứu hoạt động để vận chuyển bệnh nhân. Do đó, một số F0 có triệu chứng chuyển biến nặng phải chờ tại phòng Cấp cứu lưu đến khi có xe cấp cứu.
Còn bác sĩ Trần Thị Thúy Linh, khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên cho biết, họ đang thiếu máy thở, với số lượng hạn chế như hiện nay chỉ còn cách ưu tiên cho bệnh nhân nặng.
“Hiện tại, chúng tôi thiếu máy thở. Các bệnh nhân suy hô hấp nếu có nhiều người cùng lúc sẽ không đủ cấp cứu, chuyển đi thì cũng không còn chỗ để chuyển”.
“Thực trạng hiện tại là thiếu thuốc men, máy xét nghiệm cho bệnh nhân cũng thiếu. Chúng tôi không đòi hỏi gì nhiều nhưng rất lo lắng cho tình trạng của bệnh nhân. Một số bệnh nhân có diễn biến suy hô hấp rất nhanh từ 5 đến 7 ngày sau khi dương tính”.
Về chuẩn bị vật tư, trang thiết bị chống dịch, vào sáng 18 tháng 7, theo Zing, trong cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, các địa phương đang gặp khó khăn trong cơ chế mua sắm, thủ tục quy trình qua nhiều bước, khả năng đáp ứng của các nhà cung cấp hạn chế…
Ông Long lưu ý: “Đợt dịch này không như các lần trước, Bộ Y tế đã báo cáo Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 để chuẩn bị cho kịch bản xấu và xấu hơn”
Hôm Chủ Nhật, truyền thông trong nước cũng cho biết, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa quyết định thành lập 7 “Tổ công tác đặc biệt” trong phòng, chống dịch tại TP.HCM.
Theo đó, “Tổ này” do một Thứ trưởng phụ trách trực tiếp, phối hợp chặt chẽ với TP.HCM và các địa phương phía Nam, nhất là các địa phương đang thực hiện Chỉ thị số 16, nhằm giải quyết ngay những nhiệm vụ phát sinh trong công tác phòng, chống dịch và những vấn đề liên quan.
Cùng ngày, Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản yêu cầu chấn chỉnh việc chụp hình, quay phim trong bệnh viện.
Theo Sở này thời gian qua, nhiều thông tin từ các trang mạng xã hội không chính thức, không rõ nguồn cung cấp và chưa được thẩm định từ các cơ quan chức năng có thẩm quyền, có nội dung liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 không đúng sự thật.
Do đó, Sở Y tế TP.HCM đề nghị các cơ quan liên quan tuyên truyền, nhắc nhở người dân và cán bộ, nhân viên ngành y tế không phát tán hình ảnh, bài viết mà Sở này mô tả là không đúng sự thật, không rõ nguồn cung cấp gây bức xúc, hoang mang dư luận xã hội.