Hiểu Minh
Thêm 2.787 ca COVID-19
VnExpress – Bộ Y tế sáng 21/7 ghi nhận 2.787 ca dương tính nCoV, trong đó 2.775 ca ở 23 tỉnh thành, bao gồm 393 ca cộng đồng.
2.787 ca mới, gồm 12 ca nhập cảnh và 2.775 ca ghi nhận tại: Sài Gòn (1.739), Bình Dương (657), Đồng Nai (85), Tiền Giang (65), Vĩnh Long (39), Khánh Hòa (38), Bến Tre (35), Bà Rịa – Vũng Tàu (18), Cần Thơ (16), Đăk Lăk (13), Kiên Giang (12), Bình Phước (12), Hậu Giang (9), Long An (8 ), Hà Giang (6), Phú Yên (5), Đăk Nông (4), Hà Nội (4), Quảng Ngãi (3), Bình Định (2), Nghệ An (2), Lâm Đồng (2), Gia Lai (1).
Như vậy, sáng nay số ca nhiễm trong nước được ghi nhận tăng 621 ca so với sáng qua, gồm 2.382 ca được phát hiện ở khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa (tăng 479 ca), 393 ca đang điều tra dịch tễ (tăng 142 ca).
Sài Gòn: Chuẩn bị cho tình huống siết chặt hơn Chỉ thị 16
Nld – Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên cho biết TP HCM đang lấy ý kiến các chuyên gia, bộ ngành liên quan để chuẩn bị cho tình huống siết chặt hơn Chỉ thị 16 nhằm thực hiện cho bằng được mục tiêu đề ra là ngăn chặn, kéo giảm sự lây lan trong cộng đồng.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết Bộ Y tế cùng các bộ, ngành khác luôn theo dõi và đánh giá tình hình tổ chức tại TP. Ngành y tế đánh giá cao nỗ lực trong các biện pháp phòng, chống dịch trong triển khai Chỉ thị 16 và các biện pháp như giám sát dịch tễ, khoanh vùng, phong tỏa để kiểm soát dịch của TP.HCM.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, dịch đang diễn biến phức tạp, khó lường. Đỉnh dịch của TP cách đây 3 ngày lên đến khoảng hơn 4.500 ca bệnh nhưng 3 ngày qua đã xuống con số hơn 3.000.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn hy vọng dịch sẽ giảm xuống 7-10 ngày tới khi áp dụng tối đa giãn cách theo Chỉ thị 16 tại 19 tỉnh, thành khu vực phía Nam.
Một chủ tịch phường cấp ‘giấy thông hành’ cho dân thu 10.000 đồng
Tuoitre – Trong khi TP Phan Rang – Tháp Chàm (Ninh Thuận) thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16, người dân muốn được cấp giấy ra đường khi cấp thiết bị UBND phường Tấn Tài thu phí 10.000 đồng/lần.
Chiều 20-7, ông Bùi Văn Phú, chủ tịch UBND TP Phan Rang – Tháp Chàm, cho biết TP không có chủ trương thu phí khi cấp giấy đi đường cho người dân, người có việc cấp thiết đi lại trong thời gian giãn cách được cấp giấy miễn phí. Vì vậy việc UBND phường Tấn Tài thu phí 10.000đ của dân cho mỗi lần cấp là sai.
Sau khi có báo cáo xác minh của tổ kiểm tra UBND TP Phan Rang – Tháp Chàm, ông Bùi Văn Phú – chủ tịch UBND TP đã ký quyết định tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với ông Phan Hoàng Việt, chủ tịch UBND phường Tấn Tài, để xử lý trách nhiệm trong việc “chỉ đạo thu phí cấp giấy đi đường cho nhân dân trong công tác phòng chống dịch COVID-19 sai quy định”.
TP.HCM tạm dừng thu phí BOT giao thông
Tienphong – UBND TP.HCM ngày 20/7 đã đồng ý với đề xuất của Sở Giao thông thông vận tải tạm dừng thu phí tại các trạm thu BOT An Sương – An Lạc, cầu Phú Mỹ, xa lộ Hà Nội và các trạm thu phí trên trục đường Nguyễn Văn Linh trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16.
UBND TP.HCM đề nghị nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án bố trí nhân lực bảo vệ thiết bị và tài sản trạm thu phí; bảo đảm an toàn giao thông khu vực trạm thu phí, có phương án để kịp thời thu phí trở lại ngay sau khi hết thời gian giãn cách.
Xe ôm công nghệ, giúp việc nhà, bảo mẫu sẽ được nhận hỗ trợ tại Sài Gòn
Dantri – Người lái xe ôm công nghệ, lái xe, phụ xe, bảo mẫu, bảo vệ, thợ hồ, bán hàng thuê… ở Sài Gòn sẽ được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người vào tháng 8. Nhóm lao động được bổ sung trên vào khoảng 20.000 người.
Chiều 20/7, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM ông Lê Minh Tấn thông tin việc Sở đã có văn bản khẩn đề nghị các quận, huyện và thành phố Thủ Đức, nhanh chóng hoàn thiện thống kê để hỗ trợ thêm 10 nhóm lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
“Sẽ có khoảng 20.000 lao động tự do được mở rộng hỗ trợ mỗi người 1,5 triệu đồng, sẽ bắt đầu hỗ trợ từ đầu tháng 8. Hiện nay, nhiều lao động tự do đang rất khó khăn nên việc hỗ trợ phải kịp thời”, ông Tấn thông tin.
Theo ông Tấn, cũng như những nhóm lao động tự do đã được hưởng hỗ trợ, với các trường hợp bổ sung, người dân không cần làm đơn hay các thủ tục khác. Chính quyền địa phương sẽ tổng hợp danh sách, thẩm định và trao tiền hỗ trợ cho người dân.
Trước đó, TP.HCM đã hỗ trợ khoảng 230.000 lao động tự do bị ảnh hưởng dịch COVID-19 theo gói an sinh 886 tỷ đồng.
Cụ thể, 6 nhóm lao động tự do đã được hưởng hỗ trợ gồm: Người buôn gánh bán bưng; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa, xe ôm truyền thống (xe ôm công nghệ không nằm trong gói hỗ trợ); bán vé số lưu động; tự làm hoặc làm các công việc tại các hộ kinh doanh ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe (gồm cả bảo vệ); làm công việc thuộc một số lĩnh vực ngành nghề phải tạm ngừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND TP.HCM.
Chưa thể đưa người dân lên tàu về quê, Cục Đường sắt gửi văn bản hỏa tốc các địa phương
Tuoitre – Chiều 20/7, Cục Đường sắt Việt Nam đã có văn bản hỏa tốc gửi các Sở Giao thông vận tải Sài Gòn, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế về việc tổ chức vận chuyển người dân về quê.
Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, cùng ngày đã nhận được báo cáo từ Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn về việc hiện nay một số địa phương có nhu cầu vận chuyển hành khách từ TP.HCM về địa phương bằng đường sắt đợt đầu tiên, như Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Trị, Huế.
Tuy nhiên, đến nay, công ty chưa nhận được hướng dẫn cấp thẩm quyền của TP.HCM cho phép đón khách đi tàu tại các ga trên địa bàn TP.