Minh Tư
Trưa thứ Hai (19/7) tuần này, một máy bay vận tải C-130 của Hoa Kỳ đã hạ cánh xuống sân bay Đào Viên của Đài Loan. Đây là lần thứ 2 máy bay quân sự Mỹ đến Đài Loan chỉ trong vòng 5 ngày ngắn ngủi. Ngoại giới tin rằng động thái này của Hoa Kỳ đang gửi một tín hiệu mạnh mẽ đến Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Liberty Times của Đài Loan đưa tin, trưa ngày 19/7, một chiếc máy bay vận tải C-130N3755P của Mỹ đã hạ cánh xuống sân bay Đào Viên của Đài Loan. Trong thời gian hạ cánh, các nhân viên mặt đất đã dỡ các vật dụng chứa trong các hộp gỗ và bay đi sau khi hoàn thành các thao tác liên quan.
Giới truyền thông nhận thấy rằng hàng hóa gửi đi là của ông Brent Christensen, Giám đốc AIT, người đã rời Đài Loan vài ngày trước. Hàng hóa gửi đến Đài Loan lại là của bà Sandra Oudkirk, người đã đến Đài Loan để đảm nhận chức vụ Giám đốc AIT.
Sáng ngày 15/7, một chiếc máy bay chiến đấu của Không quân Mỹ hạ cánh trong thời gian ngắn xuống sân bay Tùng Sơn Đài Bắc. Việc hai máy bay quân sự của Hoa Kỳ đã hạ cánh xuống Đài Loan chỉ trong vòng 5 ngày ngắn ngủi, ông Vương Định Vũ, nhà lập pháp Đảng Dân chủ Tiến bộ của Đài Loan (Đảng Dân Tiến), tuyên bố trên Facebook rằng: “Cách Hoa Kỳ và Đài Loan tương tác là vấn đề của Hoa Kỳ và Đài Loan, và người ngoài không có quyền can thiệp.”
Đến nay, chính quyền Bắc Kinh vẫn chưa bày tỏ quan điểm về vấn đề này. Bộ Ngoại giao Trung Hoa Dân Quốc cũng chỉ trả lời “không bình luận”.
Ông Lâm Tuấn Hiến (Lin Chun-hsien), nhà lập pháp của Đảng Dân Tiến, đã đăng một bài phân tích trên Facebook. Bài viết nói rằng: “Bộ Ngoại giao không tiết lộ quá nhiều chi tiết, có lẽ là do liên quan đến việc bàn giao giám đốc AIT mới. Đặc biệt là, các ngành quân sự và an ninh tư nhân ở Hoa Kỳ đang rất phát triển, nên có rất nhiều nhiệm vụ đều do nhà thầu tư nhân thực hiện. Máy bay này là máy bay đặc chủng được Chính phủ Mỹ ký hợp đồng vận chuyển hàng chính phủ. Đây cũng là loại máy bay hiếm hoi có tư cách xuất hiện tại Đài Loan.”
Ông Lâm Tuấn Hiến nói: “Bởi chiếc chuyên cơ đặc biệt này rất đặc biệt, nó vừa được sử dụng bởi Chính phủ Hoa Kỳ, vừa không thuộc sở hữu của Chính phủ Hoa Kỳ. Điều tò mò là Chính phủ Trung Quốc, vốn luôn nhảy vào những tình huống tương tự, sẽ phản ứng như thế nào trong lần này? Trước đây, Trung Quốc đã nhiều lần nhấn mạnh về ‘lằn ranh đỏ’ chính là sự xuất hiện của máy bay hoặc tàu quân sự của Mỹ tại Đài Loan. Còn loại máy bay nằm giữa lằn ranh chính thức và không chính thức này thì sao? Bộ Ngoại giao Trung Quốc nên tiếp nhận như thế nào?”
Ông đề cập: “Truyền thông nhà nước Trung Quốc trước đây liên tục tuyên truyền rằng ‘Máy bay quân sự của Mỹ hạ cánh xuống Đài Loan là ngày thống nhất bằng vũ lực.’ Tuy nhiên, sau khi tuyên bố này xuất hiện, tần suất máy bay Mỹ đến Đài Loan dường như nhiều hơn, và có nhiều loại máy bay khác nhau. Có máy bay vận tải in chữ ‘Lực lượng Không quân Hoa Kỳ’, cũng có chuyên cơ hành chính của quân đội Hoa Kỳ nhưng không có lớp sơn phủ. Lần này, lại có máy bay vận tải dân sự của một nhà thầu của Chính phủ Hoa Kỳ có mặt ở đây, như thể đang cố tình làm Trung Quốc bẽ mặt.”
Ông Lâm Tuấn Hiến nói: “Trên thực tế, thuật ngữ ‘lằn ranh đỏ’ là một điều cấm kỵ lớn trong ngoại giao. Bởi điều này có nghĩa là tiết lộ con át chủ bài của mình cho các quốc gia khác. Nói một cách tương đối, các nước khác cũng có thể sử dụng nhiều phương pháp khó hiểu khác nhau, để làm mất hiệu lực con át chủ bài này. Cuối cùng, điều này sẽ làm suy giảm uy tín của chính đất nước mình. Đặc biệt là khi Trung Quốc đối đầu với Mỹ, một quốc gia có kinh nghiệm ngoại giao bậc nhất. Mỹ có thể phá giải điều này bằng cách đến Đài Loan bằng các loại máy bay có tư cách khác nhau. Dường như Trung Quốc phải lùi lại một bước và vẽ lại một lằn ranh khác!”
Cuối cùng ông Lâm Tuấn Hiến nhấn mạnh: “Trong mọi trường hợp, Đài Loan muốn giao lưu với ai là quyền tự do của chúng tôi. Tất nhiên chúng tôi sẽ chọn đứng về phía các đối tác có giá trị tương đồng.”
Minh Tư, Vision Times