Châu Á đang rơi vào một cuộc chạy đua vũ trang khi các quốc gia nhỏ hơn từng đứng ngoài lề nay xây dựng kho vũ khí tên lửa tầm xa tiên tiến. Các nước trong khu vực đang mua hoặc phát triển tên lửa mới của riêng họ do lo ngại về an ninh đối với Trung Quốc và mong muốn giảm phụ thuộc vào Mỹ, Reuters cho hay.
Trung Quốc đang sản xuất hàng loạt tên lửa đạn đạo DF-26, một vũ khí đa năng có tầm bắn lên tới 4.000 km, trong khi Mỹ đang phát triển vũ khí mới nhằm chống lại Bắc Kinh ở Thái Bình Dương.
David Santoro, chủ tịch Diễn đàn Thái Bình Dương nói: “Bối cảnh tên lửa đang thay đổi ở châu Á và nó đang thay đổi nhanh chóng”.
Các nhà phân tích cho biết những vũ khí như vậy ngày càng có giá cả phải chăng và chính xác, và khi một số quốc gia có được chúng, các nước láng giềng của họ không muốn bị bỏ lại phía sau.
Tên lửa mang lại các lợi ích chiến lược như ngăn chặn kẻ thù và tăng cường đòn bẩy với các đồng minh, và có thể là một mặt hàng xuất khẩu béo bở.
David Santoro nói: “Nhiều khả năng phổ biến tên lửa sẽ làm dấy lên nghi ngờ, kích hoạt các cuộc chạy đua vũ trang, gia tăng căng thẳng và cuối cùng là gây ra khủng hoảng và thậm chí là chiến tranh”.
Reuters dẫn thông tin từ các tài liệu quân sự năm 2021 chưa được phát hành, tiết lộ: Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương – Hoa Kỳ (INDOPACOM) có kế hoạch triển khai vũ khí tầm xa mới của mình trong khu vực gọi là “Các mạng lưới tấn công chính xác, có khả năng sống sót cao dọc theo Chuỗi đảo thứ nhất”, bao gồm: Nhật Bản, Đài Loan và các đảo Thái Bình Dương khác bao quanh bờ biển phía đông của Trung Quốc và Nga.
Nhật Bản, nơi có hơn 54.000 lính Mỹ, có thể sở hữu một số khẩu đội tên lửa mới trên các đảo Okinawa của Nhật Bản, nhưng Mỹ có thể sẽ phải rút các lực lượng khác, một nguồn tin giấu tên thân cận với chính phủ Nhật Bản cho hay.
Một số đồng minh của Mỹ đang phát triển kho vũ khí riêng. Australia tuyên bố sẽ chi 100 tỷ USD trong 20 năm để phát triển các tên lửa tiên tiến.
Michael Shoebridge thuộc Viện Chính sách Chiến lược Úc nói: “COVID và Trung Quốc đã cho thấy rằng sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu mở rộng như vậy trong thời kỳ khủng hoảng đối với các mặt hàng chủ chốt – và trong chiến tranh, bao gồm tên lửa tiên tiến – là một sai lầm, vì vậy cần có tư duy chiến lược nhạy bén để có năng lực sản xuất ở Australia”.
Nhật Bản đã chi hàng triệu USD cho các loại vũ khí tầm xa và đang phát triển một phiên bản mới của tên lửa chống hạm gắn trên xe tải Type 12, với tầm bắn dự kiến 1.000 km.
Hàn Quốc đang triển khai chương trình tên lửa đạn đạo nội địa mạnh mẽ nhất, được thúc đẩy từ một thỏa thuận gần đây với Washington. Tên lửa đạn đạo chiến thuật Hyunmoo-4 của Hàn Quốc có tầm bắn 800 km, có thể vươn xa vào bên trong Trung Quốc.
Đài Loan được cho là đang sản xuất hàng loạt vũ khí và phát triển tên lửa hành trình Vân Phong, có thể tấn công đến tận Bắc Kinh. Điều này nhằm mục đích “làm cho các gai của nhím (Đài Loan) dài hơn khi khả năng của quân đội Trung Quốc được cải thiện”.
Hàn Quốc đang trong cuộc chạy đua tên lửa nóng bỏng với Triều Tiên. Triều Tiên được cho là đã thử nghiệm phiên bản cải tiến của tên lửa KN-23 với đầu đạn 2,5 tấn. Theo các nhà phân tích, phiên bản này nhằm mục đích đánh bại đầu đạn 2 tấn của Hyunmoo-4 Hàn Quốc.
Nhưng, các nhà phân tích cho rằng tên lửa đáng lo ngại nhất là những tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân và thông thường. Trung Quốc, Triều Tiên và Mỹ đều sở hữu những loại vũ khí như vậy.