Thêm 5.275 ca COVID-19
VnExpress – Bộ Y tế sáng 24/7 ghi nhận 4 ca nhập cảnh và 3.987 ca ở 19 tỉnh thành, trong đó có 2.073 ca ở cộng đồng.
3.987 ca tại: TP.HCM (2.070), Long An (604), Bình Dương (523), Tiền Giang (220), Tây Ninh (132), Đồng Nai (122), Khánh Hòa (104), Bến Tre (52), Đà Nẵng (36), Đồng Tháp (29), Vĩnh Long (25), Vĩnh Phúc (18), Kiên Giang (14), Phú Yên (12), Bà Rịa – Vũng Tàu (8), Hậu Giang (6), Hà Nội (5), Hưng Yên (4), Đăk Lăk (3).
Sở Y tế tỉnh Long An đăng ký bổ sung 1.288 ca bệnh trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19. Đây là các ca phát hiện từ ngày 14-22/7 tại các khu cách ly và khu phong tỏa.
Như vậy, sáng nay, cả nước ghi nhận tổng cộng 5.275 ca nhiễm, tăng 1.377 ca so với sáng qua, gồm 3.202 ca được phát hiện ở khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa (giảm 505 ca), 2.073 ca đang điều tra dịch tễ (tăng 1.882 ca).
Thủ tướng: Ưu tiên đặc biệt sản xuất vắc xin trong nước nhanh nhất
Tuoitre – Chiều 23/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến về việc sản xuất vắc xin phòng chống COVID-19 trong nước.
Thủ tướng cho rằng tình hình COVID-19 diễn biến khó lường, nên trong cuộc chiến chưa có tiền lệ, cần “vừa làm vừa rút kinh nghiệm”, cần phải có vắc xin để đạt miễn dịch cộng đồng, với tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực tự cường để không phụ thuộc mãi vào nguồn cung bên ngoài.
Theo báo cáo, vắc xin Nano Covax do Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen phát triển đã được Bộ Y tế cử chuyên gia trong nước cùng chuyên gia WHO hỗ trợ các thủ tục thẩm định dự kiến vào ngày 15 đến 20/8. Hiện vắc xin đã chuyển sang giai đoạn 2 và đang xem xét triển khai gối đầu giai đoạn 3 (vào tháng 9/2021) nhằm đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu.
Về chuyển giao công nghệ cũng đang được triển khai với Công ty Acturus (Mỹ), Công ty Shionogi (Nhật Bản), sản xuất vắc xin của Sputnik-V. Bộ Y tế đã thành lập Tổ công tác đặc biệt nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, phát triển vắc xin phòng COVID-19 và dự kiến các chuyên gia WHO sẽ đến Việt Nam hỗ trợ về nghiên cứu phát triển, thử nghiệm lâm sàng, thẩm định đánh giá toàn diện.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị với vắc xin nhận chuyển giao công nghệ thì cần làm rõ việc bảo đảm nguồn nguyên liệu để sản xuất. Hiệu quả, chất lượng của các vắc xin nghiên cứu trong nước phải được đánh giá khách quan, công khai, minh bạch, hội đồng chuyên môn làm cơ sở cấp phép lưu hành.
Kết luận, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành liên quan cần dành sự quan tâm, ưu tiên đặc biệt để sản xuất bằng được vắc xin trong nước nhanh nhất, sớm nhất có thể nhưng bảo đảm an toàn, sức khỏe, tính mạng của người dân trên cơ sở các nguyên tắc và quy định về khoa học, thực tiễn và pháp lý.
1 bác sĩ, 2 điều dưỡng sẽ theo dõi 50-100 F0 không triệu chứng tại khu cách ly
Người lao Động – Sở Y tế TP.HCM vừa có văn bản triển khai hướng dẫn tổ chức cơ sở cách ly tập trung cho từng đối tượng F0 tại TP. Thủ Đức và các quận, huyện trên địa bàn TP.
Theo đó, bộ máy quản lý cơ sở cách ly gồm ít nhất 3 tổ, gồm: tổ chuyên môn, tổ hậu cần – phục vụ và tổ an ninh trật tự. Ngoài ra, thành lập tổ phản ứng nhanh bao gồm bác sĩ, điều dưỡng, công an… để kịp thời hỗ trợ xử lý các tình huống khẩn cấp.
Với tổ chuyên môn tại cơ sở cách ly tập trung F0 bao gồm các bác sĩ, điều dưỡng với số lượng phù hợp với quy mô của cơ sở. Dự kiến 1 bác sĩ, 2 điều dưỡng chăm sóc theo dõi cho 50-100 trường hợp F0.
Hà Nội giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16
Chính quyền thủ đô quyết định giãn cách xã hội toàn thành phố từ 6h ngày 24/7, kéo dài trong 15 ngày.
Theo quyết định của Chủ tịch thành phố Chu Ngọc Anh, Hà Nội sẽ cách ly toàn xã hội trong 15 ngày trên phạm vi toàn thành phố theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình; khu phố cách ly với khu phố; thôn bản cách ly với thôn bản; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện; thành phố cách ly với tỉnh.
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
“Toàn hệ thống chính trị và chính quyền các cấp xác định nhiệm vụ phòng chống dịch là cấp bách hàng đầu; dừng tất cả các hoạt động, cuộc họp chưa cấp thiết; các cuộc họp cần thực hiện thì tổ chức họp trực tuyến”, lãnh đạo thành phố nêu rõ và yêu cầu giám sát việc thực hiện; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Chính quyền yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: Mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, khám chữa bệnh, tiêm chủng và các trường hợp khẩn cấp khác; đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động.
Người dân thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và nơi công cộng; khai báo y tế hàng ngày trên tokhaiyte.vn hoặc ứng dụng Ncovi, Bluezone; liên hệ ngay với chính quyền địa phương, cơ sở y tế khi xuất hiện triệu chứng sốt, ho, khó thở, mất vị giác…
Thành phố dừng các hoạt động vận tải hành khách đường bộ bằng ô tô, đường thủy: Xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch, xe khách liên tỉnh, hoạt động bến khách ngang sông, bến thủy nội địa, vận tải hành khách công cộng vận chuyển hành khách bằng xe môtô (bao gồm xe có sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ kết nối với hành khách và xe “ôm”).
Tây Ninh: Không mang theo giấy đi chợ sẽ bị phạt từ 1-3 triệu đồng
Thanhnien – Ngày 23/7, nhiều địa phương tại Tây Ninh đã cấp giấy đi chợ cho người dân nhằm giảm thiểu tối đa số lượng người dân ra khỏi nhà trong khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Ông Nguyễn Văn Cường, Phó giám đốc Sở Y tế Tây Ninh, cho biết tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp trên địa bàn. Số ca nhiễm vẫn tăng, một số địa phương phát hiện ổ dịch mới. Riêng tại huyện Minh Châu, số ca nhiễm còn ở mức cao, TP. Tây Ninh và huyện Gò Dầu vẫn còn xuất hiện các ca nhiễm cộng đồng trong khu dân cư và khu công nghiệp.
Trước tình hình này, nhiều địa phương ở Tây Ninh áp dụng biện pháp cấp giấy đi chợ cho người dân theo ngày chẵn, lẻ để hạn chế việc ra ngoài không cần thiết.
Tại thị trấn Tân Châu, từ ngày 23/7 đến 2/8, người dân từng khu vực sẽ xen kẽ cách ngày đi mua hàng hóa, thực phẩm thiết yếu.
Còn tại thị trấn Tân Biên, mỗi hộ gia đình được cấp 1 giấy đi đường có giá trị trong 14 ngày để đi mua lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu. UBND thị trấn Tân Biên cũng thông báo người dân ngoài việc mang theo giấy đi đường khi mua hàng hóa, cần phải mang theo giấy tờ tùy thân để tổ công tác kiểm tra, đối chiếu. Trên giấy đi chợ, UBND thị trấn Tân Biên cũng khuyến cáo người dân chỉ nên ra đường 3 ngày/lần. Đặc biệt, nếu người dân không mang giấy đi chợ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính 1-3 triệu đồng.
Đề xuất chợ đầu mối trên toàn quốc được hoạt động khi giãn cách
Tienphong – Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất Thủ tướng bổ sung chợ đầu mối vào diện cơ sở kinh doanh hàng hóa dịch vụ thiết yếu, được phép hoạt động trong thời gian giãn cách theo nguyên tắc Chỉ thị 16.
Bộ cũng đề xuất cho một số chợ đầu mối đủ điều kiện được phép hoạt động trở lại để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa nông sản, thực phẩm thiết yếu từ các tỉnh phía Nam về TP Hồ Chí Minh và ngược lại.
Chợ đầu mối là đầu ra của hơn 70% lượng hàng nông sản cung cấp cho TP Hồ Chí Minh nhưng hầu hết bị đóng cửa, ảnh hưởng đến nguồn cung nông sản từ các tỉnh, thành phố, ảnh hưởng đến tâm lý người dân.
Hiện tại 3 chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn của TP.HCM chưa mở lại, nên việc cung cấp hàng hóa từ các địa phương về TP gặp khó khăn.
Bên cạnh đó, Bộ cũng đề xuất Thủ tướng bổ sung vào danh mục hàng hóa thiết yếu các loại giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, vật tư, nguyên liệu sản xuất nông nghiệp… do hiện nay việc vận chuyển, sản xuất, cung ứng các loại hàng hóa này đang gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, Bộ kiến nghị Thủ tướng tạm gia hạn các Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y… thêm 3 tháng cho các cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản đã hoặc sắp hết hạn. Hiện nay, do áp dụng Chỉ thị 16, cơ quan chức năng chưa thể tổ chức cấp lại hoặc gia hạn, nên sẽ có nhiều cơ sở phải ngưng hoạt động trong thời gian tới.