Tin thế giới sáng Chủ Nhật

Tokyo 2020: Bắc Kinh phẫn nộ vì đài NBC phát bản đồ Trung Quốc không có Đài Loan

Trọng Nghĩa

image.png
Đoàn vận động viên Trung Quốc tại lễ khai mạc Thế Vận Hội Tokyo 2020 tại Nhật Bản, ngày 23/07/2021. AP – David J. Phillip

Huy chương vàng đầu tiên của Thế Vận Hội Tokyo 2020 đã được trao ngày 24/07/2021 cho nữ xạ thủ Trung Quốc Yang Qian ở bộ môn bắn súng trường 10 mét. Tuy nhiên, sự kiện này vẫn không khiến giới ngoại giao Trung Quốc nguôi giận việc kênh truyền hình Mỹ NBC, khi đưa tin về Olympic Tokyo, đã sử dụng một bản đồ Trung Quốc “không đầy đủ”, cụ thể là không có Đài Loan. Lãnh sự quán Trung Quốc tại New York đã lên án một “hành vi tồi tệ” của đài NBC.

Từ Bắc Kinh, thông tín viên RFI Stéphane Lagarde, tường thuật :

Các nhà ngoại giao và kiểm duyệt Trung Quốc có lẽ đã phải đỏ mắt vì phải nhìn kỹ những hình ảnh phát đi từ Tokyo. Không có gì thoát khỏi mắt họ, và đặc biệt là đoạn chèn nhỏ ở dưới màn hình đài Mỹ NBC, trong buổi tường thuật lễ khai mạc Thế Vận Hội và đoạn video chiếu cảnh đoàn thể thao Trung Quốc diễu hành.

Hơn 1,4 tỷ dân, 429 vận động viên, cờ đỏ sao vàng… mọi sự có vẻ rất ổn cho đến khi xuất hiện điều mà lãnh sự quán Trung Quốc tại New York cho là sai sót không thể tha thứ được: Một bản đồ nhỏ của Trung Quốc không có đảo Đài Loan cũng nằm trong phần minh họa.

Ngành ngoại giao Trung Quốc vào hôm nay đã tố cáo một “hành vi xấu xa của NBC vi phạm tinh thần của Hiến Chương Olympic”. Đây không phải là lần đầu tiên mà Trung Quốc yêu cầu các phương tiện truyền thông “sửa sai”, điều đó thậm chí còn mang tính hệ thống, nhưng thường gây sức ép kín đáo hơn một chút.

Điều hài hước nhất trong câu chuyện này là khán giả Trung Quốc có lẽ không có thời gian để nhìn thấy “bằng chứng của tội lỗi” này. Các phương tiện truyền thông Nhà nước đã cẩn thận không cho thấy tấm bản đồ bị chỉ trích.

Đáng nói nhất là Tencent, hãng truyền thông phụ trách phát sóng Thế Vận Hôi ở Trung Quốc, đã ngừng ngay lập tức chương trình phát sóng sau khi phát thanh viên thông báo đoàn Đài Loan dưới tên là Đài Loan chứ không phải là “Đài Bắc Trung Hoa””.

Nghị sĩ Mỹ kêu gọi hoãn hoặc hủy Thế Vận Hội Mùa Đông Bắc Kinh 2022
Một nhóm các nhà lập pháp lưỡng đảng của Hoa Kỳ hôm 23/07 đã kêu gọi Ủy Ban Olympic Quốc Tế lùi ngày khai mạc Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022, thậm chí chuyển qua tổ chức ở nước khác, trừ phi Trung Quốc chấm dứt điều mà Hoa Kỳ cho là công cuộc diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi Giáo khác.

Trong một lá thư gởi chủ tịch Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế Thomas Bach, thượng nghị sĩ Jeff Merkley và dân biểu Jim McGovern thuộc đảng Dân Chủ, cùng với thượng nghị sĩ Marco Rubio và dân biểu Chris Smith, đảng Cộng Hòa, đã cho rằng không nên tổ chức Thế Vận Hội ở một quốc gia “có chính phủ đang phạm tội ác diệt chủng và tội ác chống nhân loại”.

Theo các tác giả bức thư, Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế hoàn toàn có khả năng hoãn Thế Vận Hội vì Olympic Mùa Hè 2020 ở Nhật Bản đã bị hoãn nhiều tháng trước khi khai mạc vào hôm 23/07 vì đại dịch Covid-19.

Cho đến nay, Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế luôn cho rằng họ không phải là một “siêu chính phủ thế giới” có thể giải quyết các vấn đề chính trị ở Trung Quốc trước ngày mở ra Thế Vận Hội, dự kiến vào tháng 02/2022.

Mỹ: Một thượng nghị sĩ yêu cầu bộ trưởng Quốc Phòng thúc đẩy hợp tác quân sự với Đông Nam Á

Trọng Nghĩa

image.png
Thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio thuộc đảng Cộng Hòa trong một buổi họp của Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện, tại Washington, Mỹ, ngày 23/02/2021. REUTERS – POOL

Ngày 23/07/2021, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin đã lên đường công du ba nước Đông Nam Á là Singapore, Việt Nam và Philippines. Vào cùng ngày, thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio thuộc đảng Cộng Hòa, đã gửi đến bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ một lá thư kêu gọi ông thúc đẩy tự do hàng hải ở Biển Đông và khuyến khích các quốc gia đối tác tham gia các hoạt động quân sự đa phương với các thành viên Bộ Tứ – QUAD và Đài Loan.

Trong bức thư đề ngày 23/07/2021, thượng nghị sĩ Rubio, hiện là phó chủ tịch Ủy Ban Tình Báo và là thành viên cấp cao của Ủy Ban Đối ngoại Thượng Viện, đã kêu gọi bộ trưởng Quốc Phòng “tích cực phối hợp với các nhà lãnh đạo Singapore, Việt Nam và Philippines để thúc đẩy và mở rộng các nỗ lực tiến hành các hoạt động quân sự song phương và đa phương với các quốc gia thành viên của Bộ Tứ”. Ông Rubio cũng yêu cầu ông Austin tạo cơ hội để có thể tiến hành các cuộc tập trận hoặc huấn luyện trao đổi chung kết hợp với Lực lượng vũ trang Đài Loan.

Theo thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa, việc tăng cường quan hệ đối tác với các quốc gia trong vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương là “một nhân tố quan trọng để đảm bảo việc bảo vệ Hoa Kỳ và các đồng minh cũng như lợi ích của các đối tác”.

Đối với ông Rubio, khu vực này có ý nghĩa cả về quân sự và kinh tế đối với Hoa Kỳ, và nếu khả năng triển khai lực lượng của Mỹ bị nghi ngờ, điều đó có thể gây ra những tác động tàn phá không thể đảo ngược đối với việc “bảo vệ quốc gia và sự ổn định của nền kinh tế của chúng ta”.

Thông điệp nhắm vào Trung Quốc đã được ông Rubio nói rõ: “Trong trường hợp xảy ra xung đột khu vực trong vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương, sự tồn tại của một bộ chỉ huy thống nhất và kinh nghiệm quân sự song phương với các quốc gia đối tác của chúng ta sẽ rất quan trọng… Bằng cách phát triển hơn nữa năng lực tác chiến của Singapore, Việt Nam và Philippines với Bộ Tứ, Hoa Kỳ có thể đảm bảo sự tồn tại của khả năng răn đe mạnh mẽ đối với sự xâm lược của Quân Đội Trung Quốc trong khu vực”.


Trung Quốc lần đầu áp dụng luật “chống các trừng phạt của nước ngoài” để trả đũa Mỹ

Thùy Dương

image.png
Cựu bộ trưởng Thương Mại Mỹ Wilbur Ross nằm trong danh sách trừng phạt ngày 23/07/2021 của Trung Quốc. AP – Andrew Harnik

Ngày 23/07/2021, Trung Quốc đã trả đũa Mỹ bằng cách lần đầu tiên áp dụng luật chống “các trừng phạt của nước ngoài”, được thông qua hồi đầu tháng 06, để trừng phạt 7 thực thể và công dân Mỹ, trong đó có cựu bộ trưởng Thương Mại Hoa Kỳ Wilbur Ross.

Theo AFP, Bắc Kinh cho biết đây là biện pháp trừng phạt “có đi có lại” để đáp trả các lệnh trừng phạt “vô căn cứ”, “bất hợp pháp” mới đây của Washington nhắm vào các quan chức Trung Quốc ở Hồng Kông.

Trong số các công dân Mỹ bị Trung Quốc nhắm đến lần này có ông Wilbur Ross, bộ trưởng Thương Mại thời tổng thống Donald Trump. Khi còn đương nhiệm, bộ trưởng Wilbur Ross đã mở rộng danh sách các công ty không được phép giao dịch với doanh nghiệp Mỹ nếu không có giấy phép của Washington, trong đó có cả những tập đoàn viễn thông lớn của Trung Quốc là Hoa Vi và ZTE.

Ngoài cựu bộ trưởng Thương Mại Mỹ Wilbur Ross, đòn trừng phạt của Trung Quốc lần này còn nhắm đến một số nhân vật khác như bà Carolyn Bartholomew, chủ tịch Ủy ban Giám sát Kinh tế và An ninh Hoa Kỳ-Trung Quốc ; bà Sophie Richardson, giám đốc Human Rights Watch chuyên trách Trung Quốc hay Hội đồng Dân chủ Hồng Kông, có trụ sở tại Washington… Tuy nhiên, Bắc Kinh không nêu chi tiết biện pháp trừng phạt.

Thông báo của Bắc Kinh được đưa ra chỉ vài ngày trước khi thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ, Wendy Sherman, công du Trung Quốc trong bối cảnh quan hệ đôi bên đang căng thẳng trên nhiều hồ sơ. Về phía Mỹ, phát ngôn viên Nhà Trắng, Jen Psaki, ngay ngày hôm qua nhấn mạnh thông báo của Bắc Kinh không làm thay đổi quan điểm của Washington và Nhà Trắng vẫn quyết tâm triển khai toàn bộ các lệnh trừng phạt thích đáng của Mỹ.

Nhà Trắng cũng khẳng định chuyến thăm Trung Quốc của thứ trưởng Ngoại Giao Wendy Sherman không vì thế mà thay đổi, bởi theo phát ngôn viên Psaki, trong các cuộc gặp ngoại giao, “chúng tôi thảo luận không chỉ về những đề tài mà chúng tôi đồng ý với nhau mà cả về những chủ đề chúng tôi đang có bất đồng”.

Nga và Mỹ lại đối thoại cấp cao để bình ổn quan hệ, kiểm soát vũ khí

Thùy Dương

image.png
Thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ Wendy Sherman (P) với đồng nhiệm Hàn Quốc Choi Jong Kun tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 23/07/2021. AP

Hoa Kỳ và Nga sẽ tổ chức các cuộc thảo luận cấp cao vào tuần tới, lần thứ hai trong vòng hai tháng, nhất là về các biện pháp kiểm soát vũ khí để ổn định mối quan hệ vốn dĩ đang căng thẳng.

Bộ Ngoại Giao Mỹ hôm qua 23/07/2021 cho biết cuộc đối thoại về “sự ổn định chiến lược”, được thiết lập tại thượng đỉnh ngày 16/06/2021 giữa tổng thống Mỹ Joe Biden và đồng nhiệm Nga Vladimir Putin tại Genève, Thụy Sĩ, sẽ được tổ chức vào thứ Tư 28/07, cũng tại Genève.

Trong thông cáo, bộ Ngoại Giao Mỹ nhấn mạnh: “Thông qua cuộc đối thoại này, chúng tôi tìm cách đặt nền móng cho các biện pháp trong tương lai nhằm kiểm soát vũ khí và giảm thiểu các nguy cơ”.

Dẫn đầu phái đoàn Mỹ là thứ trưởng Ngoại Giao, Wendy Sherman. Ngoài ra còn có Bonnie Jenkins, người mới được bổ nhiệm làm thứ trưởng Ngoại Giao chuyên trách kiểm soát kũ khí.

Cuộc đối thoại Nga – Mỹ như vậy được diễn ra vài ngày sau khi thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ Wendy Sherman thực hiện sứ mệnh tương tự với Trung Quốc nhằm bảo đảm rằng Bắc Kinh và Washington sẽ có những “biện pháp bảo vệ” trong bối cảnh mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ ngày càng mang tính thù địch.

AFP nhắc lại quan hệ Nga – Mỹ cũng đang căng thẳng trên một số mặt trận. Washington dọa Matxcơva là Mỹ sẽ có các biện pháp hành động nếu chính quyền Nga không chấm dứt làn sóng tấn công mạng, mà theo nhà chức trách Mỹ, đa phần được tiến hành từ lãnh thổ Nga. Matxcơva phủ nhận mọi trách nhiệm, nhưng tổng thống Nga Vladimir Putin hoan nghênh đồng nhiệm Joe Biden đã có các nỗ lực để làm cho mối quan hệ trở nên dễ đoán định hơn.

Related posts