Tin VN sáng Chủ Nhật: Thêm 7.968 ca COVID-19 24 giờ qua

Hiểu Minh

Bộ Y tế tối 24/7 ghi nhận 27 ca nhập cảnh và 3.950 ca tại 27 tỉnh thành, trong đó có 355 ca cộng đồng, như vậy, trong ngày 24/7, nước ta có tổng cộng 7.968 ca mắc mới. Bộ Y tế cũng cho biết, trong ngày hôm nay,riêng TP.HCM phát hiện tổng cộng 5.396 ca.

Cụ thể, báo Zing dẫn bản tin 18h ngày 24/7 của Bộ Y tế, Việt Nam có thêm 3.977 ca mắc mới gồm 27 ca nhập cảnh và 3.950 ca ghi nhận trong nước.

Như vậy, trong ngày 24/7, nước ta có tổng cộng 7.968 ca mắc mới, trong đó 31 ca nhập cảnh và 9.225 ca trong nước (gồm 1.288 người ở Long An mới được bổ sung trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19).

Tại TP.HCM, số ca mắc mới được ghi nhận trong ngày là 5.396, cao nhất từ khi dịch bùng phát. Hiện tổng số ca được ghi nhận ở TP.HCM trong đợt dịch thứ 4 là 55.870.

Trong ngày, nước ta có thêm 2.047 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 17.583 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU (điều trị tích cực): 130 ca. Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO (tim phổi nhân tạo): 17 ca.

Đến nay, Việt Nam có tổng 90.934 ca mắc, trong đó có 2.172 ca nhập cảnh và 88.762 ca mắc trong nước. Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 87.192 ca, trong đó có 14.809 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Hóa đơn tiền nước ‘bỗng dưng’ tăng sốc

Chỉ số nước bất ngờ tăng phi mã là câu chuyện bức xúc của rất nhiều người dân tại TP.HCM. Dù khiếu kiện khắp nơi, cuối cùng khách hàng vẫn phải chấp nhận “nghiến răng” chi trả cho khoản tiền nước tăng vọt vô lý.

Trao đổi với báo thanhnien vào tối 20/7, chị P.T.A.Linh (ngụ Q.12, TP.HCM) bức xúc phản ánh, hóa đơn tiền nước tăng bất thường gấp gần 6 lần so với bình thường. Nhà chỉ có hai vợ chồng, đi làm cả ngày, trung bình tiền nước 1 tháng của nhà chị Linh chỉ dao động trên dưới 100.000 đồng/tháng, tháng nào cao nhất cũng chỉ khoảng 150.000 đồng, tức chưa tới 10m3 nước. Nghĩ do thời gian dịch bệnh, ở nhà dùng nước nhiều hơn nhưng khi kiểm tra lại, tiền nước tháng 7 được tính từ 1/6 – 1/7, trước thời gian TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Giai đoạn này, hai vợ chồng chị Linh vẫn đi làm bình thường, chỉ về nhà buổi tối và sử dụng nước như ngày thường.

Liên hệ qua số tổng đài của Công ty cổ phần cấp nước Trung An, chị Linh được nhân viên hướng dẫn kiểm tra lại đồng hồ nước và xem có bị rò rỉ nước hoặc bể ống nước không.

Chị Linh kể: “Giữa đêm nhưng bực quá vẫn phải chạy ra kiểm tra đồng hồ. Mọi thứ bình thường, không dùng nước thì đồng hồ đứng yên, không quay. Gọi lại cho tổng đài thì họ nói nhà tôi không đăng ký tạm trú nên không có định mức nước. Giá nước sạch tính theo đơn giá 15.200 đồng/m3, tổng sử dụng 40 m3 là hơn 625.000 đồng. Không thể nào 1 tháng xài 40 m3 nước được. Đáng nói, kiểm tra lại hóa đơn, ngày 1.6, công ty báo chỉ số nước nhà chị Linh là 216 m3, đến ngày 1.7 là 256 m3 và ngày 20.7 là 263 m3. Như thế có nghĩa là 1 tháng, hai vợ chồng đi làm cả ngày tiêu thụ hết 40 m3 nước, trong khi từ ngày 1 – 20.7 giãn cách xã hội, ở nhà suốt thì chỉ dùng có 7 m3 nước. Quá vô lý”.

Sau khi nhận được phản ánh của chị P.T.A.Linh, Công ty cổ phần cấp nước Trung An đã liên hệ, trực tiếp trao đổi với khách hàng và bố trí nhân viên đến nhà khách hàng để kiểm tra và giải quyết theo quy định vào sáng ngày (23/7).

Đại diện doanh nghiệp cho biết qua kiểm tra đồng hồ nước, nhân viên của Trung An chưa phát hiện bất thường nên đã giải thích, hướng dẫn và khuyến cáo khách hàng kiểm tra lại hệ thống ống cấp nước phía sau đồng hồ nước, cùng các thiết bị sử dụng nước trong nhà nhằm phát hiện hư hỏng, rò rỉ. Tuy nhiên, khách hàng chưa đồng ý với nội dung giải thích.

“Nhân viên công ty nói đồng hồ hiện sao thì ghi và tính tiền như vậy. Tôi không chấp nhận việc số nước tăng quá cao, đột biến thì họ lý giải có thể do đường ống ở nhà bị hư, gây rò rỉ nước. Nếu đường ống hư thật thì tại sao kỳ vừa rồi đồng hồ vẫn chạy số gần 10 m3 như bình thường? Không lẽ đến 1/7 đường ống nước không sửa tự lành lại?”, chị Linh chưa hết bức xúc.

Trước đó, ông N.T.S. (ở Q.Tân Bình) cũng đã phản ánh tới báo Thanh Niên về việc, hóa đơn tiền nước tăng gần 50 lần với số tiền phải đóng  là hơn 18 triệu đồng/tháng.

Ông Nguyễn Đức Chung tiếp tục bị khởi tố do can thiệp trái luật vào hoạt động đấu thầu

Tuoitre– Ngày 24/7, Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an vừa tống đạt quyết định khởi tố bổ sung vụ án và quyết định khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Đức Chung, cựu chủ tịch TP Hà Nội, về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Theo Bộ Công an, căn cứ kết quả điều tra và tài liệu chứng cứ thu thập được cho thấy trong thời gian đương chức, ông Nguyễn Đức Chung đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu gói thầu số hóa hồ sơ đăng ký doanh nghiệp năm 2016, tại Sở Kế hoạch – đầu tư TP Hà Nội.

Liên quan đến vụ án trên, Cơ quan điều tra đã khởi tố bị can đối với nhiều người nguyên là lãnh đạo Sở Kế hoạch – đầu tư TP Hà Nội và một số đơn vị liên quan, để điều tra về tội danh “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. 

Liên quan vụ án Nhật Cường, tháng 12-2020, ông Nguyễn Đức Chung bị phạt 5 năm tù về tội “chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”. Trước đó, ngày 17-3, cựu chủ tịch Hà Nội bị khởi tố để điều tra về những sai phạm liên quan đến vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Công ty MTV Thoát nước Hà Nội mua chế phẩm Redoxy-3C.

Chính phủ muốn làm 1.700 km đường ven biển từ Quảng Ninh – Kiên Giang trong 5 năm

Nld – Ngày 24/7, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư – Nguyễn Chí Dũng đã trình bày tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2016-2020, và dự kiến giai đoạn 2021-2025.

Dự kiến phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Dũng cho biết, tổng mức vốn ngân sách Nhà nước bố trí là là 2.870 ngàn tỉ đồng, bao gồm: 1.500 ngàn tỉ đồng vốn ngân sách trung ương và 1.370 ngàn tỉ đồng vốn ngân sách địa phương.

Tổng số dự án thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 dưới 5.000 dự án, giảm hơn một nửa so với giai đoạn 2016-2020, trong đó thu hồi dứt điểm số vốn ứng trước kế hoạch, hoàn thành các dự án chuyển tiếp, khởi công mới khoảng 2.236 dự án.

Về mục tiêu Chính phủ đặt ra trong giai đoạn 2021- 2025, Bộ trưởng cho biết, đến năm 2025, cơ bản hoàn thành các tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông; đường vành đai 3, vành đai 4 khu vực động lực Hà Nội, TP.HCM; tuyến nối vùng Nam Trung Bộ với Tây Nguyên, đầu tư hạ tầng cho phát triển vùng khu vực miền núi phía Bắc, các công trình đường bộ cao tốc và đường thủy nội địa cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Đáng chú ý, Chính phủ đặt mục tiêu hoàn thành trên 1.700 km đường ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang; hành lang kinh tế Đông – Tây; sửa chữa nâng cấp, xây dựng các hồ chứa nước, các công trình thủy lợi trọng yếu ở vùng Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long…

Mưa lớn suốt 24 giờ gây ngập lụt ở huyện cao nhất Nghệ An

Dantri – Sáng 24/7, trao đổi với báo Dân trí, ông Và Chá Xa – Chủ tịch xã Mường Lống (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) cho biết, trận mưa lớn kéo dài từ sáng sớm qua (23/7) đến gần rạng sáng nay (24/7), đã làm cho nhiều nhà dân bị nước tràn vào, trạm y tế xã cũng bị ngập…  

Ông Xa nói: “Do mưa lớn kéo dài làm các khe suối nước dâng cao. Khoảng 21h ngày 23/7, nước chảy tràn vào nhà lưu trú của bệnh nhân trạm y tế xã, bùn đất ngập khắp nơi. Rất may nhà lưu trú không có bệnh nhân nên không có thiệt hại về người”.

“Hiện tại địa bàn Mường Lống mưa nhỏ, nước đã rút, tạm thời ổn định, không có thiệt hại về người. Tuy nhiên, đoạn đường đi qua trạm y tế xã đang bị bùn đất tràn ra, chúng tôi đang huy động các đoàn thể tiếp tục dọn dẹp, khắc phục hậu quả”.

Quãng đường từ thành phố Vinh lên Mường Lống khoảng 250 km. Đây là xã miền núi cao của huyện biên giới Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Mường Lống nằm trong thung lũng trên đỉnh núi thuộc dãy Trường Sơn có độ cao gần 1.500 m so với mực nước biển, gần biên giới Việt – Lào.

Mường Lống được mệnh danh là “Sa Pa của xứ Nghệ” bởi khí hậu luôn mát mẻ quanh năm. Tuy nhiên, trong những ngày qua, địa phương này luôn phải đối mặt với tình hình mưa lũ diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng nhiều đến đời sống nhân dân.

Công ty bà Phương Hằng đài thọ suất ăn, tặng gạo cho người lao động

Trong buổi livestream tối ngày 20/07, CEO Phương Hằng chia sẻ thông tin, 2 trong số 10 nhà máy găng tay với số tiền đầu tư hơn 1 tỷ đô – tâm huyết suốt 4 tháng trời của ông Dũng “lò vôi” – sắp sửa đi vào hoạt động. Lô hàng đầu tiên dự kiến sẽ sớm xuất xưởng và được sử dụng vào mục đích phục vụ cho ngành y tế nhà nước.

Được biết, tổng diện tích cho 10 nhà máy này lên đến tận 30ha. Vì được sản xuất theo công nghệ mới và dây chuyền sản xuất hiện đại nên găng tay được làm ra sẽ nhẹ hơn, dai hơn và chất lượng hơn các loại đã có mặt trên thị trường. Đó là lý do mà bà Hằng khẳng định đây là “công trình đáng tự hào của đất nước Việt Nam”.

Để việc sản xuất diễn ra đúng theo kế hoạch, công ty đã tạo điều kiện hết cỡ cho công nhân. Cụ thể, công ty sắp xếp chỗ ăn, ở, ngủ, nghỉ của các công nhân. Song song với việc đài thọ các bữa ăn, để giảm bớt một phần gánh nặng cho công nhân, ông Dũng – bà Hằng còn tặng thêm cho mỗi người 20kg gạo một tháng.

Hành động của vợ chồng ông Dũng ‘lò vôi’ và bà Hằng được cộng đồng mạng đánh giá rất cao, nhận về không ít lời khen ngợi. Nhưng bà Hằng chỉ khiêm tốn nói: “Chúng tôi làm mọi thứ bằng cả trái tim, bằng sự lương thiện, yêu nước, yêu dân”. Hơn hết, nữ CEO còn lấy làm tự hào vì trong thời điểm khó khăn, vợ chồng bà vẫn làm được những điều tưởng như không thể.

Trước đó, trong buổi livestream ngày 13/7 trên Facebook cá nhân, nữ đại gia Phương Hằng tiết lộ, gia đình bà sẵn sàng cho mượn khu Đại Nam, địa điểm du lịch tâm linh lớn nhất Việt Nam, và một khu dân cư ở Bình Phước rộng 100ha làm bệnh viện dã chiến để phục vụ người mắc COVID-19 nếu chính phủ cần.

Bà cũng tiết lộ thêm: “Thậm chí, ở Đại Nam, anh Dũng cũng đã âm thầm nhập oxy về để giúp cho người dân khi hoạn nạn, khi cần đến hơi thở. Vì thấy dịch tấn công ở bên Ấn Độ, thiếu nghiêm trọng oxy và đã khiến nhiều người không qua khỏi, nên anh Dũng đã âm thầm bỏ ra rất nhiều tiền, con số không phải là ít đâu quý vị. Nhưng một khi mình đã làm vì dân vì nước thì mình không cần phải nói”.

Related posts