Sài Gòn giới nghiêm: Người dân không được ra đường sau 6 giời chiều

Hiểu Minh

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên (phải) phát biểu kết luận hội nghị tối 25/7. (Ảnh: S.Đ./Zing).

“Từ tối ngày 26/7, người dân không ra đường sau 18h. Tất cả hoạt động tạm dừng, trừ cấp cứu và điều phối dịch bệnh”, ông Phong nói.

Theo VnExpress, yêu cầu trên được Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong đưa ra tại Hội nghị Thành ủy thành phố mở rộng tối 25/7, trong bối cảnh TP.HCM trải qua 17 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và ghi nhận hơn 58.000 ca nhiễm trong đợt bùng phát dịch thứ tư.

“Sáng nay, đi từ trung tâm xuống Bình Tân, Củ Chi rồi qua TP. Thủ Đức, tôi đã gọi từng chủ tịch quận huyện, làm việc ngay với công an, quân sự để có biện pháp siết chặt ngay”, ông Phong nói và cho biết văn bản 2468 về tăng cường các biện pháp mạnh mẽ thực hiện Chỉ thị 16 từ hôm qua nhưng tình trạng này đến nay vẫn xảy ra.

“Chúng ta phải nhận thấy việc này rất nguy hiểm, là nguyên nhân khiến dịch kéo dài. Nếu không kiểm soát dịch sẽ tồi tệ hơn, bắt buộc chúng ta áp dụng những biện pháp mạnh và cao hơn, có thể ảnh hưởng rất nhiều mặt”, ông Phong nói.

Người đứng đầu chính quyền thành phố cho biết, với tình hình như hiện nay, kịch bản thứ ba nhiều khả năng sẽ phải áp dụng cùng nhiều biện pháp khẩn cấp.

Theo ông Phong, để kịch bản thứ ba không xảy ra, trên cơ sở Chỉ thị 12, UBND thành phố đã ban hành công văn 2468, với các biện pháp mạnh, chắc chắn ảnh hưởng nhiều đời sống người dân.

“Thành phố sẽ xử lý thật nghiêm trách nhiệm người đứng đầu địa phương, đơn vị nếu có thái độ thờ ơ, buông lỏng lãnh đạo, quản lý, chậm giải quyết phản ánh của người dân, dẫn đến dịch lây lan tại nơi mình quản lý”, ông Phong nói.

Người đứng đầu chính quyền thành phố cũng yêu cầu địa phương phải tập trung lực lượng ở các khu phong tỏa “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, tổ chức mang nhu yếu phẩm đến từng nhà hoặc tổ chức tình nguyện viên đi chợ thay.

Các tổ chức, cá nhân muốn trợ giúp lương thực cho người dân khu vực phong tỏa cần liên hệ tổ quản lý để có biện pháp đưa đến từng hộ, không để người dân tự ra ngoài nhận trực tiếp.

Báo Zing dẫn lời ông Nên nói: “Ở đâu còn người thiếu ăn, thiếu mặc là lỗi của bí thư, chủ tịch phường, xã”.

Trong khi đó tại Hà Nội, dịch ở thành phố này cũng đang diễn biến phức tạp.

Theo báo cáo của truyền thông trong nước, sau khi phát hiện 14 ca dương tính với virus corona ở Bệnh viện Phổi, lực lượng chức năng đã lập chốt tạm phong tỏa, cách ly y tế.

Hiện nhà chức trách Hà Nội yêu cầu dừng hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng phương tiện xe mô tô, xe 2 bánh (shipper) đối với các cá nhân hoạt động tự do trong thời gian giãn cách xã hội.

Chiều tối hôm qua, Sở Y tế Hà Nội cho biết thành phố tiếp tục ghi nhận thêm 07 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 tại 6 quận, huyện gồm: Hai Bà Trưng có 03 bệnh nhân, Ba Đình, Thạch Thất, Hoài Đức, Tây Hồ mỗi nơi có 01 bệnh nhân. Nâng số ca nhiễm trong ngày ở Hà Nội lên 41 trường hợp.

Tính từ ngày 29/4 đến nay, Hà Nội ghi nhận 730 ca nhiễm, trong đó có 444 trường hợp ghi nhận tại cộng đồng.

Related posts