Tin thế giới sáng thứ Ba

Bắc Kinh mỗi lúc tự tin thách thức áp lực từ Washington?

Minh Anh

image.png
Thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ Wendy Sherman (T) và ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc gặp tại Thiên Tân, Trung Quốc, ngày 26/07/2021. AP

Ngày 26/07/2021, cuộc họp cấp cao Mỹ – Trung lần thứ hai dưới thời chính quyền Biden, giữa thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ Wendy Sherman và đồng nhiệm Trung Quốc Tạ Phong diễn ra tại Thiên Tân, Trung Quốc. Thế nhưng, vài ngày trước khi diễn ra cuộc họp, Bắc Kinh thông báo trừng phạt 7 công dân Mỹ. Theo Financial Times, đòn « ăn miếng trả miếng » này còn là cách mà Trung Quốc khẳng định thế mạnh cường quốc ngang hàng với Mỹ.

Phải chăng gió đang đổi chiều ? Giọng điệu cứng rắn của Mỹ trong những tháng qua dường như không làm Trung Quốc nao núng. Vài ngày trước khi bà Wendy Sherman đến Trung Quốc, ông Vương Nghị, ủy viên Quốc vụ, kiêm ngoại trưởng Trung Quốc, khẳng định : « Nếu như Hoa Kỳ vẫn chưa học được cách hiểu những nước khác trên cơ sở bình đẳng, Trung Quốc cùng với cộng đồng quốc tế có trách nhiệm mang lại cho Hoa Kỳ một sự hướng dẫn đúng đắn về vấn đề này ».

Theo giới quan sát, phát biểu này của lãnh đạo ngành ngoại giao Trung Quốc cho thấy rõ Bắc Kinh chưa sẵn sàng trải thảm đỏ để đón phái đoàn ngoại giao đến từ Washington. Thế mạnh này đã từng được Dương Khiết Trì, ủy viên Bộ Chính Trị, trong cuộc họp cấp cao « nảy lửa » lần đầu ở Alaska nhấn mạnh đến, khi cho rằng Mỹ chưa thể nói chuyện với Trung Quốc trong « một thế mạnh ».

Nói một cách khác, theo như giải thích của thông tín viên Stephane Lagarde, Bắc Kinh không muốn nghe « giáo huấn » về các vấn đề nhân quyền ở Tân Cương, Hồng Kông hay Tây Tạng, cũng như các vấn đề Đài Loan, Biển Đông, Biển Hoa Đông, những hồ sơ mà Trung Quốc coi  là « chuyện nội bộ ».

Đây cũng chính là những hồ sơ mà tổng thống Mỹ Joe Biden, từ sáu tháng qua kể từ khi lên cầm quyền, đã có những lời lẽ cứng rắn nhất. Trong cuộc đọ sức mà nguyên thủ Mỹ coi là cuộc chiến sinh tử giữa các nền dân chủ và chuyên chế, chủ nhân Nhà Trắng hy vọng tập hợp được một liên minh để giành chiến thắng.

Nếu như ông Biden phần nào thành công cho Trung Quốc thấy rõ sự bất mãn của Mỹ không chỉ giới hạn ở chính quyền tiền nhiệm, thì những nỗ lực trên của Nhà Trắng không cho thấy có dấu hiệu nào là đã thuyết phục được chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Và rủi thay, theo nhận định của bà Oriana Skylar Mastro, một chuyên gia về Trung Quốc tại đại học Stanford, với Financial Times, « Trung Quốc còn gia tăng tất cả các hành vi có vấn đề của họ. Bắc Kinh đã không soi gương theo cách mà phương Tây muốn ».

Kể từ khi bước chân vào Nhà Trắng, ông Joe Biden không ngừng gia tăng nỗ lực kềm hãm đà tiến của Trung Quốc, từ việc phối hợp với Liên Hiệp Châu Âu, Anh, Canada để trừng phạt Bắc Kinh trong vấn đề nhân quyền, cho đến củng cố sáng kiến « Bộ Tứ » với Nhật Bản, Úc và Ấn Độ để bảo vệ vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Những nỗ lực này của ông Biden, tuy « thật sự thu hút sự chú ý của Bắc Kinh và trong một số trường hợp », nhưng trong « một chừng mực nào đấy, những biện pháp đó sẽ dẫn Trung Quốc đi đến sự thay đổi » theo như lưu ý của bà Bonny Lin, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế trên tờ Financial Times.

Bởi vì, Trung Quốc cũng đang ra sức đẩy lùi các sức ép từ Mỹ bằng cách thông qua luật chống trừng phạt cho phép áp đặt các hình phạt đối với bất kỳ nước nào giúp các quốc gia khác chống lại Trung Quốc bằng các biện pháp trừng phạt.

Mặt khác, đối với ông Biden, việc thực hiện cùng lúc ba mặt trận – kích hoạt « Bộ Tứ », thắt chặt quan hệ với Đài Loan và có một cách tiếp cận đa phương về nhân quyền – cũng sẽ là một « nhiệm vụ khó khăn ». Làm thế nào chuyển đổi những lĩnh vực mà các đối tác châu Á và châu Âu đang quan tâm thành một hành động chung ? Đây sẽ là một bài toán hóc búa cho ông Biden, theo như nhận xét của ông Eric Sayers, chuyên gia về an ninh tại châu Á, Viện Doanh Nghiệp Mỹ.

Chỉ có điều, tuy tỏ vẻ cứng rắn, ngày càng tỏ thái độ thách thức, hình ảnh mà Trung Quốc đưa ra lại không tạo dựng được niềm tin. Và do vậy chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng muốn có một cuộc gặp thượng đỉnh với Joe Biden tại G20 ở Ý – một trong những nội dung mà bà Sherman thảo luận với ngoại trưởng Vương Nghị tại Thiên Tân. Một cuộc họp thượng đỉnh như vậy sẽ giúp cho Trung Quốc xóa tan những chỉ trích về những chính sách của Bắc Kinh trong vấn đề nhân quyền và nền ngoại giao « chiến lang ». Và việc gìn giữ hình ảnh một Trung Quốc hùng mạnh và đáng nể trên thế giới còn là công cụ để Tập Cận Bình duy trì quyền lực trong nước.

Bắc Kinh: Washington nên chấm dứt xem Trung Quốc là “kẻ ác”

Minh Anh

image.png
Các nhân viên an ninh Trung Quốc trước khách sạn tại Thiên Tân nơi mà thứ trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ Wendy Sherman gặp đồng nhiệm Trung Quốc ngày 26/07/2021. AP – Ng Han Guan

Ngày 26/07/2021, cuộc gặp cấp cao thứ hai dưới thời chính quyền Joe Biden giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới diễn ra tại Thiên Tân, Trung Quốc. Thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ Wendy Sherman gặp đồng nhiệm Trung Quốc Tạ Phong trong bối cảnh đối đầu Mỹ – Trung ngày càng trở nên gay gắt.

Bà Wendy Sherman là lãnh đạo ngoại giao cao cấp nhất đầu tiên của Mỹ đến thăm Trung Quốc kể từ khi ông Biden nhậm chức tổng thống. Đây cũng là cuộc gặp cao cấp thứ hai giữa hai siêu cường hàng đầu thế giới, sau cuộc gặp tranh cãi nảy lửa tại Anchorage, Alaska hồi tháng 3/2021.

Tuy nhiên, vài giờ trước khi diễn ra cuộc họp, bộ Ngoại Giao Trung Quốc lớn tiếng cáo buộc Hoa Kỳ là nguồn cội làm cho quan hệ Mỹ – Trung rơi vào bế tắc. Bắc Kinh cho rằng Washington nên chấm dứt nói xấu, vu cáo Trung Quốc như « ác quỷ ».

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stephane Lagarde giải thích:

« Một lần nữa, thứ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc, sáng hôm nay, thứ Hai, lại dùng lập luận về “kẻ thù tưởng tượng” . Lập luận này không có gì là mới cả. Cách nay vài hôm, khi Hoa Kỳ và châu Âu lên án các cuộc tấn công tin học được cho là do các tin tặc Trung Quốc thực hiện, Bắc Kinh đã khẳng định rằng Nhà Trắng nên ngừng cáo buộc Trung Quốc là “đế chế của những tin tặc”, hàm ý là « đế chế ma quỷ”.

Theo một bản báo cáo do bộ Ngoại Giao Trung Quốc đăng hôm nay trên mạng xã hội WeChat trước khi diễn ra cuộc gặp, ông Tại Phong dường như đã yêu cầu đồng nhiệm Mỹ nên thay đổi “tâm trạng lầm lẫn” và chính sách được cho là “nguy hiểm” do Nhà Trắng tiến hành.

Theo thứ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc, “về cơ bản, do Mỹ coi Trung Quốc như là một kẻ thù tưởng tượng”, nên quan hệ giữa hai nước bị bế tắc.

Quả thật mọi chuyện đã không có nhiều tiến triển kể từ cuộc gặp trong bầu không khí giá lạnh tại Anchorage, Alaska hồi tháng 03/2021. Ủy viên quốc vụ, ngoại trưởng Vương Nghị hồi cuối tuần rồi nhắc rằng Trung Quốc phải được đối xử bình đẳng. Điều mà Bắc Kinh không muốn chính là việc Washington rao giảng những bài học về những gì chế độ cộng sản xem đấy như là chuyện nội bộ, cụ thể là vấn đề nhân quyền ở Hồng Kông hay Tân Cương, tuân thủ luật biển tại những vùng Biển Hoa Đông, Biển Đông hay như vấn đề Đài Loan.

Cuộc họp cấp cao mới lần này, diễn ra cách Bắc Kinh hơn một giờ tầu TGV, sẽ phải là dịp để Washington nhắc lại một cách rõ ràng những lập trường của mình và những gì mỗi bên trông đợi trong mối quan hệ Mỹ – Trung. Bởi vì mục đích cuộc gặp lần này cũng là để chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh Tập Cận Bình – Joe Biden trong tương lai ! »

Mỹ không muốn cạnh tranh biến thành xung đột với Trung Quốc

Thanh Phương

image.png
Thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ Wendy Sherman trong chuyến công du Hàn Quốc ngày 23/07/2021. AP

Hoa Kỳ sẵn sàng cạnh tranh với Trung Quốc, nhưng cần phải có những luật chơi công bằng và những bảo đảm để tránh cho cạnh tranh biến thành xung đột giữa hai nước.

Đó là điều mà thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ Wendy Sherman sẽ nhấn mạnh trong cuộc gặp với ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại thành phố Thiên Tân (Tiajin) ngày mai, 26/07/2021, theo lời các quan chức cao cấp của Hoa Kỳ với hãng tin Reuters hôm qua.

Trong cuộc họp báo trước cuộc gặp ở Thiên Tân, các quan chức cao cấp của Mỹ cũng tuyên bố Hoa Kỳ không có ý định thiết lập một liên minh chống Trung Quốc, cho dù hai nước có những bất đồng về nhiều vấn đề. Trong cuộc gặp với ngoại trưởng Vương Nghị, thứ trưởng Ngoại Giao Wendy Sherman sẽ bày tỏ những quan ngại về những hành động của Trung Quốc mà Hoa Kỳ cho là vi phạm các cam kết và các chuẩn mực quốc tế, trong đó có những vi phạm nhân quyền ở Hồng Kông và Tân Cương.

Cuộc họp tại Thiên Tân giữa bà Wendy Sherman và ông Vương Nghị là sự tiếp nối cuộc họp ngoại giao cao cấp đầu tiên giữa hai nước dưới chính quyền Joe Biden vào tháng 3/2021 tại Alaska. Cuộc họp đó đã diễn ra trong bầu không khí căng thẳng, các đại diện của Trung Quốc đã công khai cáo buộc Washington là có đầu óc bá quyền, còn phía Mỹ thì chỉ trích Bắc Kinh là mị dân.

Theo hãng tin Reuters, nếu diễn ra tốt đẹp, cuộc họp tại Thiên Tân ngày mai có thể sẽ mở đường cho cuộc gặp giữa chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden trong năm nay, có thể là bên lề thượng đỉnh nhóm G20 tại Ý vào cuối tháng 10.

Ngoài chuyến đi của thứ trưởng Ngoại Giao Wendy Sherman đến Trung Quốc, trong tuần này, bộ trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin cũng sẽ công du Singapore, Việt Nam và Philippines, còn ngoại trưởng Antony Blinken sẽ đến thăm Ấn Độ. Những chuyến đi này phản ánh nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm kềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Afghannistan: Hoa Kỳ dọa sẽ tiếp tục oanh kích vào lực lượng Taliban

Thanh Hà

image.png
Ảnh tư liệu chụp ngày 14/07/2021. Những người ủng hộ phe Taliban sau khi lực lượng này thông báo đã chiếm được một thị trấn ở biên giới Afghanistan-Pakistan. AP – Tariq Achakzai

Tướng Kenneth McKenzie, lãnh đạo Bộ Chỉ Huy Trung Tâm của quân đội Mỹ Centcom, hôm 25/07/2021, tuyên bố tại Kabul là Hoa Kỳ vẫn sẵn sàng oanh kích vào quân Taliban, nếu lực lượng Hồi Giáo cực đoan này tiếp tục các cuộc tấn công tại Afghanistan như trong những tuần qua.

Tướng McKenzie, chỉ huy điều phối các hoạt động quân sự Mỹ tại 20 nước Trung Đông, Trung và Nam Á, cảnh báo : “Trong những ngày tới chính quyền Afghanistan sẽ bị đặt trước nhiều thử thách, quân Taliban tìm cách khẳng định thắng lợi, nhưng họ nhầm. Không có gì chắc chắn là họ sẽ nắm lấy phần thắng”, bởi vì Hoa Kỳ “tiếp tục hỗ trợ quân đội Afghanistan, ngay cả sau ngày 31 tháng 8”, thời hạn Mỹ thông báo hoàn tất việc rút quân khỏi nước này. Và đó sẽ là một sự can thiệp “từ ngoài lãnh thổ” Afghanistan.

Ngoài ra Mỹ sẽ tiếp tục yểm trợ chính quyền Kabul về hậu cần, và đặc biệt là giúp đỡ lực lượng không quân của nước này.

Hãng tin Pháp AFP nhắc lại từ gần ba tháng qua, quân Taliban tiến hành các chiến dịch tấn công ở quy mô lớn và đang tiến gần đến Kandahar, vốn là thành trì của Taliban, ở miền nam Afghanistan.

Lực lượng Taliban tuyên bố đã kiểm soát gần như 90 % lãnh thổ Afghanistan trong bối cảnh Mỹ và liên quân quốc tế sắp hoàn tất việc rút quân khỏi nước này.

Quân đội của chính quyền Kabul kháng cự một cách “yếu ớt” và dường như chỉ còn kiểm soát các thành phố lớn.

Tháng 2/2020, Mỹ và Taliban đã đạt thỏa thuận theo đó liên quân quốc tế dưới sự chỉ huy của Hoa Kỳ rời khỏi Afghanistan. Đổi lại Taiban cam kết ngưng tấn công các lực lượng nước ngoài và đàm phán với chính quyền Kabul hướng tới một giải pháp chính trị cho Afghanistan. Đối thoại chính trị chia sẻ quyền lực được khởi động từ  tháng 9/2020, nhưng vẫn hoàn toàn bế tắc.

Thường dân Afghanistan trước một thảm họa
Vào lúc an ninh càng lúc càng bị đe dọa tại Afghanistan, Liên Hiệp Quốc lo ngại các cuộc xung đột tiếp diễn, vì số thường dân thiệt mạng và bị thương tại nước này trong năm 2021 tăng cao “chưa từng thấy”.

Thông tín viên đài RFI từ Kaboul, Sonia Ghezali cho biết thêm:

Phụ nữ và trẻ em chiếm gần một nửa số nạn nhân là thường dân, theo như tổng kết sáu tháng đầu năm 2021 vừa được ủy ban Liên Hiệp Quốc hỗ trợ thường dân Afghanistan UNMA công bố. Trong số 5200 nạn nhân, có 32 % là trẻ em, và 14% là phụ nữ.

Kể từ năm 2009, khi bắt đầu thống kê số nạn nhân là thường dân, chưa bao giờ ủy ban của Liên Hiệp Quốc về Afghanistan ghi nhận con số cao như vậy. 64% số nạn nhân thường dân là do các lực lượng chống chính phủ Afghanistan gây ra, cụ thể là quân Taliban, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo và các nhóm vũ trang khác. 25% là do các lực lượng của chính phủ Afghanistan gây ra. Đây là lần đầu tiên từ 11 năm qua, không có một nạn nhân thường dân nào được ghi nhận là do quân đội nước ngoài gây ra.

Deborah Lyons, đặc sứ Liên Hiệp Quốc về Afghanistan tuyên bố : “Bản báo cáo là một  lời cảnh báo rất rõ ràng, theo đó, số thường dân bị sát hại hay bị thương trong năm nay sẽ lên cao chưa từng thấy, nếu không dập tắt được bạo động đang ngày càng gia tăng”. Bà kêu gọi cả quân Taliban lẫn chính quyền Kabul hãy chú ý tới bản báo cáo của Liên Hiệp Quốc về nạn nhân thường dân. Trên thực địa, bạo lực gia tăng hai tháng gần đây. Quân Taliban mở các cuộc tấn công quy mô nhắm vào lực lượng chính phủ. Kabul đã ban hành lệnh giới nghiêm tại 31 trên tổng số 34 tỉnh thành để kiểm soát các di chuyển trong đêm của quân nổi dậy ”. 

Hàng không mẫu hạm của Anh tiến gần Biển Đông, Trung Quốc phẫn nộ

Thanh Hà

image.png
Ảnh tư liệu chụp ngày 21/04/2017: Các cấu trúc và một phi đạo mà Trung Quốc xây trên đá Subi, quần đảo Trường Sa, Biển Đông. AP – Francis Malasig

Hải Quân Mỹ trên trang mạng USNI News ngày 25/07/2021 thông báo, căn cứ vào các tín hiệu qua vệ tinh cho thấy tàu sân bay của Hải Quân Hoàng Gia Anh tiến gần đến Biển Đông sau đợt tập trận với hải quân Ấn Độ tại vịnh Bengal vừa qua. Global Times của Trung Quốc cảnh cáo là cụm tàu sân bay này nên tránh thâm nhập khu vực 12 hải lý của Trung Quốc.

Tàu sân bay của Hải Quân MHS Anh Queen Elizabeth được sự hộ tống của khu trục hạm săn tàu ngầm HMS Richmond, khu trục hạm có trang bị tên lửa HMS Defender, tàu chở dầu Tidespring, tàu ngầm Artful, khu trục hạm của Mỹ USS Sulivan, khinh hạm của Hà Lan Evertsen.

Từ sáng Chủ Nhật 25/07/2021, tàu khu trục Defender đã cập cảng Brunei còn chiếc tàu chở dầu Tidesping thì đã rời cảng Singapore để tiến về Biển Đông. Tàu sân bay MHS Anh Queen Elizabeth chuẩn bị cập bến tại Singapore, đúng vào lúc bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, Austin Lloyd đang có mặt tại nước này trong chuyến công du ba nước Đông Nam Á.

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo trong ấn bản ngày Chủ Nhật 25/07/2020 đề cập đến sự kiện nói trên và cảnh báo : “Điều tàu chiến vào bên trong vùng 12 hải lý thuộc chủ quyền của Trung Quốc là một thách thức trực tiếp nhắm vào các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc” tại Biển Đông và đó là “một sai lầm” của Anh Quốc.  Cũng Hoàn Cầu Thời Báo trích lời một chuyên gia thuộc đại học Bắc Kinh cho rằng “tới nay Anh Quốc luôn từ chối theo chân Mỹ và sẽ không dễ đối đầu với Trung Quốc hay trực tiếp khiêu khích Trung Quốc”, do vậy phía Trung Quốc chờ đợi là Hải Quân Anh sẽ “thận trọng, không bị Hoa Kỳ xúi giục và sẽ không tiến sâu vào vùng biển của Trung Quốc ở Biển Đông”.

Anh gạt Trung Quốc ra khỏi một dự án nhà máy điện hạt nhân
Thêm một dấu hiệu cho thấy quan hệ giữa Anh và Trung Quốc đang xấu đi : Nhật báo tài chính Anh Financial Times ngày 25/07/2021 tiết lộ Luân Đôn đang nghiên cứu khả năng loại đối tác CGN của Trung Quốc ra khỏi dự án  nhà máy điện hạt nhân Sizewell. Đây là một dự án mà CGN hợp tác với nhiều tập đoàn khác, như EDF của Pháp, để cung cấp điện hạt nhân cho Anh. Trị giá toàn bộ hợp đồng lên tới hơn 20 tỷ bảng Anh.

Tổng thống Pháp và thủ tướng Nhật Bản gặp gỡ bên lề Olympic Tokyo 2020

Thùy Dương

image.png
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga (P), và tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong buổi gặp gỡ bên lề Thế Vận Hội Olympic Tokyo 2020, ngày 24/07/2021. AP – Franck Robichon

Đến Tokyo dự lễ khai mạc Olympic 2020, tổng thống Pháp Emmnanuel Macron hôm qua 24/07 đã có buổi trao đổi với thủ tướng Nhật Bản, Yoshihide Suga và gặp gỡ một số chủ doanh nghiệp lớn của Nhật, trong đó có Nissan.

Trên mạng xã hội Twitter, tổng thống Pháp Emmanuel Macron ca ngợi mối quan hệ đối tác « đặc biệt » đã gắn kết hai nước Pháp và Nhật : « Quan hệ đối tác này là một sức mạnh ». Trong một thông cáo chung được AFP trích dẫn, sau cuộc gặp, tổng thống Macron và thủ tướng Suga đã nhắc lại về tầm quan trọng của việc đạt được một vùng « Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở », « dựa trên Nhà nước pháp quyền », trong bối cảnh tham vọng của Trung Quốc trong khu vực đang gây ra lo ngại cho cả Nhật Bản và các cường quốc phương Tây.

Hai nhà lãnh đạo cũng đề cập đến quan hệ hợp tác Pháp-Nhật trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, coi biến đổi khí hậu không phải một điều ràng buộc mà là sự thúc đẩy những sáng kiến, đổi mới và tạo công ăn việc làm, đồng thời mong muốn củng cố, tăng cường quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai nước.

Còn trong cuộc gặp với một số chủ doanh nghiệp lớn tại Nhật, trong đó giám đốc điều hành của tập đoàn Nissan, Makoto Uchida, tổng thống Macron đã ca ngợi sức hấp dẫn về kinh tế của Pháp.

Tổng thống Pháp Macron là một trong số hiếm hoi nhà lãnh đạo trên thế giới đến dự lễ khai mạc Thế Vận Hội Tokyo 2020 trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh. Ông Macron đã đến xem 2 trận thi đấu của các vận động viên Pháp.

Covid-19 : Quốc Hội Pháp thông qua dự luật về tiêm chủng và chứng nhận y tế

Thùy Dương

image.png
Một điểm chích ngừa Covid-19 tại một thương xá ở Paris, Pháp. Ảnh chụp ngày 13/07/2021. AP – Michel Euler

Tối Chủ Nhật 25/07/2021, Quốc Hội Pháp đã chính thức thông qua dự luật về bắt buộc chủng ngừa virus corona đối với nhân viên y tế và mở rộng phạm vi áp dụng chứng nhận Covid-19, chỉ một ngày sau khi 161.000 người Pháp tuần hành tại nhiều thành phố phản đối các biện pháp hạn chế để phòng chống làn sóng dịch Covid-19 mới.

Dự luật vốn gây nhiều tranh cãi cuối cùng đã được Quốc Hội Pháp thông qua với 156 phiếu thuận, 60 phiếu chống (vắng 14), sau khi Hạ Viện bỏ phiếu hôm thứ Ba 20/07, Thượng Viện thông qua hôm 24/07 với nhiều sửa đổi. Bộ trưởng Y Tế Pháp Olivier Véran hoan nghênh quyết định của Quốc Hội, nhấn mạnh « sự đoàn kết quốc gia đã được phục hồi ».

Để tổng thống có thể ký công bố và luật được áp dụng ngay từ đầu tháng 08/2021, thủ tướng Jean Castex đã cho đệ trình luật lên Hội Đồng Bảo Hiến lấy ý kiến theo thủ tục “xem xét khẩn”.

Theo luật mới, kể từ tháng 08, phạm vi áp dụng chứng nhận y tế sẽ được mở rộng ra các quán cà phê, nhà hàng, hội chợ triển lãm, cũng như đối với các phương tiện giao thông công cộng, như máy bay, tàu lửa, xe khách đường dài và các cơ sở y tế, trừ trường hợp cấp cứu. Riêng đối với thanh thiếu niên 12-17 tuổi, chứng nhận y tế sẽ được áp dụng sau ngày 30/09/2021. Người làm công ăn lương trong những lĩnh vực quy định nếu không có chứng nhận y tế sẽ phải tạm nghỉ việc không lương, nhưng không bị sa thải. Hành vi gian lận chứng nhận y tế sẽ bị phạt 135 euro, nếu tái diễn hơn 3 lần trong vòng 30 ngày sẽ bị phạt 3.750 và 6 tháng tù giam.  

Thông điệp mạnh mẽ của tổng thống Macron  
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, sau khi sang Nhật dự khai mạc Thế Vận Hội Tokyo 2020 và gặp thủ tướng Nhật Yoshide Suga, đã bay đến vùng lãnh thổ hải ngoại Polynésie của Pháp. Ngay khi đến Polynésie, sáng hôm qua 25/07, ông Macron đã thăm một bệnh viện trên đảo Tahiti. Trả lời báo giới, tổng thống  Pháp đã « gửi một thông điệp rất mạnh mẽ để kêu gọi từng người đi tiêm chủng».  

Phát biểu của ông Macron nhắm vào những người không chịu chích ngừa virus corona và những người biểu tình chống việc áp dụng chứng nhận Covid-19 tại Pháp hôm thứ Bảy 24/07. Tổng thống Macron nhấn mạnh « ai cũng có quyền tự do », nhưng là tự do « trong sự tôn trọng người khác » và quyền tự do bao hàm một « nghĩa vụ có đi có lại ». Tổng thống Pháp khẳng định việc không chịu tiêm phòng để tránh nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cho bản thân và người xung quanh không phải là tự do, mà là « sự vô trách nhiệm », « sự ích kỷ ».

AFP nhắc lại hôm thứ Bảy 24/07/2021, trên toàn nước Pháp có 161.000 người biểu tình tại nhiều thành phố để phản đối chứng nhận Covid-19. Đây là ngày thứ Bảy của tuần thứ 2 liên tiếp hàng trăm ngàn người Pháp tuần hành nhằm « bảo vệ tự do », « chống độc tài về y tế », sau bài phát biểu tối 12/07 của tổng thống Macron về các quy định phòng dịch mới, chủ yếu liên quan đến bắt buộc tiêm chủng và chứng nhận Covid-19. 

Dịch Covid-19 tại Nga đã lên đến đỉnh?

Trung tâm tiêm ngừa Covid-19 ở Moscow. AFP – DIMITAR DILKOFF

Hôm 24/07/2021, chính phủ Nga thông báo, trong vòng 24 giờ đã có thêm 24.000 ca nhiễm Covid-19 và 799 ca tử vong, một con số kỷ lục tính từ đầu mùa dịch. Nhưng chính quyền Matxcơva tỏ ra lạc quan, cho rằng đợt dịch lần này, do tác động của biến thể Delta, có thể đã lên đến đỉnh.

Từ Moscow, thông tín viên Jean-Didier Revoin tường trình :

« Với 6 triệu người bị nhiễm và gần 400.000 ca tử vong, Nga là một trong những quốc gia bị nặng nhất kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Sự xuất hiện bất ngờ của biến thể Delta khiến nhà chức trách không kịp trở tay, buộc họ phải thừa nhận sẽ không thể đạt được mục tiêu chích ngừa cho 60 % dân số từ đây đến mùa thu.

Khi phát biểu công khai, tổng thống Putin nói ông chống lại việc bắt buộc tiêm chủng, nhưng nhìn nhận là các chính quyền địa phương có thể bắt buộc tiêm ngừa tùy theo tình hình. Đó là trường hợp của Matxcơva , nơi mà 60 % nhân viên trong các ngành dịch vụ có tiếp xúc với khách hàng đã phải đi chích ngừa Covid-19, bằng không sẽ bị cho nghỉ không lương.

Hồi cuối tuần, bộ Lao động khuyến cáo các doanh nghiệp trên toàn quốc nên tiêm chủng cho ít nhất 80% nhân viên. Những người tình nguyện đi chích ngừa sẽ được hưởng thêm ngày nghỉ có lãnh lương, còn những người không tiêm chủng sẽ bị cho nghỉ không lương.

Cho dù các con số về dịch bệnh vẫn gây ấn tượng mạnh, với mức trung bình mỗi ngày thêm hơn 750 ca tử vong và 25.000 ca nhiễm, đợt dịch lần này ở Nga dường như đã lên đến đỉnh. Nhưng đối với các nhà khoa học, khi nào 90% dân số được miễn dịch thì mới có thể nói đến miễn dịch cộng đồng. Hiện giờ, chỉ có 22% trong tổng dân số 145 triệu người Nga là được tiêm ít nhất một liều. »

Related posts