Chuyên gia: Thảm kịch Trịnh Châu một phần bắt nguồn từ chỉ thị

Mạn Vũ

Xe chất đống ở cửa đường hầm Kinh-Quảng sau khi nước rút (ảnh chụp video).

“Để không phải trả tiền, chính phủ đã áp dụng phương pháp xả lũ mà không cần cảnh báo. Nếu có người chết hay nhà cửa bị tàn phá thì đổ lỗi cho… ông Trời”, học giả Đường Tĩnh Viễn nhận định.

Bài viết trước đã đề cập đến thảm hoạ ở tuyến tàu điện ngầm số 5 Trịnh Châu, còn sự cố ở hầm đường bộ Kinh Quảng thậm chí nghiêm trọng hơn. 

Nghiêm trọng hơn ở chỗ nào? 

Hầm đường bộ Kinh Quảng gồm hai đoạn là: Kinh Quảng phía bắc và Kinh Quảng phía nam, thiết kế 6 làn xe, tổng chiều dài là 4,2km (dài gần gấp 3 lần hầm vượt sông Sài Gòn). 

Khoảng 5h chiều ngày 20/7 đột nhiên một cơn lũ với lưu lượng và vận tốc cực nhanh đã nhấn chìm toàn bộ 2 đoạn hầm này. Khi ấy đang kẹt xe. Trong vòng… 5 phút, nước đã ngập hết hầm. 

Ảnh ghép trước và sau khi hầm Kinh Quảng bị ngập.

Số người mắc kẹt sơ bộ trong hầm là bao nhiêu? Đường hầm dài khoảng 4,2km, 6 làn xe, mỗi xe cách nhau 5m. 

Nếu 1 người trong 1 xe, thì số người trong hầm = Số xe 1 làn * 6 làn * 1 người trên xe =  (4200/5)x6x1 = 5040 người. Nếu 2 người trong 1 xe sẽ là hơn 10.000 người trong hầm! 

Vậy thì trong 5 phút làm sao có thể ngập hết hầm dài 4,2km? Và ai phải chịu trách nhiệm cho sự việc này?

Một số mốc thời gian

+ Lúc 9h ngày 20/7, một phóng viên của Đài phát thanh và Tin tức Trịnh Châu đã thực hiện phóng sự hiện trường, nói rằng cơ quan quản lý đã đóng hầm vì tích nước. 

+ Nhưng một nhân chứng sống sót khi được phỏng vấn đã nói rằng, khoảng 2h chiều ngày 20/7, hầm đường bộ Kinh Quảng… vẫn mở cửa cho xe chạy.

Nếu hai điều trên là sự thật thì chỉ có một lời giải thích cho sự việc này chính là: ban đầu đường hầm đóng, nhưng một lúc sau đó được cho hoạt động trở lại. 

+ Tiếp theo, một người sống sót khác khi được phỏng vấn đã nói rằng, vào lúc 3h45 anh bị kẹt xe ở cửa hầm phía bắc, nhưng lúc đó hầm không có nước. Điều này chứng minh vào lúc 3h45 ngày 20/7, tình trạng đọng nước trong hầm vẫn được kiểm soát. 

Do tích nước trong hầm vào buổi sáng nên cơ quan quản lý đã thực hiện biện pháp đóng cửa, sau này do nước rút nên họ đã cho mở cửa trở lại. Kết luận này khớp với hai điều trên. 

+ Đến 5h đột nhiên nước bất ngờ dâng cao. Theo tài khoản Weibo Trung Quốc là Mãnh Mã Tân, anh ấy đã phỏng vấn một phụ nữ còn sống. Cô ấy kể lại rằng “chưa đến 5 phút đã ngập hết hầm”.

Người phụ nữ mà Mã Mãnh Tân phỏng vấn đã nói rằng: chưa đến 5 phút đã ngập hết hầm. Ảnh chụp màn hình Twitter.

Thông thường khi thiết kế hầm, các kỹ sư cũng đã tính trường hợp ngập nước, hầm phải ‘giữ’ được trong một khoảng thời gian đủ để phương tiện ra khỏi hầm. Còn đằng này hầm bị ngập trong 5 phút là điều vô cùng bất thường. 

Nhiều người sống sót đều nói một điểm giống nhau, đó là vào lúc 5h chiều ngày 20/7, có một dòng nước vô cùng lớn và nhanh chảy về, trong vài phút nhấn chìm cả người và xe. 

Những thông tin trên cho thấy hầm bị ngập trong 5 phút là điều vô cùng bất thường. 

Chỉ thị ‘5 không’ của Bí thư Thành uỷ Trịnh Châu

Một quan chức của Sở Tài nguyên nước Hà Nam đã nói rằng: Từ ngày 20/7, ở Hà Nam có ít nhất… 47 hồ chứa lớn nhỏ xả lũ. Cho nên thảm hoạ ở tuyến tàu điện ngầm số 5 và hầm đường bộ Kinh Quảng đều do xả lũ gây ra. Điều này có liên quan mật thiết đến xả lũ lượng lớn mà không thông báo trước.

Thảm hoạ ở tuyến tàu điện ngầm số 5 và hầm đường bộ Kinh Quảng này có một điểm chung là: hệ thống giao thông ở Trịnh Châu vẫn hoạt động dù mưa to và xả lũ không báo.

Loại vi phạm cơ bản này đã xuất hiện nhiều lần, phía sau nhất định có những chỉ thị từ cấp trên. 

Từ những thông tin tìm kiếm được và một góc nhìn sâu sắc về tâm lý Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), học giả Đường Tĩnh Viễn trong Viễn kiến khoái bình (Nhìn xa bình nhanh) đăng ngày 24/7 nhận định như sau: 

“Tôi nghĩ nó đến từ Bí thư Thành uỷ Trịnh Châu là Từ Lập Nghị. Theo trang web của chính quyền thành phố Trịnh Châu, ngày 19/7 Từ Lập Nghị đã đi kiểm tra và giám sát công tác kiểm soát lũ lụt ở Bắc Áp Khẩu (Trịnh Châu, Trung Quốc) và một số nơi khác. Ông đặc biệt kiểm tra thực địa về việc xả lũ ở Bắc Áp Khẩu. 

Từ Lập Nghị yêu cầu: Đảng uỷ các cấp, chính phủ và các ngành liên quan phải ưu tiên hàng đầu trong việc phòng chống lũ lụt, phải đảm bảo rằng: 

  1. Không xuất hiện vấn đề ở bất cứ dự án thuỷ lợi lớn nào.
  2. Không có thương vong do thiên tai lũ lụt trên lưu vực sông nhỏ v.v. 
  3. Giao thông quan trọng không bị gián đoạn. 
  4. Không có nước vào nhà của cư dân đô thị.
  5. Không có tình trạng đọng nước lâu ngày ở một số khu vực trên địa bàn thành phố v.v.

Đây là mục tiêu ‘5 không’ của Từ Lập Nghị. Khi đối phó với những trận mưa lớn, Trịnh Châu đã thực hiện chỉ thị ‘5 không’ này. 

Ví như điều đầu tiên ‘Đảm bảo không xuất hiện vấn đề ở bất cứ dự án thuỷ lợi lớn nào’, điều này tương đương với việc hàng chục hồ chứa lấy đó làm ‘thượng phương bảo kiếm’ để xả lũ khi nước vượt mức cảnh báo. 

Đương nhiên khi hồ chứa có nguy cơ bị vỡ thì cần phải xả lũ. Nhưng vấn đề ở đây là: không có bất cứ thông báo nào cho người dân Trịnh Châu trước khi xả lũ. Điều này là nguyên nhân dẫn đến thương vong do mưa lũ bất ngờ”.

Xả lũ không báo: Một logic kỳ quái

Rất nhiều người bình thường thắc mắc: Tại sao không có cảnh báo khi xả lũ? Chẳng lẽ ĐCSTQ muốn người dân ‘sống chết mặc bay’? Là người am hiểu về ĐCSTQ, Đường tiên sinh nhận định như sau: 

“Logic của ĐCSTQ là như thế này. Nếu chính phủ thông báo xả lũ, người dân nếu vì thế mà tổn thất tài sản, họ có thể yêu cầu chính phủ bồi thường. Để không phải trả tiền, chính phủ đã áp dụng phương pháp xả lũ mà không cần cảnh báo. 

Nếu có người chết hay nhà cửa bị tàn phá thì đổ lỗi cho… ông Trời. Người dân vì thế mà không có lý do đòi bồi thường. Chính phủ sẽ một lần nữa đóng giả người tốt, trao cho bạn chút mỳ gói, nước khoáng, bảo truyền thông chụp ảnh đưa tin rầm rộ v.v. Như thế bạn sẽ cảm động ân đức của ĐCSTQ, thậm chí coi nó như cha mẹ cho mình cuộc sống lần nữa. 

ĐCSTQ chính là một tổ chức như thế, ngay cả trong nội nộ cũng đấu tranh một mất một còn, vậy thì dân đen thấp cổ bé họng có giá trị gì trong mắt họ đây?”. 

Nguyên nhân thảm hoạ đều nằm ở ĐCSTQ 

“Còn điều thứ ba trong chỉ thị ‘5 không’ của Từ Lập Nghị là ‘Giao thông quan trọng không bị gián đoạn’, thì các quan chức bên dưới vẫn máy móc làm theo. Tuyến tàu điện ngầm và đường hầm Kinh Quảng là giao thông huyết mạch ở Trịnh Châu. Máy móc làm theo cấp trên, người quản lý đã đảm bảo chúng không bị gián đoạn. 

Nhưng ứng phó với thiên tai, nghị định phải linh hoạt bởi vì khi tai hoạ ập đến, không ai biết nó sẽ như thế nào. Nhưng hệ thống của ĐCSTQ có một đặc điểm, đó là niềm tin ‘nhân định thắng Thiên’. Dù thế nào cũng phải cố làm. 

Không ai ở bộ phận cấp dưới dám linh hoạt đưa ra quyết định theo điều kiện của địa phương, chỉ có chấp hành vô điều kiện, không dám đắc tội với lãnh đạo. Mỗi cấp đều nghĩ như thế. 

Kết quả mọi người đã thấy rồi, người lái tàu điện biết rằng lũ đang tràn ngập nhưng vẫn tiến về phía trước. Khi cơn mưa lớn ‘ngàn năm có một’, hơn 4km hầm đường bộ không có bất cứ kiểm soát giao thông hay biển cảnh báo. 

Việc xả lũ ở các hồ chứa cũng vậy, ai cũng nghĩ ‘chỉ cần hồ chứa tôi quản lý không xuất hiện vấn đề, tôi cứ theo chỉ thị của cấp trên mà làm’. Ai cũng nghĩ vậy đã kết thành đỉnh lũ quá lớn quét sạch Trịnh Châu. 

Những tai nạn tương tự không ngừng xuất hiện ở Trung Quốc Đại lục chính là do nguyên nhân này”. 

Related posts