Nguyễn Thơ Sinh
Nói đến tin tức, người ta thường nghĩ đến ba mức độ đáng tin cậy một mẩu tin được loan đi: (a) Tin chính thức, (b) tin bán chính thức, và (c) tin không chính thức. Lần này chúng ta không luận đến các mẩu tin chính thức về Covid-19 tại Việt Nam nữa. Một phần vì thông tin chính thức được báo đài khắp nơi loan đi nhan nhản. Nhiều bản tin được coi là chính thức nhưng khi đọc không thấy gần gũi với đời sống bình thường. Vâng. Phiên bản D (delta variant) của vi-rút Covid19 không còn là chuyện đùa nữa. Nó khiến cả thế giới hoảng loạn. Tại Việt Nam, với nhiều người Việt sống tại nước ngoài từng coi là nơi chôn nhau cắt rốn (bà con bên nhà) đang phải đối diện với những khó khăn nghiêm trọng.
Trò chuyện với anh B. sống ở Bình Giả, Bà Rịa-Vũng Tàu, tâm trạng của anh là sự bất mãn trước các hình thức quản lý tại địa phương, trong đó chuyện tập trung cách ly người nhiễm Covid-19 dương tính đang trở thành nỗi bức xúc không nhỏ. Có đâu không ra, khi hầu hết các cá nhân được liệt vào danh sách F0, F1, F2, F3 (chủ yếu dựa vào mối quan hệ trực tiếp hay gián tiếp giữa người vừa lây nhiễm Covid-19 dương tính với người mang mầm bệnh nguyên thủy). Theo anh B., tình trạng này khiến khâu quản lý gặp nhiều rắc rối bởi các trung tâm cách ly mang tính tự phát, đáp ứng vội vã trước tình trạng khẩn cấp. Tại đây trang thiết bị y tế thiếu thốn, đội ngũ cán sự chuyên môn không có, chỉ là khu tập trung, vô tình càng tạo điều kiện để quá trình lây nhiễm bộc phát, người bệnh nặng sống chung với người bệnh nhẹ, không ít sẽ thác oan vì bị đưa vào những trại cách ly này.
Tâm sự với anh H., người đang sống tại Fort Worth, Texas cho biết trong nhà có người thân vừa bị tai nạn giao thông tại Việt Nam. Tài xế là người nhà, gài số de vội vã nên ủi vào nạn nhân. Thế là phải nhập viện. Tình trạng khẩn cấp, phải thở ốc-xy, nằm liệt một chỗ nhưng người nhà không được vào thăm. Tình hình rối ren và nỗi lo lắng cứ thế dâng lên. Hiển nhiên trường hợp người thân của anh H. vừa kể không hiếm. Gần như đây là khó khăn chung mọi người phải chấp nhận.
Còn chị N. thổ lộ nỗi băn khoăn của mình về tình hình nhũng nhiễu cũng như nạn “nhất thân, nhì thế” xảy ra tại các bệnh viện trên cả nước. Theo chị, vaccine tại Việt Nam có nhiều thương hiệu. Loại tốt thì chỉ “con ông cháu cha” mới được ưu tiên. Còn máy thở (vốn hạn hẹp ít ỏi tại Việt Nam) cũng rơi vào cảnh “một là có quyền, hai là có tiền, ba là chỗ quen biết” mới được sử dụng. Còn dân bình thường lâm cảnh “sống chết mặc bay”, “trời kêu ai nấy dạ”. Tất nhiên nạn đối xử phân biệt kiểu này xảy ra khắp nơi trên thế giới, không chỉ Việt Nam mới có. Điều này khiến người ta suy nghĩ mãi: Bao giờ nhân loại mới trị dứt căn bệnh “đối xử phân biệt” này.
Còn thím N. cho biết thím tỏ ra “bức xúc” vì ngân hàng bên nhà không cho nhận tiền đô (vốn thím xưa nay vẫn nhận được từ nước ngoài gởi về). Theo thím đây là tình trạng “thừa nước đục thả câu” của ngân hàng. Thím lo lắng đồng tiền Việt thường xuyên mất giá, cầm tiền đô trong tay vẫn an toàn hơn. Vẫn biết đây là phản ứng phụ của biến thể Delta khi nó đổ bộ lên Việt Nam, thím vẫn “bức xúc” khi các ngân hàng “thừa nước đục thả câu”, lợi dụng tình thế một cách trắng trợn, bắt chẹt dân chúng vì họ không có nhiều lựa chọn còn họ có đầy quyền sinh sát trong tay!
Còn nạn hàng hóa khan hiếm là mối ưu tư của anh T. cư ngụ tại Bình Dương. Theo anh, tình trạng khan hiếm giả tạo là nỗi lo của nhiều người đang sống tại các thành phố lớn. Không ít tỏ ra lo lắng nếu tình hình Covid-19 (phiên bản D) tiếp tục kéo dài, có tiền cũng chẳng mua được nhu yếu phẩm hoặc lương thực. Giá rau củ quả sẽ tăng vọt. Thịt cá gần như biến thành khan hiếm. Trong khi đó nhà vườn làm ra sản phẩm không vận chuyển lên thành phố được vì tình hình Covid-19 lây lan quá nguy hiểm. Chợ không họp, ngành giao thông bế tắc, hạn chế di chuyển tối đa, theo anh T. làm thế có khác nào ngăn sông cấm chợ, càng khiến cho tình hình thêm phức tạp, rối ren hơn.
Anh H., một cư dân mạng cho biết nhiều video clip quay cảnh dân bị phạt tiền do vi phạm các chỉ thị giãn cách xã hội. Nhiều hoàn cảnh hết sức thương tâm. Vô ý mở cửa tiếp xúc người lạ, cảnh sát khu vực (cùng với các lực lượng đơn vị) phát hiện được lập tức biên bản nộp phạt được ghi xuống. Thế là người ta chỉ còn biết khóc lóc, lạy lục van xin. Nhà em nghèo. Buôn bán không được. Tiền đã cạn. Nay bắt em nộp phạt những hai triệu đào đâu ra. Cơ khổ. Nếu không làm găng thì không quản lý chặt được. Mà xử lý nghiêm sẽ đẩy nhiều người vào cảnh khó khăn, khốn đốn hơn. Không ít cho rằng đây là kẽ hở để tình trạng lạm quyền xảy ra. Tóm lại một câu, sinh hoạt xã hội tại Việt Nam hiện nay rất nhạy cảm, nhiều câu chuyện vỡ lở, dở khóc dở cười khi hai bên: lực lượng thi hành công vụ và người dân đều có lý lẽ của mình.
Chị Nh. cho biết nhiều người thuê mướn mặt bằng buôn bán lâm cảnh “dở khóc, dở cười”. Một tháng trôi qua vù vù, bốn tuần ngó qua ngó lại đã thấy đến. Trong khi đó đại dịch Covid-19 cứ nhây mặt ra như “ả đĩ chơi trăng”, đủng đỉnh một cách trơ trẽn. Vẫn biết là đắng cay, song đây là tình hình chung, đâu ai trách ai được. Người dân an ủi nhau: Nước nổi thì bèo nổi, thiên hạ ai cũng thế chứ đâu riêng gì mình.
Còn anh D. cho biết cả nhà anh đóng cửa không đi đâu cả. Anh chủ trương thà ăn cá khô, ăn mì gói, có gì tận dụng nấy. Chợ búa giảm hẳn xuống. Gần như gia đình anh áp dụng triệt để khẩu hiệu “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Đến khổ. Nhà toàn người ốm, vợ anh đột quỵ tê liệt nửa người, mẹ anh ngoài tám mươi. Đứa con lớn bị yếu phổi. Anh bị tiểu đường nặng. Bố anh cũng cà ạch cà đụi, vừa thận yếu, vừa xơ gan. Với một gia đình mang cả ổ bệnh như thế, chỉ cần một thành viên nhiễm Covid-19 phiên bản delta cả nhà sẽ nguy to ngay.
Chị H., một thị dân của Santa Anna, California cho biết mấy đứa em trai của chị ở Hố Nai, Biên Hòa, Đồng Nai ngày nào cũng đi mổ lợn (do các trại chăn nuôi gọi đến bắt, 100% miễn phí). Hóa ra lợn nuôi công nghiệp, đến ngày mổ thịt nhưng các lò mổ không mặn mà với đàn lợn. Mà lợn độ tuổi này nuôi rất tốn cám. Càng nuôi càng lỗ. Bỏ đói thì chúng kêu réo, đâu thể đành lòng được. Thế là: Thôi các chú chịu khó đến bắt, mổ thịt, quyên tặng hay từ thiện giúp được ai thì giúp, phen này chúng tôi không biết phải xoay sở ra sao nữa.
Khổ thân chưa. Đang yên, đang lành. Chẳng biết lẩn thẩn thế nào (mà) Covid-19 phiên bản delta xâm lăng Việt Nam thành công. Rồi nó hoành hành, biến thành một kẻ thù khiến Việt Nam bấn lên, cố tìm cách tháo gỡ nhưng rõ ràng đang trong thế bị động.
Giữa lúc đó tinh thần lá lành đùm lá rách bộc lộ rõ tại các tỉnh thành. Bà con mình nhận thức rõ câu “bầu ơi thương lấy bí cùng” của cha ông. Một phần do cuộc sống đổi thay, Việt Nam không còn đói khổ như thời bao cấp bị Mỹ cấm vận kinh tế. Việt Nam hôm nay chẳng thiếu thứ gì. Đời sống thong thả nên người ta sống thoáng hơn. Theo anh Ph., một giáo viên tại Bình Dương, nhiều công ty kinh doanh và tầng lớp có điều kiện sẽ đứng ra tiến hành những chương trình hỗ trợ giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn theo mô hình tự phát (thay vì đợi các chính sách chung khởi xướng trước).
Còn chị L. cho biết nhà chị đã ngưng bán phở cách đây hai tháng. Tình hình chung rất căng. Bà con lối xóm ai cũng có cùng cảnh ngộ. Thôi thì ráng gồng, từ từ đại dịch sẽ qua đi. Chị tâm sự: Cũng may, nhờ nhà mình bán phở nên bánh phở, hành tiêu, dầu ăn, gia vị… không thiếu. Nếu kẹt quá thì ăn vào đó, chờ đến lúc tình hình sáng sủa hơn sẽ tính tiếp. Theo chị, có lạc quan mới sống thoáng được, sau cơn mưa trời lại sáng, chứ u ám ảm đạm hoài đâu phải là cách.
Còn anh X. cho biết điều anh ưu tư nhất là mẹ anh (đã già) sống cách nhà anh mười phút lái xe máy. Bác xưa nay vẫn khỏe, tự nấu ăn và giặt giũ vì bác thích sống một mình, khỏi phiền con, phiền cháu. Nhưng gần đây càng ngày bác càng yếu, mẹ già như chuối ba hương, nay thế này, mai thế kia, phận làm con anh đâu thể an tâm. Khi chưa có Chỉ Thị 16, mỗi lần muốn thăm mẹ đâu có khó khăn. Nay tình hình đã khác. Các địa phương triệt để thi hành chính sách giãn cách xã hội. Theo anh lực lượng thi hành chỉ thị nên có những uyển chuyển linh động, đặc biệt họ phải tin dân, thông cảm cho dân. Theo anh ý thức của dân đâu phải ai cũng ẩu, cũng bất cẩn, những hoàn cảnh đặc biệt cần được lưu tâm cứu xét.
Chị Q. một thị dân Sài Gòn đặc biệt quan ngại về tình hình “mật độ dân số” của cả nước. Ngoại trừ những tỉnh vùng xâu, vùng xa, tốc độ đô thị hóa chưa vượt ngưỡng “còn kiểm soát được”, còn tại những thành phố lớn mật độ dân cư cao sẽ rất căng. Khi các xí nghiệp tạm thời đóng cửa, người dân bỗng phải sống chen chúc vì ai cũng ở nhà; đây là một mối nguy lớn vì nếu tình trạng lây nhiễm xảy ra, sống chật hẹp, chen chúc, ngõ ngách ken đặc những ngôi nhà bốn-mét-mặt-tiền, chuyện gì cũng có thể xảy ra.
Còn anh S. cho biết đã nghỉ lái xe hơn tháng nay. Đứa con gái duy nhất, năm tuổi, trước đây được mẹ vợ trông hộ vì anh sợ nghề tài xế va chạm tiếp xúc mọi hạng người sẽ đem bệnh về nhà. Từ khi các chỉ thị giãn cách xã hội được tiến hành, bế quan tỏa cảng, mọi di chuyển đi lại hạn chế tối đa, nhà nhà giãn cách, phường phường giãn cách, quận quận giãn cách, tỉnh tỉnh giãn cách; cả nước giãn cách xã hội triệt để với hy vọng ngăn chặn thái độ bá đạo hung hăng của phiên bản delta lần này. Thế là vợ chồng anh buộc phải ở nhà. Anh bảo vợ đem con gái về. Cả nhà đoàn tụ. Một tin vui, song anh phải đánh đổi với nỗi lo ăn thâm vào tiền để dành.
Bạn anh S., anh M. cho biết bãi đậu xe của các ngân hàng chật cứng do người dân kham không nổi khoản trả góp hàng tháng tự động trả xe (để khỏi bị lỗ thêm). Thế là khoản tiền thế chấp bỏ ra mua xe 25% hay 30% (down payment) trước đó, cùng với nhiều kỳ trả góp lập tức biến thành mây khói. Thôi. Chả thà cứ như vậy. Chứ tình hình này, giữ xe lại có khác nào lấy dao nạo vào xương cốt chứ!
Cứ thế. Nhiều lắm những câu chuyện tương tự…
Vâng. Những câu chuyện không chính thức về hệ lụy của Covid-19 đang hoành hành tại Việt Nam kể mãi không hết. Theo lời chị Th. tình hình Quận 12 tại Sài Gòn gần nhà chị không quá căng thẳng, nhưng đó chỉ là nhận xét cá nhân (sau khi phân tích đúc kết từ nhiều nguồn tin khác nhau). Còn anh Ph. thì cả nước trong tình trạng đóng băng. Kinh tế gần như hoạt động ở mức hạn chế thấp nhất. Nhiều người may mắn vẫn giữ được việc, làm tại nhà. Trường học đóng cửa. Chợ không họp. Chuông thánh đường không đổ. Chùa chiền vắng lặng. Nhiều hoạt động chỉ diễn ra online. Nạn nhậu nhẹt giảm hẳn. Một người lạ xuất hiện tại khu dân cư lập tức khiến mọi người nháo nhào hoảng loạn. Cửa im ỉm đóng. Cũng may ai cũng có điện thoại thông minh nên trao đổi thông tin và liên lạc với nhau vẫn giữ được.
Đấy. Khi Con Tạo búng ngón tay út, thiên nhiên kỳ bí với bao điều chưa thể khám phá (chỉ cần) rùng mình một cái, cả thế giới điêu đứng. Việt Nam cũng thế, khả năng đối phó giới hạn, gặp khó khăn là điều hoàn toàn dễ hiểu. Nhớ năm ngoái thế giới nhìn vào Việt Nam như một ví dụ thành công vượt bậc trong việc chế ngự đại dịch Covid-19. Thậm chí nhiều bà con bên nhà từng lắc đầu ngao ngán lo cho những “khúc ruột ngàn dặm” tại Mỹ với số ca lây nhiễm và ca tử vong tăng vọt nhiều tháng liền.
Vâng. Với những câu chuyện không chính thức loan đi từ Việt Nam, bài học cũ vẫn còn nóng hổi tính thời sự: Đừng đùa với đại dịch. Riêng tại Mỹ, nhiều nơi (lại) bắt đầu căng thẳng, tuy thừa vaccine chủng ngừa cho mọi người, nhưng xem ra chẳng ai dám nói trước điều gì sẽ xảy ra trong thời gian sắp tới.
Nguyễn Thơ Sinh