Anh mở cửa cho du khách Mỹ và châu Âu đã tiêm chủng, trừ Pháp
Thụy My
Anh Quốc hôm 28/07/2021 loan báo không còn buộc cách ly đối với các hành khách Mỹ và châu Âu đã được tiêm chủng kể từ ngày 02/08, nhưng riêng với khách Pháp thì vẫn duy trì quy định này.
Từ Luân Đôn, thông tín viên Marie Boëda cho biết thêm chi tiết :
« Đó là một thông báo rất được chờ đợi nhưng lại mang đến thất vọng cho người Pháp. Dù đã được chích ngừa, những người từ Pháp sang vẫn bị buộc phải cách ly 10 ngày khi đặt chân lên đất Anh.
Tuần tới, bộ trưởng Giao Thông có thể đưa ra những biện pháp giảm nhẹ đối với các nước trong danh sách màu xanh và màu cam được phép đi sang, tùy theo tình hình dịch bệnh.
Hiện thời, Pháp là nước châu Âu duy nhất nằm trong danh sách màu cam không được hưởng các quy định giảm nhẹ mới. Lý do được Anh đưa ra là biến chủng Delta gia tăng trên đất Pháp.
Tuyên bố trên đây lại được lãnh vực du lịch Anh hoan nghênh. Đối với bộ trưởng Y Tế, đó là động thái thúc đẩy kinh tế nhưng không gây rủi ro cho sức khỏe cộng đồng.
Mảng xám duy nhất là hôm qua, số ca dương tính lần đầu tiên đã tăng lên kể từ 8 ngày qua, với trên 27.000 trường hợp so với hôm thứ Ba là 23.000 »
Về phía Pháp, quốc vụ khanh phụ trách các vấn đề châu Âu Clément Beaune khi trả lời đài LCI hôm nay chỉ trích là quyết định của Anh « không dựa trên khoa học », mang tính « phân biệt đối xử », vì nhìn trên toàn quốc, biến chủng Delta chỉ chiếm chưa đầy 5% tổng số ca dương tính ở Pháp.
Covid-19: Biến chủng Delta xuất hiện tại ba tỉnh Trung Quốc
Thụy My
Trung Quốc hôm 29/07/2021 thông báo phát hiện được một số vụ nhiễm biến chủng Delta tại ba tỉnh và một ổ dịch liên quan đến một sân bay đang lan rộng, dù đã xét nghiệm và tiêm chủng hàng loạt.
Đợt bùng phát này bắt đầu từ khi có 9 công nhân ở sân bay Nam Kinh xét nghiệm dương tính với virus corona ngày 20/07, sau đó phát hiện đến 171 ca tại tỉnh Giang Tô và lây lan sang ít nhất 4 tỉnh khác. Đây là đợt lây nhiễm rộng nhất về mặt địa lý sau nhiều tháng, thách thức nỗ lực dập dịch của Trung Quốc: vừa xét nghiệm hàng loạt, vừa phong tỏa và truy vết.
Bắc Kinh luôn khoe khoang thành tích chống lại virus xuất hiện lần đầu tiên ở Vũ Hán, dập tắt được dịch Covid-19 tại phần lớn Hoa lục, giúp nền kinh tế hồi phục. Đợt dịch mới cộng với các trường hợp lọt qua từ biên giới Miến Điện đang đe dọa thành công này.
Chính quyền Giang Tô hôm nay phong tỏa hàng trăm ngàn dân; các quán cà phê internet, phòng tập thể dục, rạp xi-nê và quán karaoke, thậm chí các nhà sách ở thành phố Nam Kinh đều phải đóng cửa. Thành phố đã cho xét nghiệm toàn bộ 9,2 triệu cư dân đến 2 lần, cố gắng chận dịch vì biến chủng Delta lây lan rất nhanh.
Tỉnh Tứ Xuyên hôm nay cũng phát hiện 3 ca mới, trong khi Bắc Kinh có trường hợp lây nhiễm cộng đồng đầu tiên kể từ 6 tháng qua. Người này sống tại ngoại ô thủ đô, xét nghiệm dương tính sau khi tham dự một liên hoan sân khấu tại một điểm du lịch ở miền trung. Ngoài ra, khách sạn hạng sang Legendale ở trung tâm Bắc Kinh đã bị phong tỏa sau khi một khách bị phát hiện dương tính.
Hầu hết các bệnh nhân bị lây nhiễm trong đợt dịch mới này đều đã được tiêm chủng, gây lo ngại là vac-xin Trung Quốc không hiệu quả trước các biến chủng mới. Trung Quốc đang chạy đua để đến cuối năm chích ngừa cho ít nhất 65% trong số gần 1,5 tỉ dân. Ủy ban Y tế Quốc gia thông báo cho đến hôm qua đã tiêm 1,5 tỉ liều vac-xin, nhưng không cho biết cụ thể số người đã được tiêm chủng đầy đủ 2 liều.
Mỹ – Ấn quan ngại trước đà tiến của Taliban ở Afghanistan
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (P) tiếp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại New Delhi, ngày 28/07/2021. © PIB / AFP
Thụy My
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, trong cuộc hội đàm với thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm nay 29/07/2021 tại New Delhi, loan báo sẽ viện trợ 25 triệu đô la cho chương trình tiêm chủng của chính phủ Ấn. Tuy nhiên, một trong những chủ đề nóng bỏng là tình hình Afghanistan : chiến thắng quân sự của Taliban gây lo ngại cho Ấn Độ.
Thông tín viên Sébastien Farcis tại New Delhi giải thích :
Từ khi quân Mỹ triệt thoái khỏi Afghanistan, Ấn Độ trở nên dễ tổn thương hơn : các binh sĩ Pakistan cùng với quân Taliban có thể nhắm vào các lợi ích của Ấn Độ, như đã từng xảy ra trong vụ tấn công vào đại sứ quán Ấn Độ tại Kabul năm 2008.
Ngoại trưởng Subramanian Jaishankar kêu gọi phe Taliban ngưng liên minh với Pakistan và tái lập đàm phán. Ông tuyên bố : « Độc lập và chủ quyền chỉ có thể đạt được khi tránh khỏi mọi ý đồ xấu. Và áp đặt ý định cho một bên không phải là phương cách dân chủ, không thể giúp ổn định tình hình ».
Về phía ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, ông cho biết rất quan ngại trước những hành động tàn bạo của phe Taliban trong những ngày gần đây. Ông nói : « Taliban nói rằng muốn được quốc tế nhìn nhận, chấm dứt trừng phạt và các lãnh đạo của họ có thể tự do ra nước ngoài. Nhưng không thể nào đạt được điều này qua việc dùng vũ lực chiếm một đất nước và vi phạm các quyền của người dân. Khi hành động như vậy, Afghanistan có nguy cơ trở thành một Nhà nước bị cô lập ».
Taliban khẳng định không muốn dùng vũ lực để kiểm soát đất nước, nhưng dường như không mấy hứng thú với các thương thảo đang diễn ra ở Qatar ».
Phái đoàn Taliban thăm Trung Quốc
Hôm qua, một phái đoàn của phe Taliban ở Afghanistan đã đến Trung Quốc để thảo luận với các lãnh đạo ngoại giao nước này. Theo hãng tin AFP, một thành viên của phái đoàn Taliban cho biết họ đã bảo đảm với Trung Quốc là “lãnh thổ Afghanistan sẽ không được sử dụng để gây phương hại về an ninh cho bất cứ quốc gia nào”. Bắc Kinh vẫn lo ngại là lực lượng Hồi giáo cực đoan Afghanistan sẽ liên minh với lực lượng ly khai Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Cũng theo thành viên phái đoàn Tailiban, phía Trung Quốc đã hứa “sẽ không can thiệp vào công việc nội bộ của Afghanistan, mà trái lại sẽ giúp giải quyết các vấn đề và giúp mang lại hòa bình”.
Mỹ – Nga tiếp tục đối thoại chiến lược tại Genève
Thanh Phương
Hôm 28/07/2021, các nhà ngoại giao Hoa Kỳ và Nga đã gặp nhau tại Genève để tiếp tục cuộc « đối thoại chiến lược » do tổng thống Joe Biden và tổng thống Vladimir Putin khởi động nhằm ổn định quan hệ song phương, vốn đã xấu đi rất nhiều trong thời gian gần đây.
Theo hãng tin AFP, cuộc họp giữa phái đoàn Mỹ, đứng đầu là thứ trưởng Ngoại Giao Wendy Sherman và phái đoàn Nga, đứng đầu là thứ trưởng Ngoại Giao Serguei Riabkov, là một cuộc họp kín. Trong một thông cáo, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ Ned Price cho biết cuộc thảo luận tại Genève giữa 2 phái đoàn đã diễn ra rất « chuyên nghiệp và có thực chất ». Về phần mình, bộ Ngoại Giao Nga đánh giá trong cuộc họp Nga – Mỹ đã bàn thảo « rất nhiều chi tiết » về cách thức mà hai bên sẽ làm để duy trì ổn định chiến lược, kiểm soát vũ khí và giảm thiểu các nguy cơ.
Cuộc họp tại Génève diễn ra bối cảnh hai nước đang căng thẳng về nhiều mặt. Hoa Kỳ đã dọa thi hành các biện pháp trừng phạt nếu Matxcơva không chặn đứng các vụ tấn công tin tặc mà theo chính phủ Mỹ phần lớn là xuất phát từ Nga. Cho tới nay, Moscow vẫn chối bỏ mọi trách nhiệm trong các vụ tấn công tin tặc đó.
Hôm thứ Ba vừa qua, tổng thống Mỹ Biden thẳng thừng tố cáo Nga đang một lần nữa tìm cách gây tác động lên các cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ, giống như họ đã làm với cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016.
Trong cuộc họp thượng đỉnh cũng tại Genève hôm 16/06, lãnh đạo của hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải đối thoại với nhau, nhắc lại rằng ngay cả trong những lúc căng thẳng nhất của thời chiến tranh lạnh, Moscow và Washington vẫn thảo luận với nhau để ngăn ngừa những xung đột nghiêm trọng.
CDC Hoa Kỳ sẽ sửa đổi hướng dẫn đeo khẩu trang khi biến thể delta lan rộng
Theo dữ liệu của CDC, hiện nay chỉ có 49,1% dân số Hoa Kỳ được tiêm chủng đầy đủ chống lại COVID-19 và chỉ 56,8% đã được tiêm ít nhất một liều. Trong khi đó, khoảng 46% các quận của Hoa Kỳ có mức lây truyền “cao” COVID-19 và 17% có mức lây truyền “đáng kể”.
Vào thứ Ba (27 tháng 7), Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ) công bố dự kiến cập nhật mới hướng dẫn về việc đeo khẩu trang phòng chống COVID-19 ở môi trường công cộng trong nhà, vì biến thể delta có khả năng lây truyền cao đã nhanh chóng làm lây lan khắp cả nước, theo các bản tin gần đây.
Cơ quan này dự kiến sẽ khuyến cáo những người sống ở các khu vực có mức độ lây truyền COVID-19 cao hoặc đáng kể bắt đầu đeo khẩu trang trở lại, ngay cả khi họ đã được tiêm phòng đầy đủ, một nguồn tin nói với CNN. Điều đó có nghĩa là hơn một nửa số quận của Hoa Kỳ nên tiếp tục đeo khẩu trang trở lại; hiện tại, khoảng 46% các quận của Hoa Kỳ có mức truyền COVID-19 “cao” và 17% có mức truyền “đáng kể”, theo dữ liệu của CDC.
Thông báo này được đưa ra khi các trường hợp mắc COVID-19 tiếp tục gia tăng trên toàn quốc, phần lớn là do biến thể delta. Các trường hợp “nhiễm trùng đột phá” (vẫn bị lây nhiễm mặc dù đã tiêm phòng đầy đủ) cũng đang tiếp tục được báo cáo, theo The New York Times. Hơn nữa, các quan chức y tế liên bang nói rằng có khả năng những người được tiêm chủng đầy đủ vẫn có thể truyền COVID-19 cho người khác, nhưng cũng có người nói rằng sự lây truyền xảy ra ở những người chưa được tiêm chủng nhiều hơn.
CDC đã cập nhật hướng dẫn đeo khẩu trang lần mới đây nhất là vào tháng 5, nói rằng những người được tiêm chủng đầy đủ có thể đến hầu hết các khu vực trong nhà và ngoài trời mà không cần đeo khẩu trang; và những người chưa được tiêm phòng có thể ra ngoài trời mà không cần đeo khẩu trang nếu họ không ở những khu vực đông đúc, Live Science đưa tin trước đó.
Biến thể delta hiện là biến thể coronavirus chiếm ưu thế ở nhiều quốc gia và nó được cho là có khả năng lây truyền cao hơn 60% so với biến thể ưu thế trước đó (biến thể alpha). Vẫn chưa rõ chính xác tại sao biến thể delta lại có khả năng lây nhiễm như vậy, nhưng một nghiên cứu (vẫn chưa được đánh giá đồng cấp) cho thấy những người bị nhiễm biến thể delta có thể mang các hạt virus nhiều hơn 1.000 lần và có thể cho kết quả dương tính sớm hơn hai ngày so với những người bị nhiễm virus ban đầu, Live Science đưa tin trước đó.
Một số chính quyền địa phương đã có sáng kiến của riêng họ. Quận Los Angeles, quận đông dân nhất của Hoa Kỳ, đã khôi phục quy định về đeo khẩu trang vào tuần trước, yêu cầu tất cả mọi người – kể cả đã tiêm phòng và chưa tiêm phòng – phải đeo khẩu trang trong nhà, CNN đưa tin.
Taliban thăm chính thức Trung Quốc sau khi được mời đến thăm
Một phái đoàn của Taliban đang có chuyến thăm hai ngày tới Trung Quốc. Tại đây họ đã gặp ngoại trưởng Trung Quốc để đàm phán về tiến trình hòa bình và các vấn đề an ninh.
“Chính trị, kinh tế và các vấn đề liên quan đến an ninh của cả hai nước cũng như tình hình hiện tại của Afghanistan và tiến trình hòa bình đã được thảo luận trong các cuộc họp”, người phát ngôn của Taliban Mohammed Naeem viết trên Twitter.
Naeem nói thêm rằng phái đoàn này, do nhà đàm phán Taliban và phó thủ lĩnh Mullah Baradar Akhund dẫn đầu, cũng gặp đặc phái viên của Trung Quốc về Afghanistan. Chuyến đi này được thực hiện sau lời mời từ chính quyền Trung Quốc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nhà ngoại giao cấp cao của Trung Quốc Vương Nghị đã gặp đại diện của Taliban tại thành phố Thiên Tân, miền Bắc Trung Quốc.
Chuyến thăm này có khả năng củng cố thêm sự công nhận của tổ chức này trên chính trường quốc tế vào thời điểm nhạy cảm, và ngay cả khi bạo lực đang gia tăng ở Afghanistan. Taliban có một văn phòng đại diện chính trị ở Qatar. Các cuộc đàm phán hòa bình được thực hiện tại đây. Trong tháng này tổ chức này đã cử đại diện đến Iran, nơi họ có cuộc gặp với một phái đoàn chính phủ Afghanistan.
Vấn đề an ninh ở Afghanistan, nơi có chung đường biên giới với Trung Quốc, đang xấu đi nhanh chóng khi Hoa Kỳ rút quân vào tháng 9. Taliban đã phát động một loạt các cuộc tấn công, chiếm các vùng đất và cửa khẩu biên giới trên khắp Afghanistan trong khi các cuộc đàm phán hòa bình ở thủ đô của Qatar không đạt được tiến triển đáng kể.
“Phái đoàn đảm bảo với Trung Quốc rằng họ sẽ không cho phép bất kỳ ai sử dụng đất của Afghanistan để chống lại Trung Quốc”, ông Naeem cho biết. “Trung Quốc cũng nhắc lại cam kết tiếp tục hỗ trợ người dân Afghanistan và cho biết họ sẽ không can thiệp vào các vấn đề của Afghanistan nhưng sẽ giúp giải quyết các vấn đề và khôi phục hòa bình ở đất nước [Afghanistan]”.
Trước đó, vào ngày 9/7, ông Hồ Tích Tiến (Hu Xijin), Tổng biên tập của Tờ Thời báo Hoàn Cầu – Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đã phụ hoạ theo chính quyền Bắc Kinh khi “khoe khoang” rằng Taliban và Trung Quốc là bạn. Phát ngôn của ông Hồ đã bị cư dân mạng Đại Lục chỉ trích gay gắt trên Weibo.
Đầu tháng này, phát ngôn viên của Taliban cũng đã từng tuyên bố với tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng rằng: “Chúng tôi đã đến Trung Quốc nhiều lần và chúng tôi có quan hệ tốt với họ. Trung Quốc là một quốc gia thân thiện và chúng tôi hoan nghênh việc tái thiết và phát triển Afghanistan. Tất nhiên, nếu (Trung Quốc) có các khoản đầu tư, chúng tôi sẽ đảm bảo an toàn cho họ”
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng cũng dẫn lời của Andrew Small, một thành viên cao cấp của Chương trình Châu Á, tài trợ bởi Quỹ Marshall (Đức), cho biết mối quan hệ của Trung Quốc với Taliban là “lâu đời”, từ thời khủng bố Taliban còn nắm quyền ở kiểm soát Afghanistan. Ông Small nói “Lần đầu tiên tôi viết về [mối quan hệ giữa Trung Quốc và tổ chức khủng bố Taliban] đã là nhiều năm trước khi tôi biết về các cuộc họp bí mật diễn ra ở Pakistan, [các cuộc họp giữa Trung Quốc và Taliban diễn ra] ngay cả khi Mỹ đã đưa quân vào Afghanistan và trước khi các cuộc tiếp xúc của Taliban với các quốc gia khác được bình thường hóa”.
Taliban được Mỹ liệt vào tổ chức khủng bố. Tổ chức này chiếm giữ Afghanistan từ năm 1996 đến năm 2001 và bị lật đổ sau khi bị Mỹ tấn công và quy trách nhiệm cho việc cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 khiến hàng nghìn thường dân nước này thiệt mạng.
Lũ lụt Hà Nam: Thiếu Lâm Tự trở thành phiên bản đời thực của ‘nước ngập Kim Sơn tự’
Tỉnh Hà Nam thuộc miền trung Trung Quốc đã hứng chịu trận mưa lớn vào ngày 20/7. Hơn một chục thành phố bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. Thiếu Lâm Tự nổi tiếng cũng bị nhấn chìm, xe ô tô ở khu thắng cảnh bị cuốn trôi, trang Vision Times cho hay.
Theo báo cáo của các kênh truyền thông Trung Quốc, ngày 20/7, lượng mưa lớn tiếp tục diễn ra ở nhiều khu vực tại tỉnh Hà Nam. Năm trạm khí tượng cấp quốc gia là Tung Sơn, Củng Nghĩa, Tân Mật, Yển Sư và Đăng Phong đã phá vỡ kỷ lục lượng mưa trong 3 ngày liên tiếp.
Sáng ngày 20/7, khu danh thắng Thiếu Lâm Tự đã ra thông báo khẩn tạm thời đóng cửa chùa. Dòng sông trước cổng chùa Thiếu Lâm cuộn sóng, dâng cao đến tận cổng núi, trong chùa đã bị mất điện.
Gần đây, cư dân mạng đã phát tán một đoạn video tiết lộ rằng chùa Thiếu Lâm ở Tung Sơn, tỉnh Hà Nam đã bị một trận lũ hiếm gặp tấn công. Do lượng mưa lớn, các con sông gần đó bị ngập và đê vỡ ra. Toàn bộ chùa Thiếu Lâm bị ngập sâu từ 1m đến 2m. Sau trận lụt, chùa Thiếu Lâm như một đống đổ nát: Tường sập, cổng bị hư hại, toàn bộ chùa và sân vẫn chìm sâu trong lớp bùn vàng.
Cư dân mạng đã thực hiện một video hé lộ cảnh tượng thê thảm của chùa Thiếu Lâm sau khi bị nước lũ tấn công. Toàn bộ chùa Thiếu Lâm chìm sâu trong lớp bùn vàng. Một số ngôi chùa bị nhấn chìm đến nỗi chỉ còn lại phần mái. Cổng chùa gần như bị lũ nhấn chìm hoàn toàn. Thậm chí có những tòa nhà sập hoàn toàn. Cổng lớn trong sân bị hỏng, mặt đất sụt lún, nghiêng ngả như sắp đổ.
Sau khi chùa Thiếu Lâm bị lũ xói mòn, cảnh tượng khủng khiếp đến khó tin. Mọi người bất giác đặt câu hỏi về số tiền nhang khói hàng trăm triệu nhân dân tệ của Thiếu Lâm Tự mỗi năm đã đi về đâu? Các kênh truyền thông Trung Quốc từng tiết lộ Trụ trì Thích Vĩnh Tín của chùa Thiếu Lâm Tự, đã thương mại hoá ngôi chùa, ngang nhiên kiếm bộn tiền.
Theo thống kê, khoảng năm 2018, lượng khách đến chùa Thiếu Lâm đạt gần 2 triệu lượt. Tính với giá vé 80 tệ (khoảng 280.000 VNĐ) một người, thì trong 1 năm, chỉ riêng chùa Thiếu Lâm đã thu được 150 triệu tệ (khoảng 527 tỷ VNĐ).
Trước những nghi vấn trên, Trụ trì Thích Vĩnh Tín từng giải thích với công chúng phần lớn số tiền quyên góp đều được dùng để sửa chữa và bảo trì những công trình bị phá hủy của ngôi chùa. Nhưng liệu số tiền quyên góp đó có thực sự được sử dụng để sửa chữa ngôi chùa hay không?
Ngay từ vài năm trước, một số cư dân mạng đã rộ lên thông tin rằng Trụ trì Thích Vĩnh Tín có một chuỗi tràng hạt bằng gỗ Trinh Nam nạm vàng trong số đồ đạc cá nhân của mình. Gỗ của cây Trinh Nam vốn rất đắt đỏ.
Vào thời điểm đó, trị giá của chuỗi tràng hạt không dưới hàng chục triệu tệ và được ca ngợi là một trong những chuỗi tràng hạt đắt đỏ nhất thế giới. Năm 2013, Trụ trì Thích Vĩnh Tín cũng bị tiết lộ sở hữu một chiếc xe hơi Audi Q7 hạng sang.
Năm 2015, một bức thư tố cáo Trụ trì Thích Vĩnh Tín của chùa Thiếu Lâm đã xuất hiện trên Internet. Bài đăng đã trích dẫn một lượng lớn bằng chứng tố cáo các vấn đề đời tư của Trụ trì Thích Vĩnh Tín như có vợ, nhiều tình nhân và con gái. Bài đăng cũng cáo buộc rằng Trụ trì Thích Vĩnh Tín có hai thẻ căn cước. Một thẻ sử dụng tên Thích Vĩnh Tín và thẻ còn lại sử dụng tên gốc của ông là “Lưu Ứng Thành”.
Sau khi vụ bê bối trên của Trụ trì Thích Vĩnh Tín bị phanh phui, truyền thông Đại Lục lại một lần nữa tiết lộ nội tình câu chuyện thương mại hóa ngôi chùa để kiếm tiền trục lợi.
Theo báo cáo, Trụ trì Thích Vĩnh Tín nắm giữ 80% cổ phần của công ty tài sản quan trọng nhất của Thiếu Lâm Tự và còn sở hữu cổ phần của 7 công ty con khác.
Ông Triệu Phác Sơ, cựu chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Cộng sản Trung Quốc, được thăng chức chủ trì của chùa Thiếu Lâm vào năm 1999. Ông đã giữ chức vụ trụ trì của ngôi chùa này trong 22 năm.
Theo chỉ lệnh của ông Triệu Phác Sơ, ông Thích Vĩnh Tín thành lập Học viện Thư pháp và Tranh Thiếu Lâm và Công ty Điện ảnh và Truyền hình Thiếu Lâm Tự với danh nghĩa thúc đẩy nghiên cứu văn hóa chùa Thiếu Lâm. Ông đã được ĐCSTQ trao tặng danh hiệu chính thức là “Phó Chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc” kiêm “Chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Hà Nam”. Ông Thích Vĩnh Tín từng là phó đại biểu của Đại hội Đại biểu Nhân dân của ĐCSTQ trong nhiều nhiệm kỳ liên tiếp.