Phạm Hoài Nam phỏng dịch
Kể từ năm 1960, tất cả các Thế Vận Hội trung bình đã chi vượt ngân sách dự tính khoảng 172%, theo nghiên cứu của đại học University of Oxford.
Thế nhưng có lẽ không có một Thế Vận Hội nào chi tiêu vượt quá ngân sách dự tính nhiều như Thế Vận Hội Tokyo năm nay.
Chi phí cho Thế Vận Hội Tokyo đã vượt quá ngân sách dự tính đến 400%.
Số tiền thâm thụt này buộc người dân Nhật phải nai lưng trả nợ trong nhiều năm tới.
Nhà kinh tế học Andrew Zimbalist thuộc trường Smith College, cũng là tác giả của cuốn Circus Maximus: The Economic Gamble Behind Hosting the Olympics and the World Cup, nói với tờ báo The Post mới đây nói rằng ông ước tính Ủy Ban Tổ Chức (Organising Committee) đã chi $35 tỉ cho Thế Vận Hội Mùa Hè lần này, vượt quá ngân sách dự tính lúc đầu là $7.3 tỉ.
Ông Zimbalist dự đoán nước Nhật sẽ lỗ ít nhất $30 tỉ cho Thế Vận Hội năm nay và không có cách gì Ủy Ban này có thể lấy lại số tiền này cho dù có khán giả tham dự.
“Nếu có khán giả tham dự thì họ sẽ thu được từ $4.5 đến $5 tỉ. Vẫn còn một khoảng cách rất lớn,” ông Zimbalist nói.
Vì đại dịch Covid cho nên Thế Vận Hội năm nay bị dời lại 1 năm. Chính điều này khiến cho Ủy Ban Tổ Chức phải điều đình lại việc thuê mướn các địa điểm tổ chức, mất các hợp đồng quảng cáo, phải trì hoản việc bán các căn phòng trong làng thế vận hội… Tổng cộng theo ông Zimbalist, họ mất khoảng $5 tỉ.
Theo ông Victor A. Matheson, giáo sư kinh tế của trường College of the Holy Cross và là tác giả của cuốn Going for the Gold: The Economics of the Olympics, đã nói với tờ The Post rằng trong lúc Ủy Ban Tổ Chức bị lỗ rất nhiều thì Ủy Ban Thế Vận Hội Quốc Tế (Internationl Olympic Committee, viết tắc là IOC) không có mất mát gì cả và đó là lý do bằng mọi cách họ phải thút đẩy chính phủ Nhật tiến hành tổ chức Thế Vận Hội năm nay.
“IOC vẫn giữ độc quyền về bản quyền truyền thông, và vẫn giữ được sự tài trợ quốc tế (international sponsors), chỉ riêng hai nguồn này họ đã kiếm được khoảng $5 tỉ,” ông nói.
“Miễn là Thế Vận Hội vẫn diễn ra thì họ sẽ không bị ảnh hưởng gì cả. Cho nên thật là nghịch lý khi Thế Vận Hội năm nay là một trong những thảm họa chưa từng có thì nguồn lợi tức của IOC vẫn không bị ảnh hưởng gì cả.”
Sự có mặt hay không có mặt của vận động viên nổi tiếng không ảnh hưởng đến nguồn lợi tức của ICO mà chỉ ảnh hưởng đến Ủy Ban Tổ Chức vì nó quyết định số vé bán được. Riêng năm nay thì không có gì khác nhau vì tất cả các môn tranh đều không có khán giả tham dự.
“IOC không quan tâm (doesn’t care) về việc có khán giả hay không, họ cũng không quan tâm về những hậu quả chính trị, họ cũng không quan tâm về sự rủi ro sức khỏe đối với người dân Tokyo. Họ chỉ quan tâm một điều duy nhất là tất cả các môn chơi được chiếu lên TV vì đó là nguồn lợi tức chủ yếu của họ. Họ không chịu bất cứ một trách nhiệm gì sau đó và họ cũng không quan tâm nếu như có một chính trị gia nào mất chức. Người dân đã chán ngán về chuyện tổ chức Thế Vận Hội,” ông Matheson nói.
Cả hai ông Zimbalist và Matheson tin rằng từ kinh nghiệm của Tokyo 2020 khiến cho nhiều nước, nhiều thành phố trong tương lai sẽ rất thận trọng khi muốn tổ chức và hiện tượng này đang trở thành khuynh hướng chung. Nhiều nước đã rút khỏi danh sách dự tranh tổ chức Thế Vận Hội Mùa Đông 2022 và năm thành phố của Âu Châu đã bỏ cuộc tổ chức Thế Vận Hội Mùa Hè 2024. Theo ông Zimbalist, việc nhiều nước, nhiều thành phố mất hứng thú tổ chức là một trong những lý do mà IOC đã tự quyết định chọn nơi tổ chức Thế Vận Hội 2024 và 2028.
“IOC đã giấu kín danh sách những nơi dự tranh (put all of the bidding behind closed doors) để mọi người không biết là những nơi này đã quyết định bỏ cuộc vì IOC không muốn làm cho các lãnh tụ của các thành phố đó bị mất mặt khi các cuộc trưng cần dân ý cho thấy người dân của họ không muốn tổ chức,” ông nói.
Và theo ông Zimbalist, theo đà này danh sách các thành phố dự tranh tổ chức Thế Vận Hội trong tương lai càng lúc sẽ càng thưa thớt hơn.
Phạm Hoài Nam phỏng dịch
Elizabeth Karpen, NY Post