COVID-19 tổng tấn công châu Á: Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia số ca nhiễm tăng kỷ lục
Reuters – Thành phố đăng cai Olympic, Tokyo (Nhật Bản), cũng như Thái Lan và Malaysia đã công bố số ca nhiễm COVID-19 kỷ lục vào thứ Bảy, chủ yếu là do biến thể Delta.
Sự gia tăng các trường hợp biến thể Delta đang làm chao đảo các khu vực châu Á trước đây tương đối thành công trong việc khống chế dịch COVID-19, như Việt Nam.
Các ca cũng tăng cao ở Sydney, cảnh sát ở đây đã phong tỏa khu trung tâm thương mại để ngăn chặn cuộc biểu tình phản đối lệnh cấm cửa nghiêm ngặt sẽ kéo dài đến cuối tháng 8.
Chính quyền thủ đô Tokyo đã công bố con số kỷ lục 4.058 ca nhiễm trong 24 giờ qua. Các nhà tổ chức Olympic báo cáo 21 ca nhiễm mới Covid-19 liên quan đến Olympic, nâng tổng số lên 241 ca kể từ ngày 1/7.
Trước đó một ngày, Nhật Bản gia hạn tình trạng khẩn cấp đối với Tokyo đến cuối tháng 8 và mở rộng ra 3 quận gần thủ đô và đến quận phía tây Osaka.
Malaysia, một trong những điểm nóng của dịch bệnh, đã báo cáo 17.786 trường hợp nhiễm coronavirus vào thứ Bảy, một mức cao kỷ lục. Hơn 100 người tập trung tại trung tâm Kuala Lumpur bày tỏ sự bất bình trước cách xử lý của chính phủ đối với đại dịch và kêu gọi Thủ tướng Muhyiddin Yassin từ chức
Thái Lan cũng báo cáo mức cao kỷ lục hàng ngày với 18.912 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 597.287. Chính phủ cho biết biến thể Delta chiếm hơn 60% các trường hợp trong nước và 80% các trường hợp ở thủ đô Bangkok.
Brazil: Số ca tử vong do COVID trung bình hàng ngày vượt qua mốc 1,000
Aljazeera – Số ca tử vong liên quan đến virus Corona trung bình trong bảy ngày của Brazil đã vượt qua mốc 1.000 người/ngày lần đầu tiên kể từ tháng Giêng, khi đợt đại dịch thứ hai đang hoành hành quốc gia Nam Mỹ này.
Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, quốc gia này đã ghi nhận hơn 19,8 triệu trường hợp mắc COVID-19 và hơn 555.400 trường hợp tử vong kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu.
Trong khi các ca tử vong và dương tính với COVID-19 đã giảm trong những tuần gần đây và tỷ lệ tiêm chủng tăng lên, các chuyên gia y tế đang cảnh báo rằng một sự gia tăng mới có thể xảy ra một phần do sự lây lan của biến thể Delta rất dễ lây lan.
Campuchia nhận một triệu liều vắc-xin Sinovac của Trung Quốc
Xinhuanet – Theo Khmer Times, ngày 31/7, Campuchia đã nhận hỗ trợ một triệu liều vắc-xin Sinovac cùng với 300.000 bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh đến từ Trung Quốc.
Cùng ngày, Bộ Y tế Campuchia cho biết dự kiến trong tháng 8, Campuchia nhận tổng cộng khoảng 26 triệu liều vắc-xin COVID-19 thông qua việc mua bán và nhận hỗ trợ từ các nước.
Với số lượng vắc-xin đó, Campuchia sẽ đạt mục tiêu tiêm chủng cho 13 triệu người, tương đương với 80% dân số
Ngoài ra, 415.000 liều vắc-xin AstraZeneca do Vương quốc Anh viện trợ cũng sẽ đến Campuchia vào ngày 3-4/8.
Cùng ngày, Bộ Y tế Campuchia báo cáo 658 trường hợp mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc lên 77.243. Nước này cũng ghi nhận thêm 22 người chết vì COVID-19, nâng tổng số người thiệt mạng lên 1.397 người kể từ khi dịch bùng phát.
Hoa Kỳ đã phân phối 345.6 triệu liều vắc-xin COVID-19
Reuters – Hoa Kỳ đã cung cấp 345,6 triệu liều vắc-xin chống COVID-19 trong nước và đã phân phối 400,6 triệu liều cho thế giới, tính đến sáng thứ Bảy, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh CDC Hoa Kỳ cho biết trong một kiểm đếm.
Các con số này tăng từ 344,9 triệu liều vắc-xin mà CDC cho biết đã được đưa vào sử dụng vào ngày 30/7, trong số hơn 399 triệu liều được giao.
CDC Hoa Kỳ cho biết, 190,9 triệu người đã được tiêm ít nhất một liều, trong khi 164,4 triệu người đã được tiêm chủng đầy đủ tính đến thứ Bảy.
Kiểm đếm này bao gồm vắc-xin hai liều của Moderna và Pfizer/BioNTech, vắc-xin một liều của Johnson & Johnson’s.
Trung Quốc báo cáo 55 trường hợp COVID-19 mới khi biến thể Delta lây lan từ Nam Kinh
Reuters – Trung Quốc hôm thứ Bảy đã báo cáo 55 ca nhiễm mới COVID-19 ở đại lục trong ngày 30/7, so với 64 ca nhiễm một ngày trước đó, do biến thể Delta lây lan khắp đất nước trong kỳ nghỉ hè.
Phần lớn các ca nhiễm địa phương được báo cáo ở tỉnh Giang Tô. Thành phố Nam Kinh, thủ phủ của tỉnh Giang Tô đang phải đối mặt với sự bùng phát của biến thể Delta của Covid-19 trong tháng này, bắt nguồn từ các nhân viên làm vệ sinh cho một máy bay đến từ Nga.
Nam Kinh đã báo cáo 190 ca lây nhiễm địa phương kể từ ngày 20/7, trong khi tổng cộng 262 ca trên toàn quốc, theo số liệu công bố hôm thứ Bảy.
Dịch bùng phát ở Nam Kinh đã lan sang các thành phố khác ở Giang Tô và lan đến thủ đô Bắc Kinh, đến các tỉnh khác bao gồm An Huy, Tứ Xuyên, Liêu Ninh, Quảng Đông và Hồ Nam.
Tô Châu, một thành phố lớn ở Giang Tô, vào hôm thứ Bảy thông báo sẽ đóng cửa tất cả các sòng bài, sau khi một số người ở một thành phố khác của Giang Tô bị nhiễm virus sau khi đi chơi trong một sòng bài.
Tổ chức Y tế Thế giới WHO vào ngày 30/7 kêu gọi các chính phủ trên toàn cầu ngăn chặn Delta trước khi nó biến thành thứ gì đó nguy hiểm hơn và gây ra đại dịch. WHO cho biết, ở 5 trong 6 khu vực của WHO, số ca nhiễm tăng 80%, hoặc gần gấp đối, trong 4 tuần qua. Ở châu Phi, số người chết đã tăng 80% so với cùng kỳ. Phần lớn sự gia tăng này là do biến thể Delta có khả năng lây lan cao, hiện đã được phát hiện ở ít nhất 132 quốc gia.
Trung Quốc đã sử dụng hơn 1,6 tỷ liều vaccine COVID-19 tính đến ngày 30/7.
Ngoại trưởng Mỹ sẽ họp trực tuyến với các đồng cấp ASEAN
Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm thứ Bảy cho biết, Ngoại trưởng Antony Blinken sẽ có cuộc họp trực tuyến với các quan chức Đông Nam Á vào tuần tới, trong bối cảnh Washington tìm cách thể hiện khu vực này là ưu tiên, đồng thời giải quyết cuộc khủng hoảng ở Myanmar.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ sẽ tham dự các cuộc họp trực tuyến trong 5 ngày liên tiếp, trong đó có các cuộc họp thường niên của 10 bộ trưởng ngoại giao của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và các quốc gia khác; cùng các cuộc họp riêng biệt của các nước nhỏ vùng hạ lưu sông Mekong như Myanmar, Campuchia, Lào, Việt Nam và Thái Lan.
Một quan chức Mỹ giấu tên nói với Reuters: “Tôi nghĩ đó là một minh chứng rõ ràng về cam kết của chúng tôi đối với khu vực”.
Trong những năm gần đây, các quan chức hàng đầu của Hoa Kỳ không phải lúc nào cũng tham dự các cuộc họp ASEAN và đôi khi cử nhiều quan chức cấp dưới đến các hội nghị cấp cao của khu vực.
Các cuộc họp trực tuyến diễn ra sau khi ông Biden trong những ngày đầu nắm quyền được coi là ít chú ý đến khu vực Đông Nam Á.
Quan chức này nói rằng việc tài trợ vắc xin COVID-19 cho khu vực là một “yếu tố thay đổi cuộc chơi về hình ảnh của chúng ta được nhìn nhận”. Hoa Kỳ vừa qua đã viện trợ vaccine cho Việt Nam và nhiều nước Đông Nam Á khác.
Vào giữa tuần tới, Hoa Kỳ sẽ tặng 23 triệu liều vaccine cho các quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên, danh sách các nước Đông Nam Á nhận được vaccine của Hoa Kỳ không có Myanmar. Các tướng lĩnh quân đội Myanmar đã tổ chức một cuộc đảo chính vào ngày 1 tháng 2 và giam giữ các nhà lãnh đạo được dân bầu bao gồm người đoạt giải Nobel Aung San Suu Kyi, làm dấy lên các lệnh trừng phạt từ Washington và các nước phương Tây khác.
Trong cuộc họp vào tuần tới, ông Blinken sẽ tham dự cùng với các đại diện của chính phủ quân sự Myanmar, nhưng vị quan chức Mỹ cho biết thay vì trao quyền hợp pháp cho các lãnh đạo Myanmar, đây là cơ hội để gửi thông điệp tới chính phủ quân sự.