4-8-2021
Chúng ta đang chứng kiến cuộc hồi hương của những người nông dân lớn nhất trong lịch sử Việt Nam. Cuộc hồi hương lý giải vì sao lâu nay ở nhiều vùng nông thôn không còn nông dân, không còn thanh niên trai tráng và ở nhiều ngõ xóm không còn cả bóng trẻ thơ. Cuộc hồi hương không chỉ cho thấy khủng hoảng nhân đạo trên đường Cái mà rồi sẽ còn phát sinh nhiều vấn đề kinh tế xã hội trong những tháng năm tới sau các lũy tre làng.
Những địa phương có người về từ Sài Gòn, Bình Dương… không chỉ phải ngăn chặn dịch lây lan ra cộng đồng từ những F0 rất có thể có trong dòng người trở về, vừa phải đảm trách các sứ mệnh nhân đạo; mà còn, phải tiên liệu, họ sẽ sống ra sao cho đến khi Sài Gòn, Bình Dương… trở lại bình thường và có thể nhiều người trong số họ không còn trở lại Sài Gòn, Bình Dương… nữa.
Không giống các quốc gia ở vào thời kỳ công nghiệp hóa khác (tôi không dùng ví dụ Trung Quốc). Cải cách ruộng đất, hợp tác hóa… đã làm kiệt quệ nông thôn Việt Nam ở cả khả năng sản xuất nông phẩm và cả nền tảng văn hóa, đạo đức con người. Chính sách đất đai nửa vời trong thời kỳ chuyển đổi không chỉ đánh vào nông nghiệp mà còn đặt nông dân trở thành lực lượng dễ bị tước đoạt quyền lợi nhất.
Trong tình thế của Việt Nam đầu thập niên 1990s, đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) là con đường giúp người Việt thoát nghèo nhanh nhất. FDI còn mang vào những mô hình giúp các doanh nghiệp Việt Nam học hỏi và là những đầu mối giúp kết nối với bên ngoài. Nhưng FDI cũng lấy đi nhiều bờ xôi, ruộng mật của nông thôn và bằng cách thu hút lao động giá rẻ, đã kéo theo một làn sóng nông dân li hương.
Trong số các loại đất, đất nông nghiệp được giao cho nông dân là với thời hạn ngắn nhất, dễ bị thu hồi nhất và được định giá rẻ mạt nhất. Bằng một quyết định hành chánh (thay đổi mục đích sử dụng) ruộng lúa từ giá (được nhà nước định) vài chục, vài trăm nghìn có thể được phân lô bán với giá hàng chục triệu đồng. Bằng một quyết định hành chánh, nông dân có thể bị tước đi tư liệu sản xuất và ngay lập tức chứng kiến những người xa lạ trở thành triệu phú trên chính mảnh đất của mình.
Phải tích tụ ruộng đất thì nông dân và các doanh nghiệp trong nông nghiệp mới có thể hiện đại hóa trong trồng trọt và công nghiệp hóa trong bảo quản, chế biến các sản phẩm từ nông nghiệp. Một bộ phận lớn nông dân vẫn được li nông mà không phải li hương. Nhưng, chính sách hạn điền đã đánh mất cơ hội tích tụ ruộng đất trong thập niên 1990s, khi phân lô bán nền chưa làm cho đất nông nghiệp tăng giá tới mức mà nếu mua ruộng để canh tác thì không thể nào có lãi như giá đất bây giờ.
Không có cái gì bán được (Luật gọi là chuyển nhượng) mà không phải là tài sản. Ruộng đất là thứ tài sản của người nông dân ít được Nhà nước bảo hộ nhất. Nếu như “sở hữu toàn dân” vẫn còn là một trong những niềm an ủi chính trị cho “định hướng xã hội chủ nghĩa” thì chúng tôi sẽ không bàn. Nhưng cần thay “quyền thu hồi đất” của Nhà nước bằng “quyền trưng mua” quyền sử dụng đất.
Những thay đổi trong nông nghiệp, nông thôn, vì thế, không thể chỉ chờ đợi từ các nhà lãnh đạo địa phương.
Tôi đọc tất cả những phát biểu của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan, một nhà lãnh đạo từng gây ấn tượng ở địa phương. Đồng ý với ông, “nông nghiệp là một ngành kinh tế, chứ không chỉ là sản xuất đơn thuần”. Nhưng, rất tiếc, giải pháp quan trọng nhất mà ông kêu gọi lại chỉ là sự thay đổi ở người nông dân thay vì từ Nhà nước.
Về phía nông dân, ông Hoan yêu cầu: “Người nông dân cần nhận thức rằng cuộc đời của mình là do chính mình quyết định. Muốn vậy, người nông phải có ý chí mạnh mẽ, suy nghĩ tích cực, thay vì than thân, trách phận hay trông chờ ỷ lại”. Trong khi về phía Nhà nước, ông Hoan chỉ đưa ra các giải pháp: xây dựng “chuỗi giá trị ngành hàng”, “hệ sinh thái ngành hàng”; kêu gọi nhiều nhà đầu tư tham gia vào các “Cụm liên kết công – nông nghiệp”.
Thay vì chỉ sử dụng kinh nghiệm có được từ Đồng Tháp và sự hiểu biết về nông nghiệp và nông thôn miền Tây. Ông Lê Minh Hoan cần trang bị cho mình một tầm nhìn rộng hơn. Nông nghiệp phải được coi là một ngành kinh tế, rất đúng. Nhưng sự thay đổi đó không chỉ bắt đầu từ nông dân. Phải có những thay đổi chính sách cần sự hợp tác liên ngành. Vai trò “nhà nước” mà ông Hoan nêu ra chỉ là tư duy từ vai trò của “doanh nghiệp nhà nước”.
Nông nghiệp không đơn giản chỉ là một mô hình kinh tế mà còn gắn với nông thôn, một mô hình sống. Phải có chính sách để 10 – 15 năm nữa, người dân không phải làm nhà nhao ra mặt đường hay xé lẻ ruộng vườn mà tạo thành các cụm dân cư (thành LÀNG) – mọc lên ở những nơi cao ráo và đất ở đó ít màu mỡ nhất. Phải có chính sách để những nơi đất đang cho giá trị kinh tế nông nghiệp cao không bị các nhà kinh doanh địa ốc bắt tay với chính quyền biến thành các Ecopark, Văn Giang…
LÀNG phải trở thành một không gian sống, không gian văn hóa của người dân ở các vùng nông thôn. LÀNG hình thành từng cụm để tối ưu khi đầu tư hạ tầng y tế, văn hóa, giáo dục và điện, nước…
LÀNG như thế chỉ có thể hình thành trên một nền tảng người dân có quyền quyết định mảnh đất của mình và ruộng đất được tích tụ (bằng mua bán, sang nhượng, hoặc bằng sự tự nguyện hợp tác của các chủ ruộng…) để hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp, công nghiệp hóa sản phẩm nông nghiệp. LÀNG như thế mới trở thành một đảm bảo cho người nông dân, muốn li nông không phải li hương, giảm bớt những thảm họa nhân đạo như chúng ta đang chứng kiến.