Tin thế giới sáng thứ Năm

Covid-19: Một nửa người dân châu Âu hoàn thành tiêm chủng

Thu Hằng

Nhờ giới lãnh đạo duy trì chiến dịch tiêm chủng với tốc độ cao, đến đầu tháng 08/2021, hơn 50% dân số Liên Hiệp Châu Âu đã được tiêm chủng đầy đủ. © AFP

Cả thế giới đã tiêm được hơn 4 tỉ liều vac-xin tính đến cuối tháng 07/2021 nhưng không được phân chia đồng đều giữa các nước. Nếu như chỉ khoảng 1% người dân ở các nước nghèo được tiêm đầy đủ thì Liên Hiệp Châu Âu đã tiêm được cho hơn 50% dân số và tỉ lệ này ở Hoa Kỳ là 60,6%.

Theo dữ liệu chính thức được AFP thống kê đến trưa 03/08, đã có 223,8 triệu người được tiêm chủng hoàn toàn tại Liên Hiệp Châu Âu. Mười ba trên 27 nước thành viên đã vượt ngưỡng 50% người dân được tiêm chủng. Đứng đầu danh sách là Malta (74%), Bỉ (58%) và Tây Ban Nha (58%).

Pháp đã tiêm chủng hoàn toàn cho 53% dân số, nhưng tình hình dịch vẫn tiếp tục chuyển biến xấu và buộc nhiều địa phương nổi tiếng du lịch phải áp dụng những biện pháp hạn chế. Đảo Corse và vùng PACA (Provence-Côte d’Azur, miền nam Pháp) đã phải kích hoạt « Kế hoạch trắng », có nghĩa là giảm số ca phẫu thuật không khẩn cấp để có thêm giường điều trị hồi sức cho bệnh nhân Covid-19. Trong khi đó, tỉnh Finistère (phía tây) bắt buộc đeo khẩu trang ở 22 địa phương duyên hải.

Mỹ tăng hơn 110 triệu liều cho 65 nước trên thế giới
Trái với chiến dịch tiêm chủng tại Liên Hiệp Châu Âu vẫn được duy trì với nhịp độ cao, chương trình tiêm chủng tại Mỹ bị chậm lại. Mục tiêu của chính quyền Biden là « 100 triệu liều trong 100 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ » đã đạt được nhưng chậm gần một tháng.

Nhiều địa phương ở Mỹ vừa áp dụng chính sách khuyến khích (thưởng tiền), vừa gần như bắt buộc, như thành phố New York. Ngày 03/08, thị trưởng Bill de Blasio thông báo sẽ yêu cầu chứng nhận tiêm chủng khi vào bên trong nhà hàng, các phòng tập thể thao và xem kịch. New York sẽ là thành phố đầu tiên ở Mỹ áp dụng chứng nhận tiêm chủng « Key to NYC pass » từ ngày 16/08.

Ngoài hy vọng đạt miễn dịch cộng đồng ở Mỹ, tổng thống Joe Biden muốn « tiêm chủng cho châu Mỹ và giúp tiêm chủng cho thế giới », vì đó là cách duy nhất « để chiến thắng đại dịch ». Phát biểu ngày 03/08, ông Biden hoan nghênh việc Mỹ đã phân phối hơn 110 triệu liều vac-xin ngừa Covid-19 cho 65 nước trên thế giới.

Afghanistan: Taliban nhận trách nhiệm vụ tấn công nhà riêng bộ trưởng Quốc Phòng ở Kabul

Thu Hằng

Nhân viên an ninh đứng gác tại hiện trường một vụ tấn công ở Kabul, Afghanistan, ngày 04/08/2021. AP – Rahmat Gul

Thủ đô Kabul của Afghanistan lại bị rúng động vào sáng 04/08/2021 vì vụ nổ mìn bên một trục đường gần bộ Thương Binh Liệt Sĩ và làm ít nhất ba người bị thương. Cùng ngày, phe Taliban nhận trách nhiệm về vụ tấn công bằng xe ô tô cài chất nổ vào tối 03/08 gần nơi ở của bộ trưởng Quốc Phòng và một nghị sĩ nằm ở « Vùng Xanh ».

Thông tín viên Sonia Ghezali tường thuật tình hình tại Kabul tối 03/08 :

« Những tiếng nổ vang lên liên tiếp ở trung tâm Kabul. Lửa bốc lên và một đám khói đen phủ trên một tòa nhà bẩy tầng ở khu phố cao cấp Shirpur, ngay phía sau là nhà của bộ trưởng Quốc Phòng và của một nghị sĩ. Và chính ở khu vực đó mà một kẻ đánh bom tự sát đã cho xe nổ tung.

Suốt gần 3 tiếng, lực lượng đặc biệt Afghanistan tìm cách truy bắt những kẻ tấn công đột nhập vào nhà của bộ trưởng và nghị sĩ. Lựu đạn nổ, rồi tiếng súng và tiếng nổ cứ vang lên suốt cuộc can thiệp của lực lượng an ninh Afghanistan.

Đến 21 giờ, những chiếc bóng hiện bên cửa sổ và trên mái nhà hô vang « Allah Akbar » (Thượng đế vĩ đại). Chỉ trong vài phút, đã có những nhóm người xuất hiện trên đường phố bất chấp vẫn còn những tiếng nổ. Nhiều người giương lá cờ đen, đỏ và xanh, cờ của Cộng Hòa Afghanistan. Họ hô vang ủng hộ lực lượng an ninh Afghanistan chiến đấu chống Taliban. Từ tháng Năm vừa qua, phe này mở một đợt tấn công lớn trên cả nước.

Trước đó trên mạng xã hội, một người sử dụng internet đã kêu gọi xuống đường ủng hộ lực lượng an ninh Afghanistan. Người dân ở Kabul đã hưởng ứng dù những vụ nổ và xả súng chỉ chấm dứt vào khoảng 23 giờ, giờ địa phương ».

Theo lực lượng an ninh Afghanistan, vụ tấn công và giao tranh tối 03/08 đã làm ba người dân thiệt mạng, ba kẻ tấn công bị tiêu diệt, còn bộ trưởng Quốc Phòng vẫn an toàn. Trước khi Taliban lên tiếng nhận trách nhiệm, Hoa Kỳ đã lên án « những vụ tấn công » mang « mọi dấu ấn » của Taliban.

Ngày 04/08, quân đội Afghanistan tấn công lực lượng Taliban ở thành phố Lashkar Gah, miền nam đất nước. Trước đó, tướng Sami Sadat, chỉ huy lực lượng miền nam, đã kêu gọi người dân sơ tán. Thành phố có khoảng 200.000 dân bị kẹt trong những cuộc giao tranh giữa hai bên, với thiệt hại nhân mạng ít nhất 40 người và 118 người bị thương trong vòng 24 giờ qua, theo Phái bộ Liên Hiệp Quốc tại Afghanistan (Unama) ngày 03/08.

Ukraina điều tra về cái chết đầy nghi vấn của một nhà đối lập lưu vong Belarus

Thụy My

Nến và di ảnh của nhà đối lập Belarus Vitaly Shishov đặt tại nơi biểu tình gần sứ quán Belarus ở Kiev, Ukraina, ngày 03/08/2021. REUTERS – GLEB GARANICH

Nhà đối lập Viltali Chychov, giám đốc một tổ chức phi chính phủ ở Kiev chuyên giúp đỡ những người Belarus bị đàn áp chạy trốn khỏi đất nước, được phát hiện đã chết hôm qua 03/08/2021. Mất tích sau khi ra khỏi nhà để chạy bộ, cảnh sát Ukraina tìm thấy thi thể ông trong một công viên và đã mở điều tra hình sự.

Từ Kiev, thông tín viên Stéphane Siohan cho biết thêm chi tiết :

« Tin đồn về sự mất tích của Vitali Chychov, giám đốc Ngôi nhà của người Belarus ở Kiev, đã gây ra rất nhiều lo lắng từ tối thứ Hai. Và đến sáng thứ Ba, bộ Nội Vụ Ukraina xác nhận đã tìm thấy xác của nhà hoạt động Belarus, treo trong một công viên ở trung tâm Kiev, điện thoại di động và các đồ vật cá nhân của ông đặt bên cạnh. Cảnh sát Ukraina đã mở điều tra hình sự, nêu ra khả năng đây là một vụ sát nhân được ngụy tạo thành tự tử.

Mới đây ông Vitali Chychov cũng nói với những người thân cận rằng ông cảm thấy bị theo dõi. Và trong bối cảnh đó, mọi cái nhìn đều hướng về Belarus, nơi đã tung ra cuộc săn lùng ráo riết các nhà đối lập.

Hôm thứ Hai, người chồng của Krystsina Tsimanouskaya – vận động viên mà chính quyền Belarus muốn dùng vũ lực đưa về nước sau khi tham dự Thế Vận Hội Tokyo – cảm thấy bị nguy hiểm nên đã trốn khỏi Belarus. Và ông cũng tị nạn tại Ukraina, như hàng ngàn đồng bào mình trong những tháng gần đây ».

Nga kết án một cộng sự của nhà đối lập Alexei Navalny

Thu Hằng

Bà Lyubov Sobol, một trong những cộng sự thân cận của nhà đối lập Nga Alexei Navalny, phát biểu với báo giới sau một phiên tòa ở Matxcơva, Nga, ngày 15/04/2021. REUTERS – TATYANA MAKEYEVA

Ngày 03/08/2021, bà Lyubov Sobol đã bị tư pháp Nga kết án 1 năm rưỡi tù được tự do có điều kiện vì đã xúi giục vi phạm các biện pháp hạn chế chống dịch Covid-19, cụ thể là tổ chức các cuộc biểu tình ủng hộ nhà đối lập Navalny.

Theo phán quyết, bà Sobol sẽ bị cấm ra khỏi nhà từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau trong vòng 18 tháng. Bà cũng bị cấm rời khỏi vùng Matxcơva và tham gia các cuộc tập hợp và trình diện ở cảnh sát ba lần một tháng.

Ngay sau phiên xử, bà Lyubov Sobol lên án « một thủ tục chính trị vô lý và vô căn cứ ». Trên mạng Twitter, bà Kira Iarmych, người phát ngôn của nhà đối lập Navalny, được Reuters trích dẫn, cho rằng « vụ việc này nhằm mục đích duy nhất là loại bà (Sobol) ra khỏi đời sống chính trị ».

Trước bà Sobol, rất nhiều người thân cận khác của nhà đối lập Navalny, trong đó có người em trai, Oleg Navalny, đã bị khởi tố với cáo buộc tổ chức các biểu tình vào tháng 01/2021 tập hợp đến vài chục nghìn người. Nhưng bà Lyubov Sorol là người đầu tiên bị kết án.

Bản thân ông Navalny cũng đang thụ án 2 năm tù rưỡi trong vụ gian lận tài chính vào năm 2014. Tuy nhiên, nhà đối lập luôn bác bỏ cáo buộc này.

Biển Đông: Trung Quốc và ASEAN cố thúc đẩy đàm phán về COC

Thanh Phương

“Đường lưỡi bò”: Đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trong phạm vi đường 9 đoạn tại Biển Đông. UNCLOS/CIA

Trong cuộc họp trực tuyến với các đồng nhiệm ASEAN hôm qua 03/08/2021, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thông báo là sau một thời gian dài tạm ngưng do đại dịch Covid-19, hai bên đã đồng ý nối lại các cuộc đàm phán về Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông (COC), một văn bản đã được chờ đợi từ nhiều năm qua. Ông Vương Nghị còn cho biết là các bên có liên quan về cơ bản đã đồng ý với nhau về lời nói đầu của bộ quy tắc này.

Theo báo chí trong nước, ngoại trưởng Việt Nam Bùi Thanh Sơn đã hoan nghênh việc nối lại đàm phán COC, nhưng nhấn mạnh đến một văn bản “hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, với UNCLOS 1982 (Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển), được cộng đồng quốc tế ủng hộ”.

Sau một thời gian cố tình trì hoãn, trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã thúc đẩy tiến trình đàm phán về Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông nhằm “tránh các cuộc xung đột” trên vùng biển tranh chấp giữa Trung Quốc với một số nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.

Nhưng mãi đến năm 2018, các cuộc đàm phán thật sự về COC mới được khởi động. ASEAN và Trung Quốc đã hoàn tất việc đàm phán về dự thảo đầu tiên của bộ quy tắc trong thời gian 2018-2019. Vấn đề là từ đó cho đến nay, hai bên đã không đạt được tiến bộ nào thêm, bởi vì tình hình đại dịch Covid-19 khiến không thể tổ chức các cuộc gặp trực tiếp để đàm phán với nhau.

Trong cuộc họp tại Trùng Khánh vào đầu tháng 6, các quan chức cao cấp ASEAN và Trung Quốc đã “nhất trí” thúc đẩy tiến trình đàm phán COC và đã chỉ đạo Nhóm công tác chung sớm nối lại đàm phán “dưới hình thức phù hợp”, nhưng lúc đó không nói rõ lịch trình.

Thật ra Indonesia có đề nghị tổ chức một cuộc họp trực tiếp vào tháng 7 vừa qua, nhưng do tình hình đợt dịch Covid thứ hai ở Jakarta thêm trầm trọng, cho nên cuộc họp cuối cùng đã bị dời lại.

Trong tuyên bố hôm qua, ngoại trưởng Vương Nghị không nói rõ là khi nào Trung Quốc và ASEAN sẽ nối lại đàm phán về COC. Cho tới nay nội dung đàm phán về COC giữa ASEAN và Trung Quốc vẫn được giữ kín.

Vấn đề được đặt ra đó là bộ quy tắc ứng xử mà Trung Quốc và ASEAN đang cố đạt được có sẽ mang tính ràng buộc pháp lý hay không. Đó là một trong những vấn đề mấu chốt của văn bản này, theo phân tích của của giáo sư về Luật Quốc Tế Aristyo Rizka, thuộc Trung Tâm vì Chính Sách Đại Dương Bền Vững, Đại Học Indonesia, trong một bài viết đăng trên trang mạng East Asia Forum ngày 30/07/2021.

Theo tác giả bài viết, COC sẽ có hiệu quả hơn nếu tất cả các bên xem văn bản này là mang tính ràng buộc pháp lý. Đồng ý về một văn bản như vậy không phải là đơn giản, nhất là vì các bên phải lập ra một cơ chế rõ ràng để giải quyết các vụ vi phạm, đồng thời phải có một cơ chế để giám sát và bảo đảm việc tuân thủ bộ quy tắc.

Thỏa thuận này còn phải xác định rõ phạm vi địa lý áp dụng bộ quy tắc. Theo giáo sư Aristyo Rizka, COC chỉ nên hợp pháp hóa những yêu sách chủ quyền thật sự chính đáng chiếu theo luật pháp quốc tế, chứ không nên thương lượng những yêu sách « bất hợp pháp ». Tất cả những yêu sách dựa trên cơ sở lịch sử không được công nhận chiếu theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển đều không thể được chấp nhận, trong đó có bản đồ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Ấy là chưa kể các bên còn cần phải đồng ý với nhau về một cơ chế giải quyết các tranh chấp chủ quyền biển đảo trước một tòa án quốc tế, chẳng hạn như Tòa Trọng Tài Thường Trực, tức là tòa đã ra phán quyết năm 2016 trong vụ Philippines kiện Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh đã bác bỏ phán quyết này.

Bà Harris sẽ bác yêu sách Biển Đông của Trung Quốc trong chuyến thăm Việt Nam

Thụy My

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris (P) phát biểu tại Vườn Hồng, Nhà Trắng, Washington, Hoa Kỳ, ngày 26/07/2021 AP – Susan Walsh

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ tập trung vào vấn đề bảo vệ luật pháp quốc tế trên Biển Đông, nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ và mở rộng hợp tác về an ninh trong chuyến thăm Việt Nam và Singapore tháng này. Một viên chức cao cấp của Nhà Trắng hôm nay 04/08/2021 cho Reuters biết như trên.

Bà Harris sẽ là phó tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam, vào lúc Washington tìm kiếm sự ủng hộ của quốc tế trong nỗ lực đối phó với thế lực toàn trị Trung Quốc. Viên chức trên đây nói rằng Washington coi Mỹ-Việt là đối tác quan trọng của nhau, về vị trí địa lý, tầm vóc nền kinh tế, quan hệ thương mại và là đối tác về an ninh trên các hồ sơ như Biển Đông, nơi Bắc Kinh yêu sách gần như toàn bộ.

Việt Nam, cựu thù của Mỹ, là tiếng nói mạnh mẽ chống lại đòi hỏi chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông. Các quốc gia khác trong khu vực cũng hoan nghênh sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ, trong bối cảnh Bắc Kinh quân sự hóa các đảo nhân tạo, tàu tuần duyên và dân quân biển Trung Quốc tràn ngập vùng biển này.

Viên chức Nhà Trắng nói: « Chúng tôi không muốn thấy bất kỳ nước nào thống trị khu vực, hoặc lợi dụng thế mạnh để làm phương hại đến chủ quyền của các nước khác ». Phó tổng thống Mỹ sẽ nhấn mạnh đến tự do hàng hải trên toàn Biển Đông. Vấn đề vac-xin chống Covid cũng là ưu tiên hàng đầu của bà Harris. Được biết Hoa Kỳ đã tặng cho Việt Nam 5 triệu liều vac-xin, trong lúc đợt dịch Covid mới đang hoành hành nhất là tại Sài Gòn. Dự kiến bà tới Singapore ngày 22/08, đến ngày 24/08 thăm Việt Nam và rời đi ngày 26/08.

Chuyến đi của bà Harris tiếp theo chuyến viếng thăm Hà Nội của bộ trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin vào tuần trước, với mong muốn siết chặt quan hệ an ninh. Tuần này, ngoại trưởng Antony Blinken cũng sẽ tham gia một loạt các cuộc họp trực tuyến của khu vực, nhằm chứng tỏ sự cam kết của Hoa Kỳ đối với ASEAN.

Tại Diễn đàn An ninh Aspen hôm qua 03/08, thủ tướng Singapore Lý Hiển Long hoan nghênh các chuyến thăm cấp cao « rất giá trị » của Mỹ. Tuy nhiên ông cũng bày tỏ quan ngại trước tình trạng quan hệ Mỹ-Trung đang xấu đi. Theo ông, hai cường quốc đều sai khi cho rằng mình sẽ thắng trong một cuộc xung đột. Hoa Kỳ không đang trên đà suy tàn như Bắc Kinh tưởng, và Trung Quốc cũng sẽ không biến mất như Liên Xô cũ.

New Zealand gởi công hàm lên Liên Hiệp Quốc bác yêu sách quyền lịch sử ở Biển Đông
Trong một diễn biến khác, phái đoàn thường trực của New Zealand tại Liên Hiệp Quốc đã gởi công hàm đề ngày 02/08 nhấn mạnh các đòi hỏi « quyền lịch sử » trên Biển Đông không có cơ sở pháp lý, như phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye năm 2016 đã khẳng định. New Zealand nhắc lại là không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền Biển Đông.

Tóm lại, dù Trung Quốc và ASEAN có muốn đẩy nhanh tiến trình đàm phán về COC, hai bên sẽ không dễ dàng đồng ý với nhau về những điểm nói trên và việc đàm phán sẽ còn rất gay go.

Biden, Pelosi kêu gọi Thống đốc New York từ chức do cáo buộc quấy rối tình dục

Tổng chưởng lý New York Letitia James (giữa) và các điều tra viên độc lập Anne L. Clark (trái) và Joon H. Kim trình bày kết quả điều tra độc lập về cáo buộc của nhiều phụ nữ rằng Thống đốc New York Andrew Cuomo quấy rối tình dục họ vào ngày 3/8/2021 tại Thành phố New York. Các nhà điều tra độc lập Joon H. Kim và Anne L. Clark kết luận rằng Thống đốc đã quấy rối tình dục nhiều phụ nữ

Tổng thống Joe Biden cho biết Thống đốc New York thuộc đảng Dân chủ Andrew Cuomo, nên từ chức sau một báo cáo của tổng chưởng lý tiểu bang này cáo buộc ông hành vi quấy rối và đe dọa tình dục, vi phạm luật của tiểu bang và liên bang. Ngoài ra các nhân vật cấp cao trong đảng Dân chủ như chủ tịch Hạ Viện Pelosi, hai thượng nghị sỹ New York cũng như thị trưởng New York cũng kêu gọi ông này từ chức.

“Tôi nghĩ ông ấy nên từ chức,” ông Biden nói vào chiều thứ Ba (03/08) trong một cuộc họp báo.

Ông  Biden nói thêm rằng “cơ quan lập pháp tiểu bang có thể quyết định luận tội” ông ấy. 

Một số thành viên đảng Dân chủ khác ở New York, bao gồm cả phái đoàn quốc hội của bang, đã kêu gọi Cuomo từ chức.

Chủ tịch Hạ Viện, bà Pelosi thuộc đảng Dân chủ cũng kêu gọi ông Cuomo từ chức.

Thượng nghị sỹ Schumer và Gillibrand của New York cũng kêu gọi ông này từ chức khi nói rằng: “Không có quan chức dân cử nào đứng trên luật pháp. Người dân New York xứng đáng được lãnh đạo tốt hơn. Chúng tôi tiếp tục tin rằng Thống đốc nên từ chức ”.

Nhưng để đáp lại báo cáo của tổng chưởng lý, ông Cuomo đã đăng một video phủ nhận các cáo buộc và vẫn kiên quyết chống lại những lời kêu gọi lật đổ ông.

“Tôi chưa bao giờ chạm vào bất cứ ai một cách không phù hợp hoặc có những hành vi tình dục không phù hợp”, Cuomo cho biết trong một video được quay trước bao gồm những bức ảnh ông này hôn hoặc ôm mọi người ở nơi công cộng như một bằng chứng cho thấy bản chất của ông là thân thiện.

Nó được đưa ra sau khi Tổng chưởng lý tiểu bang New York bà Letitia James, cũng là một thành viên Đảng Dân chủ, cho biết trong một báo cáo rằng ông này có hành vi quấy rối tình dục và văn phòng của ông này đã xử lý sai các cáo buộc chống lại mình.

“Cụ thể, chúng tôi nhận thấy rằng Thống đốc đã quấy rối tình dục một số nhân viên và nhân viên cũ của bang New York bằng cách: động chạm [phụ nữ] mà không được đồng thuận, cùng với những hành vi khác, cũng như đưa ra nhiều bình luận xúc phạm có tính chất khiêu gợi vốn tạo một môi trường làm việc có tính chất thù địch với phụ nữ”. Báo cáo của bà cho biết thêm rằng văn phòng của Cuomo tràn ngập “nỗi sợ hãi và đe dọa”.

Bà James nói rằng cuộc điều tra đã hoàn tất và sẽ không theo đuổi bất kỳ cáo buộc hình sự hay hành động pháp lý dân sự nào chống lại Cuomo.

Trong khi đó, văn phòng tổng chưởng lý tiểu bang New York sẽ điều tra hình sự ông thống đốc, theo một tuyên bố hôm 03/08.

Công tố viên David Soares cho biết văn phòng của ông sẽ hoan nghênh các nạn nhân khác ra tố cáo về hành vi này.

Ông Biden cũng bị chỉ trích vào tháng 4 năm 2019 sau khi một cựu nghị sĩ bang Nevada cáo buộc ông có hành vi không phù hợp khiến cô cảm thấy khó chịu. Và Tara Reade, một cựu nhân viên của Biden khi ông còn là thượng nghị sĩ Delaware, đã cáo buộc rằng ông đã tấn công cô vào đầu những năm 1990. Ông Biden bác bỏ cáo buộc.

Muốn xâm lược Đài Loan, Bắc Kinh cần dùng đến hơn 2 triệu binh sĩ

Trung Quốc trong tất cả khả năng sẽ cần một lực lượng xâm lược lớn, gồm ít nhất 2 triệu quân và hàng trăm nghìn thủy thủ để thực hiện tham vọng chiếm Đài Loan bằng mọi giá, trang Express cho hay.

Theo Ian Easton, một nhà phân tích của Viện Dự án 2049 có trụ sở tại Virginia, quy mô và bạo lực của một cuộc tấn công của Trung Quốc vào quốc đảo sẽ thách thức “sự hiểu biết của con người” và sẽ là “cực lớn”. Bắc Kinh quyết tâm thống nhất Đài Loan với đại lục và đã nói rõ rằng họ sẵn sàng thực hiện bằng vũ lực nếu cần thiết. Trong bài phát biểu kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đã khẳng định lại lập trường của mình đối với Đài Loan bằng ngôn ngữ rõ ràng.

Ông nói: “Giải quyết câu hỏi Đài Loan và hiện thực hóa sự thống nhất hoàn toàn của đất mẹ là nhiệm vụ lịch sử không thể thay đổi của Đảng Cộng sản Trung Quốc và là nguyện vọng chung của tất cả người dân Trung Quốc. Tất cả nam nhân, nữ nhân của Trung Quốc, bao gồm cả đồng bào hai bên eo biển Đài Loan, phải cùng nhau đoàn kết tiến lên phía trước, kiên quyết đập tan mọi âm mưu ‘Đài Loan độc lập’”.

Ông Easton lập luận trong nghiên cứu mới của mình rằng, để có cơ hội chiếm lại hòn đảo trong một cuộc tấn công quân sự, Quân đội Trung Quốc cần phải chiếm giữ nguyên vẹn ít nhất một trong những cảng của Đài Loan.

Điều này sẽ đòi hỏi một cuộc đổ bộ trên một trong 14 bãi biển của hòn đảo.

Tuy nhiên, quân đội Đài Loan có khả năng biến từng khu vực này thành một khu phòng vệ vững chắc.

Ông Easton cho rằng Đài Loan có thể huy động một lực lượng phòng vệ ít nhất 450.000 quân trong trường hợp bị Trung Quốc xâm lược.

Ông viết: “Về lý thuyết, Quân đội Trung Quốc có thể đổ bộ khoảng 300.000 đến 400.000 binh sĩ, chẳng hạn, nếu Tổng thống Đài Loan bị giết hoặc bị bắt  và sự phản kháng vũ trang sụp đổ”.

“Mặt khác, nếu các nhà lãnh đạo chính phủ Đài Loan huy động mọi thứ một cách kịp thời, Quân đội Trung Quốc có thể phải gửi hơn 2 triệu binh sĩ đến Đài Loan, bao gồm cả các lực lượng bán quân như Cảnh sát Vũ trang Nhân dân và Dân quân Trung Quốc”.

Nếu sau đó Mỹ và các đồng minh tham gia vào cuộc xung đột, mức độ bạo lực có thể leo thang.

Ông Easton nói thêm: “Không ai thực sự biết một cuộc chiến như vậy trông như thế nào vì nó chưa từng xảy ra trước đây và có thể còn tồi tệ hơn nữa”.

Chính quyền TQ cưỡng chế ngôi chùa ở Cam Túc đóng cửa, các nhà sư khóc lóc van xin

Ngôi chùa ở Cam Túc bị cưỡng chế đóng cửa, các nhà sư khóc lóc van xin

Gần đây, ngôi chùa Hồng Thành nổi tiếng ở Lâm Hạ, tỉnh Cam Túc đã bị chính quyền địa phương cưỡng chế đóng cửa, các nhà sư đã bị xua đuổi một cách thô bạo. Những nhà sư bị trục xuất ngồi trước cửa chùa, khóc lóc bi thương và cầm biểu ngữ phản đối: “Ép tăng hoàn tục, Quốc pháp không dung”, theo trang Aboluowang.

Ngày 31/7, một cư dân mạng với nickname Cổ Phong đã đăng tải một đoạn video trên Twitter với nội dung “Chùa Hồng Thành ở huyện Vĩnh Kinh, tỉnh tự trị Lâm Hạ, tỉnh Cam Túc đã bị đóng cửa, chính quyền buộc các nhà sư phải hoàn tục”. Trong video, hàng chục nhà sư đã bị các quan chức chính phủ trục xuất một cách thô bạo.

Ngày 1/8, một đoạn video khác đăng tải trên Twitter cho thấy cảnh các nhà sư bị đuổi khỏi chùa Hồng Thành đang ngồi trước cửa chùa. Họ vừa khóc vừa treo biểu ngữ phản đối sự tàn bạo của chính quyền:  “Ép tăng hoàn tục, Quốc pháp không dung”. 

Đoạn video còn có nội dung: “Xin lỗi, các nhà sư phạm tội gì? Tại sao phải đẩy họ vào tuyệt lộ như vậy?”. 

Thực tế, việc phá dỡ các cơ sở chùa chiền, hủy sách tôn giáo, bỏ tù, bắt bớ các tín đồ tôn giáo hoặc đàn áp các tôn giáo khác ở Trung Quốc không phải là hiếm. 

Tạp chí nhân quyền Bitter Winter đưa tin, trong chiến dịch đàn áp tôn giáo mới tại Trung Quốc, bên cạnh việc phá dỡ và cấm xây dựng tượng Phật ngoài trời, nhiều chùa chiền, đạo quán cũng bị đóng cửa hoặc phá hủy. Chính quyền ĐCSTQ thậm chí còn lựa chọn phá dỡ các công trình tôn giáo ngay trong đêm hoặc rạng sáng, nhằm tránh gặp phải áp lực biểu tình hay cản trở từ cộng đồng Phật tử hay Đạo sĩ địa phương.

Lợi ích chung đằng sau cuộc đàm phán của Trung Quốc và Taliban ở Thiên Tân

Ngay khi thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman rời Thiên Tân sau cuộc đàm phán căng thẳng với các quan chức Trung Quốc vào tuần trước, một phái đoàn của Taliban đã đến từ Afghanistan và ở chính khách sạn này. Theo SCMP, đây là một thông điệp rõ ràng rằng Bắc Kinh sẽ xây dựng chiến lược riêng của mình với nước láng giềng Trung Á sau khi gọi chính sách của Mỹ đối với Afghanistan là một thất bại.

Khi quân đội Mỹ và đồng minh đang rút khỏi Afghanistan, quan hệ giữa Trung Quốc và nhóm nổi dậy Taliban đã tiếp tục được thắt chặt hơn, khi Bắc Kinh bảo đảm họ sẽ hỗ trợ vai trò của Taliban trong an ninh và tái thiết Afghanistan.

Trong cuộc hội đàm với nhóm Taliban do Mullah Abdul Ghani Baradar dẫn đầu, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói rằng: “Taliban ở Afghanistan là lực lượng chính trị và quân sự nòng cốt ở nước này, và họ sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình hòa giải và tái thiết ở Afghanistan”.

Các cuộc hội đàm Trung – Mỹ và Trung – Taliban được tổ chức tại cùng một khách sạn ở Thiên Tân, nơi bà Sherman đã gặp ông Vương và các quan chức Bộ Ngoại giao khác hôm 26/7. Bà Sherman kêu gọi Bắc Kinh hợp tác với Mỹ trong các vấn đề khu vực, bao gồm Afghanistan và Iran.

Ông Vương Nghị nói: “Việc rút quân của Hoa Kỳ và NATO về cơ bản là thể hiện của sự thất bại trong các chính sách của Hoa Kỳ đối với Afghanistan”.

Ông nói, lập trường chính thức của Trung Quốc về vấn đề Afghanistan là duy trì các nguyên tắc “do Afghanistan làm chủ” và “do Afghanistan lãnh đạo”, đồng thời phản đối sự can thiệp của các lực lượng nước ngoài.

Các nhà quan sát ngoại giao cho biết Trung Quốc chưa công nhận nhóm này là chính phủ hợp pháp, nhưng đang chuẩn bị cho khả năng nhóm sẽ tiếp quản đất nước nếu hòa giải dân tộc thất bại. Do vậy, Bắc Kinh coi mối quan hệ chặt chẽ hơn với Taliban là rất quan trọng đối với các “nỗ lực chống khủng bố” và lợi ích kinh tế của họ trong khu vực.

Trung Quốc cho rằng Taliban có thể đóng vai trò quyết định trong việc kiềm chế mối đe dọa an ninh mà Bắc Kinh gọi là Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM) – một tổ chức mà Mỹ cho rằng không tồn tại và là cái cớ Trung Quốc dựng lên để đàn áp người Duy Ngô Nhĩ lưu vong. 

Trung Quốc cáo buộc ETIM chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công bạo lực ở Tân Cương. 

Sau cuộc hội đàm, phát ngôn viên của Taliban, Mohammad Naeem, cho biết ông Baradar đã cam kết sẽ không cho phép bất cứ ai trên đất Afghanistan gây ra mối đe dọa cho an ninh Trung Quốc.

Các nhà quan sát cũng cho rằng Bắc Kinh đang muốn tạo mối quan hệ vững chắc với Taliban để thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường. 

Quy hoạch cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường liên quan đến sáu hành lang kinh tế chính, bao gồm các đặc khu kinh tế, năng lượng và cơ sở hạ tầng giao thông. Hai trong số đó băng qua Trung Á, gồm Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Trung Á – Tây Á và Hành lang Kinh tế Trung Quốc- – Pakistan (CPEC).

Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Trung Á – Tây Á nối Trung Quốc với Bán đảo Ả Rập, đi qua 5 quốc gia Trung Á (Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan và Turkmenistan) và 17 quốc gia Tây Á. Tuyến sau kéo dài từ Kashgar ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc đến cảng Gwadar của Pakistan.

CPEC cung cấp cho Trung Quốc một tuyến đường thay thế cho dầu và khí đốt từ Trung Đông và Bắc Kinh đã kêu gọi “mở rộng đáng kể” tuyến đường này để bao gồm cả Afghanistan.

Theo Richard Ghiasy, một thành viên cấp cao của Trung tâm Châu Á Leiden ở Hà Lan, sự giao thiệp của Trung Quốc với Taliban phục vụ lợi ích của cả hai bên.

Đối với Taliban, sự tham gia và công nhận từ Trung Quốc là một động lực thúc đẩy tính hợp pháp cho tổ chức này, ông nói.

Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cấp cao của Rand Corporation, cho biết Trung Quốc sẽ làm bất kỳ điều gì nào để đáp ứng được hai lợi ích quốc gia của họ: duy trì sự ổn định ở Tân Cương và khai thác tài nguyên thiên nhiên ở Afghanistan.

Trung Quốc được cho là đang muốn tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên dưới các ngọn núi của Afghanistan, theo một báo cáo năm 2014 ước tính có giá trị gần một nghìn tỷ đô-la Mỹ.

Related posts