Tin thế giới sáng thứ Bảy

Biến thể Delta đe dọa Thế Vận Hội Mùa Đông Bắc Kinh 2022

Trọng Nghĩa

image.png
Thế Vận Hội Mùa Đông Bắc Kinh dự trù diễn ra từ ngày 04 đến ngày 22/02 năm 2022 AFP/Archives

Với đà bùng phát trở lại của dịch Covid-19 tại Trung Quốc, tưởng như đã bị khống chế hoàn toàn, câu hỏi giới phân tích đặt ra là phải chăng biến thể Delta của virus xuất xứ từ Vũ Hán sẽ phá hoại kỳ Thế Vận Hội Mùa Đông Bắc Kinh 2022 mà Trung Quốc trông đợi để tô bóng hình ảnh của mình.

Cho đến gần đây, Trung Quốc rất tự tin là Thế Vận Hội Mùa Đông Bắc Kinh, dự trù từ ngày 04 đến ngày 22/02 năm 2022 sẽ diễn ra trót lọt, không bị lâm vào tình cảnh như Thế Vận Hội Mùa Hè Tokyo 2020, với đầy trắc trở: Bị dời lại một năm, tổ chức trong điều kiện không khán giả, với nỗi lo phập phồng là các cuộc thi đấu có thể bị tác hại nếu chẳng may các vận động viên bị nhiễm Covid-19.

Bắc Kinh khi ấy có cơ sở để tự tin vì đợt dịch đầu tiên, bùng lên tại Vũ Hán, trước khi lan rộng ra toàn thế giới cho đến ngày nay, đã có dấu hiệu được khống chế thành công nhờ các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt và các chính sách kiểm soát biên giới. Thế nhưng, vào lúc chỉ còn hơn nửa năm là Thế Vận Hội Mùa Đông Bắc Kinh khai mạc, dịch bệnh lại có dấu hiệu bùng phát trở lại dưới tác động của biến thể Delta.

Dĩ nhiên, các số liệu đầu tiên về sự lây lan có vẻ rất vô nghĩa so với các con số cực kỳ lớn tại những nước khác, như ở vùng Đông Nam Á hay ở châu Âu, châu Mỹ. Có điều là số ca nhiễm đang trong chiều hướng gia tăng, và đã lan rộng ra ít nhất 15 tỉnh thành Trung Quốc, kể cả tại Bắc Kinh, nơi diễn ra Thế Vận Hội Mùa Đông 2022.

Để đối phó với đợt bùng phát mới của dịch bệnh, chính quyền Trung Quốc đã cho áp dụng trở lại các biện pháp hạn chế đi lại và phong tỏa ngặt nghèo được cho là đã chứng tỏ hiệu quả trong việc đối phó với đợt dịch đầu tiên vào đầu năm 2020.

Động thái của chính phủ Trung Quốc phong tỏa thành phố Trương Gia Giới, nơi sinh sống của khoảng 1,5 triệu dân, được cho là giống như phản ứng ban đầu của nước này khi đóng cửa toàn bộ thành phố Vũ Hán, nơi bùng phát đợt bùng phát Covid-19 đầu tiên vào đầu năm 2020.

Tờ báo Mỹ Washington Examiner ngày 05/08 trích dẫn một nhà nghiên cứu về Y Tế Toàn Cầu tại trung tâm tham vấn Mỹ Hội Đồng về Quan Hệ Đối Ngoại CFR (Council on Foreign Relations) ghi nhận: “Các biện pháp phong tỏa đã nhanh chóng được áp dụng ở nhiều vùng của Trung Quốc … Tôi chưa từng thấy các biện pháp ngăn chặn được thực hiện một cách quyết liệt như vậy kể từ tháng 4 năm 2020 vừa qua”.
Các biện pháp phong tỏa, cách ly đã được ban hành trong bối cảnh chiến lược tiêm chủng mà Bắc Kinh đẩy mạnh – dựa vào vac-xin Trung Quốc – đã không ngăn chặn được sự bùng phát của dịch bệnh. Vấn đề đau đầu đối với chính quyền Trung Quốc hiện nay là phải nhanh chóng dập tắt được dịch bệnh nếu muốn Thế Vận Hội Mùa Đông Bắc Kinh diễn ra suôn sẻ. Nếu không thì các biện pháp phong tỏa và hạn chế đi lại, tụ tập hiện hành sẽ tác hại đáng kể đến việc tổ chức sự kiện thể thao này.

Các biện pháp phòng dịch chẳng hạn có thể buộc các vận động viên phải thi đấu trong các sân vận động trống rỗng, không có khán giả, một biện pháp an toàn mà Ủy Ban Olympic Quốc Tế đã áp dụng cho Thế Vận Hội Tokyo mùa hè này. Chủ trương bế quan tỏa cảng hiện hành sẽ là một trở ngại cho việc đón tiếp khán giả ngoại quốc.

Dẫu sao thì kịch bản Tokyo 2020 đang ám ảnh Bắc Kinh 2022, với cả hai khả năng sự kiện bị dời lại hay được tổ chức với rất nhiều giới hạn. Trường hợp Tokyo cho thấy là Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế sẵn sàng hoãn việc tổ chức Thế Vận Hội nếu có nguy cơ tạo ra một làn sóng Covid-19 khác.


Biển Đông: Trung Quốc bắt đầu hàng loạt cuộc tập trận, Việt Nam lên tiếng phản đối

Trọng Nghĩa

image.png
Các thủy thủ Trung Quốc trên tàu khu trục tên lửa dẫn đường Thanh Đảo (P) tại cảng quân sự ở Thanh Đảo (Qingdao), Sơn Đông, Trung Quốc. Chụp ngày 20/08/2013 AP

Đúng vào lúc diễn ra Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN lần thứ 54 với vấn đề Biển Đông và những yêu sách chủ quyền “phi pháp” của Trung Quốc được đề cập đến trong nhiều cuộc họp có Mỹ tham gia, Trung Quốc đã loan báo một loạt cuộc tập trận trong khu vực, trong đó có hai cuộc tập trận mở ra vào hôm nay 06/08/2021. Một số hoạt động tập trận của Bắc Kinh trong vùng biển có tranh chấp với Việt Nam đã lập tức bị Hà Nội phản đối.

Như thông lệ, Trung Quốc tiết lộ thông tin về các cuộc tập trận thông qua các kênh báo chí và các thông báo cấm tàu thuyền qua lại đăng trên trang web của Cục Hải Sự.

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo Trung Quốc vào hôm qua cho biết là một cuộc tập trận trên Biển Đông sẽ được tiến hành kể từ ngày 06/08, và kéo dài cho đến ngày 10/08. Theo tờ báo, “một số nhà quan sát” cho rằng cuộc tập trận lần này cũng giống như một cuộc tập trận được tiến hành vào năm ngoái, trong đó Quân Đội Trung Quốc được cho là đã tiến hành bắn thật loại tên lửa đạn đạo chống hạm gọi là “sát thủ tàu sân bay”.

Trích dẫn thông báo của Cục Hải Sự Trung Quốc ngày 04/08 và một số nguồn tin báo chí khác, Hoàn Cầu Thời Báo cho biết là khu vực tập trận trải rộng từ vùng biển ngoài khơi phía đông nam đảo Hải Nam đến phần lớn vùng biển xung quanh quần đảo Tây Sa, tức là quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đã chiếm trọn từ Việt Nam năm 1974.

Bên cạnh cuộc tập trận dài ngày đó là một loạt cuộc diễn tập quân sự quy mô nhỏ và ngắn ngày hơn tại Vịnh Bắc Bộ, phía gần Trung Quốc, hay tại khu vực phía bắc Biển Đông.

Việt Nam phản đối
Sự kiện Trung Quốc cho tập trận tại khu vực gần quần đảo Hoàng Sa đã bị Việt Nam phản đối. Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng, ngày 05/08, đã tố cáo Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, và cuộc tập trận “đi ngược lại lại tinh thần tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông, gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ Quy Tắc Ứng Xử giữa các bên ở Biển Đông…”

Và “Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa; chấm dứt, và không tái diễn hoạt động vi phạm tương tự làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông”.

Thách thức Mỹ và đồng minh
Đối với các nhà phân tích, các cuộc tập trận mà Bắc Kinh khởi động trên vùng Biển Đông là những động thái thách thức, không chỉ đối với các láng giềng Đông Nam Á đang bị Trung Quốc tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, mà cả đối với Mỹ và nhiều nước khác đã chỉ trích các đòi hỏi chủ quyền bị cho là “phi pháp” của Bắc Kinh về vùng biển này.

Gần đây nhất là các tuyên bố của ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong khuôn khổ các cuộc họp tại Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN lần thứ 54, nhắc lại việc Washington bác bỏ những yêu sách phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, theo phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye.

Ngoài Hoa Kỳ, ngày 03/08, New Zealand là nước mới nhất gởi công hàm lên Liên Hiệp Quốc để bác bỏ yêu sách lịch sử (của Trung Quốc) ở Biển Đông và khẳng định giá trị chung cuộc và ràng buộc của phán quyết của Tòa Trọng Tài về Biển Đông năm 2016.

Nga tập trận chung với hai đồng minh Trung Á láng giềng Afghanistan

Trọng Nghĩa

image.png
Nga tập trận chung với Tajikistan và một số nước khác tại Orendurg, gần biên giới với Kazakhstan ngày 20/9/2019. © Sergei Grits/AP

Quân đội Nga đã bắt đầu các cuộc tập trận chung với lực lượng Tajikistan và Uzbekistan kể từ ngày hôm qua, 05/08/2021, với nội dung đảm bảo quyền kiểm soát biên giới giữa Tajikistan và Afghanistan.

Sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, Matxcơva đã thấy cần thiết là phải ngăn chặn sự xuất hiện của quân “khủng bố” Hồi Giáo tại các nước Cộng Hòa Trung Á thuộc Liên Xô cũ.

Thông tín viên Jean-Didier Revoin tường thuật từ Moscow:

« Cách biên giới Afghanistan 20 km, trên một bãi tập ở Tajikistan, 2.500 binh sĩ Nga, Tajikistan và Uzbekistan đã bắt đầu các cuộc tập trận sẽ kết thúc vào ngày 10/8.

Sau tuyên bố rút quân của Mỹ khỏi Afghanistan, cùng với các cuộc tấn công do lực lượng Taliban phát động, hàng nghìn binh sĩ của chính quyền Kabul đã chạy qua tị nạn tại quốc gia có 1.300 km biên giới với Afghanistan này.

Chính quyền Dushanbe sau đó đã yêu cầu Matxcơva giúp đỡ để đảm bảo an ninh cho vùng biên giới của mình, một yêu cầu mà Nga không thể bỏ qua, vì nếu những kẻ khủng bố có thể xâm nhập vào các nước Cộng Hòa thuộc Liên Xô cũ giáp ranh với Afghanistan, thì Matxcơva sau đó sẽ gặp khó khăn trong việc ngăn chặn họ xâm nhập vào lãnh thổ Nga.

Hiện nay, Nga đang đàm phán với lực lượng Taliban. Điện Kremlin đã cho Taliban biết rằng nếu muốn lên cầm quyền và duy trì được quyền hành tại Afghanistan, thì lực lượng này nên giữ tham vọng của mình bên trong nội bộ biên giới Afghanistan. Nếu không làm như vậy thì Matxcơva sẽ coi như là Taliban đã vượt qua một lằn ranh đỏ. »


Tổng thống Joe Biden cho phép người Hồng Kông kéo dài thời hạn lưu trú tại Mỹ

Anh Vũ

image.png
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Tòa Bạch Ốc, Washington, ngày 03/07/2021. REUTERS – JONATHAN ERNST

Theo AFP, hôm 05/08/2021, tổng thống Mỹ Joe Biden quyết định cấp quy chế « tị nạn tạm thời » cho người Hồng Kông do tình trạng các quyền tự do của họ bị Trung Quốc bóp nghẹt. Quy định này có thể làm tăng thêm căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh.

Sắc lệnh của tổng thống Joe Biden, được Nhà Trắng công bố, có đoạn : « Sự ủng hộ của Hoa Kỳ với nhân dân Hồng Kông sẽ không suy giảm ». Phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki nhấn mạnh : « Trước các vụ bắt bớ, xét xử chính trị, bịt miệng truyền thông, áp đặt hạn chế trong bầu cử với đối lập dân chủ, chúng tôi sẽ tiếp tục hành động ».

Còn ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bình luận, Trung Quốc đã « đảo lộn toàn bộ thể chế của Hồng Kông và trấn áp các quyền tự do » của người dân. Ông đánh giá sắc lệnh của tổng thống là một « thông điệp rõ ràng » gửi đến chế độ Bắc Kinh.

Văn kiện mới ban hành chỉ đạo các sở di trú Mỹ cho phép người Hồng Kông hết hạn cư trú tại Mỹ có thể tiếp tục ở lại thêm 18 tháng, đồng thời họ được phép làm việc tại hoa Kỳ. Theo chính quyền Mỹ, những đối tượng có liên quan đến quy định mới này có thể sẽ lên tới hàng nghìn người.

Trước việc Bắc Kinh gia tăng trấn áp, bóp nghẹt các quyền tự do tại vùng đất bán tự trị từ khi Anh Quốc trả lại Trung Quốc năm 1997, Luân Đôn từ ngày 31/01/2021 đã cho phép gia hạn visa cho hàng triệu người Hồng Kông tạo điều kiện cấp quốc tịch cho họ.

Hôm 16/07/2021, Washington cảnh báo các công ty Mỹ sẽ gặp nhiều rủi ro trong các hoạt động tại Hồng Kông sau khi Bắc Kinh triển khai các biện pháp hạn chế đối với trung tâm tài chính thế giới này.

Quyết định của tổng thống Joe Biden đưa ra ngày hôm qua vào lúc quan hệ Trung-Mỹ vẫn tiếp tục gia tăng căng thẳng. Cách đây ít ngày, chuyến công du đầu tiên của một quan chức cao cấp chính quyền Biden tới Trung Quốc đã thất bại. Sau cuộc hội đàm với nhân vật số 2 của bộ Ngoại Giao Mỹ, Wendy Sherman tại Thiên Tân, thứ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc, Tạ Phong (Xie Feng) phát biểu : « Người Mỹ nhìn Trung Quốc như một kẻ thù tưởng tượng ».

Các tranh chấp giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới này diễn ra trên mọi lĩnh vực, từ kinh tế, công nghệ, quân sự, nhân quyền cho đến vấn đề Hồng Kông và Đài Loan. Hôm qua, Bắc Kinh lên án việc chính quyền Mỹ bật đèn xanh bán đại bác cho Đài Loan, coi đó là hành động « vi phạm chủ quyền » của Trung Quốc và dọa sẽ có biện pháp trả đũa.


Diễn đàn khu vực ASEAN đặt trọng tâm vào Bắc Triều Tiên

Trọng Nghĩa

image.png
Cờ các nước thành viên bên ngoài trụ sở Ban Thư Ký ASEAN, Jakarta, Indonesia, ngày 23/04/2021. REUTERS – WILLY KURNIAWAN


Hôm 06/08/2021, Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) diễn ra trực tuyến với trọng tâm là an ninh trên bán đảo Triều Tiên và nếu Bình Nhưỡng cử một đại diện tham dự, đây sẽ là dịp để quốc gia khép kín này đối thoại với cộng đồng quốc tế.

Diễn an ninh khu vực thường niên này do ASEAN chủ trì, quy tụ tổng cộng 27 thành viên, trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu. Đây là một hội nghị quốc tế hiếm hoi có sự tham gia thường xuyên của Bắc Triều Tiên.

Đa số các nước thành viên cử ngoại trưởng tham dự diễn đàn ARF, nhưng theo hãng tin Hàn Quốc Yonhap hôm qua, Bình Nhưỡng không cử ngoại trưởng Ri Son Gwon, mà sẽ giao cho đại sứ Bắc Triều Tiên tại Jakarta An Kwang Il đại diện nước này dự họp. Trong 2 diễn đàn của 2 năm trước, ngoại trưởng của Bắc Triều Tiên cũng không có mặt, mà Bình Nhưỡng chỉ cử đại sứ tham gia.

Diễn đàn ARF năm 2021, do Brunei chủ trì với tư cách chủ tịch luân phiên ASEAN, diễn ra sau khi có những thông tin về việc Bắc Triều Tiên lại tiến hành thử nghiệm tại cơ sở hạt nhân Yongbyon.

Theo lời giáo sư Yongwook Ryu, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore, được trang mạng Nikkei Asia trích dẫn hôm nay,  Bắc Triều Tiên nhắm tới 2 mục tiêu tại Diễn đàn ARF lần này. Thứ nhất là tìm kiếm sự trợ giúp của quốc tế để đối phó với dịch Covid-19 đang trầm trọng hơn và giải quyết tình trạng khan hiếm lương thực. Mục tiêu thứ 2 là tìm cách nối lại đối thoại với Hoa Kỳ dưới thời chính quyền Joe Biden, bởi vì lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un thừa biết rằng phải cải thiện quan hệ với Washington thì mới hy vọng được quốc tế giảm nhẹ trừng phạt.

Covid-19: Pháp ban hành luật về mở rộng áp dụng chứng nhận y tế

Thanh Phương

image.png
Biểu tình phản đối “chứng nhận y tế” trước trụ sở Hội Đồng Bảo Hiến, Paris, Pháp, ngày 05/08/2021. AFP – STEPHANE DE SAKUTIN

Hôm 06/08/2021, tại Pháp, luật về mở rộng áp dụng chứng nhận y tế và chích ngừa bắt buộc đối với nhân viên y tế đã được đăng trên công báo, sau chuẩn y của Hội Đồng Bảo Hiến hôm qua.

Theo luật này, việc áp dụng chứng nhận y tế (chứng nhận đã chích ngừa hoàn toàn, hoặc được xét nghiệm âm tính với Covid, hoặc chứng nhận đã khỏi bệnh Covid) kể từ ngày 09/08 sẽ được mở rộng sang các quán cà phê, nhà hàng, máy bay, xe lửa, xe car đường dài, các hội thảo, triển lãm… ). Hội Đồng Bảo Hiến cũng cho phép áp dụng chứng nhận y tế đối với một số trung tâm thương mại, nhưng giao quyền quyết định cho các tỉnh trưởng, tùy theo mức độ lây nhiễm ở địa phương và tùy theo quy mô của các trung tâm thương mại.

Chứng nhận y tế cũng là bắt buộc đối với những người thăm bệnh hoặc các bệnh nhân không khẩn cấp khi vào các cơ sở y tế hoặc viện dưỡng lão, nhưng Hội Đồng Bảo Hiến yêu cầu là việc áp dụng chứng nhận y tế không được cản trở sự tiếp cận các dịch vụ y tế.

Luật vừa được ban hành còn quy định về việc bắt buộc tiêm chủng đối với những nhân viên y tế và nhân viên của những ngành nghề có tiếp xúc với những người có nguy cơ cao. Họ được yêu cầu là đến ngày 15/09 phải được chích ngừa Covid hoàn toàn. Luật quy định là những người không trình chứng nhận y tế sẽ bị tạm ngưng hợp đồng không hưởng lương. Tuy nhiên, Hội Đồng Bảo Hiến đã gạt bỏ quy định về cho nghỉ việc sớm đối với những người làm việc với hợp đồng có thời hạn hoặc làm việc không hợp đồng. Các thành viên của Hội Đồng cũng loại bỏ quy định về việc cách ly bắt buộc đối với những người được xét nghiệm dương tính với Covid, cho rằng quy định này là quá đáng.

Xin nhắc lại là việc áp dụng chứng nhận y tế tại Pháp đã có hiệu lực từ ngày 21/07 đối với những cơ sở văn hóa và giải trí quy tụ trên 50 người.

Luật về mở rộng áp dụng chứng nhận y tế đã được Hội Đồng Bảo Hiến chuẩn y theo tinh thần « dung hòa một cách cân bằng » giữa một bên là những yêu cầu về bảo vệ sức khỏe và bên kia là các quyền tự do cá nhân. Thế nhưng, những người chống việc áp dụng chứng nhận y tế và bắt buộc tiêm chủng đã kêu gọi biểu tình lần nữa vào ngày mai, sau ba cuộc biểu tình liên tiếp vào những ngày thứ bảy.

Luật được ban hành trong bối cảnh đợt dịch Covid mới tại Pháp vẫn không suy giảm cường độ, với số bệnh nhân nhập viện và bệnh nhân nặng trong các khoa hồi sức cấp cứu hôm qua vẫn tăng, theo các số liệu của Cơ quan Y tế Công cộng Pháp.

Related posts