Sao nỡ lòng nào lừa gạt niềm tin mong manh…

Huynh Wynn Tran

8-8-2021

Trưa nay, một fan của tôi là sinh viên Y khoa nhắn tin về câu chuyện “BS Khoa” rút ống thở từ “mũi mẹ BS Khoa đang bệnh Covid-19 để đưa vào “mũi” thai phụ. Sau đó, “BS Khoa” gạt nước mắt vào phòng mổ và mổ bắt thành công 2 em bé.

Câu chuyện đẹp như cổ tích nhanh chóng lan truyền mạng, làm hàng trăm stt thổn thức, cả ngàn người khóc cả đêm, rồi có cả stt đã nói chuyện với “BS Khoa” để tặng thêm máy thở cho bệnh viện.

Em sinh viên Y khoa hỏi tôi “Thầy ơi, có thật không vậy, sao em thấy nghi ngờ quá?”

Tôi đọc lại các stt về BS Khoa và thấy ngay những khó hiểu về chuyên môn. Nhưng để chắc ăn, tôi nhắn tin một đồng nghiệp là BS Sản Phụ Khoa là giảng viên đại học Y tại Việt Nam và anh vừa xác nhận đây là tin giả.

Ảnh chụp màn hình

Vì sao là tin giả?

1. Thứ nhất, ống nội soi đút vào miệng (xem hình), chứ không phải vào mũi. Ống nội soi là dụng cụ chỉ dùng một lần, không có chuyện rút từ mũi người này đút vào mũi người khác vì lý do ngăn ngừa nhiễm trùng. “BS Khoa” là BS phải biết những điều cơ bản này.

2. Thứ hai, hình ảnh hai em bé song sinh bụ bẫm trong câu chuyện cổ tích của “BS Khoa” là hình cắt ra từ ca mổ của BS Cao Hữu Thinh ngày 7/20/2021.

3. Thứ ba, BS Khoa nếu là BS cấp cứu để đặt ống nội khí quản (vào miệng, chứ không vào mũi) thì BS khoa sẽ không vào phòng mổ sản phụ được, đây là chuyên khoa của BS Sản khoa. Còn nếu BS Khoa là BS Sản khoa thì cũng không nên đặt ống nội khí quản.

Ảnh chụp màn hình

4. Cuối cùng, bài viết không có tên bệnh viện nào cả. Vì nếu câu chuyện này có thật thì rất nhiều người đã biết và xác nhận.

Đại dịch Covid-19 để lại đau thương vô bờ bến với nhiều gia đình.

Giữa những nỗi đau tột cùng đó, những câu chuyện hy sinh cao đẹp (như vị mục sư lớn tuổi bên Ý nhường máy thở cho người trẻ hơn, tôi có viết stt tên ‘Cảm ơn Ngoại’ năm ngoái) làm cho nỗi đau Covid-19 nguôi ngoai, làm cho chúng ta gần hơn, và quý trọng cuộc sống này hơn.

Nhưng…

Sao lại có những người nỡ lòng nào đi lừa gạt niềm tin, vốn đã mong manh trong đại dịch Covid-19, bằng những câu chuyện giả tạo.

Họ không cần phải tạo câu chuyện giả, chỉ cần vào bất kỳ bệnh viện nào, theo dõi một ngày của nhân viên y tế, và viết một câu chuyện thật.

Câu chuyện thật đó cũng sẽ đẹp, thậm chí còn đẹp hơn câu chuyện giả tạo “BS Khoa”, vì tôi biết rằng các đồng nghiệp của tôi bên VN ngày đêm hy sinh, đã chọn bệnh nhân giữa người thân, đã làm việc kiệt sức lắm rồi.

Cái họ cần là sự cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ thật sự, chứ không cần những câu chuyện giả tạo.

Related posts