Lý Minh
Sáu tháng sau khi quân đội Myanmar lật đổ chính phủ dân sự của bà Aung San Suu Kyi, người dân quốc gia Đông Nam Á này tiếp tục sống trong lo sợ trong bối cảnh hỗn loạn kéo theo sau cuộc đảo chính. Không chỉ người dân mà cả các nhà sư Phật giáo cũng trở thành nạn nhân của chính quyền quân sự Myanmar. Theo tờ Buddhist Door, ít nhất 23 nhà sư được cho là đã bị giam giữ, một số người trong số họ đã bị tra tấn.
Nhà sư Yazina là một ví dụ. Ông là một nhà sư và giáo viên tại Tu viện New Masoeyin ở thành phố lớn thứ hai của Myanmar, Mandalay. Ông kể rằng mình đã tích cực biểu tình chống lại cuộc đảo chính trong hơn ba tháng, trong bối cảnh hàng trăm thường dân trên khắp đất nước mất mạng và hàng nghìn người bị bắt.
Ông Yazina nhớ lại “Chúng tôi vừa rời khỏi tu viện thì họ đến và bắt đầu nổ súng. Tất cả mọi người đã bỏ chạy một cách hoảng loạn. Tôi đã cố gắng nhảy lên một chiếc xe máy để chạy trốn nhưng họ dùng ô tô tông vào tôi”.
Nhà sư cho biết, sau đó ông đã bị ba người lính đánh liên tục trước khi bị bắt giam, bị buộc cởi áo và đưa đến trung tâm thẩm vấn tại Cung điện Mandalay. Tại đây, nhà sư Yazina cùng nhiều dân chúng phản đối quân đội đã bị tra tấn.
Một ví dụ khác. Ông Eainaka là một nhà sư khác cũng bị quân đội bắt giữ tại một cuộc biểu tình ở thành phố Mogok, miền bắc Myanmar. Sau đó, ông bị kết tội kích động và bị kết án ba năm tù.
Myanmar là một quốc gia chủ yếu theo Phật giáo Nam tông, nơi 88% dân số là Phật tử.
Theo nhà sư Min Thone Nya, các nhà sư già và có ảnh hưởng đã bị nhắm mục tiêu kể từ khi cuộc đảo chính bắt đầu. Ông nói: “Nếu họ thực sự muốn bảo vệ ‘chủng tộc và tôn giáo của chúng tôi’, họ sẽ không bắt giữ các nhà sư đáng kính vì lý do như thế này”.
Trụ trì Tu viện Myawaddy Mingyi, Ariyabiwuntha, ở Mandalay là nhà phê bình thẳng thắn đối với quân đội. Ông đã bị bắt vào tháng Hai, khi cuộc đảo chính mới bắt đầu. Vào thứ Hai vừa qua, ông đã được trả tự do.
Ông nói với Đài Á Châu Tự Do “Khoảng 20 cảnh sát đã đến tu viện để bắt giữ [tôi]. Như thường lệ, họ nói muốn tôi đi cùng để gặp sĩ quan cấp trên của họ. Họ giam tôi tại đồn cảnh sát qua đêm và ngày hôm sau họ đọc lệnh… rằng tôi bị buộc tội phỉ báng theo điều khoản 500”.
Ông kể lại “Mặc dù họ không tống tôi vào tù, một nhà sư vẫn là một nhà sư bởi vì chúng tôi đã xuất gia. Quần áo không làm thay đổi địa vị của tăng lữ. Chúng tôi giảng về công lý, dân chủ và nhân quyền phù hợp với Giáo pháp, như những biện pháp tốt cho mọi người. Nhưng họ xem đó là hoạt động chính trị. Nhiệm vụ của Tăng đoàn là dạy mọi người làm những điều đúng đắn và tránh điều ác. Không dễ để đối đầu với [một] chế độ độc tài, nhưng chúng ta phải lên tiếng vì lợi ích của đất nước”.
Vào ngày 31 tháng 7, Tổ chức phi chính phủ Giám sát Nhân quyền có trụ sở tại New York đã lên tiếng chỉ trích việc chính quyền quân đội đàn áp bạo lực các cuộc biểu tình và giam giữ những người bất đồng chính kiến.