Muôn nẻo đường đời

Nguyễn Mạnh Kim

Ảnh: Dấu chân người Việt trên đất Mỹ (trên một bức tranh tường ở Adams St, Dorchester, Boston, Massachusetts – ảnh: Lê Thanh Hiền)

Ra đi và dịch chuyển là xu hướng của thời đại, nhưng với người Việt, ra đi dường như là định mệnh dân tộc, từ quá khứ đến hiện tại.
Lịch sử Việt Nam là lịch sử những cuộc dịch chuyển. Đi để mở cõi, đi bởi chiến tranh, đi để khai phá, đi để lập nghiệp, đi để dựng lại đời, đi để kiến tạo tương lai…, tất cả chưa bao giờ dừng lại và vẫn mở ra những trang sống động và dữ dội, có khi gắn liền với những biến đổi lớn lao của lịch sử, cũng có khi chỉ đơn giản vì nhu cầu và đặc tính của sinh tồn. Từ sau 1975, “ra đi” còn được “mặc định” đồng nghĩa với rời bỏ quê hương chạy trốn chế độ cai trị độc tài cộng sản. “Đi-được-rồi” một thời có nghĩa là “vượt biên được rồi”, là “đã thoát được”, là “đã đặt chân đến Mỹ/Úc/Canada…”.

Điều mỉa mai một cách chua xót là cho đến tận thời điểm này, khi vết thương lịch sử thuyền nhân đã khép lại, người Việt, hết thế hệ này sang thế hệ khác, vẫn tiếp tục “ra đi” – những chuyến đi không còn bị ám ảnh bởi bỏ thây ngoài biển nhưng không phải không đau đớn, khi phải chia tay người thân và bỏ lại gia đình. Người ta đi để tỵ nạn môi trường, tỵ nạn giáo dục và dĩ nhiên cũng để tỵ nạn chính trị đối với không ít trường hợp. Điều này khiến những cuộc ra đi của người Việt trở nên khác biệt so với những bước chân ra đi và lập nghiệp của nhiều dân tộc khác.
https://d4c04510137cc78b8777661deed8b5f2.safeframe.googlesyndication.com/safeframe/1-0-38/html/container.html Dù thế nào, hành trình ra đi của người Việt nói chung không phải luôn bị giới hạn ở thời gian và không gian hoặc bởi nguyên cớ lịch sử. Dựng lại cuộc đời và kiến tạo tương lai mới là lý do lớn nhất khiến những bước chân Việt chưa bao giờ dừng. Người miền Tây bỏ ruộng bỏ vườn lên Sài Gòn; người miền Trung bỏ nhà bỏ cửa vào Nam; người miền Bắc nhiều thập niên qua vẫn nối tiếp những cuộc di cư mới, hàng chục năm sau cuộc cuồn cuộn di cư lịch sử 1954. Những chuyến “moving” của người Việt trên đất Mỹ, từ tiểu bang này sang tiểu bang khác, ngay thời điểm này, vẫn xảy ra trong dòng chảy cuộc đời…

Tất cả đều tạo ra những số phận mới và tương lai mới, trở thành những câu chuyện sống động trên bức tranh “muôn nẻo đường đời”. Góp nhặt lại những câu chuyện này sẽ có thể vẽ lên được bức tranh không chỉ thấp thoáng bóng dáng ký ức mà còn là những kinh nghiệm sống động quý giá đối với thế hệ người Việt hiện tại cũng như tương lai. Những câu chuyện này, khi được biên ra và gom góp lại, sẽ là những “hiện vật” sống động trong “viện bảo tàng” lưu giữ những dấu chân Việt.

Trong viện bảo tàng bằng chữ này, người ta sẽ thấy một “bảng hiệu tiệm phở” của người Việt được dựng ở Mỹ như thế nào; một cái “bánh chưng” đã không chỉ nuôi sống gia đình mà còn giúp con cái vào được đại học và thành đạt ở miền đất mới; một bàn tay “làm nail” đã nuôi dạy đàn con trở thành những kỹ sư, bác sĩ… Trong viện bảo tàng bằng chữ này, người ta cũng thấy một cái vali rách nát từng cất vài bộ quần áo cũ trên đường từ miền Tây lên Sài Gòn; một quyển vở úa màu thời gian từng ghi lại những dòng nhật ký nhớ nhà; một cái áo cũ gợi nhớ những ngày đại học sống khốn khổ thèm khát và thiếu thốn đến mức tiện tặn để dành thậm chí một điếu thuốc lá… Còn nhiều nhiều nữa những mảnh ký ức như vậy. Còn nhiều nữa những câu chuyện bôn ba thành đạt luôn cần được kể không chỉ riêng cho người thân gia đình hoặc bạn bè. Suy cho cùng, đó là những câu chuyện không chỉ là “thân phận” mà còn nói lên phẩm giá của người Việt nói chung.

“Muôn nẻo đường đời” cũng không chỉ là “tôi đã đi đâu và tôi đã làm gì”. Nó, nói một cách đơn giản, là những ghi chép về đời, về cuộc đời, về số phận, với sự đa dạng của cuộc sống và những thăng trầm vốn dĩ. “Muôn nẻo đường đời” không chỉ là những câu chuyện “trôi giạt” và “ra đi”. Nó là những câu chuyện đáng giá, đằng sau những quyết định đáng giá, với những thành công đáng giá. Chẳng có câu chuyện về bất kỳ số phận nào mà không có giá trị. Chẳng có chặng đường đời nào là hoàn toàn vô nghĩa và không đáng tự hào. Những nghịch cảnh xô đẩy dữ dội trên “muôn nẻo đường đời” được kể lại và lưu truyền luôn là những cảm hứng để người sau mạnh dạn dấn thân.
Đường đời, dù muôn nẻo, rốt cuộc chỉ gói gọn trong ý nghĩa của số phận con người và cũng mãi là sự kiếm tìm con đường sáng cho mình và con cái mình. Một điều chắc chắn rằng những bước chân Việt sẽ không dừng lại. Và như vậy, những gì được kể lại và chia sẻ ngày hôm nay sẽ không bao giờ là những câu chuyện cũ, những câu chuyện như-chỉ-mới-hôm-qua…
Đó là lý do Saigon Nhỏ tổ chức cuộc thi viết về “Muôn nẻo đường đời”. Hãy cùng chia sẻ để cùng kiến tạo nên một bức tranh sáng cho người Việt, hôm nay và ngày mai.

Related posts