Tin thế giới sáng thứ Ba

Afghanistan: Taliban chiếm được thủ phủ 5 tỉnh trong vài ngày

Trọng Nghĩa

image.png
Sinh hoạt trên một con đường ở thủ phủ Zaranj, tỉnh Nimruz ngày 07/08/2021, phía tây nam Afghanistan, sau khi quân Taliban đánh chiếm được nơi này. – AFP

Chiến sự tại Afghanistan đã bước sang giai đoạn mới, lực lượng Taliban đã giành quyền kiểm soát thủ phủ của sáu tỉnh chỉ trong vài ngày. Vào hôm 09/08/2021, đến lượt thành phố Aibak, thủ phủ tỉnh Samagan, miền bắc nước này rơi vào tay phiến quân. Đây là tỉnh lỵ thứ sáu bị Taliban kiểm soát, trên tổng số 34.

Riêng hôm qua, Taliban trong một ngày đã chiếm được ba thủ phủ là Kunduz, Sar-e-pul và Taloqan. Phiến quân đang tiến với tốc độ cực nhanh, trong bối cảnh các lực lượng nước ngoài rời khỏi đất nước này vào cuối tháng.

Từ Kabul, thông tín viên RFI Sonia Ghezali cho biết thêm chi tiết:

“Tại Taloqan, lực lượng an ninh Afghanistan với sự hỗ trợ của dân quân tự vệ đã kháng cự được trong vài tuần, nhưng vô ích. Thành phố ở phía đông bắc đất nước đã thất thủ vào ngày hôm qua.

Những cư dân còn ở lại đó đã nói đến các cuộc không kích nhằm đánh bật Taliban, họ mô tả những chiếc B52 trên bầu trời, những chiếc oanh tạc cơ khổng lồ của Hoa Kỳ. Đây là biểu tượng của sức mạnh quân sự Mỹ, nhưng đã không làm thay đổi được tình hình trên chiến trường.

Hàng ngàn gia đình đã không ngại hiểm nguy đến tính mạng để chạy trốn khỏi vùng chiến sự, trong lúc còn rất nhiều người bị kẹt lại. Qua điện thoại, một cư dân sống tại Kunduz cho biết: “Tôi rất muốn đi nhưng đã quá muộn, lực lượng Taliban đã dựng chốt cản khắp nơi”. Phụ nữ này thừa nhận rằng người dân tại chỗ cũng lo sợ trước nguy cơ bị thiệt mạng vì những vụ không kích vốn đã khiến nhiều thường dân bị chết oan.

Một số đoạn video cho thấy các cảnh tượng kinh khủng đã được lan truyền trên mạng xã hội từ vài ngày nay. Người ta thấy xác trẻ em trên đường phố với khuôn mặt không thể nhận ra vì thương tích, hoặc cảnh các em bị thất thần, không biết chạy đi đâu.

Tại khu vực miền nam Afghanistan, chiến sự rất dữ dội ở Kandahar và Lashkar Gah, thủ phủ của hai tỉnh mà mọi người đều dự đoán là sắp thất thủ.

Taliban đang tiến công với tốc độ chóng mặt, và với một sự dễ dàng đáng kinh ngạc.”

Trung, Nga tái lập tập trận rầm rộ vào lúc quan hệ căng thẳng với Mỹ

Trọng Nghĩa

image.png
Tập trận Nga – Trung ngoài khơi tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, ngày 19/09/2016. REUTERS/Stringer

Hơn 10.000 binh sĩ Trung Quốc và Nga dự kiến sẽ tham gia một cuộc tập trận kéo dài 5 ngày kể từ ngày 09/08/2021 tại một căn cứ huấn luyện chiến thuật ở khu tự trị Ninh Hạ miền tây bắc Trung Quốc. Giới quan sát cho rằng, cuộc tập trận này cho thấy Bắc Kinh và Matxcơva đang đẩy mạnh nỗ lực học hỏi lẫn nhau trong cách đối phó với Mỹ.

Theo ghi nhận của nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, đây sẽ là cuộc tập trận chung đầu tiên do Trung Quốc tổ chức kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng lên. Trong khi bộ Quốc Phòng Trung Quốc cho biết là cuộc tập trận sẽ tập trung vào việc chống khủng bố và bảo đảm an ninh, nội dung rèn luyện cũng bao gồm việc thành lập một trung tâm chỉ huy chung cũng như nâng cao khả năng trinh sát chung, cảnh báo sớm, tấn công điện tử và thông tin, cũng như các tập dượt tấn công chung khác.

Không chỉ thế, trong một thông báo gần đây, bộ Quốc Phòng Trung Quốc cho biết là vào cuối tháng Tám này, khu vực Tân Cương ở miền tây bắc Trung Quốc cũng là nơi tổ chức ba cuộc thi trong khuôn khổ Đại Hội Thể Thao Quân Đội Quốc Tế do Nga chủ xướng. Quân Đội Trung Quốc dự kiến sẽ cùng với Nga, Belarus, Ai Cập, Iran, Venezuela và Việt Nam trau dồi kỹ năng vận hành phương tiện chiến đấu, phóng tên lửa phòng không di động và trinh sát hạt nhân, sinh học và hóa học.

Vào tháng Chín tới đây, Trung Quốc dự kiến kết hợp một lần nữa với Nga, lần này cùng với Ấn Độ, Pakistan và các quốc gia Trung Á như Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan, trong một cuộc tập trận chống khủng bố của Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải.

Được đặt tên là “Sứ mệnh hòa bình-2021”, cuộc điễn tập của Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải sẽ diễn ra tại khu huấn luyện Donguz ở vùng Orenburg phía tây nam nước Nga.

Theo Vasily Kashin, một chuyên gia về quân sự và Trung Quốc tại Trường Kinh Tế Cao Cấp, một trường đại học nghiên cứu ở Matxcơva, các cuộc tập trận kể trên sẽ diễn ra sau giai đoạn Bắc Kinh và Matxcơva cùng giảm quy mô các hoạt động quân sự chung vì đại dịch. Thế nhưng, ngay cả trong thời kỳ đại dịch, Trung Quốc đã cố gắng tham gia cuộc tập trận chỉ huy chiến lược Kavkaz-2020 ở Nga vào năm ngoái, một cuộc diễn tập chiến lược thứ ba của Nga mà Trung Quốc tham gia, sau Vostok-2018 và Tsentr-2019.

Pháp: Luật mở rộng phạm vi áp dụng chứng nhận y tế bắt đầu có hiệu lực

Trọng Nghĩa  &Thu Hằng

image.png
Kiểm tra chứng nhận y tế Pass sanitaire của khách hàng qua điện thoại di động, tại một quán ăn ở Strasbourg, phía đông Pháp, ngày 09/08/2021. AFP – FREDERICK FLORIN


Kể từ hôm 09/08/2021, các quán bar, nhà hàng, rạp chiếu phim, bệnh viện, phương tiện giao thông giữa các tỉnh chỉ được quyền nhận những người có chứng nhận y tế gọi là “Pass sanitaire”. Luật mở rộng áp dụng này bắt đầu được áp dụng sau khi được Hội Đồng Bảo Hiến chuẩn y gần như hoàn toàn và bất chấp các cuộc biểu tình phản đối khắp nơi.

Theo quy định, từ hôm nay (09/08) đến 15/11/2021, người dân Pháp phải trình chứng nhận y tế khi vào một số nơi công cộng như các quán cà phê và nhà hàng (kể cả trong nhà và ngoài sân), một số trung tâm thương mại lớn (rộng trên 20.000 mét vuông), các bệnh viện (trừ trường hợp cấp cứu), các nhà dưỡng lão, các hội chợ, cũng như khi sử dụng các phương tiện giao thông đường trường như máy bay hoặc xe khách và xe lửa liên tỉnh hay quốc tế.

Trên thực tế, từ ngày 21/07 vừa qua, biện pháp này đã được áp dụng đối với những cơ sở giải trí hay văn hóa có sức chứa hơn 50 người, từ rạp hát, viện bảo tàng, cho đến các công viên giải trí, sở thú…

Chứng nhận y tế được cấp dưới dạng một mã QR, xác nhận là chủ nhân đã có được ít nhất là một trong ba điều kiện: đã tiêm chủng đầy đủ, đã xét nghiêm âm tính với virus trong vòng 72 tiếng đồng hồ trở lại, hoặc đã được chữa khỏi sau khi bị nhiễm Covid-19.

Người vi phạm hay sử dụng chứng nhận y tế giả mạo hay của người khác sẽ bị phạt rất nặng.

Hôm qua, chính phủ Pháp như muốn trấn an người dân khi xác định sẽ châm chước cho những ai vi phạm trong tuần lễ áp dụng đầu tiên.

Phát biểu với nhật báo Le Parisien, bộ trưởng Bộ Y Tế Olivier Véran cho rằng việc áp dụng chứng nhận y tế và đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng sẽ giúp nước Pháp khỏi bị giới nghiêm hay phong tỏa như trong thời gian qua.

Việc áp dụng được tiến hành như nào? Thu Hằng, tường trình từ ga Lyon :

“Một điều chắc chắn là các hàng cà phê, quán ăn ở ga Lyon, Paris, là những nơi áp dụng nghiêm ngặt nhất biện pháp mới. Nếu muốn ăn uống tại chỗ, khách hàng phải đưa chứng nhận y tế. Như tại cửa hàng  bán đồ ăn sẵn (Prêt à Manger), khi khách gọi đồ, ngoài câu hỏi thông thường như “tại chỗ hay mang đi”, nhân viên giờ hỏi thêm “ông/bà có chứng nhận y tế không?” nếu khách muốn dùng đồ tại chỗ. Một nhân viên an ninh đứng chặn lối, tay cầm máy kiểm tra chứng nhận y tế. Tất cả chỉ mất vài giây!

Ngược lại, chưa có thay đổi lớn tại những khu vực lên tầu. Hành khách vẫn chỉ phải quét mã vé lên những chiếc cửa tự động. Tuy nhiên, loa phóng thanh liên tục thông báo : “Theo quy định mới của chính phủ, hành khách sẽ phải có chứng nhận y tế để sử dụng phương tiện công cộng. Mỗi hành khách, một vé, một chứng nhận y tế và khẩu trang”.

Ngay trên chuyến tầu cao tốc đi Marseille, nhân viên soát vé mới chỉ nhắc cần có chứng nhận y tế và có thể sẽ đột xuất kiểm tra.

Ngày đầu áp dụng có thể chỉ mang tính nhắc nhở, như mỗi lần áp dụng một biện pháp hạn chế phòng dịch. Tuy nhiên, việc kiểm tra chứng nhận y tế sẽ được tiến hành nghiêm ngặt hơn, có thể huy động cả cảnh sát tham gia như đối với những chuyến tầu quốc tế”.

Covid-19 : Kỷ lục mới về số ca nhiễm và tử vong tại Iran

Thanh Phương

image.png
Dịch Covid-19 lại bùng phát dữ dội ở Iran. Một góc phố ở thủ đô Teheran, Iran ngày 07/07/2021. AFP – ATTA KENARE

Là quốc gia bị dịch Covid-19 nặng nhất ở vùng Trung Đông, Iran lại vừa lập một kỷ lục mới đáng buồn, với 39.600 ca nhiễm và 542 ca tử vong trong vòng 24 tiếng đồng hồ, theo các số liệu chính thức được công bố hôm 08/08/2021.

Từ Teheran, thông tín viên Siavosh Ghazi gởi về bài tường trình :

« Tình hình dịch bệnh không ngừng xấu đi, các giới chức y tế thẩm định là con số trên thực tế cao hơn từ 2 đến 3 lần so với con số chính thức.

Từ nhiều ngày qua, toàn bộ nước Iran đã biến thành vùng đỏ, các bệnh viện tràn ngập bệnh nhân, thuốc chữa bệnh đang khan hiếm hoặc được bán ở chợ đen với giá cắt cổ, theo lời kể của một bác sĩ xin được giấu tên :

Trong các bệnh viện công không còn chỗ nữa, còn trong các bệnh viện tư mà tôi biết được, phải đợi khi nào có một bệnh nhân chết hoặc xuất viện thì mới có thể cho một bệnh nhân khác nhập viện ngay. Về thuốc chữa bệnh, tình hình rất thê thảm. Chỉ có Thượng Đế mới biết được những gì sẽ xảy đến với chúng tôi trong hai tuần tới với các nghi lễ tôn giáo quy tụ nhiều người. Tôi chỉ hy vọng sẽ có một phép mầu.

Tuy vậy, trong những ngày qua, tiến độ chích ngừa đã tăng nhanh với tổng cộng 15 triệu liều được tiêm. Nhưng phải thêm nhiều tháng nữa toàn dân Iran mới được tiêm chủng. Chính quyền đã trông chờ vào các vac-xin tự chế, nhưng hiện giờ các liều vac-xin được sản xuất nhỏ giọt. Đó là lý do tại sao tình hình lại bi đát như thế. Iran đã phải đẩy nhanh việc mua vac-xin của nước ngoài, nhưng nhịp độ tiêm chủng hiện nay không đủ để kìm chế đại dịch. »

Khí hậu: Báo cáo của GIEC cho thấy tình hình ngày càng nghiêm trọng

image.png
Hình ảnh vụ cháy rừng tại Hy Lạp ngày 06/08/2021. Hiện tượng khí hậu cực đoan gây ra các vụ thiên tai lớn ngày càng phổ biến. AP – Thodoris Nikolaou

Hôm 09/08/2021, nhóm chuyên gia liên chính phủ về khí hậu của Liên Hiệp Quốc (GIEC) đã công bố báo cáo mới nhất của họ, khẳng định là biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh hơn mức mà chúng ta lo ngại và rõ ràng đó chính là do con người gây ra.

Có thể ghi nhận một số điểm chính như sau trong bản báo cáo :

Thứ nhất, trong mọi kịch bản, từ lạc quan nhất cho đến bi quan nhất, ngay từ năm 2030, nhiệt độ của Trái đất sẽ tăng thêm từ 1,5°C cho đến 1,6°C so với thời kỳ tiền công nghiệp, tức là sớm hơn 10 năm so với dự báo mà nhóm GIEC đưa ra cách đây 3 năm.

Thứ hai, các « đồng minh » của khí hậu ngày càng suy yếu. Từ năm 1960 đến nay, các khu rừng, mặt đất và đại dương vẫn hấp thụ 56% khí CO2 do các hoạt động của con người thải ra trong bầu khí quyển. Nếu không có những « đồng minh » này, hành tinh của chúng ta đã trở nên nóng hơn rất nhiều và con người không thể sống được trên Trái đất. Nhưng tỷ lệ khí CO2 mà các « giếng cacbon » hấp thụ được dự báo sẽ giảm đi trong thế kỷ này.

Thứ ba, bản báo cáo của GIEC nhấn mạnh là với những tiến bộ mới của khoa học, kể từ nay có thể định lượng vai trò của hiện tượng hâm nóng bầu khí quyển trong một hiện tượng thời tiết cực đoan cụ thể.

Thứ tư, mực nước biển đã dâng cao thêm 20cm tính từ năm 1900 và nhịp độ tăng mực nước biển đã nhanh gấp 3 trong 10 năm qua, do tác động của hiện tượng tan chảy các sông băng. Nếu nhiệt độ Trái đất tăng thêm 2°C, mực nước của các đại dương có thể dâng cao thêm 50cm và mức tăng này có thể lên tới gần 2 mét từ đây đến năm 2300, tức là tăng gấp đôi so với dự báo của GIEC 2019. Trong kịch bản bi quan nhất, các chuyên gia thậm chí không loại trừ khả năng mực nước biển sẽ dâng cao thêm 2 mét ngay từ năm 2100.

Thứ năm, chưa bao giờ GIEC báo động nhiều như thế về khí methan CH4, khí phát thải gây hiệu ứng lồng kính nhiều thứ nhì sau khí CO2. Theo các chuyên gia Liên Hiệp Quốc, nếu lượng khí phát thải CH4 không được cắt giảm, nhân loại sẽ không thể đạt được các mục tiêu về khí hậu của Hiệp định Paris.

Theo lời thủ tướng Boris Johnson của Anh Quốc, nước chủ nhà của hội nghị quốc tế về khí hậu COP26, báo cáo lần này của GIEC là một lời « cảnh báo nghiêm khắc nhất từ trước đến nay » về tác động của hoạt động con người đối với hành tinh của chúng ta. Đây cũng là ý kiến của chủ tịch COP26 Alok Sharma, trả lời phỏng vấn tờ báo The Observer hôm qua. Hội nghị COP 21 sẽ diễn ra ở Glasgow vào tháng 11 tới.

Bóng dáng Putin phía sau chế độ Belarus, “nỗi nhục” của châu Âu

Cách đây đúng một năm, ngày 09/08/2020, cử tri Belarus đã bày tỏ ý hướng thay đổi, nhưng tổng thống nắm quyền từ năm 1994 lại chẳng muốn ra đi, làm giả kết quả bầu cử. Chế độ thẳng tay đàn áp các công dân dám biểu tình chống lại nhà độc tài Alexandre Loukachenko. Ông ta sống sót nhờ vào sự hỗ trợ quý giá của Matxcơva và nhất là cơ quan tình báo Nga FSB.

Sau khi nhận ra rằng vũ lực không đè bẹp được phong trào phản kháng đông đảo, Loukachenko chuyển sang nhắm vào các mục tiêu cụ thể. Trong vòng một năm, đã có trên 35.000 người bị bắt, bị tra tấn và ngược đãi trong nhà tù. Các bản án ngày thêm nặng nề, các nhà báo và trí thức bị truy lùng. Một trong những khuôn mặt hàng đầu của phong trào là Maria Kolesnikova bị bắt cóc ngay trên đường phố nhưng nhảy được ra khỏi xe, xé hộ chiếu để khỏi bị trục xuất và nay đang trong nhà tù, có nguy cơ lãnh án 12 năm tù giam. Đàn áp nặng nề đến nỗi thủ lãnh đối lập lưu vong Svetlana Tsikhanovskaia quyết định không kêu gọi xuống đường kỷ niệm một năm ngày khởi đầu phong trào 09/08.

Loukachenko không dừng ở đây mà còn truy sát các nhà đối lập bên ngoài biên giới. Hồi tháng Năm, một nhà báo đối lập sống lưu vong ở Litva đang trên máy bay đã bị chế độ cho chiến đấu cơ buộc hạ cánh xuống Minsk để bắt giữ. Và mới đây ngày 02/08 một nữ vận động viên dự Thế vận hội Tokyo suýt nữa bị cưỡng bức về nước, trong khi nhà hoạt động Vitali Chichov 26 tuổi bị phát hiện trong tư thế treo cổ với nhiều vết thương tại một công viên ở Kiev.

Không chỉ đàn áp công dân mình, Loukachenko còn biến Belarus thành một Nhà nước côn đồ ở châu Âu bằng món võ tị nạn : từ nhiều tuần qua Litva phải chịu đựng làn sóng di dân ồ ạt từ Irak, Syria và châu Phi, họ vượt biên từ Belarus sang sau khi được máy bay chở đến Minsk. Le Monde cho rằng Liên Hiệp Châu Âu cần phải tự vệ, và đừng quên phía sau chế độ đã trở thành nỗi nhục của châu Âu, là Vladimir Putin, người đang nắm chiếc chìa khóa về số phận Loukachenko.

Bà Melania Trump đáp trả nhà sử học khi ông cáo buộc bà phá hủy lịch sử với việc thiết kế lại khu vườn ở Tòa Bạch Ốc

Melania Trump hôm Chủ nhật đã phản pháo lại nhà sử học Michael Beschloss, người đã buộc tội bà phá hủy lịch sử nước Mỹ với việc thiết kế lại Vườn Hồng của Tòa Bạch Ốc, bà đã gọi ông là người “dốt nát và đáng khinh”, bà nói rằng ông ấy không thể được tin cậy như một nhà sử học chuyên nghiệptờ Daily Mail cho hay.

Beschloss, một nhà sử học về các tổng thống và là tác giả của chín cuốn sách, đã chỉ trích việc cải tạo khu vườn của bà Trump khi sắp đến gần ngày kỷ niệm một năm thiết kế lại.  

Ông viết: “Việc sửa chữa Vườn hồng của Tòa Bạch Ốc đã được hoàn thành một năm trước vào tháng này, và đây là kết quả nghiệt ngã – hàng thập kỷ lịch sử của nước Mỹ đã biến mất”.

Tweet của Beschloss đã lan tỏa mạnh mẽ vào thứ Bảy sau khi ông đăng nó, khi người dùng tham gia vào những lời chỉ trích của ông này. Tweet của ông đã thu hút được gần 5.000 lượt tweet lại và hơn 1.000 bình luận. 

Nhưng bà Melania đã đáp trả lại, chỉ ra bức ảnh trong dòng tweet của ông cho thấy khu vườn đang ở giai đoạn đầu. Bà đăng một bức ảnh gần đây về Vườn hồng, nơi những bông hoa màu hồng và trắng đang nở rộ và phát triển mạnh.

Văn phòng của cựu đệ nhất phu nhân viết trên Twitter rằng:  “Beschloss đã chứng minh sự thiếu hiểu biết của mình bằng cách đưa ra một bức ảnh về Vườn Hồng trong thời kỳ sơ khai.  Thông tin sai lệch của ông ta là đáng ghê tởm và ông ta không bao giờ nên được tin cậy như một nhà sử học chuyên nghiệp”.

Melania Trump đã công bố việc cải tạo Vườn Hồng vào tháng 8 năm ngoái, một dự án mà bà đã thực hiện trong nhiều tháng. Được trả bằng các khoản đóng góp tư nhân, bà Trump đã trả lại khu vườn về với dáng vẻ ban đầu của nó, nhằm tôn vinh thiết kế ban đầu của Bunny Mellon, được thực hiện theo yêu cầu của Tổng thống John F. Kennedy vào năm 1962. 

Nhưng bà Melania Trump cũng bị chỉ trích vì loại bỏ những cây táo được trồng ở đó vào thời Kennedy, điều mà các quan chức cho biết đã được thực hiện vì các cây này tạo ra quá nhiều bóng râm kìm hãm các cây khác phát triển.

Và các nhà bình luận trên mạng xã hội đã khen ngợi diện mạo mới của khu vườn. 

Các sự kiện gần đây trong Vườn Hồng cho thấy những bông hoa nở rộ. Một số cây đã phát triển chiều cao tới 3 hoặc 4 feet. Có những bông hoa hồng rực rỡ xen lẫn với những bông hồng trắng nhạt và những cây tím dịu. 

Vào tháng 5, bà Jill Biden cũng đã đăng một bức ảnh tuyệt đẹp về  Vườn Hồng của Tòa Bạch Ốc, tôn vinh vẻ ngoài của nó.

Học giả Gordon Chang: Hai điều cho thấy chính quyền Trung Quốc ‘cố tình lây lan virus’

image.png

Chuyên gia về Trung Quốc Gordon Chang cho biết trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Mỹ hôm thứ Bảy (ngày 7/8) rằng, các hành động chống dịch của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) được thực hiện vào tháng 12/2019 và tháng 1/2020 đã hạn chế sự lây lan của virus trong nước họ, nhưng đồng thời lại thúc đẩy COVID-19 lây lan trên toàn thế giới. Điều này chỉ ra rằng ĐCSTQ đang “cố tình lây truyền căn bệnh này (ra thế giới)”.

Ông Chang đã đưa ra quan điểm trên trong một cuộc phỏng vấn với chương trình “The Count” của kênh truyền thông Mỹ Newsmax.

Ông nói rằng, sau khi dịch bệnh ở Vũ Hán bùng phát, lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã nói dối về khả năng lây lan của dịch bệnh và gây áp lực lên các quốc gia khác trong khi phong tỏa đất nước của ông ta. Khi đó, Trung Quốc đã yêu cầu các quốc gia khác không áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại và kiểm dịch đối với những người nhập cảnh đến từ Trung Quốc.

Ông Chang nói: “Bạn đặt hai sự việc này lại với nhau, thực ra còn có nhiều điều hơn nữa, nhưng nếu bạn chỉ gộp hai thứ này lại với nhau thì [cũng đủ để] cho thấy đây là một hành vi cố tình lây bệnh”.

Nếu Bắc Kinh không phải trả giá, họ có thể sẽ gây ra thảm họa tiếp theo

Chuyên gia này cũng nói, các lãnh đạo ĐCSTQ biết rằng COVID-19 đã lây lan đến các nơi trên thế giới, giết chết hàng triệu người nhưng họ lại không phải chịu bất kỳ hình phạt nào, vậy thì tiếp theo đây họ có thể làm lây lan một loại bệnh tật khác mà không bị trừng phạt.

“Chúng tôi biết rằng các nhà nghiên cứu quân sự Trung Quốc đang nghiên cứu các mầm bệnh mà họ gọi là cuộc tấn công gen của chủng tộc riêng biệt”. Ông Chang nói rằng, cuộc tấn công gen di truyền mang tính chủng tộc này là để làm cho người Trung Quốc miễn dịch và làm cho người dân ở các nước khác bị ốm hoặc bị giết.

“Vì vậy, nếu chúng ta muốn bảo vệ đất nước của mình, chúng ta phải chế định các biện pháp để khiến ĐCSTQ phải trả giá, để Trung Quốc không làm như vậy nữa”, ông nói.

Ông Chang cũng cho biết, ĐCSTQ thực sự muốn thấy chính phủ Hoa Kỳ bị lật đổ. “Họ (ĐCSTQ) đã kích động bạo lực trên đường phố của chúng ta vào năm ngoái. Đây là một hành vi chiến tranh. Một lần nữa, Trung Quốc làm như vậy mà không phải trả bất kỳ giá nào”.

Báo cáo Hạ viện Mỹ: Virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán

Nguồn gốc của COVID-19 ngày càng thu hút nhiều sự chú ý của các nhà lập pháp Hoa Kỳ. Vào ngày 2/8, thành viên Đảng Cộng hòa, người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, Trưởng nhóm Công tác Trung Quốc của Hạ viện Mỹ – ông Michael McCaul đã công bố báo cáo truy xuất nguồn gốc COVID-19 phiên bản cập nhật. Báo cáo chỉ ra rằng, một lượng lớn bằng chứng cho thấy virus đã bị rò rỉ từ Viện Virus học Vũ Hán (WVI).

Theo báo cáo, vào tháng 9/2019, kho dữ liệu giải trình tự gen của phòng thí nghiệm Vũ Hán đã bị đóng cửa vào lúc nửa đêm. Có thể thấy rằng họ đang cố gắng “che giấu” hoặc “che đậy” một số vấn đề đáng lo ngại.

Ông McCaul cho biết, các hình ảnh vệ tinh cùng thời điểm đó cho thấy hoạt động khám bệnh tại các bệnh viện gần phòng thí nghiệm Vũ Hán có sự gia tăng.

Báo cáo viết, theo các hình ảnh vệ tinh của Vũ Hán trong tháng 9 và tháng 10/2019, số người đến khám bệnh tại các bệnh viện địa phương gần trụ sở của Viện Virus học Vũ Hán đã tăng lên đáng kể, và số lượng bệnh nhân có các triệu chứng tương tự như nhiễm Coronavirus mới cũng đã tăng lên một cách bất thường.

Ông McCaul nhấn mạnh rằng ĐCSTQ đã thực hiện “một vụ che đậy lớn nhất trong lịch sử nhân loại”.

Mỹ bắt giữ 800 trẻ không người đi kèm vượt biên giới trái phép chỉ trong 1 ngày

Hồi tuần trước, các nhân viên biên giới Mỹ đã bắt giữ 834 trẻ em không có người đi kèm vượt qua biên giới phía nam nước này một cách bất hợp pháp, đánh dấu tổng số lượng trẻ bị bắt giữ hàng ngày cao nhất được ghi nhận kể từ khi chính quyền ông Biden bắt đầu công bố dữ liệu này vào tháng Ba.

Hãng tin Washington Examiner là bên đầu tiên đưa tin về dữ liệu này, dựa trên số liệu sơ bộ của Bộ An ninh Nội địa (DHS) Mỹ cho thấy, các vụ vượt biên giới Mỹ trái phép vào tháng Bảy của trẻ vị thành niên không có người đi kèm sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại.

Các nhà lập pháp từ cả hai đảng lớn của Hoa Kỳ đã lên tiếng chỉ trích chính quyền ông Biden. Họ nhận định, chính quyền của ông đã thiết lập các chính sách mà họ cho là thúc đẩy sự gia tăng khủng hoảng vượt biên giới.

Tin tức này đã thu hút một bình luận chỉ trích từ phía Thượng nghị sĩ Cộng hòa Tom Cotton (Arkansas). Trong một bài đăng trên Twitter, ông Cotton đã viết rằng: “Chính sách rộng mở biên giới của ông Biden là một thảm họa”.

Các thành viên của chính quyền ông Biden đã bác bỏ tuyên bố rằng, các chính sách của họ là nguồn cơn thúc đẩy xu hướng vượt biên trái phép này. Họ đổ lỗi cho các yếu tố có tính mùa vụ cùng những “nguyên nhân gốc rễ” chưa được giải quyết ở các nước sở tại khiến người dân các nước này phải rời bỏ nhà cửa của mình. Ngoài ra, một lý do khác mà họ thường xuyên viện dẫn, trích theo lời của Bộ trưởng DHS là ông Alejandro Mayorkas nói, là do hệ thống nhập cư “nham nhở” thời cựu Tổng thống Trump đang cản trở việc tân chính quyền Mỹ ứng phó với cuộc khủng hoảng nhập cư trái phép hiện thời.

Hồ sơ về vụ bắt giữ trong một ngày vào hôm 4/8 được đưa ra chỉ vài ngày sau khi trợ lý thư ký David Shahoulian về chính sách biên giới và nhập cư tại DHS ước tính trong hồ sơ tòa án rằng, trong tháng Bảy dọc theo biên giới phía nam nước Mỹ đã phát hiện hơn 19.000 trẻ em không có người đi kèm. Đây là mức cao kỷ lúc mới trong mọi thời đại kể từ khi nước Mỹ khai sinh.

Đây mới chỉ là các số liệu sơ bộ, và Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (Customs and Border Protection – CBP) vẫn chưa đưa ra dữ liệu chính thức cho tháng Bảy vào cơ sở dữ liệu các vụ bắt giữ của mình. Tuy vậy, con số mà trợ lý Shahoulian trích dẫn đã vượt qua mức cao nhất trước đó vào tháng Ba, khi có 18.877 trẻ em vượt biên mà không có cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp đi kèm.

Trẻ em không có người đi kèm được miễn áp dụng chính sách Tiêu đề 42, trong đó cho phép nhân viên chính phủ trục xuất ngay lập tức bất kỳ ai bị bắt khi vượt qua biên giới Mỹ bất hợp pháp mà không cần điều trần. Chính sách này được đề ra như một biện pháp để giảm nguy cơ lây truyền COVID-19 từ ngoài vào nước Mỹ.

Chính quyền ông Biden tiếp tục trục xuất những người trưởng thành độc thân và các gia đình theo quyền Tiêu đề 42, vốn đã được sử dụng để trục xuất 104.907 người chỉ trong tháng Sáu.

Hôm thứ 2/8, chính quyền ông Biden đã gia hạn thêm thời gian áp dụng Tiêu đề 42. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ thông báo rằng, biện pháp này sẽ được duy trì “cho đến khi Giám đốc CDC xác định rằng, nguy cơ đưa thêm COVID-19 vào Hoa Kỳ từ những người không phải là công dân được bảo đảm không còn là mối nguy hiểm nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng” của nước này.

Theo các quan chức DHS, tỷ lệ các cá nhân bị bắt giữ sau khi vượt biên trái phép có kết quả xét nghiệm dương tính với virus Corona Vũ Hán gây ra đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) đã “tăng đáng kể” trong những tuần gần đây.

Tòa Đại sứ Mỹ thúc giục người Mỹ ngay lập tức rời Afghanistan

Tòa Đại sứ Mỹ tại Kabul thúc giục người Mỹ rời khỏi Afghanistan càng sớm càng tốt khi phiến quân nổi dậy Taliban đã tiến vào thủ phủ của tỉnh Jawzjan, miền Bắc Afghanistan vào thứ Bảy, chưa đầy 24 giờ sau khi giành quyền kiểm soát thủ phủ Zaranj của tỉnh Nimroz. Điều này làm dấy lên lo ngại nhóm Hồi giáo cực đoan sẽ nắm quyền kiểm soát đất nước sau khi lực lượng Hoa Kỳ hoàn thành đợt rút quân, NBC News đưa tin.

Taliban đã tiến vào thủ phủ của tỉnh Jawzjan, miền Bắc Afghanistan, một nhà lập pháp của tỉnh này nói với hãng tin AP. Một phát ngôn viên của Taliban cũng nói với NBC News rằng họ đã giành quyền kiểm soát thành phố Sheberghan, chưa đầy 24 tiếng sau khi thủ phủ Zaranj của tỉnh Nimroz thất thủ, đồng thời các tỉnh trong cả nước đứng trước nguy cơ rơi vào tay Taliban sau cuộc tấn công nhanh chóng của phiến quân nổi dậy.

Thứ Sáu ngày 6/8, Zaranj, thủ phủ của tỉnh Nimroz ở phía Tây Nam Afghanistan trở thành thủ phủ đầu tiên rơi vào tay Taliban vào, kể từ khi lực lượng Hoa Kỳ bắt đầu rút khỏi đất nước. Phiến quân đang tiến hành một cuộc tấn công xuyên qua đất nước với tốc độ khiến chính họ phải kinh ngạc.

Trong cùng ngày thứ Sáu (6/8), phiến quân Taliban đã phục kích và ám sát ông Dawa Khan Menapal, người đứng đầu Trung tâm Truyền thông Quốc gia ở Kabul, là người thay mặt chính phủ Afghanistan điều phối các kênh truyền thông trong và ngoài nước, The Epoch Times đưa tin.

Hàng ngàn người dân phải rời khỏi nhà của họ để tìm nơi ẩn náu do súng đạn giao tranh cũng như tránh xa viễn cảnh về sự tái thiết lập của một chế độ hà khắc từng cai trị đất nước trước năm 2001.

NBC News dẫn lời một quan chức chính phủ tỉnh Nimroz yêu cầu giấu tên cho biết, tình hình hiện rất đáng sợ. Cô nói: “Taliban đã kiểm soát toàn bộ thành phố. Kể từ đêm qua, họ đã lần lượt tới gõ cửa từng người từng người trong chính phủ”.

Trong một tuyên bố hôm thứ Bảy, Taliban đã tìm cách trấn an các cán bộ công chức ở các thủ phủ tỉnh mới bị họ chiếm đóng, những người mà họ cho rằng đang cố gắng “chạy trốn sang Iran và những nơi khác cùng gia đình của họ”.

Người quan chức cho biết, nếu ở lại, người dân lo sợ vận mệnh của họ đen tối hơn. Họ đều cảm thấy khiếp sợ và bỏ chạy.

“Suốt 20 năm làm việc để đấu tranh vì quyền của phụ nữ, vì một xã hội tốt đẹp hơn, vì quyền bình đẳng, vì sự cải thiện của phụ nữ, tôi không thể chấp nhận việc Taliban phá hủy tất cả những thành tựu này”, cô nói.

Quan chức này cũng cho biết cô cảm thấy bị Mỹ “bỏ rơi” trong bối cảnh quân đội Mỹ rút lui khỏi đất nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề sau hai thập kỷ chiến tranh.

Trong thời gian nắm nắm quyền từ năm 1996 đến năm 2001, Taliban đã thực thi một phiên bản Hồi giáo hà khắc, cấm phụ nữ và trẻ em gái trở tham gia cuộc sống xã hội trong cộng đồng.

Phiến quân cũng gây ra hàng loạt vụ ám sát, chủ yếu nhắm vào những phụ nữ nổi tiếng, nhà báo, thẩm phán và những người khác đang chiến đấu cho nền tự do ở đất nước này.

Gần đây, nhóm này cho biết họ đã chiếm được hơn một nửa lãnh thổ Afghanistan, bao gồm cả các cửa khẩu biên giới chiến lược.

Không quân Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ không quân Afghanistan ném bom các mục tiêu của Taliban ở các tỉnh phía Nam Helmand và Kandahar khi lực lượng an ninh Afghanistan cố gắng ngăn chặn sự chiếm đóng của Taliban.

Hôm thứ Bảy ngày 7/8, các tòa đại sứ Hoa Kỳ và Anh tại Kabul một lần nữa cảnh báo công dân của họ “ngay lập tức” dời đi khi tình hình an ninh xấu đi.

Tòa Đại sứ Hoa Kỳ kêu gọi công dân Hoa Kỳ rời khỏi Afghanistan ngay lập tức bằng các lựa chọn chuyến bay thương mại có sẵn. Họ cảnh báo rằng, trong điều kiện an ninh và biên chế giảm do bạo lực và đe dọa leo thang, khả năng hỗ trợ của Đại sứ quán rất hạn chế ngay cả ở Kabul. Đồng thời, tư vấn Du lịch cho Afghanistan vẫn là Cấp độ 4-Không nên Đi du lịch do tội phạm, khủng bố, bất ổn dân sự, bắt cóc, xung đột vũ trang và COVID-19. Các chuyến bay nội địa và các tuyến đường vận chuyển mặt đất bên ngoài Kabul bị hạn chế rất nhiều và có thể bị hủy hoặc đóng cửa.

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết hôm thứ Sáu ngày 6/8, các cuộc tấn công tiếp tục của Taliban ngày càng trở nên đẫm máu. Ông nói, nếu Taliban tiếp tục hành động bạo lực, họ sẽ bị cộng đồng quốc tế tẩy chay cũng như bị chối bỏ bởi chính những người dân mà họ muốn cai trị, NBC News cho hay.

Hoa Kỳ lật đổ Taliban vào năm 2001 sau khi nhóm này che chở cho Osama bin Laden, kẻ sáng lập tổ chức khủng bố al Qaeda đã thực hiện vụ tấn công khủng bố Trung tâm thương mại New York ngày 11/9 và gây ra cuộc chiến dài nhất của nước Mỹ.

Cuộc chiến đã cướp đi sinh mạng của khoảng 2.300 lính Mỹ. Theo một nghiên cứu của Đại học Brown, từ năm 2001 đến năm 2018, khoảng 58.000 quân đội và cảnh sát Afghanistan đã thiệt mạng vì bạo lực.

Tháng trước, Tổng thống Joe Biden cho biết sứ mệnh quân sự của Hoa Kỳ tại nước này sẽ kết thúc vào ngày 31/8, sớm hơn so với thông báo ban đầu.

Đầu năm nay, Tổng thống Biden tuyên bố Mỹ sẽ chấm dứt cuộc chiến kéo dài gần hai thập kỷ ở Afghanistan và rút gần như toàn bộ quân đội Mỹ ra khỏi đất nước. Kể từ khi tuyên bố, Taliban đã giành được quyền kiểm soát hầu hết các vùng nông thôn của Afghanistan và tham gia vào một chiến dịch ám sát các phi công của lực lượng không quân Afghanistan, Yahoo News cho hay.

“Chúng tôi không thể tiếp tục chu kỳ kéo dài hoặc mở rộng sự hiện diện quân sự của chúng tôi ở Afghanistan với hy vọng tạo điều kiện lý tưởng cho việc rút quân của chúng tôi, mong đợi một kết quả khác”, Tổng thống Biden nói vào tháng Tư. “Tôi hiện là tổng thống Mỹ thứ tư chủ trì sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Afghanistan. . . . Tôi sẽ không chuyển trách nhiệm này cho người kế nhiệm của tôi”.

Related posts