Tin VN chiều thứ Năm: Bắt giám đốc làm giả hàng trăm giấy xét nghiệm COVID-19. Máy thở giá 455 triệu, nhưng thối giá lên 960 triệu

Hiểu Minh

Bắt giám đốc làm giả hàng trăm giấy xét nghiệm COVID-19

Dân Trí – Công an thành phố Bắc Ninh vừa bắt giữ Trần Tấn Dương – Giám đốc Công ty TNHH thiết kế in quảng cáo Thiên Nhân về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Ngày 11/8, Công an thành phố Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) kiểm tra Văn phòng Công ty TNHH thiết kế in ấn quảng cáo Thiên Nhân tại khu Chu Mẫu, phường Vân Dương do Trần Tấn Dương (sinh năm 1987, trú tại tỉnh Đồng Tháp) làm giám đốc.

Tại công ty in, lực lượng chức năng phát hiện Dương đang có hành vi bán 5 phiếu kết quả xét nghiệm COVID-19 test nhanh; 1 phiếu kết quả xét nghiệm COVID-19 Realtime-PCR và 6 phiếu thu tiền nghi là giả của Công ty Cổ phần bệnh viện quốc tế Hoàn Mỹ cho Vũ Văn Chiến sinh (SN 1989, ở Bắc Ninh) với số tiền là 1.000.000 đồng. Tổ công tác đã tiến hành lập biên bản, tạm giữ số phiếu xét nghiệm và số tiền nêu trên.

Quá trình điều tra ban đầu, lực lượng chức năng xác định Dương là Giám đốc Công ty TNHH thiết kế in ấn quảng cáo Thiên Nhân, có trụ sở tại Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh và mở thêm Văn phòng tại khu Chu Mẫu, Phường Vân Dương, Thành phố Bắc Ninh.

Nắm bắt được nhu cầu của công nhân và các lái xe đường dài, lái xe cho các công ty trong các khu công nghiệp cần có phiếu xét nghiệm Covid-19 để đi lại và vào làm tại các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh, Dương nghĩ cách làm giả phiếu xét nghiệm Covid-19 của Công ty Cổ phần bệnh viện quốc tế Hoàn Mỹ ở phường Võ Cường, Thành phố Bắc Ninh để bán kiếm lời.

Bước đầu Dương khai nhận qua thủ đoạn nêu trên đã bán được khoảng 200 phiếu kết quả xét nghiệm COVID-19 giả, chủ yếu bán cho công nhân, với giá 150.000 đồng đối với phiếu xét nghiệm nhanh và 250.000 đồng đối với phiếu xét nghiệm Realtime – PCR.

4 người bị vùi lấp khi đang ngủ say

Dân Trí – Rạng ráng ngày 12/8, đoạn bờ kè ở phường Bãi Cháy (TP Hạ Long, Quảng Ninh) bất ngờ sạt lở vùi lấp 4 công nhân, trong đó 3 người tử vong, 1 người bị thương nặng đang được cấp cứu trong bệnh viện.

Vụ việc xảy ra vào khoảng 4h ngày 12/8, tại khu dân cư thuộc tổ 8, khu 4, phường Bãi Cháy, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Thêm gần 218.000 liều vaccine COVID-19 Pfizer về Việt Nam

Laodong – Tuần này sẽ có thêm gần 218.000 liều vaccine phòng COVID-19 của Pfizer về Việt Nam. Trong quý 3 tới, số lượng vaccine về có thể chưa nhiều nhưng tới quý 4 thì dồn dập. Riêng vaccine Pfizer sẽ về Việt Nam khoảng từ 47- 50 triệu liều.

Đến nay đã có khoảng hơn 18 triệu liều vaccine COVID-19 về Việt Nam bằng các nguồn khác nhau, trong 2 tuần lại đây, tiến độ tiêm chủng được đẩy mạnh, trung bình mỗi ngày tiêm gần 400.000 mũi.

TP.HCM đang là địa phương được phân bố và có tỉ lệ tiêm vaccine cao nhất cả nước. Hiện TP được phân bổ 5.075.270 liều vaccine; trong đó đã tiêm 3.598.687, tỉ lệ đã tiêm mũi 1 đạt 51.66% dân số trên 18 tuổi.

Hà Nội: Thành phố đã bỏ, huyện vẫn yêu cầu người đi đường có lịch trực và lịch làm việc

Người lao Động – Ngày 11/8, nhằm tăng cường, siết chặt việc cấp, sử dụng giấy đi đường, UBND huyện Đông Anh (TP Hà Nội) đã ban hành văn bản, trong đó có nội dung vẫn sẽ kiểm tra lịch trực, lịch làm việc kèm theo của các trường hợp lưu thông trên địa bàn.

Theo huyện Đông Anh, văn bản này nhằm tăng cường và siết chặt công tác cấp, sử dụng giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội. Vì vậy, huyện yêu cầu các xã, thị trấn; các cơ quan, đơn vị, các ngân hàng và công dân trên địa bàn huyện thực hiện nghiêm nhiều nội dung để phòng, chống dịch.

Tuy nhiên, sau khi huyện Đông Anh ban hành văn bản trên, nhiều người dân cho rằng những nội dung trong văn bản do huyện Đông Anh vừa ban hành là trái với quy định người đi đường không phải mang theo lịch trực, lịch làm việc mà TP. Hà Nội ban hành ngày 10/8 vừa qua.

Giải về sự việc trên với báo Người Lao Động vào tối 11/8, ông Nguyễn Xuân Linh, Chủ tịch huyện Đông Anh, cho biết do địa phương hiện vẫn là vùng có dịch và đang thực hiện giãn cách xã hội nên chính quyền huyện mong muốn người dân nếu không có việc thật sự cần thiết thì không nên ra đường. Văn bản trên chỉ muốn tuyên truyền, vận động cho người dân hiểu rằng nếu thật sự cần thiết thì mới ra ngoài đường.

Huyện chỉ yêu cầu cứng như vậy nhưng trong quá trình thực hiện thì không bắt buộc cứng như vậy. 

Trước đó, ngày 7/8, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch TP. Hà Nội, đã ký, ban hành văn bản về việc siết chặt cấp và sử dụng giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội. Theo đó ngoài giấy đi đường, Hà Nội đề nghị người đi đường phải xuất trình kèm theo: Căn cước công dân/Chứng minh thư nhân dân, lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

Văn bản này sau đó đã bị dư luận đã chỉ trích gay gắt. Trên thực tế khi triển khai văn bản này cũng đã xuất hiện nhiều bất cập. Ngay sau đó, Hà Nội đã bỏ quy định yêu cầu người dân phải có thêm lịch trực, lịch làm việc khi ra đường; chỉ cần có giấy đi đường và giấy tờ tùy thân.

Bộ Y tế yêu cầu làm rõ vụ máy thở giá 455 triệu, nhưng thối giá lên 960 triệu

Hà Phương

Ảnh minh họa.

Trong công văn gửi Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển y tế An Sinh, ngày 11/8, Bộ Y tế yêu cầu “rà soát và giải trình rõ lý do công bố giá cao đột biến, chênh lệch tới khoảng 210% so với báo giá”.

Cụ thể, theo báo VnExpress, máy thở model MV2000 EVO5 do Hàn Quốc sản xuất, được Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển y tế An Sinh nhập khẩu, báo giá bán 455 triệu đồng nhưng kê khai trên Cổng Công khai y tế 960 triệu.

Bộ Y tế cho rằng chênh lệch giá này (nếu có) là quá lớn, làm ảnh hưởng đến việc tra cứu, lập kế hoạch của các đơn vị mua sắm và giảm hiệu quả của việc công khai giá.

Hình ảnh bệnh nhân sử dụng máy thở. Ảnh minh họa.

Nếu công ty không giải trình trước ngày 13/8, Bộ Y tế sẽ tạm dừng tài khoản, thông tin công bố giá của công ty trên cổng điện tử công khai giá trang thiết bị y tế.

Trao đổi với Tuổi Trẻ liên quan đến vụ việc trên, đại diện một đại lý bán loại máy này cho biết giá bán thực tế (đã có lãi) của loại máy EVO5 chỉ là 425 triệu đồng. Do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh thành, nên giá nhiều loại thiết bị y tế phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19 đang tăng cao và khan hiếm hàng.

Nhưng việc đội giá như kể trên là quá cao, nhất là giá nhập khẩu (giá CIF) theo thông tin ban đầu chỉ trên 1/2 giá bán thực tế hiện nay.

Related posts