Tin thế giới sáng thứ Sáu

Canada-Trung Quốc: Các nạn nhân của “ngoại giao con tin”

Anh Vũ

image.png
Bà Mạnh Vãn Châu rời tòa án British Columbia, Canada, ngày 23/01/2020, sau khi nghe phán quyết về việc dẫn độ bà sang Hoa Kỳ. Bắc Kinh bị cáo buộc bắt giữ công dân Canada làm con tin để buộc Ottawa thả bà Mạnh. REUTERS – Jennifer Gauthier

Sau gần hai năm rưỡi khủng hoảng ngoại giao, quan hệ giữa Canada và Trung Quốc lại thêm căng thẳng bởi đòn tấn công tư pháp của Bắc Kinh. Cuộc đọ sức tư pháp giữa hai nước còn kéo dài, thì sẽ còn người Canada bị đẩy vào bẫy « ngoại giao con tin ». Theo nhiều chuyên gia, chỉ Washington mới có thể giúp Ottawa thoát ra khỏi bế tắc hiện nay.

Cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Canada và Trung Quốc lại được khơi dậy ở mức độ căng thẳng hơn sau khi sáng hôm qua, 11/08/2021, trong một phiên xử chóng vánh, Bắc Kinh tuyên phạt doanh nhân Michal Spavor 11 năm tù vì cáo buộc làm gián điệp.

Căn nguyên của cuộc khủng hoảng khởi nguồn từ một vụ việc khác. Ngày 01/12/2018, Ottawa tiến hành bắt giữ tại phi trường Vancouver, bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính của tập đoàn viễn thông hàng đầu Trung Quốc Hoa Vi, theo đề nghị của Washington. Hoa Kỳ cáo buộc bà Mạnh Vãn Châu, 49 tuổi, nhân vật số 2 của tập đoàn Hoa Vi, gian lận ngân hàng nhằm lách lệnh cấm vận của Mỹ đối với Iran, mặc dù đối tượng vẫn phủ nhận các cáo buộc. Washington yêu cầu dẫn độ bà Mạnh về Mỹ xét xử.

Chín ngày sau đó, chính quyền Bắc Kinh bắt giữ Michael Spavor, một doanh nhân Canada đang làm ăn tại Trung Quốc và Michael Kovrig, cựu nhân viên ngoại giao Canada. Lý do bắt giữ rất đơn giản : làm gián điệp. Canada và Trung Quốc từ đó rơi vào cuộc khủng hoảng ngoại giao chưa từng có kể từ năm 1970.  Tư pháp của Canada trong thế kẹt, nhưng những ngày tới họ sẽ phải ra quyết định về việc có dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu qua Mỹ hay không.

Các bản án với công dân Canada được Bắc Kinh đưa ra vào lúc này không hề ngẫu nhiên. « Tất cả việc đó nằm trong chiến lược (của Trung Quốc) để gây áp lực buộc Canada phải trả tự do cho bà Mạnh Vãn Châu. Họ muốn gửi một thông điệp là Canada sẽ phải trả giá nếu không trả bà Mạnh cho họ », đó cũng là cách làm quen thuộc của Bắc Kinh, cựu đại sứ Canada tại Trung Quốc, Guy Saint-Jacques bình luận trên nhật báo Canada The Global and Mail.

Thực sự thì trong vụ việc này, Canada bỗng nhiên bị đẩy vào thế kẹt giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Bắc Kinh cho rằng ngay từ đầu vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu, chính quyền Mỹ muốn đánh vào tập đoàn Hoa Vi, công ty đang đi tiên phong thế giới về mạng 5G. Chuyên gia Roromme Chantal, giáo sư đại học Moncton, Canada và là một chuyên gia về Trung Quốc, nhận định : « Trong vụ việc này, Canada rõ ràng là con tin của cuộc cạnh tranh địa chính trị và công nghệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc » và Bắc Kinh sẽ làm tất cả để Mạnh Vãn Châu được thả.

Từ khi bị bắt ở Vancouver, nhân vật số 2 của Hoa Vi vẫn bị quản thúc tại khu nhà riêng sang trọng tại đây chờ quyết định cuối cùng của tư pháp Canada. Nhưng cho dù có phán quyết chống lại bà Mạnh thì việc dẫn độ vẫn chưa thể tiến hành ngay được. Thủ tục sẽ còn phải mất hàng năm nữa trong trường hợp có kháng án, chưa kể các hoạt động mặc cả ngoại giao trong hậu trường.

Như vậy là các công dân Canada bị kết án tại Trung Quốc đang trở thành con tin của cuộc đấu ngoại giao và tư pháp giữa Bắc Kinh và Ottawa. Trong khi đó, Canada cũng trong hoàn cảnh không khác gì một con tin của mối quan hệ đối địch Mỹ-Trung. Trong vụ này, Canada, đồng minh của Mỹ, thực sự bị đẩy vào thế khó xử. Theo chuyên gia Roromme Chantal, « cách duy nhất để giải thoát cho công dân Canada là ngoại giao tay ba, cùng với Hoa Kỳ », vì Trung Quốc không dễ gì nhượng bộ khi Mạnh Vãn Châu không được trả tự do. Nếu không Bắc Kinh sẽ tiếp tục sử dụng đòn tư pháp để trả đũa. Sắp tới đây sẽ còn một phán quyết khác liên quan đến công dân Michael Kovrig. Giới quan sát dự báo bản án sẽ còn nặng hơn nữa, nếu vụ án Mạnh Vãn Châu không được giải quyết theo ý của Bắc Kinh.

Hôm qua ngoại trưởng Canada khẳng định đã thảo luận với Washington về việc « giải thoát hai ông Michael ». Theo theo cựu đại sứ Canada Saint-Jacques, « một trong những giải pháp có thể sẽ là Hoa Kỳ bỏ các cáo buộc đối với bà Mạnh, hay tìm được một thỏa thuận với Trung Quốc ».

Hiện tại thì lập trường của Washington không hề thay đổi. Ở Canada, một số nhân vật kêu gọi, trong hoàn cảnh hiện nay, phải làm áp lực lên Trung Quốc bằng cách đe dọa tẩy chay Thế Vận Hội mùa đông Bắc Kinh 2022. Như vậy thì vẫn lại là cái vòng luẩn quẩn của « ngoại giao con tin ».


Phương Tây đồng thanh lên án Trung Quốc xử các công dân Canada

Anh Vũ

image.png
Hai công dân Canada – Michael Kovrig (T) và Michael Spavor (P) – bị Trung Quốc bắt giam và kết án, những vụ án mà phương Tây cáo buộc là có động cơ chính trị. © La Presse canadienne/Twitter

Bản án tù 11 năm mà chính quyền Bác Kinh tuyên phạt công dân Canada hôm qua, 11/08/2021, ngay lập tức đã dấy lên phẫn nộ từ Ottawa và cộng đồng quốc tế. Vụ bắt giữ nhân vật này ngay từ đầu đã bị tố cáo là cách mà Trung Quốc trả đũa vụ Hoa Vi để gây sức ép với chính quyền Canada.

Ngay ngày hôm qua, ông Charles Michel, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, cũng như lãnh đạo Ngoại Giao EU Josep Borrell đã lên tiếng phản đối gay gắt phán quyết của tư pháp Trung Quốc và bày tỏ sự ủng hộ đối với Canada, xem bản án này là cách trả đũa vụ bắt giám đốc tài chính của Hoa Vi tại Canada.

Bộ Ngoại Giao Pháp cũng phản ứng ngay về bản án 11 năm tù vì tội gián điệp đối với công dân Canada Michael Spavor và án tử hình đối với Robert Lloyd Schellenberg vì tội buôn ma túy. Phát ngôn viên Ngoại Giao Pháp trong một thông cáo tuyên bố « Pháp lên án mạnh mẽ tính chất vô lối của các bản án này »« khẳng định lại Pháp luôn phản đối án tử hình ».

Cùng lúc, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken kêu gọi Bắc Kinh trả tự do « ngay lập tức và không điều kiện » cho công dân Canada Michael Spavor. Trong một thông cáo ra hôm qua, lãnh đạo Ngoại Giao Mỹ nhấn mạnh : « Việc bắt giữ vô cớ các cá nhân để tạo áp lực đối với các chính phủ nước ngoài là hoàn toàn không thể chấp nhận được ».

Về phần mình, Canada khẳng định sẽ kháng cáo. Thông tín viên RFI tại Québec Pascale Guéricolas tường trình:

“Chính phủ Canada sẽ kháng cáo bản án đối với doanh nhân Michael Spavor mà thủ tướng Justin Trudeau đánh giá là hoàn toàn không thể chấp nhận và bất công.

Bản án 11 năm tù cho ông Spavor được tuyên ngay ngày hôm sau kháng án của một công dân Canada khác bị bác. Đó là một bị cáo bị kết án tử hình vì tội buôn ma túy tại Trung Quốc.

Theo các chuyên gia ngoại giao, thời điểm được chính quyền Trung Quốc chọn để thông báo phán quyết của tư pháp này không hề ngẫu nhiên. Thực tế, nhân vật số hai của tập đoàn viễn thông Hoa Vi hiện đang chờ tòa án Canada ra quyết định về việc dẫn độ sang Hoa Kỳ.

Việc bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu tại sân bay Vancouver hồi tháng 12/2018 đã dẫn đến vụ bắt giam ông Michael Spavor, khi đó đang sống nhiều năm ở Trung Quốc và vẫn thường xuyên qua lại Bắc Triều Tiên.

Một công dân Canada khác là Michael Kovrig, cựu nhân viên ngoại giao, cũng đang phải trả giá cho những rối ren giữa hai cường quốc hiện nay. Ông cũng bị giam tại Trung Quốc từ hai năm rưỡi nay và đang chờ tuyên án sau một phiên xử chóng vánh.

Bộ trưởng đứng đầu Afghanistan từ chức, rời đất nước giữa bối cảnh Taliban đang chiến thắng

Ông Ameen Habibi (bên phải), Thứ trưởng Tài chính Afghanistan về chính sách, và ông Khalid Payenda, cố vấn cao cấp của Bộ trưởng Tài chính Afghanistan

Vị bộ trưởng này cũng đã rời Afghanistan để thăm người vợ ốm yếu của ông “và không thể giải quyết một cách hiệu quả công việc của mình vào thời điểm đất nước đang trải qua tình hình kinh tế và an ninh tồi tệ nhất,” ông Tabe nói. Hiện không rõ ông đã đi đâu sau khi rời Afghanistan.

Hôm thứ Ba (10/08), ông Payenda thông báo trên Twitter rằng ông sẽ từ chức, nói rằng ông Alem Shah Ibrahimi, thứ trưởng bộ doanh thu và hải quan, sẽ giữ chức quyền bộ trưởng tài chính.

Ông viết: “Hôm nay tôi từ chức với tư cách Bộ trưởng Bộ Tài chính. Được điều hành Bộ Tài chính là vinh dự lớn nhất trong đời tôi nhưng đã đến lúc phải lui xuống để thực hiện các ưu tiên cá nhân.”

Vào tháng 05/2021, ông Payenda nói với Quốc hội của nước này rằng ông nghi ngờ các quan chức chính phủ đã biển thủ tới 8 triệu USD mỗi ngày, đề cập cụ thể đến vấn đề hải quan nước này. Có tới 80% doanh thu từ hải quan “thuộc về mafia và Taliban,” ông nói tại thời điểm đó.

Hôm 11/08, Tòa Bạch Ốc đã phản hồi các tin tức về những lợi ích đáng kể mà nhóm khủng bố Taliban đạt được ở Afghanistan, cho biết Hoa Kỳ sẽ tiếp tục rút quân vào cuối tháng này.

Trong tuần vừa rồi, Taliban đã tiếp quản các vùng lãnh thổ của đất nước này và chiếm được khoảng chín thủ phủ của các tỉnh, và hiện đang kiểm soát phần lớn biên giới phía bắc của Afghanistan, nhiều quan chức khác cho biết.

Người dân Afghanistan “cần xác định… liệu họ có ý chí chính trị để phản công hay không và họ có khả năng để đoàn kết lại trong tư cách những người lãnh đạo để phản công [Taliban] hay không,” Tham vụ Báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki nói với các ký giả.

Các báo cáo hôm thứ Tư (11/08) cho biết nhóm Hồi giáo cực đoan này đã chiếm tỉnh Badakhshan ở phía đông, một dải đất dài giáp với khu vực Tân Cương của Trung Quốc, Pakistan và Tajikistan.

Trong bối cảnh Taliban đang đẩy mạnh tấn công và chiếm giữ nhiều vùng đất, Bộ trưởng Nội vụ Afghanistan, ông Abdul Sattar Mirzakwal, nói rằng các lực lượng chính phủ đang cố gắng giữ các đường cao tốc chính, các thành phố lớn và các khu vực qua lại biên giới.

“Chúng tôi đang làm việc theo ba giai đoạn. Đầu tiên là ngăn những thất bại [của lực lượng chính phủ], thứ hai là tái tập hợp lực lượng của chúng tôi để tạo ra các vòng an ninh xung quanh các thành phố,” ông Mirzakwal nói với Al Jazeera do Qatar hậu thuẫn hôm thứ Tư (11/08). “Tất cả những người lính đã rời bỏ vị trí của họ, chúng tôi sẽ đưa họ trở lại vị trí của mình. Thứ ba là bắt đầu các hoạt động tấn công. Thời điểm hiện tại, chúng tôi đang chuyển sang giai đoạn thứ hai,” ông cho biết thêm.

Ông nói rằng một số lãnh đạo địa phương trong những ngày gần đây “đã tuyên bố ủng hộ hoàn toàn tổng thống và chính phủ” và “sẽ cùng với lực lượng chính phủ chống lại Taliban.”

Afghanistan: Taliban chiếm được một cửa ngõ tiến về thủ đô Kabul

Trọng Thành

image.png
Chiến binh Taliban trên một con đường ở tỉnh Ghazni (Afghanistan) ngày 03/06/2021. Wakil Kohsar AFP/Archivos

Quân Taliban vừa chiếm thêm được một thành phố chỉ cách Kabul 150 cây số, mở thêm một ngả đường để tiến về thủ đô Afghanistan. Theo một giới chức bộ Quốc Phòng Mỹ, Taliban có thể chiếm Kabul trong vòng 90 ngày.

Hãng tin Anh Reuters cho hay, thành phố Ghazni, thủ phủ của tỉnh cùng tên, nằm ở phía tây-nam thủ đô, đã thất thủ hôm nay, 12/08/2021. Đây là tỉnh lỵ thứ 9 của Afghanistan bị Taliban chiếm được trong vòng một tuần lễ. Theo một quan chức an ninh cao cấp của chính quyền Kabul, quân Taliban chiếm được thành phố sau các trận đánh dữ dội. Hiện tại toàn bộ lãnh đạo chính quyền địa phương, gồm tỉnh trưởng, đã được đưa về thủ đô.

Thắng lợi này cho phép Taliban mở thêm một ngả đường khác để tiến về thủ đô Kabul. Một giới chức Liên Âu cho biết Taliban có thể đã kiểm soát được 11 thủ phủ của tổng cộng 34 tỉnh trên toàn quốc.

Tình báo Hoa Kỳ nhận định, với đà tiến nhanh chóng hiện nay, và hơn hai phần ba lãnh thổ nằm trong tầm kiểm soát, Taliban có thể bao vây Kabul trong vòng một tháng, tức ngay sau khi quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan, với hạn cuối là ngày 31/08/2021.

Hiện tại, hàng nghìn thường dân chạy lánh nạn đang đổ vể thủ đô. Theo Liên Hiệp Quốc, hơn 1.000 dân thường đã thiệt mạng vì chiến sự trong tháng qua. Về phần mình, Taliban bác bỏ cáo buộc tấn công thường dân.

‘‘Người hùng’’ Sami Sadat lãnh đạo lực lượng đặc nhiệm
Chính quyền Afghanistan hôm nay quyết định bổ nhiệm viên tướng trẻ Sami Sadat làm tư lệnh lực lượng đặc nhiệm quốc gia. Tướng Sami Sadat, 36 tuổi, vốn chỉ huy các lực lượng bảo vệ thủ phủ tỉnh Helmand miền nam, bị Taliban vây hãm từ nhiều tháng nay.

Cho đến nay, tướng Sami Sadat được coi là đã thành công trong việc cùng với lữ đoàn đặc nhiệm 215, với 20.000 quân, bảo vệ thủ phủ Lashkar Gah, tỉnh miền nam Helmand. Tướng Sami nổi tiếng can trường và gần gũi với các binh sĩ dưới quyền. Trong các trận cận chiến với quân Taliban trên đường phố, ông luôn sát cánh cùng binh sĩ.

Tướng Sami Sadat được đào tạo tại một học viện quân sự Đức. Ông có bằng của trường đại học nổi tiếng King’s College ở Luân Đôn. Ngoài Đức và Anh, viên tướng này cũng đã qua các khóa đào tạo tại Ba Lan và Hoa Kỳ. Việc viên tướng trẻ được bổ nhiệm làm tư lệnh đặc nhiệm dường như mang lại nhiều hy vọng cho dân chúng tại Afghanistan, ít nhất là trên các mạng xã hội.

Theo một đồng nghiệp cũ của tướng Sami Sadat, tại Cơ Quan An Ninh Quốc Gia trước đây, vị tướng trẻ này có một hiểu biết sâu sắc về tình hình chiến sự phức tạp hiện nay, và « có một tầm nhìn chiến lược ».

Theo giới quan sát, chính quyền Kabul dường như đang tìm vượt qua các bất đồng giữa các phe phái trong nội bộ để cố đoàn kết chống lại Taliban. Tổng thống Asraf Ghani hôm qua tới Mazar-i-Sharif, thành phố lớn phía bắc, đang bị quân nổi dậy bao vây. Tại đây, lãnh đạo chính quyền Kabul đã gặp viên thủ lĩnh địa phương đầy uy lực Abdul Rachid Dostom, nguyên phó tổng thống Afghanistan.

Đàm phán tiếp diễn giữa Taliban và Hoa Kỳ tại Qatar
Hoa Kỳ vừa thúc đẩy chính quyền Kabul kháng cự lại Taliban, vừa tiếp tục các đàm phán với đại diện Taliban ở Qatar. Hôm qua, 11/08, Washington tái khẳng định duy trì lịch trình rút quân như dự kiến. Nhà Trắng sẵn sàng trước mọi kịch bản. Một nguồn tin Hoa Kỳ, dựa trên việc phân tích các tin tức tình báo, cho hay Washington chuẩn bị đối phó với ba khả năng. Thứ nhất là Taliban nhanh chóng chiếm được Kabul, thứ hai là quân nổi dậy và chính quyền đạt được một thỏa thuận hòa bình và thứ ba là chiến sự kéo dài.

Hôm qua, một thành viên cao cấp của Taliban cho Reuters biết là lãnh đạo chính trị của quân nổi dậy đã gặp đặc phái viên Hoa Kỳ Zalmay Khalilzad ở Qatar. Không có chi tiết nào từ cuộc tiếp xúc được tiết lộ. Hôm qua, phái đoàn Taliban có kế hoạch họp với các đại diện Mỹ, Nga và Trung Quốc, vẫn theo nguồn tin Taliban ẩn danh nói trên.

Pháp lại siết chặt các biện pháp chống Covid-19, tránh kịch bản tái phong tỏa

Thùy Dương

image.png
Đường phố Paris ngày 17/07/2021. Dân Pháp hiện không còn bị bắt buộc phải đeo khẩu trang ngoài trời. Nhưng nguy cơ một đợt dịch mới đang đe dọa nước Pháp. REUTERS – GONZALO FUENTES

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 « bi thảm » ở vùng lãnh thổ hải ngoại Antilles và tình hình « đáng lo ngại » ở nước Pháp lục địa, nhất là ở miền nam, chính phủ của tổng thống Emmanuel Macron hôm qua, 11/08/2021, thông báo hàng loạt biện pháp mới để phòng dịch. Việc siết chặt các quy định phòng chống Covid-19 cũng là nhằm tránh kịch bản tái phong tỏa đất nước.

Theo số liệu do Cơ Quan Y Tế Công cộng Pháp công bố chiều tối qua 11/08, lần đầu tiên sau 3 tháng rưỡi, số ca nhiễm thường nhật đã vượt ngưỡng 30.000 ca (tăng 6,3% trong vòng 1 tuần). Chứng nhận Covid-19 có hiệu lực từ thứ Hai 09/08 đối với hành khách đi tàu xe công cộng đường dài và đến nhà hàng … cũng sẽ được áp dụng bắt buộc ở nhiều trung tâm thương mại có diện tích trên 20.000m2 ở hơn 38 tỉnh mà virus corona hoành hành dữ dội nhất (hơn 200 người dương tính trên 100.000 dân). Ở những tỉnh này, việc đeo khẩu trang bị bắt buộc trở lại tại những không gian khép kín và những nơi đón tiếp công chúng.  

« Chiến dịch tiêm nhắc lại » (tiêm mũi thứ 3) cho những người có nhiều nguy cơ nhiễm Covid-19 nhất và người trên 80 tuổi sẽ bắt đầu vào giữa tháng 09/2021. Tổng thống Macron hôm qua nhấn mạnh « một mục tiêu đơn giản : chủng ngừa cho tất cả những người dân Pháp nào có thể được tiêm ». Ông kêu gọi dân chúng phát huy ý thức công dân và tinh thần nghĩa vụ.

AFP nhắc lại mục tiêu của chính quyền Pháp là đến cuối tháng 08, 50 triệu người (trên tổng dân số khoảng 67 triệu người) được tiêm ít nhất một mũi. Hiện giờ 67% dân số Pháp (gần 80% người trưởng thành) đã tiêm ít nhất một mũi và 56% dân số (68% người lớn) đã được tiêm xong hoàn toàn.    

Để khuyến khích dân chúng tiêm phòng, cũng trong ngày hôm qua, sau cuộc họp của Hội Đồng Cố Vấn về y tế, phát ngôn viên chính phủ, Gabriel Attal, thông báo: Kể từ giữa tháng 10, nếu đi xét nghiệm Covid mà không có toa bác sĩ, người dân sẽ phải tự trả phí.  

Tổng số ca tử vong vì Covid-19 ở Pháp nay đã vượt quá 112.300 người. Theo số liệu chính thức, Pháp đứng thứ 10 thế giới về số ca tử vong vì đại dịch.

Covid-19: Nga lại ghi nhận kỷ lục về số người chết trong ngày

Trọng Thành

image.png
Một trung tâm chích ngừa được đặt tại trung tâm thương mại Gum ở Quảng Trường Đỏ, Mátxcơva, Nga. Ảnh chụp ngày 01/07/2021. AP – Pavel Golovkin

Nga đang đối mặt với làn sóng dịch Covid-19 được coi là nghiêm trọng nhất, với số người chết cao nhất trong vòng 24 giờ được ghi nhận hôm nay, 12/08/2021. Mặc dù dịch bệnh gia tăng, đông đảo dân Nga vẫn không muốn tiêm chủng, vì không tin tưởng vào vac-xin tự chế.

Chính quyền Nga hôm nay thông báo có thêm 808 người chết do Covid. Số người chết từ một tuần nay vì Covid trung bình là gần 800 người mỗi ngày. Trung tâm xử lý khủng hoảng của chính quyền Nga cũng thông báo hơn 21 nghìn ca nhiễm mới riêng trong ngày qua.

Theo chính quyền Liên bang Nga, số người chết từ đầu dịch là 168.049 người. Tuy nhiên, cơ quan thống kê Nga Rosstat lại đưa ra một con số khác cao hơn nhiều: khoảng 300.000 người tính đến cuối tháng 6/2021. Theo Rosstat, riêng trong tháng 6, đã có 21.000 người tử vong vì virus ác hiểm này.

Điều đáng nói là, trong lúc vac-xin Spoutnik V của Nga được xuất khẩu đi nhiều nơi trên thế giới, người dân Nga lại không mấy tin tưởng vào thuốc tiêm chủng nội địa. Tuy đã có chiến dịch quảng bá rầm rộ cho vac-xin Spoutnik V từ cuối tháng 12/2020, chỉ mới gần 30% dân Nga đã tiêm ít nhất một liều. Trong hiện tại, ở Nga, không có bất cứ vac-xin nào chế tạo tại phương Tây được sử dụng.

Cho dù đại dịch gia tăng, gần như mọi biện pháp siết chặt đã được dỡ bỏ, nhất là tại thủ đô Matxcơva, tâm dịch. Mục tiêu của chính quyền Nga là bảo vệ nền kinh tế. Một giấy chứng nhận tiêm chủng đã từng được đưa ra sử dụng hồi tháng 7 tại thủ đô, đối với các nhà hàng, quán bar, rốt cuộc đã bị hủy bỏ.

Nga: Đang trong tù, nhà đối lập Navalny lại bị cáo buộc tội danh mới

image.png
Nhà đối lập Nga Alexei Navalny đã bị cầm tù từ tháng 2/2021. Dimitar DILKOFF AFP

Thùy Dương
Mặc dù đang thọ án tù giam đến năm 2023, nhà đối lập Nga Alexei Navaly một lần nữa lại bị cáo buộc phạm tội xúi giục người dân tham gia biểu tình bất hợp pháp.

Chính quyền Moscow dường như vẫn chưa muốn buông tha nhà đối lập Alexey Navalny, trong bối cảnh kỳ bầu cử Quốc Hội đang đến gần. Hôm 11/08/2021, Ủy ban Điều tra Nga, cơ quan chuyên trách các vụ phạm tội nghiêm trọng nhất trên lãnh thổ Nga, đã đưa ra các cáo buộc nhắm vào Navalny. Nhà đối lập có thể chịu thêm một án tù giam 3 năm.  

Từ Moscow, thông tín viên Jean-Didier Revoin tường trình :  

 « Tư pháp cáo buộc Alexey Navalny xúi giục các công dân thực hiện những hành vi bất hợp pháp, nhất là bằng cách kêu gọi họ tụ tập trái phép. Theo Ủy ban Điều tra của Nga, nhà đối lập đã biết trước tính chất phi pháp của những cuộc tụ tập này. Đó là lý do mà ủy ban này quyết định buộc tội Navalny. Đây là vụ gây sức ép mới nhất nhắm vào gương mặt hàng đầu của cuộc chiến chống tham nhũng trong bối cảnh cuộc bầu cử Quốc Hội vào tháng 9 đã đến gần.  

Hồi đầu tháng 8 này, các tổ chức của nhà đối lập Navalny đã bị chính quyền xem là các tổ chức cực đoan, cho dù trước đó họ đã tự giải thể. Nhiều trang web có liên quan đến ông đã bị chặn trên toàn lãnh thổ Nga và một số cộng tác viên thân cận của Navalny đang là đối tượng của các thủ tục tố tụng.  

Lo cho sức khỏe hoặc sự tự do của mình, một số người đã chọn rời khỏi nước Nga và hiện giờ đang sống lưu vong. Trên mạng Telegram, nhóm cộng sự của Navalny đã có nhiều phản ứng. Họ tố cáo những lời cáo buộc ngớ ngẩn, kêu gọi sử dụng hệ thống bỏ phiếu thông minh của họ trong các cuộc bầu cử Quốc Hội vào tháng tới, tức là bỏ phiếu cho ứng viên có nhiều khả năng thắng nhất ở mỗi khu vực bầu cử nhằm mục tiêu đánh bại đại diện của đảng Nước Nga Thống Nhất, tức là đảng cầm quyền. »

Trong 15 năm, liên tiếp 3 vị Thống đốc Dân chủ New York đều phải rời đi trong scandal

Vị thống đốc thuộc đảng Cộng hòa nắm quyền điều hành tại tiểu bang New York gần đây nhất là ông George Pataki, đã kết thúc 3 nhiệm kỳ của mình vào năm 2006. Và 15 năm kể từ đó, văn phòng thống đốc New York chưa từng vắng bóng scandal dưới sự nắm quyền liên tiếp của 3 vị thống đốc thuộc đảng Dân chủ. 

Vị thống đốc Dân chủ đầu tiên kế nhiệm ông Pataki là cựu Thống đốc Eliot Spitzer đã phải từ chức chỉ sau 2 năm tại vị, vì vướng vào bê bối có dính líu đến đường dây gái gọi cao cấp, Fox News cho biết

Trong bài báo đưa tin vào ngày 12/3/2008 về việc ông Spitzer tuyên bố từ chức, hãng tin CNBC dẫn nguồn tin từ Associated Press cho biết, vụ bê bối tình dục của vị cựu thống đốc thuộc đảng Dân chủ này bị phát giác thông qua một loạt những lệnh chuyển khoản tiền mặt đáng nghi từ nhiều tài khoản khác nhau. Các ngân hàng đã nộp báo cáo về những hoạt động đáng nghi này lên Sở Thuế vụ của New York, và khi truy ngược theo những tài khoản này người ta đã tìm ra ông Spitzer.

Khi đó, ông vốn nổi danh là “Cảnh sát trưởng Phố Wall” nhờ việc loại bỏ tệ nạn tham nhũng trong chính phủ và ngăn cấm các hoạt động mại dâm, theo thông tin từ CNBC.

Fox News nêu rõ, trước khi trở thành thống đốc tiểu bang New York, ông Spitzer từng là tổng chưởng lý. Theo các nhà điều tra, vị cựu tổng chưởng lý này khi đó đã chi hàng chục nghìn USD cho dịch vụ gái gọi dành riêng cho khách hàng VIP của Emperors Club, và tổng con số có thể lên đến 80.000 USD, trích từ CNBC.Thống đốc New York Eliot Spitzer (phải) tuyên bố từ chức khi vợ ông là bà Silda Wall Spitzer đứng cạnh ông 12/3/2008 tại thành phố New York.

Thống đốc Trung úy New York David Paterson đã tiếp nhận vị trí của ông Spitzer khi đơn từ chức của ông có hiệu lực vào Thứ Hai, ngày 17/3/2008. (Ảnh của Chris Hondros / Getty Images)

Người thay thế ông Spitzer là cựu Thống đốc David Paterson dù không phải từ chức, nhưng đã phải bỏ dở chiến dịch tranh cử cho nhiệm kỳ thứ 2 vào năm 2010, khi chính quyền ông bị cáo buộc đã can thiệp không đúng mực vào một vụ việc bạo lực gia đình do một trong những trợ lý thân tín của ông gây ra, theo Fox News. Ông Andrew Cuomo khi đó đang là tổng chưởng lý tiểu bang New York là người phụ trách chính cho cuộc điều tra này, theo tin tức từ The New York Times vào ngày 26/2/2010.

Giữa cơn bão dư luận khi vụ scandal này nổ ra, các thành viên đảng Dân chủ liên tục lên tiếng yêu cầu ông Paterson từ chức. Đồng thời, các nhà lập pháp Dân chủ tại tiểu bang New York đã chuyển hướng sự ủng hộ cho ông Cuomo để đại diện cho đảng này tham gia tranh cử chức thống đốc. Khi đó, ông ấy cũng đang âm thầm chuẩn bị cho chiến dịch tranh cử của riêng mình, The New York Times đưa tin.

Thống đốc New York David Paterson ngồi trong cuộc họp của tòa thị chính tại Borough Hall 8/3/2010 ở quận Brooklyn của Thành phố New York. (Ảnh của Mario Tama / Getty Images)

Cho tới nay, vòng lặp này tiếp tục tái diễn một lần nữa, khi ông Cuomo – thống đốc đương nhiệm trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp của New York, cũng thuộc đảng Dân chủ – đã tuyên bố từ chức vào ngày 10/8, và đơn từ chức của ông sẽ có hiệu lực trong 14 ngày tới.

Tuyên bố này được đưa ra, sau khi Tổng chưởng lý Letitia James của tiểu bang cũng thuộc đảng Dân chủ công bố một bản báo cáo dài về những hành vi quấy rồi tình dục của ông Cuomo với các nhân viên nữ của tiểu bang và nhiều phụ nữ khác.

Hãng tin The Epoch Times cho biết, “ông Cuomo tuyên bố từ chức trong bối cảnh Quốc hội New York bắt đầu thảo luận hôm 9/8 về cuộc điều tra luận tội đối với hành vi của ông, và khi các quan chức hàng đầu của đảng Dân chủ, bao gồm cả Tổng thống Joe Biden, kêu gọi ông từ chức”.

Trong một bài xã luận đăng hôm 5/8, cây viết Horward Kurtz của Fox News đã tổng kết hàng loạt những hãng truyền thông lớn của cánh tả (Big Media) cùng đồng loạt kêu gọi ông Cuomo từ chức, trong đó có cả The Washington Post và The New York Times. Tác giả Kurtz nhấn mạnh, trước khi bùng nổ vụ bê bối tình dục, ông Cuomo từng là vị “hiệp sĩ sáng chói” được các thế lực, phe phái và các hãng truyền thông cánh tả nhất mực ưu ái. Nhưng giờ đây, ngay cả người bạn lâu năm của ông là Tổng thống Dân chủ Mỹ Joe Biden cũng lên tiếng kêu gọi ông từ chức, và ông Biden không phải lãnh đạo cấp cao duy nhất của phe cánh tả đã công khai bày tỏ quan điểm này.

Việc họ cùng đoàn kết thay đổi giọng điệu khi nhắc đến ông Cuomo, đối nghịch hoàn toàn với những lời ca ngợi đồng nhất vào năm ngoái khi họ gọi ông ấy là anh hùng của đại dịch, cây bút của Fox News nhận định.

Trên thực tế, không chỉ bị điều tra về những cáo buộc quấy rối tình dục, ông Cuomo hiện cũng đang bị điều tra về cách thức xử lý khủng hoảng đại dịch virus Corona Vũ Hán (COVID-19), khi có những cáo buộc khẳng định, chính quyền của ông đã che giấu hàng nghìn ca tử vong do virus tại các viện dưỡng lão thuộc tiểu bang New York, The Epoch Times cho hay.

Related posts