Trong đại dịch năm ngoái, Trung Quốc đã dẫn đầu trong việc nối lại kinh doanh và sản xuất, truyền thông nhà nước cho rằng nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển mạnh. Tuy nhiên, các dữ liệu tài chính và dữ liệu khác mới nhất cho thấy nền kinh tế Trung Quốc một lần nữa rơi vào vũng lầy của thời kỳ dịch bệnh nghiêm trọng giống như năm ngoái, trang Vision Times thông tin.
Vào ngày 11/8, số liệu thống kê tài chính tháng 7 do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc công bố cho thấy tín dụng mới và mức tăng tài trợ xã hội của Trung Quốc nhìn chung là yếu. Ngoài ra, từ nửa cuối năm, nguồn cung tín dụng của ngành ngân hàng suy yếu, đồng thời, chịu ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt và dịch bệnh bùng phát ở một số vùng, hoạt động kinh tế trong tháng 7 chững lại.
Dữ liệu tiền gửi cho thấy trong tháng 7, tiền gửi bằng đồng nhân dân tệ và ngoại tệ cũng giảm, với mức giảm lần lượt là 1,13 nghìn tỷ nhân dân tệ và 23 tỷ đô-la Mỹ.
Tốc độ tăng trưởng chi tiêu xã hội so với cùng kỳ là 10,7%, mức thấp kỷ lục trong 17 tháng.
Các nhà phân tích chỉ ra rằng dữ liệu cho thấy áp lực đi xuống đối với nền kinh tế vẫn còn rất nặng nề, trong bối cảnh điều tiết bất động sản vô vọng, việc đầu tư cơ sở hạ tầng có tác dụng làm nền tảng cho nền kinh tế cần phải tăng tốc trong quý 3, và các chính sách tài khóa cần chủ động hơn, nhưng không còn nhiều dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ.
Vào ngày 12/8, theo một báo cáo từ “Reuters”, nhà phân tích thu nhập cố định của Công ty chứng khoán Nam Kinh, Dương Hạo cho biết, “Dữ liệu tương đối nghèo nàn, có xu hướng giảm một chút, tổng số tiền và cơ cấu không tốt”.
Chu Mậu Hoa, một nhà phân tích tại Phòng Thị trường Tài chính của Ngân hàng Everbright, cho rằng dữ liệu tín dụng tài chính xã hội tháng 7 không như kỳ vọng, phản ánh hoạt động kinh tế Trung Quốc đang hạ nhiệt.
Thái Hạo, trưởng nhóm thu nhập cố định của Tổng công ty Tài chính Quốc tế Trung Quốc, cho biết nhìn chung, số liệu chi tiêu xã hội và tín dụng tháng 7 rất ảm đạm. Hiện tại, mọi người hy vọng rằng tín dụng sẽ được nới rộng, nhưng do nhiều hạn chế về chính sách công nghiệp bao gồm bất động sản và một số ngân hàng sử dụng quá hạn ngạch trong nửa đầu năm, các ngân hàng cũng bất lực. Do tác động của đợt nâng cấp phòng chống dịch bệnh vào tháng 7, thiên tai thời tiết khắc nghiệt và việc thắt chặt nhiều chính sách công nghiệp, áp lực đi xuống đối với nền kinh tế đã tăng lên đáng kể.
Chỉ huy nhóm học giả tài chính cho rằng, tổng nguồn tài chính xã hội sụt giảm cho thấy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc thiếu động lực dài hạn và các hoạt động kinh tế xã hội đang bị thu hẹp. Dự trữ ngoại hối là một công cụ tài chính cơ bản có tác dụng tăng cường kiểm soát vĩ mô của Trung Quốc. Hiện dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã giảm, phản ánh vấn đề dự trữ ngoại hối của Trung Quốc và càng cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang yếu.
Theo dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố ngày 31/7, Chỉ số Nhà quản lý Mua hàng Sản xuất (PMI) của Trung Quốc trong tháng 7 là 50,4, mức thấp nhất trong 17 tháng.
Lưu Học Trí, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Tài chính của Ngân hàng Giao thông Trung Quốc, tin rằng sự phục hồi kinh tế sau đại dịch có thể dần kết thúc. Dư địa cho tăng trưởng công nghiệp tiếp tục bị thu hẹp và quá trình phục hồi của ngành dịch vụ diễn ra chậm chạp. Động lực tăng trưởng đầu tư cơ sở hạ tầng còn yếu, tốc độ tăng tiêu dùng thấp, hiện tại có thể mất nhiều thời gian để phục hồi hoàn toàn về mức trước dịch.