Afghanistan: Mỹ huy động 8.000 quân hỗ trợ di tản đại sứ quán
Thu Hằng
Quân Taliban nay đã chiếm được gần một nửa thủ phủ các tỉnh ở Afghanistan, trong đó có Kandahar và Herat, thành phố lớn thứ hai và thứ ba của Afghanistan, rơi vào tay quân nổi dậy ngày 12/08/2021. Đây là thắng lợi lớn nhất của quân Taliban kể từ khi mở chiến dịch phản công vào tháng Năm.
Phía Washington vẫn tiếp tục khẳng định ủng hộ chính quyền Kabul, tham gia bảo đảm « an ninh và ổn định của Afghanistan », theo nội dung cuộc điện đàm ngày 12/08 giữa hai bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng Mỹ với tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani. Tuy nhiên, trên thực địa, Mỹ khẩn trương rút lực lượng ngoại giao. Theo Reuters, gần 3.000 quân nhân được tăng viện trong vòng 48 tiếng để sơ tán đại sứ quán Mỹ ở Afghanistan. Luân Đôn cũng triển khai khoảng 600 quân để giúp công dân Anh và phiên dịch viên rời Afghanistan.
Thông tín viên RFI Sonia Ghezali tường trình tình hình tại Kabul :
« Hôm qua (12/08), người ta chứng kiến hàng loạt máy bay trực thăng lượn vòng trên bầu trời Kabul, hướng về phía đại sứ quán Mỹ, cho thấy rõ là đại sự quán Mỹ chuẩn bị ra đi.
Như vậy, Hoa Kỳ và Anh Quốc giảm thêm hiện diện ngoại giao và họ đã huy động tổng cộng 8.000 quân nhân Mỹ để làm việc này : 3.000 người sẽ đóng tại sân bay Kabul, 1.000 ở Qatar để hỗ trợ hậu cần và kỹ thuật, gần 4.000 người tại Koweit để can thiệp trong trường hợp cần thiết, căn cứ vào tình hình Afghanistan ngày càng xuống cấp thê thảm.
Hoa Kỳ đã khẳng định sẽ không sử dụng sân bay Kabul để tiến hành oanh kích phe Taliban. Họ thật sự đang ở trong giai đoạn cuối rút quân, đội ngũ ngoại giao và nhân viên đại sứ quán.
14 thủ phủ của Afghanistan đã rơi vào tay Taliban. Lực lượng này vừa chiếm Qala e Naw, thủ phủ của Badghis ở miền bắc. Phiến quân Hồi Giáo cũng xác nhận là đã chiếm được Lashar Gah, thủ phủ của tỉnh Helmand ở miền nam, và đã thả hết tù nhân ở đó ngày hôm qua.
Kandahar, căn cứ địa cũ của chế độ Taliban, cũng bị thất thủ hôm qua. Herat, thành phố lớn ở phía đông, gần biên giới với Iran, cũng chung số phận.
Người ta thấy là cộng đồng quốc tế ở đây cũng đang chuẩn bị rút lui nếu cần thiết, vì quân Taliban đang tiến gần đến thủ đô Kabul. Không ai thực sự biết được ý đồ của phiến quân. Thủ đô Kabul hiện tràn ngập các gia đình di cư, trốn chạy bạo lực đang hoành hành ở quê nhà ».
Quốc tế: Taliban sẽ bị cô lập nếu cướp chính quyền tại Afghanistan
Thùy Dương
Các đặc sứ của Mỹ, Nga, Trung Quốc về xung đột Afghanistan và của nhiều nước khác, hôm 12/08/2021, đã kêu gọi thúc đẩy tiến trình hòa bình tại quốc gia này, nhấn mạnh tình hình rất cấp bách và kêu gọi các bên ngưng ngay lập tức các vụ tấn công nhắm vào thủ phủ các tỉnh và các thành phố khác trong cả nước.
Thông cáo chung của các vị đặc sứ được đưa ra từ Doha, Qatar, sau cuộc gặp với các nhà đàm phán của chính phủ Afghanistan và đại diện của lực lượng Taliban. Các đặc sứ cũng tái khẳng định các nước sẽ không công nhận bất kỳ chính phủ nào tại Afghanistan nắm quyền « thông qua việc sử dụng lực lượng quân sự ».
Trong khi đó, lãnh đạo Ngoại Giao Liên Âu, Josep Borrell, hôm qua trong một thông cáo, cảnh báo « nếu phe Taliban dùng vũ lực cướp chính quyền Afghanistan và tái lập Vương quốc Hồi giáo, họ sẽ không được quốc tế công nhận về mặt ngoại giao, bị cô lập, thiếu sự ủng hộ của quốc tế », kéo theo đó là nguy cơ một « cuộc xung đột liên tục » và Afghanistan chìm trong « bất ổn kéo dài ».
Bruxelles khẳng định Liên Âu sẽ tiếp tục quan hệ đối tác và ủng hộ, hỗ trợ nhân dân Afghanistan, với điều kiện có một thỏa thuận hòa bình và toàn diện, các quyền cơ bản của tất cả người Afghanistan, trong đó có phụ nữ, thanh niên và sắc tộc thiểu số, được tôn trọng. Liêu Hiệp Châu Âu kêu gọi Taliban ngưng ngay lập tức các cuộc tấn công, ngừng bắn hoàn toàn và thường trực. Đối với chính phủ Afghanistan, Bruxelles khuyến khích Kabul « giải quyết các bất đồng chính trị » để đối thoại với Taliban về triển vọng hòa giải quốc gia.
Còn theo Reuters, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc hôm qua thảo luận về việc trừng phạt lực lượng Taliban về các cuộc tấn công gây thiệt hại cho rất nhiều thường dân, gây nguy hiểm cho hòa bình và gây bất ổn cho Afghanistan. Dự thảo của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc khẳng định không ủng hộ và không thừa nhận chính quyền Afghanistan được lập nên thông qua vũ lực, cũng như không thừa nhận Vương quốc Hồi giáo Afghanistan.
Philippines – Liên Âu khẳng định tầm quan trọng của tự do lưu thông ở Biển Đông
Anh Vũ
Theo trang tin ABS-CBN, ngày 12/08/2021, trong cuộc họp trực tuyến với đại diện Liên Hiệp Châu Âu (EU) tại Philippines, Manila một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do lưu thông hàng hải và hàng không ở các khu vực có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, cho rằng các bất đồng phải được giải quyết bằng luật pháp quốc tế.
Hiện Philippines đóng vai trò điều phối viên các quan hệ ASEAN – EU. Cuộc họp trực tuyến do phái đoàn Liên Hiệp Châu Âu tại Philippines tổ chức.
Thứ trưởng ngoại giao Philippines Maria Theresa Lazaro phụ trách các vấn đề ASEAN cho biết Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN) và Liên Hiệp Châu Âu tiếp tục bảo vệ việc tôn trọng luật pháp quốc tế và khẳng định lại tầm quan trọng của việc duy trì hoà bình trong các vùng biển có tranh chấp.
Tại cuộc họp, hai bên đã thảo luận về quan điểm đối với các vấn đề tự do hàng hải và hàng không trong vùng Biển Đông và những vấn đề liên quan đến cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Bà Lazaro cũng tỏ hy vọng sẽ sớm hoàn tất được Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông (COC), phù hợp với luật pháp quốc tế, để làm cơ sở duy trì hòa bình và phát triển khu vực trong tương lai.
Trang tin của kênh truyền hình Philippines nhắc lại : Bắc Kinh vẫn duy trì sự hiện diện thường xuyên của lực lượng hải cảnh và các tầu cá để khẳng định chủ quyền của họ trên tuyến đường hàng hải quốc tế, bên trong vùng Biển Tây Philippines (tên Manila gọi Biển Đông), vùng đặc quyền kinh tế của nước này, cũng như tại các vùng biển tranh chấp chủ quyền với các nước và vùng lãnh thổ như Brunei, Việt Nam, Đài Loan hay Malaysia tại Biển Đông.
Liên quan đến cuộc chiến chống Covid, đại diện Philippines tỏ hy vọng EU sẽ tiếp tục giúp đỡ các nước ASEAN, đặc biệt trong việc chia sẻ vac-xin.
Về phần mình, đại sứ EU tại Philippines, Luc Veron, khẳng định Liên Hiệp Châu Âu luôn duy trì và phát triển các cam kết thương mại và an ninh đối với khu vực Đông Nam Á.
Nguồn gốc Covid: Bắc Kinh phản đối WHO mở điều tra mới tại Trung Quốc
Anh Vũ
Theo AFP, ngày 13/08/2021, Trung Quốc đã bác bỏ đề nghị của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) mở cuộc điều tra mới tại nước này để tìm kiếm nguồn gốc đại dịch Covid-19, trong khi đó một chuyên gia của tổ chức nêu giả thuyết “bệnh nhân số 0” là một nhân viên phòng thí nghiệm Vũ Hán.
Hôm 12/08, Tổ Chức Y Tế Thế Giới đã kêu gọi các nước, chủ yếu là Trung Quốc, công bố « mọi dữ liệu về virus » để mở điều tra sâu hơn về nguồn gốc virus, trong đó có giả thuyết virus thoát ra từ phòng thí nghiệm. Hôm nay, Bắc Kinh nhắc lại lập trường của họ từ nhiều tháng qua rằng « cuộc điều tra chung hồi đầu năm nay là đủ và đòi hỏi Trung Quốc cung cấp thêm dữ liệu là có ẩn ý chính trị ».
Tại cuộc họp báo trực tuyến, thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Mã Triều Húc tuyên bố : « Chúng tôi phản đối việc chính trị hóa việc nghiên cứu nguồn gốc virus và phản đối việc hủy bỏ báo cáo chung » giữa Trung Quốc với WHO. Quan chức ngoại giao Trung Quốc cũng bác bỏ đề nghị của Tổ Chức Y Tế Thế Giới mở một cuộc điều tra mới sâu rộng hơn.
Hồi tháng Giêng năm nay, Trung Quốc đã phải chấp nhận cho một nhóm chuyên gia quốc tế của WHO đến Vũ Hán điều tra. Bản báo cáo của các chuyên gia, được soạn thảo chung với các đồng nghiệp Trung Quốc, đã không đưa ra được kết luận cuối cùng về nguồn gốc virus. Theo ông Peter Embarek, trưởng đoàn điều tra quốc tế của WHO tại Vũ Hán đầu năm nay, vào lúc đó giả thuyết virus thoát ra từ phòng thí nghiệm của thành phố Trung Quốc, nơi phát hiện những ca Covid-19 đầu tiên từ cuối năm 2019, rất ít được chú ý.
Trong một phim tài liệu mang tiêu đề « Bí mật của virus – Một người Đan Mạch đi tìm sự thật ở Trung Quốc » phát trên truyền hình Đan Mạch ngày hôm qua 12/08, nguyên trưởng đoàn điều tra quốc tế của WHO tại Vũ Hán lần đầu tiên đưa ra các chỉ trích khá gay gắt nhắm vào chính quyền Bắc Kinh. Vị chuyên gia này cho rằng khả năng một nhân viên phòng thí nghiệm Vũ Hán nhiễm virus khi lấy mẫu từ loài dơi tại hiện trường là có thể xảy ra. Theo ông, nhóm điều tra của ông đã rất khó có thể thảo luận với các nhà khoa học Trung Quốc về giả thuyết virus thoát ra từ phòng thí nghiệm.
Đoàn chuyên gia của WHO đã được phép thăm 2 phòng thí nghiệm có nghiên cứu trên loài dơi. Tại những nơi này, các chuyên gia quốc tế được nghe giới thiệu, được đặt câu hỏi, nhưng không hề được tham khảo bất kỳ tài liệu nào. Ông cho biết thêm là trong vùng Vũ Hán không hề có dơi sống hoang dã. Những người tiếp cận được những con dơi bị nghi mang virus SARS-CoV-2 chỉ có thể là những nhân viên phòng thí nghiệm của thành phố.
Trận đại dịch Covid-19, xuất phát từ Trung Quốc, cho đến nay đã khiến hơn 4 triệu người trên thế giới thiệt mạng. Hơn một năm qua, nguồn gốc của virus gây ra đại dịch này vẫn là một bí ẩn.
Lithuania: Nước duy nhất trong nhóm Trung và Đông Âu quay lưng với Trung Quốc
Thu Hằng
Đài Loan trở thành yếu tố quyết định đẩy quan hệ Lithuania – Trung Quốc đến đỉnh điểm căng thẳng. Bắc Kinh đã triệu hồi đại sứ ở Vilnius và trục xuất đại sứ của Litva ở Trung Quốc ngày 10/08/2021 để phản đối « Văn phòng Đại diện Đài Loan » – mang tên hòn đảo thay vì Đài Bắc như thông lệ – tại quốc gia vùng Baltic này. Chưa dừng ở đó, Bắc Kinh đe dọa phối hợp với Nga và Belarus để trừng phạt Lithuania.
Lithuania định hình lại chiến lược đối ngoại với Trung Quốc
Giai đoạn căng thẳng song phương có lẽ được bắt đầu từ quyết định ngày 22/05 của Vilnius rút khỏi « sáng kiến hợp tác » của nhóm 17 nước Đông và Trung Âu hợp tác với Trung Quốc (17+1), vì cho rằng nhóm hợp tác này « gây chia rẽ ». Lithuania thúc giục những nước còn lại nên rút khỏi nhóm, vì theo thư điện tử ngày 21/05 của ngoại trưởng Gabrielius Landsbergis khi trả lời trang Politico, « Liên Hiệp Châu Âu mạnh hơn khi toàn bộ 27 nước thành viên cũng hành động với các thể chế của Liên Âu ».
Từ quan điểm này, Quốc Hội Lithuania thông qua một nghị quyết bảo vệ người Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và nhân quyền ở Hồng Kông. Tiếp theo, Lithuania cũng cấm sử dụng công nghệ của Trung Quốc ở sân bay Vilnius vì, « rủi ro lớn nhất là nguy cơ một vụ tấn công tin học nhắm vào cơ sở hạ tầng của Lithuania », theo nhận định của giáo sư Kestutis Girnius, Viện Khoa học Chính trị Vilnius. Trả lời trang 15min.lt và được Courrier International trích dẫn ngày 21/07, vị giáo sư này cho rằng dù không rõ Trung Quốc sẽ can dự hay không, nhưng Lithuania « phải chuẩn bị đối phó với khả năng như vậy ».
Ngược lại, với Đài Loan, Lithuania liên tục có những hoạt động thắt chặt quan hệ ngoại giao song phương. Trước khi « Văn phòng Đại diện Đài Loan » được mở cửa ở thủ đô Vilnius, Lithuania đã gửi tặng Đài Bắc 20.000 liều vac-xin AstraZeneca ngừa Covid-19 vào mùa Xuân khi Đài Loan bị Trung Quốc o ép về việc nhập khẩu vac-xin và cũng để cảm ơn Đài Loan tặng khẩu trang và sản phẩm y tế vào năm 2020. Theo dự kiến, Lithuania sẽ mở văn phòng đại diện thương mại ở Đài Bắc vào mùa Thu.
Hệ quả thắt chặt ngoại giao với Đài Loan ?
Nhật báo kinh tế Les Echos của Pháp so sánh việc Lithuania sẵn sàng làm phật lòng Bắc Kinh khi chuyển hướng thắt chặt ngoại giao với Đài Loan như cuộc chiến giữa chàng tí hon David vùng Baltic với gã khổng lồ Goliah châu Á.
Bắc Kinh không chấp nhận hành động « vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc và đi ngược với nguyên tắc một nước Trung Hoa duy nhất », theo phát biểu của người phát ngôn bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh trong buổi họp báo ngày 10/08. Thậm chí, Global Times, cơ quan ngôn luận tiếng Anh của đảng Cộng Sản Trung Quốc, dọa « sẵn sàng cắt đứt quan hệ ngoại giao » với Lithuania, thậm chí hợp sức với Nga và Belarus để trừng phạt Lithuania.
Tuy nhiên, hậu quả trừng phạt có thể sẽ không nghiêm trọng. Thứ nhất, do Lithuania không phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, nên « quy mô trừng phạt có lẽ không phải là mối đe dọa quá lớn », theo phân tích với báo 15min.lt của bà Linas Kojola, đứng đầu một trung tâm nghiên cứu ở Đông Âu.
Thứ hai, Lithuania nằm trong số những nước Bắc và Đông Âu « sáng mắt » về chiến lược ngoại giao « chiến lang » thời dịch của Trung Quốc. Là một nước thành viên của Liên Hiệp Châu Âu và tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương – NATO, nên Lithuania sẽ được đồng minh hậu thuẫn. Điều này được người phát ngôn của bộ Ngoại Giao Mỹ, Ned Price, khẳng định ngay sau khi Trung Quốc triệu đại sứ của nước này ở Lithuania về nước: Washington « sát cánh với đồng minh Litva » và « ủng hộ các đối tác châu Âu trong việc phát triển quan hệ với Đài Loan ».
Thứ ba, theo báo Le Monde, không chỉ có chung những giá trị dân chủ, Lithuania coi Đài Loan là đối tác kinh tế phù hợp hơn về kích thước và trình độ phát triển. Quá phụ thuộc vào Bắc Kinh, Litva có thể sẽ dễ dàng bị Trung Quốc nghiền nát.
Riêng đối với Đài Loan, hiện chỉ còn 17 nước trên thế giới công nhận, việc mở văn phòng đại diện tại Lithuania là một thành công mới tại châu Âu sau 18 năm chờ đợi kể từ khi Đài Bắc mở văn phòng đại diện đầu tiên tại Cộng Hòa Séc vào năm 2003.
Gây căng thẳng với Litva về Đài Loan, Trung Quốc sẽ bị “già néo đứt dây”?
Trọng Nghĩa
Vào lúc công luận phương Tây đang bất bình trước việc Trung Quốc kết án tù công dân Canada trong một động thái bị cho là để gây sức ép trong vụ Mạnh Vãn Châu, nhật báo Pháp Le Monde số đề ngày 13/08/2021 lại nêu bật một hành vi quá đáng khác của Bắc Kinh nhắm vào một nước châu Âu nhỏ bé là Litva trên vấn đề Đài Loan. Đối với tờ báo, Trung Quốc có thể bị lâm vào tình thế “già néo đứt dây”.
Trong bài “Căng thẳng giữa Bắc Kinh và Litva về Đài Loan”, Le Monde đã tóm lược vụ việc như sau: Lithuania sẽ cho Đài Loan mở một văn phòng đại diện thương mại trên nước mình. Thế nhưng Trung Quốc đã cho rằng tính toàn vẹn lãnh thổ của họ bị xâm phạm, và đã triệu hồi đại sứ của họ tại Vilnius về nước, cũng như yêu cầu đại sứ Lithuania tại Bắc Kinh rời đi.
Theo Le Monde, việc Đài Loan mở văn phòng đại diện của mình tại các nước trên thế giới không hiếm. Hiện chính quyền Đài Bắc có tất cả 57 văn phòng loại này – một cơ sở tương đương với đại sứ quán một nước – tại 57 quốc gia mà Đài Loan không có quan hệ ngoại giao.
Bắc Kinh nổi giận vì Vilnius dùng tên “Đài Loan”
Tuy nhiên, vấn đề khiến Bắc Kinh nổi cơn thịnh nộ, là chính quyền quốc gia vùng Baltic này không gọi cơ sở đó là văn phòng đại diện của Đài Bắc, theo cách mà Trung Quốc áp đặt, mà lại dùng tên Đài Loan. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã lên án một động thái “vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc và đi ngược lại nguyên tắc một nước Trung Hoa duy nhất”.
Như thông lệ, Trung Quốc đã lớn tiếng đe dọa Lithuania. Trong một bài xã luận hôm 11/08, Hoàn Cầu Thời Báo đã tố cáo “hành vi cực kỳ liều lĩnh” của Vilnius và cho rằng “Trung Quốc và Nga cần hợp tác để trừng phạt Lithuania”. Theo tờ báo diều hâu Trung Quốc: “Nếu Lithuania không đổi ý, Trung Quốc phải chuẩn bị cắt đứt quan hệ. Ngoài ra, Trung Quốc nên tham gia với Nga và Belarus, hai quốc gia có biên giới với Lithuania, trong việc trừng phạt này.”
Trước đó một hôm, tổng biên tập Hoàn Cầu Thời Báo là Hồ Tích Tiến (Hu Xijin), đã mô tả Litva như là một “quốc gia nhỏ bé và điên rồ với đầy rẫy những lo âu về địa chính trị” và là tay sai của Mỹ.
Ba lý do khiến Lithuania “thân thiện” với Đài Loan
Phân tích về quyết định của Vilnius khi chọn tên “Văn phòng Đài Loan”, dù biết rằng chắc chắn Trung Quốc sẽ nổi trận lôi đình, Le Monde nêu bật ba lý do:
Trước hết Lithuania là một trong những quốc gia khu vực Bắc và Đông Âu đã “sáng mắt” trước bản chất của Trung Quốc nhân đại dịch Covid-19 vừa qua và đã quyết định xích lại gần Đài Loan hơn, ngay cả khi họ không chính thức công nhận đảo này về mặt ngoại giao.
Ngoài ra, Đài Loan không chỉ chia sẻ với các nước này các giá trị dân chủ, mà còn có thể là một đối tác kinh tế phù hợp hơn cả về quy mô lẫn trình độ phát triển.
Hơn nữa, các đòn trả đũa của Trung Quốc trong những năm gần đây nhắm vào các nước châu Âu như Thụy Điển đã cho khu vực thấy mức độ khó lường của Bắc Kinh.
CH Séc và Lithuania cùng giới tuyến
Đây là trường hợp của Cộng Hòa Séc, nước mà chủ tịch Thượng Viện đã có chuyến thăm lịch sử và đáng chú ý tới Đài Bắc vào tháng 9 năm 2020, với tuyên bố “Tôi là người Đài Loan” trước Nghị Viện đảo này. Cùng năm, thủ đô Séc Praha tuyên bố kết nghĩa với Đài Bắc mà không sợ Bắc Kinh trả đũa.
Riêng Lithuania thì đã nằm trong tầm nhắm của Bắc Kinh sau khi các phương tiện truyền thông của nước này bị Trung Quốc cho là đã dành chỗ quá nhiều cho giả thuyết virus Covid-19 bắt nguồn từ một sự cố trong phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.
Vào mùa xuân năm 2021, Vilnius quyết định rút khỏi diễn đàn hợp tác 17+1 mà Bắc Kinh thiết kế để tạo điều kiện thuận lợi cho mối quan hệ của họ với 17 quốc gia trong khu vực Balkan và khối Liên Xô cũ. Qua tháng 6, Lithuania đã tặng 20.000 liều AstraZeneca cho Đài Loan, nơi đang thiếu vac-xin, để cảm ơn khẩu trang và sản phẩm vệ sinh do Đài Bắc cung cấp vào năm trước.
Litva: Nước châu Âu đầu tiên chọn Đài Bắc thay vì Bắc Kinh?
Phản ứng trước việc Trung Quốc triệu hồi đại sứ tại Lithuania, Hoa Kỳ đã tuyên bố “sát cánh cùng đồng minh Litva” và “hỗ trợ các đối tác châu Âu trong việc phát triển quan hệ với Đài Loan”.
Còn phát ngôn viên Cơ Quan Hành Động Đối Ngoại Châu Âu, Nabila Massrali, thì nhắc lại rằng Liên Hiệp Châu Âu không coi “việc mở văn phòng đại diện ở Đài Loan hoặc đến từ Đài Loan là vi phạm chính sách một nước Trung Hoa của EU”, và lưu ý rằng đây là lần đầu tiên Trung Quốc triệu hồi một đại sứ về vấn đề này.
Theo Le Monde, nếu đoạn giao với Lithuania, Trung Quốc có nguy cơ lập ra một tiền lệ nghiêm trọng: Lần đầu tiên trong lịch sử, một quốc gia châu Âu kết nối lại với kẻ thù không đội trời chung Bắc Kinh.
La Habana : Kế hoạch của Mỹ cung cấp internet cho Cuba là một ”cuộc xâm lược”
Chính quyền La Habana hôm 12/08/2021 cáo buộc Thượng Viện Hoa Kỳ “tấn công”, “xâm lược” Cuba, vì Washington đã thông qua tu chính án Rubio, yêu cầu tổng thống Joe Biden cung cấp đường truyền internet cho người dân Cuba để giúp họ tránh sự kiểm duyệt của chính quyền.
Trên Twitter, ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez tố cáo việc Thượng Viện Mỹ thông qua tu chính án Rubio liên quan đến mạng internet ở Cuba là “góp phần hỗ trợ cho các mưu toan lật đổ chính trị” tại Florida và coi đó là một “hành vi xâm lăng” của Mỹ. Theo ông, chính các biện pháp trừng phạt tăng cường của Mỹ dưới thời Donald Trump mới là “trở ngại cơ bản đối với quyền truy cập internet tự do và là chủ quyền của nhân dân Cuba”.
AFP nhắc lại ông Marco Rubio, người gốc Cuba, thượng nghị sĩ Cộng Hòa bang Florida, đã đề xuất tu chính án bao gồm việc thành lập một quỹ để triển khai công nghệ cần thiết cho việc truy cập internet ở Cuba. Tu chính án Rubio dự định triển khai các vệ tinh, khinh khí cầu và những điểm truy cập ngoài khơi để cho người dân Cuba có thể kết nối mạng internet mà không bị hạn chế.
Thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio hôm thứ Ba 10/08 nhấn mạnh : “Công nghệ đã có sẵn để làm điều đó ngay lập tức và tôi khẩn thiết kêu gọi chính quyền Biden tiến hành ngay”. Vào hôm 11/08, bộ Tài Chính và Thương Mại Mỹ đã công bố chi tiết các bước tiến hành để có giấy phép cho các dịch vụ internet và viễn thông liên quan đến Cuba.
Chính phủ Cuba vẫn kiểm soát việc truy cập internet và dữ liệu trên điện thoại di động của người dùng. Sau khi các cuộc biểu tình chống chính phủ lớn chưa từng có nổ ra trên cả nước vào hôm 11/07/2021 với việc lan truyền hình ảnh trên các mạng xã hội, chính quyền La Habana đã chặn internet, không cho người dân truy cập mạng suốt 5 ngày.