Từ Hay Hát Đến Hát Hay

Ngu Yên

1.

“Hát hay không bằng hay hát.” Câu nói này của người Việt, không hiểu là khen thưởng hay khuyến khích hoặc nói cho vừa lòng nhau. Tuy nhiên, người nghe câu nói này, thường cảm thấy sung sướng. Đời sống, có người thành công trong thực tế, có người thành công trong giấc mơ. Bạn tôi nói, đêm qua, tao thấy tao hát trên sân khấu Thúy Nga lộng lẫy, đã quá trời. Hay hát đến độ nhập tâm, đang ngủ cũng hát, là một trạng thái hạnh phúc, tối thiểu là hạnh phúc chiêm bao. Bất kỳ loại hạnh phúc nào cũng cần thiết cho kiếp người.

Ngày xưa, tôi nghe nói, mỗi người Việt là mỗi thi sĩ. Không biết đúng hoặc sai. Nhưng ngày nay, chúng ta có thể nói, mỗi người Việt là mỗi ca sĩ. Từ đầu thập niên 1990, phong trào Karaoke bùng nổ, dậy sóng trong cộng đồng người Việt hải ngoại. Tức là khoảng 15 năm sau khi dàn nhạc Karaoke ra đời, (1975), do nhà kinh doanh Roberto Del Rosario người Phi Luật Tân đầu tư vào thị trường giải trí. Tiền thân là bộ máy “8 Juke” do Daisuke Inoue thiết kế, một nhạc sĩ người Nhật. Trước nữa, bắt nguồn từ chương trình truyền hình “Sing Along With Mitch” (Hát với Mitch.)

Tưng bừng, hầu hết nhà nào cũng sắm một bộ máy Karaoke để giải trí và mộng mơ suốt tuần, Ngày thường thì mơ một mình. Cuối tuần, tập trung, mơ chung. Bộ máy trở thành một thứ gì đại diện cho mức độ văn minh, khả năng hội nhập nền văn hóa mới. Những người tị nạn, di dân, di trú mới vào Hoa Kỳ, còn ướt chưa ráo. Còn vàng vàng ngã màu xám xám, chưa có hào quang. Không nhiều thì ít, Karaoke đã làm cho dân ta phấn khởi, hòa hợp, hơn là viết báo, rải truyền đơn chửi bới nhau trong giới tranh giành quyền lực chính trị và giới chen lấn kinh doanh. Giới ca hát hòa bình và khen nhau hát hay rối rít. Ai cũng vui, cho dù tận thâm tâm, một số người nhìn nhận mình hát dở. Nhưng không sao: Hát hay không bằng hay hát.

Người hay hát luôn luôn kỳ vọng, mình sẽ hát hay hơn. Chẳng phải đây là một điều cần thiết cho tâm lý? Bất kỳ là hy vọng gì, cũng sẽ làm sân cỏ trước nhà  xanh hơn hôm qua, Người nào trời sinh đã có giọng hát tốt, đã từng hát đó đây, hát trong nhà thờ, nhà chùa, đền bà Chúa, hát sinh nhật, hát đám cưới, lúc này, có thêm Karaoke, như diều gặp gió, như cá sấu mọc thêm răng, như trẻ em được bồng lên cao giữa đám đông cho mọi người thấy mặt. Chẳng phải đây là chuyện vui vẻ, may mắn, mà không phải ai muốn cũng được?

Nếu muốn, cũng có thể được. Vì Karaoke có nghĩa chính thức như thế nào, tôi không rõ, nhưng nghĩa Việt thì tôi biết: “Ca ra, ô kê.” Hát ra là nghe được liền như mì gói nhúng nước sôi. Nhưng nghĩa thâm thúy hơn: Cứ ca nhiều sẽ thành ca sĩ. Phong trào Karaoke thịnh hành ngoài nước, trong nước từ đó đến nay, ngót đã hơn 30 năm. Được luyện tập lâu dài như vậy, đó là lý do chúng ta nghe, mỗi người Việt là mỗi ca sĩ. Cho dù hát không ai nghe, chúng ta cũng có thể nói như các nhà thơ chán đời: viết không cần ai đọc.

Nhớ lại những dàn Karaoke thuở ban đầu, tôi cũng phải khâm phục khả năng sáng kiến của một số người. Lúc đó, đa số người mình tuy thiếu tiền nhưng dư công. Có anh, bỏ giờ ra cưa đục, tự quấn dây đồng, làm thành những bộ loa nặng nề, sơn đen láng bóng, trông ác liệt. Bắt ít đèn nháy sau màn lưới ở mặt loa, hiện đại, âm u, Tuy âm thanh hơi rền nhưng đối với chúng tôi có tai nghe tiếng động, tiếng súng, tiếng xe, tiếng đại bác, thì tiếng rên rền ra vẻ có echo tự nhiên, đã là quá hay. Vài người rán làm overtime để dư tiền, đặt anh làm vài bộ loa tương tựa.

Nhưng tôi rất thích thú một anh bạn khác, không mất nhiều sức lao động. Đã ra Radio Shack mua cả trăm chiếc loa nhỏ, rẻ tiền, không có hộp. Khắp nhà anh, bất kỳ một nơi nào có thể che giấu, anh sẽ đặt một cái loa hoang dại vào đó. Chạy dây dưới thảm, leo lên trong tường, chui ra ẩn núp rồi gắn vào loa một cách bí mật. Tôi gọi là loa nằm vùng, vì không thể biết chúng ở đâu. Khi hát lên, toàn nhà, từ bếp, phòng ngủ, phòng tắm, phòng khách, …. đồng loạt lên tiếng. Tất nhiên là không ô kê tuyệt đối vì loa dở, nhưng tương đối và đáng khâm phục. Khi đèn màu bật lên, khi đèn tím làm hàm răng trắng toát, thì xập xình không thua gì phòng trà. Tôi không nghĩ, vợ con anh có thể tìm một nơi nào ẩn núp mà tiếng hát  không thể tìm đến. Nhất là những khách đi họp hát, thường trốn vào phòng vệ sinh hay ra ngoài hiên hút thuốc để tránh nghe ai đó đến phiên lên sân khấu. Họ đã lầm, dù tị nạn nơi nào vẫn không thể thoát được tiếng loa nằm vùng. Các anh bạn đó đều là những tay chuyên luyện, chuyên nghiệp Karaoke.

Nói đến việc tập hát Karaoke, tôi nghĩ, có lẽ không có công việc gì mà một số lớn người Việt có thể tự nguyện tập luyện hăng say như vậy. Thời giờ dùng để tập hát, có lẽ, ngang ngửa với thời giờ xem phim bộ. Say mê. Tưởng tượng. Đi làm về, bật máy lên hát. Ngủ dậy, vừa thay đồ vừa hát lập đi lập lại kẻo quên giai điệu. Tắm hát. Lái xe hát. Vào sở làm, hát lén. Ăn trưa ngồi một mình, hát lẩm bẩm. Tôi có một anh bạn, ngày thường cũng như cuối tuần, ngoài những lúc đi họp hát, lúc nào cũng thấy anh ngồi thẳng thóm nơi ghế sa lông dài, nhìn chăm chăm vào máy truyền hình, miệng hát và tự làm duyên một mình, tay đưa lên diễn tả như đang đứng trên sân khấu. Vợ anh ta than phiền, Ổng không làm gì hết. Tối ngày ngồi một chỗ hát đến nổi lủng luôn ghế da. Năm xưa, vợ chờ chồng đi chinh chiến đến nổi hóa đá. Nay, vợ chờ chồng ca hát, lạnh lẽo gối giường. Khuya khoắt mới chịu vào ngủ. Bạn tôi đến nay đã thành ca sĩ đối với một số thân hữu có giới hạn.

2.

Karaoke gồm có hai phần: Ca ra thuộc về hát. Ô kê thuộc về nghe.

Khi buồn, người khóc; khi vui, người cười; khi giận, người la; khi muốn, người nói. Như vậy, hát là khi nào?

Nếu nói có mục đích chính là chuyển ý nghĩ của mình đến người nghe, thì hát có mục đích truyền đạt và chia sẻ cảm xúc của mình. Dù là ca sĩ chuyên nghiệp hay người hát cho nhau nghe đều giống nhau ở căn bản chia sẻ cảm xúc qua ca từ và cách diễn đạt vẻ đẹp điều hay của ca khúc. Nói một cách kỹ thuật, hát là truyền đạt ý nghĩa của bài nhạc và hỗ tương cảm xúc giữa người hát và người nghe. Hỗ tương, có nghĩa bánh đúc trao đi bánh chì trao lại. Như vậy, trước hết, đối với người hát tài tử, hát khi có cảm xúc. Hoặc hát khi tạo ra cảm xúc. Hai việc này xảy ra cùng một lúc. Hát khi muốn giao tiếp cảm xúc, trước khi muốn những thứ khác. (Thông thường, khi muốn biểu diễn với khán giả, cảm xúc sẽ bỏ chạy, hoặc thụt lui, đứng sau người hát.)  Sau đó, mới đến việc giải trí và thuyết phục người nghe. Đứng chót là làm le, tự hào về tiếng hát, nghĩ rằng, có cơ hội vượt thời gian. Tiếc rằng, nhiều người hát đã mang tiết mục đứng chót lên hàng đầu. Dưới áp suất của hoang tưởng khiến cho những lời khen của bạn bè, hàng xóm, người thân, người đeo đuổi ái tình, trở thành những lời chấm điểm của các bậc chuyên môn âm nhạc trong chương trình American Idols. Phải cẩn thận đừng để ưu điểm của Karaoke trở thành khuyết điểm. Trở thành ca sĩ chuyên nghiệp và hát miễn phí dù hay hơn ca sĩ là hai chuyện khác nhau, có nhiều chi tiết khác nhau, tương tựa như cũng là vợ, nhưng vợ lớn và vợ bé khác nhau, cho dù vợ này có thể đẹp hơn vợ kia.

Ca sĩ chuyên nghiệp thông thường rất nhạy cảm, bộc phát tâm tình một cách tự nhiên mỗi khi họ hát, cho dù một bài hát đã hát rất nhiều lần, mỗi lần mỗi khung cảnh, mỗi tâm tình, vì vậy, cùng một bài hát có khi họ hát hay hơn ở nơi này mà kém hơn ở nơi khác. Mức độ truyền đạt ý nghĩa và khả năng giao tiếp của cảm xúc tạo ra hiệu quả khác nhau. Hoặc thay vì tạo ra cảm xúc, họ có khả năng giả cảm xúc. Tùy mức độ và tài năng giả mà người nghe có thể chia sẻ cảm xúc của người hát hay không. Tệ nhất, là giả ướt át, nức nở, như quẹt dầu cay lên mắt để ứa lệ khi ngân nga: Nỗi buồn ai hay, khi mình chia tay, xa cách nhau rồi…

Có một số bậc thang nghệ thuật và chi tiết kỹ thuật để thẩm định một người hát hay hoặc hát với điểm khuyến khích. Điểm căn cứ đầu tiên là cảm xúc và truyền đạt: Người hát có “delivery” ca khúc đến người nghe hay không? Từ “delivery” không có chữ tương đương đúng nghĩa trong tiếng Việt. Tạm gọi là “phân phối giao hàng bày tỏ” với khán giả. Nhưng đúng hơn, tuy khó nghe, tuy chưa quen, tuy góc cạnh, đó là định nghĩa trong trường hợp hát: “delivery” là sinh đẻ. Người hát có sinh ra ca khúc cho người nghe hay không? Sinh ra? Nghĩa là mỗi lần hát là mỗi “em bé” có thân xác và linh hồn riêng biệt. Dù hát một ca khúc nhiều lần không có nghĩa cứ đẻ đi đẻ lại một em bé giống nhau y hệt. Tôi đề nghị nếu bạn nào muốn tìm hiểu rõ hơn, mời đọc bộ sách của Royal Stanton, MA đại học California, Los Angeles, với hơn 40 năm dạy thanh nhạc từ cổ điển đến pop, rock, jazz … Bạn sẽ lưu ý: Hát là sáng tạo một ca khúc quen thuộc thành một ca khúc riêng tư và độc đáo. (Delivery = sinh ra = sáng tạo.)

Mỗi người lại có mỗi giọng hát khác nhau, từ bẩm sinh. Phần luyện tập sẽ làm cho điêu luyện hơn, kỹ thuật hơn, chính xác hơn, hài lòng hơn … nhưng cây cam sẽ ra trái cam, cây khế sẽ ra trái khế. Cây xoài không thể mọc trái ổi, dù cố treo trái ổi lên gió sẽ thổi rụng. Tuy nhiên, trái cam có thể làm cho ngọt hơn, trái khế lớn hơn, trái xoài thơm hơn … Hát là đưa khí từ bụng (đan điền) lên phổi qua dàn nếp nhăn ở  thanh quản rồi mới được lưỡi, răng và môi công suất ra ngoài. Đừng tưởng răng không quan trọng. Thử lấy hàm răng giả ra, âm thanh hát thiếu màn chắn hỗ trợ, phát âm sẽ nghe nhiểu nhảo. Điều này muốn chứng minh, răng thưa, răng ngắn … có ảnh hưởng đến phẩm chất phát thanh. Mũi là lỗ thông hơi khi không khí bị nén ở môi răng và lưỡi. Đó là lý do chúng ta nghe lời phê phán: Hát gì giống như bị người khác bịt mũi. Còn hát bị bóp cổ là sao? Thông thường là do học hát theo lối cổ điển chưa thành tài hoặc có thói quen để âm hát vọng bên trong phần sau của hốc miệng, thay vì cho hơi thông ra một cách tự nhiên. Nghe tiếng hát đó, nhất là lúc lên cao, quả thật bị bóp cổ. 

Có người nói rằng tôi thích hát khi tắm hoặc lúc lái xe. Lúc đó, nghe mình hát rất hay, rất cảm, mà lúc đông người thì hát không được như vậy. Ông Royal Stanton nói rằng, chuyện đó bình thường. Do thiếu tự tin, bị tâm lý tấn công. Hát một mình không cần nhạc, không ai nghe, tha hồ tung hoành theo ý muốn, nhất là cảm xúc. Vì vậy, dễ cảm thấy hay. Khi ra đám đông, tự nhiên sẽ bị áp lực. Nếu trong đám đông có người hát hay, có người hay chê, có tình nhân ngắm nghía, áp lực còn nặng nề hơn nữa. Hát với dàn nhạc lạ, không vững nhịp, không thuộc lời, không mong các nhạc sĩ chơi đàn cứu vớt, tôi nghĩa rằng chưa đánh đã bại, chưa ca đã rớt.

Hát Karaoke, chúng ta không biết màu sắc của âm thanh là gì? vẻ đẹp của giọng hát ra sao? Hoa mùa xuân màu sắc khác lá mùa thu. Vẻ đẹp âm u của Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa, khác với vẻ đẹp rạo rực Đừng Xa Em Đêm Nay. Nếu muốn có vẻ đẹp khác thì tâm tư của người hát phải khác. Các bạn có để ý, hầu hết những người có vợ con êm ấm, chồng con âu yếm, lại thường xuyên hát những bài chia ly, tan vỡ, khóc cho một cuộc tình ??? Và xin theo dõi khi họ hát. Mắt môi tứ chi đầy tâm sự. Sao vậy??? Chuyện gì xảy ra ???

Hát Karaoke, chúng ta lo chạy đuổi theo nhạc, theo lời, nên quên mang theo cảm xúc. Nếu có mang theo thi không biết cách điều khiển. Cảm xúc như một sinh vật của bản năng, thả nó chạy tự do, sẽ phát ra âm thanh man rợ. Trói buộc nó quá, sẽ trở thành tiếng vọng từ đáy vực. Điều khiển cảm xúc trong lúc hát là kinh nghiệm nghệ thuật mà hầu hết các ca sĩ thành danh đều thẩm thấu, dù mỗi người có mỗi cách điểu khiển riêng. Tương tựa như vợ điều khiển chồng, mỗi người mỗi cách đều đưa đến hiệu quả, tuy mỗi chồng mỗi vẻ, nhưng đều nghe vợ (thường là không tự biết) dù lơ là nhưng răm rắp. Kết quả, gia đình yên vui. Những người vợ đó biết nghệ thuật phối hợp và biết quản trị vô thức của chồng.  Người Mỹ thường gọi những người hát không có khả năng phối hợp để trình bày bài hát là “bad singer’, người ca ra không ô kê. Còn người hát mà không nương nhờ vô thức mà bay là phi công đi bộ.

Ông Staton đề nghị, muốn hát hay, muốn sinh ra ca khúc, phải đòi hỏi một số điều kiện nhiều hơn là tập hát. Phải có một số phẩm chất để tiếng hát được công nhận có giá trị, để thuyết phục đa số người nghe. Dù hát ngày hát đêm nhưng nếu không đủ những điều kiện hoặc phẩm chất đó thì chỉ là hát mua vui vì đời ngắn ngủi.

“Hay hát không thể bằng hát hay.”

 
Ngu Yên

Related posts