Lê Tây Sơn
Hạm đội hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ Nemitz bắt đầu tuần tra ở Biển Đông vào thời điểm căng thẳng với Trung Quốc (TQ) gia tăng, trong khi một báo cáo nghiên cứu “Trò chơi chiến tranh” (War Game) mới của các chuyên viên Mỹ cho thấy Mỹ có thể thắng cuộc chiến với TQ nhưng cái giá phải trả là rất cao.
Mỹ và Nhật chuẩn bị những gì?
Hải quân Mỹ thông báo, từ 12 Tháng Một 2023, hạm đội Nimitz (gồm một hàng không mẫu hạm, một tàu tuần dương tên lửa dẫn đường và ba khu trục hạm tên lửa dẫn đường) đã bắt đầu hoạt động ở Biển Đông trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Trung Quốc. Và Bắc Kinh đơn phương tuyên bố phần lớn vùng biển này là lãnh thổ thuộc chủ quyền của mình. Một quan chức quốc phòng Mỹ nói với CNN, có hai tàu TQ đã bám sát nhóm tàu tác chiến Mỹ.
Hạm đội Nimitz có cả năng lực sát thương lẫn không sát thương, phạm vi hoạt động từ “không gian bên trên đến dưới đáy biển, trên mọi hướng và mọi tình huống”. Theo chỉ huy hạm đội, đây là lần đầu tiên nhóm tàu tác chiến này tiến vào Biển Đông như một phần của kế hoạch triển khai mới. Việc huy động nhóm tàu tác chiến diễn ra khi quân đội Hoa Kỳ tăng cường sự hiện diện trong khu vực nhằm ngăn chặn TQ.
Thống đốc Okinawa Hirokazu Nakaima đã chấp thuận đơn của Bộ Quốc phòng Nhật Bản xin lại đất để xây dựng căn cứ quân sự mới trên bờ biển Okinawa để thay thế lực lượng Mỹ chuyển sang đảo Guam. Hoa Kỳ và Nhật Bản tăng cường quan hệ quân sự giữa đơn vị Thủy quân lục chiến được nâng cấp để đủ sức ngăn chặn tham vọng TQ. Tuần này, hai nước công bố đưa thêm Thủy quân lục chiến Mỹ đến Okinawa, nơi có sẵn khả năng tình báo và lực lượng chống hạm tiên tiến.
Hai đồng minh cũng có loạt sáng kiến mới để đưa quân đội xích lại gần nhau hơn trước sự khiêu khích ngày càng tăng của TQ trong khu vực. “Chúng tôi chia sẻ tầm nhìn chung với Nhật Bản để duy trì một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở. Tất cả những điều chúng tôi đang làm đều hướng tới mục tiêu đó” – Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin tuyên bố vào ngày 11 Tháng Một trong cuộc gặp giữa ông cùng Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và các đối tác Nhật Bản ở Washington DC. Ba tuần trước, một máy bay chiến đấu J-11 của TQ đã chặn một máy bay trinh sát RC-135 của Mỹ trên Biển Đông trong một hành động mà Mỹ gọi là “nguy hiểm và không an toàn”.
Phía Mỹ cho biết chiếc RC-135 Rivet Joint đã buộc phải có phản ứng tránh va chạm khi máy bay TQ tiếp cận chỉ cách chiếc máy bay trinh sát lớn hơn, chậm hơn có 6 mét! Quân đội Giải phóng Nhân dân TQ (PLA) đưa ra lời giải thích khác về vụ đối đầu, bằng cách tố cáo “chính máy bay Mỹ đã đột ngột thay đổi bằng một hành động tiếp cận nguy hiểm”, dù đoạn video quân sự TQ công bố không cho thấy tình huống đó. Vụ việc mới nhất cho thấy những căng thẳng luôn tiềm tàng tại Biển Đông.
Tháng Mười Một 2022, TQ tuyên bố “đã buộc tàu USS Chancellorsville rời khỏi Biển Đông sau khi tàu này xâm nhập trái phép vùng biển mà không có sự chấp thuận” của Bắc Kinh, đồng thời tố cáo “Mỹ thực sự là kẻ tạo ra rủi ro an ninh” trong khu vực. Hoa Kỳ đã phản ứng lại, gọi kịch bản của TQ là “không đúng sự thật” và là “ví dụ mới nhất trong một chuỗi dài các hành động của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nhằm xuyên tạc các hoạt động hàng hải hợp pháp của Hoa Kỳ”, đồng thời khẳng định “Các yêu sách hàng hải quá mức và bất hợp pháp của TQ đã gây thiệt hại cho các nước láng giềng Đông Nam Á”.
Kịch bản mô phỏng cuộc xâm lược của TQ vào Đài Loan
Một mô phỏng “Trò chơi chiến tranh” (war game) mới đây do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, gồm một nhóm chuyên gia cố vấn độc lập nổi tiếng chuyên giả lập trò chơi chiến tranh) thực hiện, cho thấy cuộc xâm lược Đài Loan của TQ nếu xảy ra vào năm 2026 sẽ thất bại với cái giá rất lớn đối với cả quân đội Hoa Kỳ, TQ, Đài Loan, Nhật Bản và không thể dẫn đến chiến thắng cho Bắc Kinh.
Hoa Kỳ dù chiến thắng cũng sẽ trở thành “một quốc gia bị tê liệt” như TQ bại trận. Khi xung đột kết thúc, ít nhất hai hàng không mẫu hạm Mỹ sẽ nằm dưới đáy Thái Bình Dương và lực lượng hải quân hiện đại lớn nhất thế giới của TQ sẽ rơi vào tình trạng “hỗn loạn”.
CNN sau khi xem một bản sao trước của báo cáo “trò chơi chiến tranh” có tiêu đề “The First Battle of the Next War” (Trận chiến đầu tiên của cuộc chiến tiếp theo) gồm hai chục kịch bản chiến tranh khác nhau do CSIS mô phỏng, cho biết dự án này là cần thiết vì các mô phỏng chiến tranh của chính phủ và tư nhân trước đây quá hạn hẹp hoặc quá mơ hồ để công chúng và các nhà hoạch định chính sách có cái nhìn rõ ràng về xung đột trên eo biển Đài Loan có thể diễn ra như thế nào.
Mark Cancian, một trong ba lãnh đạo dự án và là cố vấn cấp cao tại CSIS cho biết: “CSIS đã chạy trò chơi chiến tranh này 24 lần để trả lời hai câu hỏi cơ bản: Liệu cuộc xâm lược có thành công và cái giá phải trả là gì? Khả năng câu trả lời “không” cho câu hỏi đầu là rất lớn”. Báo cáo nghiên cứu nêu rõ: “Mỹ và Nhật Bản sẽ mất hàng chục tàu chiến, hàng trăm máy bay và hàng ngàn quân nhân. Những tổn thất như thế sẽ làm tổn hại đến vị thế toàn cầu của nước Mỹ nhiều năm sau.
Trong hầu hết kịch bản, Hải quân Hoa Kỳ bị mất hai hàng không mẫu hạm và 10-20 tàu chiến lớn mặt nước. Khoảng 3.200 lính Mỹ thiệt mạng trong ba tuần chiến đấu, gần bằng phân nửa số quân Mỹ thiệt mạng trong hai thập niên tham chiến ở Iraq và Afghanistan. TQ bị ảnh hưởng nặng nề hơn. Lực lượng hải quân của họ rơi vào tình trạng hỗn loạn, lực lượng đổ bộ bị tiêu diệt với hàng chục ngàn lính bị bắt.
Ước tính TQ sẽ thiệt hại khoảng 10.000 quân, mất 155 máy bay chiến đấu và 138 tàu lớn. Nhật Bản có khả năng mất hơn 100 máy bay chiến đấu và 26 tàu chiến khi các căn cứ quân sự của Mỹ trên lãnh thổ nước này bị TQ tấn công. Đài Loan sẽ bị tàn phá rất nặng nề. Quân đội của hòn đảo chịu thương vong trên 3.500 người. Toàn bộ 26 tàu khu trục và tàu khu trục của hải quân Đài Loan bị đánh chìm.
Có thể tránh chiến tranh nhưng Mỹ phải chuẩn bị kỹ
CSIS lưu ý: “Báo cáo nghiên cứu không có nghĩa là khẳng định cuộc chiến Đài Loan là không thể tránh khỏi hoặc thậm chí có thể xảy ra. Thay vào đó, giới lãnh đạo TQ có thể áp dụng chiến lược ngoại giao, áp lực vùng xám hoặc cưỡng chế kinh tế đối với Đài Loan”. Dan Grazier, một thành viên cao cấp về chính sách quốc phòng tại Dự án Giám sát Chính phủ (Project on Government Oversight-POGO), nhận xét:
“Một cuộc xâm lược toàn diện Đài Loan của TQ là điều cực kỳ khó xảy ra. Động thái quân sự như vậy sẽ ngay lập tức làm gián đoạn hoạt động xuất nhập khẩu mà nền kinh tế TQ dựa vào để tồn tại và có nguy cơ dẫn đến sự sụp đổ nền kinh tế TQ trong thời gian ngắn. TQ dựa vào nhập khẩu thực phẩm và nhiên liệu để phát triển kinh tế và họ có rất ít chọn lựa thay thế. Theo đánh giá của tôi, TQ sẽ làm mọi thứ có thể để tránh xung đột quân sự với bất kỳ ai. Để thách thức sự thống trị toàn cầu của Hoa Kỳ, họ sẽ sử dụng sức mạnh kinh tế và công nghiệp thay vì dùng lực lượng quân sự”.
Một khi chiến tranh bắt đầu, Mỹ không thể đưa bất kỳ quân đội hoặc vật tư nào đến Đài Loan, vì vậy đó là một tình huống rất khác với Ukraine, nơi Hoa Kỳ và các đồng minh có thể gửi hàng tiếp tế liên tục. Dù người Đài Loan định dùng vũ khí gì để đối phó, họ phải có thứ đó ngay từ lúc chiến tranh bắt đầu.
CSIS đề nghị Washington cần sớm bắt đầu hành động nếu muốn đáp ứng một số khuyến nghị trong báo cáo để đạt được thành công trong cuộc xung đột (có thể) ở Đài Loan, trong đó có việc củng cố các căn cứ của Mỹ ở Nhật Bản và Guam để vô hiệu hoá các cuộc tấn công tên lửa của TQ, chuyển lực lượng hải quân sang các tàu nhỏ hơn và dễ sống sót hơn; ưu tiên tàu ngầm; ưu tiên lực lượng máy bay ném bom; sản xuất nhiều máy bay chiến đấu rẻ hơn và thúc đẩy Đài Loan hướng tới chiến lược tương tự, tức là trang bị những nền tảng vũ khí đơn giản thay vì những con tàu đắt tiền khó có thể sống sót sau cuộc tấn công phủ đầu của TQ.
L.T.S.