Đỗ Quân
Tối hôm Chủ nhật, cha mẹ của cô bé tìm thấy nó bên trong cánh cổng của lò hỏa táng, nơi chỉ cách chỗ họ cư trú vài mét. Trước đó chỉ một tiếng, họ đã sai nó đến lấy nước.
Bà mẹ tức tưởi: “Hơn một tiếng đồng hồ không thấy con bé về, tôi đi tìm thì thấy nó nằm dưới đất, môi tím tái, máu mũi chảy ròng ròng, hai bàn tay và cánh tay đầy những vết bầm tím, và quần áo của nó ướt hết. “
Lò thiêu đó nằm trong khu vực của một ngôi đền Ấn giáo.
Người tu sĩ Ấn giáo và ba người khác ở lò hỏa táng đó khuyên bà mẹ không nên gọi cho cảnh sát. Họ bảo nếu được báo, cảnh sát sẽ bắt làm giảo nghiệm tử thi và sẽ lấy các bộ phận trong người của cô bé để đem bán.
Bà mẹ cáo buộc rằng bốn người này đã đóng cổng không cho bà đi ra, mới đầu đe dọa, rồi sau đề nghị bà cầm ít tiền và im đi.
Người cha của cô bé cho biết lúc mà ông cùng với khoảng 150 dân làng đến lò hỏa táng, thi thể của đứa con gái đã bị thiêu cháy gần hết.
Dân trong làng cho hay họ đã gọi cảnh sát và đổ nước vào giàn thiêu để dập lửa, nhưng chỉ có thể thu hồi được đôi chân của cô bé – điều đó có nghĩa là việc khám nghiệm tử thi để xác nhận hành vi hiếp dâm sẽ không thể thực hiện được.
Cha mẹ của cô gái là người Dalit, kiếm sống bằng cách ăn xin bên ngoài một ngôi đền Hồi giáo Sufi nằm ngay bên kia đường đối diện với lò hỏa táng ở khu vực Nangal của Delhi. Cô bé là đứa con duy nhất của họ.
Bốn nghi can, bao gồm cả tu sĩ Ấn giáo của lò hỏa táng, đã bị bắt sáng ngày thứ Hai với cáo cáo buộc cưỡng hiếp, giết người và tiêu hủy bằng chứng.
Sự việc khiến người ta nhớ đến vụ bốn người đàn ông thuộc đẳng cấp cao đã cưỡng hiếp tập thể và giết hại một thiếu nữ 19 tuổi ở thị trấn Hathras thuộc bang Uttar Pradesh, miền bắc Ấn độ.
Nạn nhân được đưa vào bệnh viện ở Hehli và qua đời ở đó. Cảnh sát bị tố cáo đã không làm việc đúng mức và thậm chí còn đã tìm cách xóa bỏ tang chứng. Một viên chức cao cấp tuyên bố cô gái không bị cưỡng hiếp vì không tìm thấy tinh dịch.
Sự việc đã gây ra sự phẫn nộ trên toàn thế giới sau khi cảnh sát hỏa táng thi thể cô bất chấp sự phản đối của gia đình cô. Gia đình nạn nhân đã tố cáo cảnh sát địa phương đã thiêu xác cô mà không có sự đồng ý của họ, mặc dù chính quyền phủ nhận điều này.
Cô gái này cũng thuộc đẳng cấp Dalit, những người bị xếp ở dưới đáy của hệ thống phân chia đẳng cấp Ấn Độ giáo tệ hại, vẫn nằm trong số những công dân bị áp bức nhất của Ấn Độ.
Hai vụ vừa kể chỉ là một vài trường hợp được trông thấy trong số vô vàn trường hợp bạo lực tình dục tràn lan mà 80 triệu phụ nữ Dalit của Ấn Độ đang phải chịu đựng bên cạnh các người nam cùng đẳng cấp của họ. Những người đã và đang sống mòn mỏi dưới đáy của hệ thống đẳng cấp khắc nghiệt và bất ổn của đất nước này.
Khi một phụ nữ Dalit bị tấn công cảnh sát rất chậm chạp trong việc nhận khiếu nại và điều tra; các quan chức nghi ngờ chưa chắc đã là hiếp dâm; có dư luận cho rằng sự việc không liên quan gì đến đẳng cấp; và nhà chức trách dường như đồng lõa với những thủ phạm thuộc đẳng cấp cao hơn. Ngay cả một số phương tiện truyền thông, từ các tòa soạn do các nhà báo thuộc đẳng cấp cao hơn chi phối, lại đã đặt câu hỏi tại sao bạo lực tình dục lại liên quan đến đẳng cấp.
Nói cách khác, nhà nước và các bộ phận xã hội ở Ấn Độ âm mưu hạ thấp hoặc xóa bỏ mối liên hệ giữa bạo lực tình dục và các thứ bậc của đẳng cấp.
Những người phụ nữ Dalit ở khắp các vùng nông thôn Ấn Độ đã là nạn nhân của bạo lực tình dục từ xa xưa. Ở những vùng này, phần lớn đất đai, tài nguyên và quyền lực xã hội vẫn thuộc về các đẳng cấp thượng và trung lưu. Mặc dù đã có một luật được ban hành hồi năm 1989 để nhằm ngăn chặn các hành động tàn bạo đối với cộng đồng Dalit, nhưng bạo lực đối với phụ nữ Dalit không giảm bớt. Họ tiếp tục bị đeo bám, lạm dụng, quấy rối tình dục, hãm hiếp và giết hại …mà không ai bị trừng phạt.
Những phụ nữ này, bao gồm khoảng 16% dân số nữ của Ấn Độ, phải đối mặt với “ba gánh nặng” là định kiến giới tính, phân biệt đẳng cấp và thiếu thốn kinh tế. Tiến sĩ Suraj Yengde, tác giả của Caste Matters cho biết: “Phụ nữ Dalit thuộc nhóm bị áp bức nhất trên thế giới. Họ là nạn nhân của các nền văn hóa, cấu trúc và thể chế áp bức, cả bên ngoài lẫn bên trong. Điều này thể hiện trong bạo lực muôn đời đối với phụ nữ Dalit.”
Theo số liệu chính thức, vào năm 2019, mỗi ngày ở Ấn Độ có 10 phụ nữ Dalit bị cưỡng hiếp. Bang Uttar Pradesh có số vụ bạo lực đối với phụ nữ và số vụ tấn công tình dục trẻ gái cao nhất. Ba bang – Uttar Pradesh, Bihar và Rajasthan – ghi nhận hơn một nửa số trường hợp bạo lực nhắm vào người Dalit.
Trong một nghiên cứu năm 2006 trên 500 phụ nữ Dalit ở bốn bang trên khắp Ấn Độ về các hình thức bạo lực mà họ phải đối mặt, 54% đã từng bị tấn công thể xác; 46% từng bị quấy rối tình dục; 43% từng gặp bạo lực gia đình; 23% từng bị cưỡng hiếp; và 62% đã bị hành hạ bằng lời.
Và phụ nữ Dalit phải chịu gánh nặng bạo lực của tất cả các đẳng cấp, kể cả đẳng cấp của họ. Nhóm Centre for Dalit Rights (Trung tâm cổ động cho quyền của người Dalit) đã điều tra 100 vụ bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái Dalit trên 16 quận ở Ấn Độ từ năm 2004 đến năm 2013. Kết quả cho thấy 46% nạn nhân dưới 18 tuổi và 85% dưới 30 tuổi. Thủ phạm của vụ bạo lực đến từ 36 thành phần khác nhau, tệ hai thay, còn có cả người Dalit.
Dalit, những người không được chạm vào
Dalit (từ tiếng Phạn: दलित, viết theo mẫu tự La tinh “dalita” có nghĩa là “tan vỡ / rải rác”, tiếng Hindi: दलित, dalit theo mẫu tự la tinh, có cùng một nghĩa) là tên gọi của những người thuộc đẳng cấp thấp nhất ở Ấn Độ, được coi là “untouchables” (những người không được/không thể chạm tới”. Có lẽ không được chạm tới đúng hơn vì các đẳng cấp cao hơn cho rằng họ ô uế và đụng chạm vào họ sẽ bị dơ bẩn (nhưng, khôn nạn thay, như mọi người thấy, họ vẫn bị cưỡng hiếp!)
Người Dalit hiện theo nhiều tín ngưỡng tôn giáo khác nhau, bao gồm Ấn Độ giáo, Phật giáo, đạo Sikh, Cơ đốc giáo, Hồi giáo và nhiều hệ thống tín ngưỡng khác.
Hệ thống đẳng cấp của Ấn Độ có lẽ là hệ thống phân cấp xã hội tồn tại lâu nhất trên thế giới, bao gồm 4 đẳng cấp (varna) chính.
Nhiều người tin rằng các nhóm này có nguồn gốc từ Brahma, vị thần sáng thế tối cao của Ấn độ giáo.
Theo thứ tự, đẳng cấp đầu tiên là Brhaman hoặc Brahmin (Bà la môn, tăng lữ, thầy giáo, giới trí thức) sinh ra từ đầu của Brhama. Kế đó là Ksyatriyas (Sát đế lỵ, gồm các nhà cai trị và binh lính), từ tay của Brhama; Vaisyas (Phệ xá, các thương nhân và buôn bán), từ đùi của Brahma. Nhóm cuối cùng, Shudras (Thủ đà la, người lao động và nghệ nhân), sinh ta từ chân của Brhama.
Bốn đẳng cấp này lại chia thành 3 ngàn đẳng cấp và rồi còn có 25 ngàn đẳng cấp nhánh căn cứ vào nghề nghiệp.
Là một đặc điểm của Ấn Độ giáo (Hinduism), đẳng cấp bao gồm một trật tự phức tạp của các nhóm xã hội trên căn bản thuần khiết về mặt nghi lễ (ritual purity). Nhiều tu sĩ Brhamin tin rằng tiếp xúc với các đẳng cấp thấp hơn sẽ làm ô uế linh hồn của họ. Kinh Vệ Đà được coi là tinh khiết đến mức không thể được đọc hoặc thậm chí không thể được để cho người thuộc đẳng cấp thấp hơn nghe thấy. Một luật của Ấn Độ quy định rằng nếu một người Sudras bị bắt đang nghe kinh Veda, thì phải đổ chì nóng chảy vào tai anh ta.
Một người được coi là thành viên của đẳng cấp mà người đó sinh ra. Người này ở trong đẳng cấp đó cho đến khi chết.
Dalit là không nằm trong hệ thống đẳng cấp varna vì đó là những loại người được giao những công việc quá ô uế đến mức không thể được đưa vào hệ thống varna truyền thống. Tuy nhiên, có thể coi đây là varna thứ 5, còn gọi là Panchama.
Hệ thống đẳng cấp của Ấn Độ chính thức bị xóa bỏ theo hiến pháp năm 1950 của Ấn Độ. Phân biệt giai cấp là bất hợp pháp. Nhưng hệ thống phân cấp xã hội 2.000 năm tuổi áp đặt lên người dân từ ngày họ ra đời vẫn tồn tại trong nhiều khía cạnh của cuộc sống. Người Dalit ở nhiều thị trấn và làng mạc ở Ấn Độ và Nepal vẫn còn được mong đợi sẽ uống từ các hố nước và vòi nước riêng biệt, ăn tại các bàn ăn riêng và thường được chôn cất trong các nghĩa địa riêng biệt, vì sợ chúng sẽ làm ô nhiễm không khí. Họ cũng sống trong các khu dân cư tách biệt.
Hơn một phần sáu dân số Ấn Độ – hoặc khoảng 160 triệu người – người Dalits phải chịu đựng sự xa cách gần như hoàn toàn về mặt xã hội. Họ không được vượt qua ranh giới phân chia phần làng của họ với phần bị chiếm đóng bởi các đẳng cấp cao hơn. Họ không được sử dụng cùng một cái giếng, vào cùng một ngôi đền, hoặc uống cùng một cái tách trong các quán trà. Trẻ em Dalit thường được bắt ngồi ở cuối lớp học. Trong cái được gọi là “chế độ phân biệt chủng tộc ẩn giấu” của Ấn Độ, toàn bộ làng mạc ở nhiều bang của Ấn Độ vẫn hoàn toàn bị tách biệt theo giai cấp.
Sự phân biệt vì “không được, không thể chạm tới” được củng cố bằng việc nhà nước phân bổ các tài nguyên và cơ sở vật chất. Dalit thường nhận phần kém hơn, nếu họ may mắn có nhận được một phần. Ở nhiều làng, chính quyền lắp đặt hệ thống điện, công trình vệ sinh và máy bơm nước ở khu vực thượng lưu, nhưng lại bỏ qua khu vực Dalit biệt lập lân cận. Các tiện nghi căn bản như vòi nước và giếng cũng được tách biệt, các cơ sở y tế và cả là những ngôi nhà lợp mái chỉ hiện hữu ở khu vực của đẳng cấp cao hơn. Sự phân biệt thiên lệch này vẫn đúng ngay cả trong thời điểm những thiên tai lớn diễn ra, như các trận bão lụt gần đây.
Theo một báo cáo năm 2018 từ Cục Hồ sơ Tội phạm Quốc gia, 42.793 trường hợp tội ác nhắm vào người Dalits đã diễn ra trong năm đó – nói cách khác, trung bình cứ 15 phút lại có một Dalit trở thành mục tiêu của tội phạm ở Ấn Độ.
Nhưng các nhà hoạt động tin rằng con số thực cao hơn nhiều, vì nhiều người không báo cáo vì sợ hãi. Phụ nữ Dalit bị gạt ra ngoài lề xã hội nhiều hơn do sự kỳ thị của xã hội mà các nạn nhân của bạo lực tình dục phải đối mặt.
Srishty Ranjan, 24 tuổi, một nhà hoạt động cho quyền của người Dalit cho biết: “Chúng tôi đang chứng kiến mức độ ‘thờ ơ với hiếp dâm’ vì những trường hợp như thế này quá phổ biến. Nếu nạn nhân là Dalit, sự việc sẽ không có được mức độ thông tin xứng đáng.”
Chính phủ đương thời của Ấn độ
Báo cáo về Quốc gia thiểu số Nam Á năm 2020 đã ghi nhận rằng kể từ khi đảng Bharatiya Janata Party BJP (đảng Nhân dân Ấn Độ) trở lại nắm quyền chính trị ở Ấn Độ kể từ tháng 5 năm 2018. “Tội ác do thù hận đối với người thiểu số đã tăng đột biến – dưới hình thức đám đông xử (mob lynching) và bạo lực tự phát (vigilante violence) chống lại người Hồi giáo, Cơ đốc giáo và người Dalits. BJP cũng củng cố và mở rộng một loạt các luật và biện pháp phân biệt đối xử nhằm vào các nhóm tôn giáo thiểu số. Chúng bao gồm các luật chống cải đạo, bị các nhóm nhân quyền lên án là do việc trao quyền cho các nhóm Hindutva thực hiện các chiến dịch quấy rối, đẩy ra khỏi xã hội và bạo lực chống lại người theo đạo Cơ đốc, người Hồi giáo và các nhóm thiểu số tôn giáo khác trên khắp đất nước’. Các đạo luật bề ngoài có ý nghĩa để bảo vệ loài bò tiếp tục tạo sự ủng hộ của luật pháp cho các chiến dịch tương tự chống lại người Hồi giáo và người Dalit.”
Trong những xã hội khác nơi có sự phân biệt tầng lớp, người ở tầng lớp thấp có thể thoát ra bằng nỗ lực tiến thân. Nhưng với người Dalit, chuyện này rất khó.
Ngoài việc ngay từ nhỏ họ đã phải sống nghèo khó, bị buộc vào các nghề nghiệp thấp hèn bẩn thỉu, trẻ em thiếu các nguồn lực và điều kiện học tập, lại bị kỳ thị nặng nề.
Theo BBC, ở Ấn Độ ngày nay, sự phân biệt của người Dalit bắt đầu sớm: họ được phân tách bằng bút marker và dây đeo cổ tay màu trong các lớp học; và buộc phải dọn dẹp nhà vệ sinh của trường học. Học sinh thuộc đẳng cấp thượng lưu thường xuyên tẩy chay bữa trưa ở trường do đầu bếp Dalit nấu.
Con cái của những người dọn rác đặc biệt dễ bị phân biệt đối xử trong trường học của chúng, nơi chúng bị buộc phải làm công việc lau dọn và nhặt rác, nơi mà sự phân biệt đối xử làm suy yếu tất cả các khía cạnh giáo dục của chúng và thường khiến chúng bỏ học. Một bé gái Dalit giải thích: “Tôi thường ngồi ở hàng ghế đầu trong lớp. Nhưng các học sinh khác phàn nàn rằng họ bị dây bẩn. Vì vậy, giáo viên bắt đầu bắt tôi ngồi ở phía sau…khi học lớp 6, không chịu nổi nữa, tôi đã bỏ học. Tôi muốn trở thành y tá hoặc bác sĩ. Nhưng giờ đây, mọi ước mơ của tôi đều tan vỡ ”.
Sự khác biệt về tỷ lệ bỏ học giữa người trẻ Dalit và không phải Dalit tiếp tục gia tăng. Một cuộc khảo sát của tổ chức nhân quyền Ấn Độ Navsarjan Trust cho thấy các giáo viên, chính quyền địa phương và các thành viên cộng đồng thường khiến trẻ em của những người hốt phân bị phân biệt đối xử và lao động cưỡng bức hàng ngày khi đi học và sống trong cộng đồng của chúng. Cuộc khảo sát – Voices of Children of Manual Scavengers (Tiếng nói của con cái những người hốt phân bằng tay) dựa trên các cuộc phỏng vấn với 1.048 trẻ em trong độ tuổi từ 6 đến 17 ở bang Gujarat. Cùng với báo cáo đột phá của Navsarjan là Understanding Untouchability (Tìm hiểu về tính không thể chạm tới) đều tiết lộ sự phân biệt đối xử tràn lan đối với trẻ em và học sinh Dalit, trái ngược trực tiếp với nhiều luật quốc tế và trong nước cấm phân biệt giai cấp và các hành vi ‘không thể chạm tới’.
Những người Dalit phấn đấu nhất và giỏi giang nhất cũng vẫn không thể trốn được cái “nghiệp” Dalit của họ.
Hồi năm 2016, một sinh viên Tiến sĩ của trường đại học Hyderabad Central University đã tự tử. Trong bức thư để lại trước khi tự kết liễu cuộc đời, anh Rohith Vemula viết: “Sự ra đời của tôi là tai nạn chết người của tôi … Tôi luôn vội vã. Tuyệt vọng để bắt đầu một cuộc sống … Tôi không buồn. Tôi chỉ thấy trống rỗng. Không quan tâm đến bản thân. Điều đó thật thảm hại. Và đó là lý do tại sao tôi làm điều này.”
Vemula, năm đó 26 tuổi, là một trong năm sinh viên Dalit phản đối việc họ bị đuổi khỏi lưu xá của trường đại học.
Vemula và bốn sinh viên khác đã phải đối mặt với cáo buộc vào tháng 8 năm trước đó ngoái rằng họ đã tấn công một thành viên của Akhil Bharatiya Vidyarthi Parishad (ABVP) – cánh sinh viên của đảng cầm quyền BJP theo chủ nghĩa dân tộc theo Ấn giáo – trong khuôn viên trường. Một số báo cáo nói rằng một cuộc điều tra đã không tìm thấy “bằng chứng kết luận” về vụ hành hung.
Năm 2015, các sinh viên này cũng đã biểu tình phản đối việc hành quyết Yakub Memon, người đàn ông bị kết tội tài trợ cho các vụ đánh bom chết người năm 1993 ở Mumbai và việc ABVP ngăn chặn việc trình chiếu một phim tài liệu về cuộc bạo loạn Muzaffarnagar ở Đại học Delhi.
Trường đại học đã ngừng trả 25.000 rupee (369 đô la) trợ cấp hàng tháng của Vemula vì anh ta đưa ra các vấn đề nhân danh hội sinh viên Dalit trong khuôn viên trường.
Một tờ báo cho biết chuỗi các sự kiện dẫn đến cái chết của anh Vemula cho thấy đã “bị các giới chức có thẩm quyền khuôn viên trường cô lập liên tục và những lời khiếu nại của anh hầu như không được lắng nghe”.
Nhà thơ và nhà văn Meena Kandasamy nói rằng vụ tự tử của Vemula “không chỉ là một cách rút lui của cá nhân, mà đó là một cách làm nhục cái xã hội đã không giúp được anh ta”. Bà viết: “Giáo dục giờ đây đã trở thành một doanh nghiệp lo việc trừng phạt các học sinh Dalit: họ thường xuyên bị đe dọa đuổi việc, đuổi học, bôi nhọ, ngưng nhận vào học”.
Mr Vemula’s không phải là một câu chuyện ngoại lệ về sự phân biệt đẳng cấp trong các cơ sở giáo dục của Ấn Độ. Một báo cáo cho biết tám sinh viên Dalit đã phải chọn cách tự tử vì “không thể đối phó” với chính trị đẳng cấp tại Đại học Hyderabad trong thập niên trước đó. Theo một ước tính khác, chỉ từ năm 2007 đến năm 2011, 18 sinh viên Dalit đã tự kết liễu cuộc đời mình tại một số học viện giáo dục hàng đầu của Ấn Độ.
Nhiều sinh viên Dalit vào được các trường cao đẳng và đại học thông qua hạn ngạch (quota) dành cho các cộng đồng bị thiệt thòi đến trường với trình độ học vấn khiếm khuyết, gồm cả khả năng tiếng Anh kém. Hầu hết trong số họ là những sinh viên tốt nghiệp thế hệ đầu tiên, xuất thân từ những gia đình nghèo – như Vemula, cha anh làm nhân viên bảo vệ và mẹ là thợ may – và thường phải vất vả để hòa nhập.
Các trường cao đẳng và đại học của Ấn Độ là hình ảnh của sự cạnh tranh và đối đầu gay gắt: chỉ một số ít được đặc quyền giành được một số lượng ghế hạn chế thông qua các kỳ thi cạnh tranh khốc liệt.
Nhiều sinh viên thuộc đẳng cấp cao nói có “sự thù hận và đối kháng tự nhiên” đối với người Dalit và Avidasi mà họ cho là bọn chiếm mất những chỗ dành riêng cho cộng đồng của họ. Vì vậy, các sinh viên bị làm nhục và bị chế nhạo là “quota students” (sinh viên hạn ngạch), và khả năng của họ bị chế giễu.
Chán nản với những gì đang diễn ra, Vemula đã viết thư cho giới chức trường đại học vào tháng 12 để xin phép được chết. Anh thậm chí còn đưa ra các đề nghị về cách nhà trường có thể giúp anh và những người bạn Dalit của anh kết thúc cuộc sống.
Ngay cả khi họ đã trốn được khỏi Ấn độ
Một cuộc khảo sát năm 2018 tiến hành với 1.200 người gốc Nam Á ở Hoa Kỳ cho thấy 26% nói rằng họ đã từng bị tấn công thể xác vì đẳng cấp của họ, trong khi 59% báo cáo đã bị các lời nhạo báng hoặc nhận xét mang tính xúc phạm dựa trên đẳng cấp nhắm vào họ. Hơn một nửa cho biết họ sợ bị phát giác là Dalit.
Manu, một người Mỹ gốc Ấn Độ thuộc đẳng cấp Dalit 25 tuổi, gần đây đã tốt nghiệp ngành sinh học tại Đại học Tiểu bang California, khuôn viên Sacramento (CSU Sacramento), nói rằng cô thường xuyên bị các sinh viên thuộc đẳng cấp trên phân biệt đối xử.
Manu nói với thông tấn Al Jazeera: “Họ thường phải xác định chắc chắn rằng tôi không phải là người Dalit trước khi mời tôi vào nhóm học tập của họ. Tôi đã phải che giấu đẳng cấp của mình và giả vờ là thuộc một đẳng cấp đặc quyền để tránh bị tẩy chay hoặc phân biệt đối xử.”
Pariyar, 37 tuổi, sinh viên cao học năm thứ hai tại CSU, khuôn viên East Bay, rời thủ đô Kathmandu của Nepal vào tháng 6 năm 2015. Anh bay đến Mỹ và xin tị nạn sau khi anh và các thành viên trong gia đình bị một số thành viên của các nhóm giai cấp thống trị hành hung dã man.
Nepal cũng có hệ thống đẳng cấp như Ấn độ, và cũng có tầng lớp tiện dân Dalit.
Anh nói với thông tấn Al Jazeera: “Tôi đã nghĩ Mỹ là một vùng đất mơ ước cho tất cả mọi người và là đất nước của những người có học. Nhưng tôi đã nhầm. Tôi đã bị hiếp đáp, quấy rối và làm nhục bởi những sinh viên thuộc đẳng cấp thống trị. Vào thời điểm đó, với lịch sử của tôi là một người sống sót sau bạo lực giai cấp và cũng vì nỗi sợ hãi với tư cách là một người nhập cư dưới thời chính quyền Trump, tôi không cảm thấy an toàn khi trình báo, đặc biệt là vì trường đại học của tôi không công nhận đẳng cấp là một thể loại được bảo vệ”.
Theo khảo sát A Survey of Caste Among South Asian Americans (khảo sát về đẳng cấp trong số những người Mỹ gốc Nam Á”, khoảng 40% sinh viên Dalit cho biết phải đối mặt với sự phân biệt đối xử trong các cơ sở giáo dục ở cộng đồng người Nam Á trong khi ngược lại, chỉ có 3% số người thuộc “đẳng cấp trên” được hỏi có báo rằng đã có chuyện đó.
Phúc trình cuộc khảo sát được công bố bởi The Equality Labs, một tổ chức phi lợi nhuận ở Nam Á sử dụng nghiên cứu cộng đồng và công nghệ để chấm dứt các cáo buộc “áp bức phân biệt chủng tộc, chứng sợ Hồi giáo, quyền tối cao của người da trắng và không khoan dung tôn giáo”.
Bản phúc trình nói “Tất cả những bất bình đẳng liên quan đến địa vị đẳng cấp này đã trở thành hiện thực trong tất cả các cơ sở học tập hàng đầu của người Mỹ gốc Nam Á và lan rộng sang các cơ sở chính thống của Mỹ, nơi có số sinh viên nhập cư Nam Á đáng kể”, và lưu ý rằng sự phân biệt đối xử như vậy “từ lâu đã bị các cơ sở Mỹ bỏ qua”.
Đại học Harvard và Đại học California, Berkeley, cũng được cho là đang xem xét các vấn đề về đẳng cấp trong khuôn viên trường của họ, theo một cuộc khảo sát của WGBH, một đài phát thanh công cộng có trụ sở tại Boston đã xuất bản một loạt bài gồm bốn phần về đẳng cấp với sự tài trợ của Trung tâm Pulitzer.
Ngay cả ở nơi làm việc tại Hoa Kỳ
Ngày 30 tháng 6 năm 2020, Department of Fair Employment and Housing của tiểu bang California đã kiện công ty Cisco Systems Inc., vì hành vi phân biệt đối xử. Lý do để kiện không phải do chủng tộc, giới tính, tuổi tác hoặc khuynh hướng tình dục như hầu hết các vụ kiện bị phân biệt đối xử khác tại nơi làm việc. Lần này là đẳng cấp.
Vụ kiện cáo buộc Cisco, một tập đoàn công nghệ trị giá hàng tỷ đô la có trụ sở tại San Jose, California, đã từ chối một kỹ sư, người nhập cư từ Ấn Độ đến Hoa Kỳ, các cơ hội nghề nghiệp, tăng lương và thăng chức vì anh ta xuất thân từ đẳng cấp Dalit thấp hèn.
Đơn kiện nói rằng Sundar Iyer và Ramana Kompella, hai giám đốc người Mỹ gốc Ấn nơi kỹ sư này làm việc, những người thuộc đẳng cấp Brahmin, đã quấy nhiễu nạn nhân do ý thức về mức độ cao hơn của họ trong hệ thống đẳng cấp của người Hindu.
Cái nghiệp còn theo những người Ấn ở dưới đáy xã hội không biết đến tận nơi nào và tận bao giờ?
Đỗ Quân
(Nguồn: Human Right Watch, BBC, NBC, CNN, Al-Jareera, LA Times, National Post, Wikipedia…)