Boyband thập niên 1990 – Bao giờ cho đến ngày xưa?

Gia Trình

image.png
Ảnh ghép : Ban nhạc Backstreet Boys (T) tại lễ trao giải iHeartRadio Music ngày 14/03/2019, Nhà hát Microsoft, Los Angeles. Ban nhạc NSYNC (P) trong buổi lễ ghi tên trên đại lộ Hollywood Walk of Fame, ngày 30/04/ 2018, Los Angeles, Hoa Kỳ. © AP


Thập niên 1990 được coi là thời kỳ hoàng kim của các boyband, nhóm nhạc gồm các chàng trai. Không chỉ hấp dẫn về ngoại hình, các boyband đều khai thác triệt để các ballad dễ nghe, vũ đạo chau chuốt để đốn tim giới trẻ một thời. Họ để lại những ký ức âm nhạc đẹp đẽ nhất trên hai phương diện: nghe và nhìn.

Bàn tay các ông bầu âm nhạc
Thập niên 1960, có lẽ nhóm The Beatles đặt khái niệm nền móng cho các boyband và các sáng tác cho giới trẻ (teen pop). Những sáng tác đầu tay của nhóm rất trẻ trung, tươi sáng, sôi động về tình yêu như She loves you, I want to hold your hands. Theo thời gian, bốn chàng trai The Beatles trưởng thành, đi theo pop-rock có độ chín và bỏ lại mảnh đất teen-pop trống trải trong thời gian dài.

Đến cuối thập niên 1980, nhóm nhạc New Kids On The Block (NKOTB, Những chú nhóc trên khu nhà) làm mưa làm gió trên sân chơi teen-pop. Họ mê hoặc giới trẻ, đặc biệt các thiếu nữ nhờ các bản hit pop-dance, R&B phong cách đường phố như I’ll be loving you (forever), Step by Step. Trên đỉnh vinh quang, ban nhạc 5 chàng trai này có lúc kiếm tới 1 triệu đô la/tuần. Mặc dù nhóm NKOTB chưa châm ngòi cho làn sóng boyband bùng lên, thành công của nhóm lọt vào mắt xanh của ông bầu, doanh nhân Lou Pearlman. Đáng tiếc là nhóm nhạc này đã tan rã sau năm 1994 khi ra mắt album Face the Music (Đối diện âm nhạc).

Đầu thập niên 1990, một số nhóm boyband cũng khá thành công như Boyz II Men hay All 4 One. Nhưng các thành viên các nhóm là người da màu, chủ yếu tập trung nhạc R&B nên không tạo được hiệu ứng lan tỏa lớn. Vấn đề phân biệt chủng tộc và giới tính trong âm nhạc vẫn còn nặng nề.

Ông bầu Lou Pearlman sớm nhận ra vấn đề, chắt lọc thành công của nhóm NKOTB để tạo ra sản phẩm âm nhạc mới mẻ. Cuối năm 1993, Lou hợp tác với Johnny Wright, cựu quản lý nhóm NKOTB, để đầu tư lớn vào âm nhạc. Họ tổ chức casting trên quy mô lớn, chiêu mô nhân tài để tạo được cơn sốt New Kids thuở nào. Không phụ lòng nhà tài phiệt âm nhạc, nhóm Backstreet Boys gồm 5 chàng trai Kevin, Nick, Bryan, AJ, Howie đã ra đời. Cuối năm 1996, Backstreet Boys (BSB) tạo được cú đột phá đầu tiên nhờ bản hit Quit Playing Games with my hearts (Đừng đùa với trái tim). Bài hát nhanh chóng đạt hạng bạch kim tại Mỹ, chiếm thiện cảm giới trẻ tại Bắc Mỹ, Canada và lan ra toàn cầu. Đến giờ, BSB vẫn là hiện tượng sang trấn làng âm nhạc với hơn 100 triệu album được tiêu thụ, phát sóng rộng rãi trên hơn 45 nước.

Ngay sau quả trứng vàng BSB, Lou cũng bắt tay êkip để nhân đôi thành công bằng cách lập ra nhóm NSYNC. Nhóm NSYNC thành lập năm 1996 tại Orlando, Florida gồm 2 thành viên cốt cán, Justin Timberlake và JC Chasez. Nhóm chiêu mộ thêm 3 thành viên khác Chris Kirkpatrick, Joey Fatone, Lance Bass. So với Backstreet Boys, NSYNC phải mất một thời gian mới nổi tiếng. Các album của NSYNC được quảng bá tại châu Âu trước khi phổ cập tại Mỹ. Có lẽ, đây là chiến thuật của nhà tài phiệt và êkip sản xuất để giảm cạnh tranh của “đàn gà nhà”. Cùng với BSB và NSYNC tại thị trường Bắc Mỹ, các nhóm nhạc Take That, Westlife và Boyzone góp phần kiến tạo đỉnh sóng của các nhóm boyband tại thị trường Anh, Ailen từ nửa cuối thập niên 1990.

Những nhân tố thành công của làn sóng boyband

Đến giờ phút này, nếu các boyban tái hợp chưa chắc họ đạt được thành công rực rỡ như cuối thập niên 1990. Vậy yếu tố nào tạo nên cơn sóng thần như Backstreet Boys hay NSYNC ?

Thứ nhất, yếu tố kiên quyết là đội ngũ thanh niên trẻ trung, vũ đạo sôi nổi (và đừng quên phải da trắng). Đối với các nhóm boyband, vũ đạo gần như kỹ năng bắt buộc khi âm nhạc thời kỳ này mang đậm ảnh hưởng kênh truyền hình MTV. Thứ hai, họ có khả năng hòa thanh, phối bè khá ăn ý, tạo được hiệu ứng đồng đều. Thứ ba, các nhà sản xuất khai thác triệt để thể loại âm nhạc teen-pop dễ nghe: dance-pop, R&B, hip-hop. Hơn thế, ca từ ủy mị, vô cùng hấp dẫn giới trẻ lúc đó nhờ các ballad ngọt ngào về tình yêu. Điển hình như ca khúc As long as you love me của nhóm BSB với phần lời “Anh không quan tâm em là ai, em đến từ đâu. Chỉ cần em yêu anh. Cuộc đời anh do em định đoạt”.

Cuối cùng, điều rất quan trọng phải khẳng định rằng các boyband gặp thời. “Thiên thời”: Ở thập niên 1990, kinh tế hưng thịnh nhất trên toàn cầu, đặc biệt hai cường quốc Anh, Mỹ không lún sâu vào khủng hoảng và bệnh dịch. “Địa lợi”: Mảnh đất teen-pop còn quá màu mỡ, bị bỏ ngỏ nhiều năm kể từ thời The Beatles hay NKOTB. Khoảng trống đó được New Kids on The Block phủ sóng ở thập niên 1980 và phải đợi đến cuối thập niên 1990 mới có thể bùng nổ. “Nhân hòa”: Thế hệ Millenials (Thiên niên kỷ), sinh từ năm 1981 đến 1996 với thói quen sử dụng internet, điện thoại di động và mạng xã hội. Họ dường như thích những ca khúc dễ nghe, trữ tình, tiết tấu nhanh gọn. Đồng thời, giáo dục và chất lượng sống cải thiện tại các nước phát triển cũng ảnh hưởng lớn tới gu nghe nhạc.

Sự ra đời các boyband như BSB, NSYNC đáp ứng gu văn hóa của thế hệ Thiên niên kỷ. Cơn sóng teen-pop được hậu thuẫn bởi nhiều yếu tố thuận lợi nên có sức tấn công mạnh mẽ trên diện rộng khắp toàn cầu.  

Sự thoái trào, tan rã và sự nghiệp solo
Ngạn ngữ Anh – Mỹ có câu Easy come, easy go (Dễ đến thì dễ đi). Sau 5 năm hưng thịnh của các boyband từ 1995 đến 2000, làn sóng boyband nhanh chóng thoái trào. Không chỉ vậy, các ông bầu trong đó có Lou Pearlman, dính phải tranh chấp bản quyền và pháp lý với các nhóm boyband. Về phương diện âm nhạc, giới phê bình cho rằng các boyband không có nhiều nét mới mẻ và giữa các nhóm có sự cạnh tranh gắt gao.

Cũng có ý kiến cho rằng nhóm boyband tan rã vì các thành viên chủ chốt theo đuổi sự nghiệp solo. Đơn cử, “gã trai hư” Robbie Williams lại làm nên chuyện khi tách khỏi nhóm Take That. Hay Justin Timberlake hoàn toàn vùng vẫy solo khi tách khỏi NSYNC. Tuy nhiên, các boyband như Backstreet Boys, 98 Degrees, Westlife đều không sản sinh các ngôi sao solo xuất sắc. Do đó, sau nhiều năm, các nhóm lại tìm cách tái hợp, nhằm khôi phục ánh hào quang năm nào. Đơn cử, như Take That hay Westlife đều đoàn tụ sau nhiều nỗ lực solo không thành công.

Gần đây nhất, năm 2021, nhóm BackStreet Boys và NSYNC ra tuyên bố sẽ biểu diễn chung tại Los Angeles với tên gọi Back-Sync. Đây hứa hẹn là trải nghiệm mới mẻ cho khán giả muốn thưởng thức “lẩu thập cẩm” boyband. Dự án này gợi nhớ tới các siêu phẩm bom tấn của hãng Marvel Studio vì họ tập hợp hết các siêu anh hùng trong cùng một bộ phim.

Sau 20 năm, thị hiếu khán giả đã hoàn toàn thay đổi. Thời gian sẽ trả lời liệu dự án hợp tác các boyband có thành công như mong đợi không. Ít nhất các khán giả trung thành sẽ có món ăn mới mẻ hơn là nghiền ngẫm những ký ức âm nhạc một thời.

(Theo All Music, Rollingstone)

Related posts