Pháp lập cầu không vận di tản công dân khỏi Afghanistan
Thụy My
Chuyến bay đầu tiên di tản công dân Pháp và một số người Afghanistan sáng nay 17/08/2021 đã hạ cánh xuống một căn cứ quân sự của Pháp ở Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. Bộ trưởng Quân Lực Florence Parly loan báo đã lập cầu không vận giữa Kabul và Abu Dhabi. Di tản các công dân còn kẹt lại sau khi Afghanistan rơi vào tay Taliban là ưu tiên hàng đầu của tổng thống Emmanuel Macron.
Từ Dubai, thông tín viên Vincent Souriau cho biết thêm về căn cứ quân sự của Pháp tại Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất :
“Căn cứ Abu Dhabi được thành lập năm 2009, theo yêu cầu của Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, vốn tìm cách tự bảo vệ trước những bất ổn trong khu vực. Trước sức mạnh quân sự của Iran, các tiểu quốc yếu thế này cần đến một sự hiện diện quân sự để răn đe.
Cho dù vào thời kỳ đó đã hợp tác với Hoa Kỳ, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất kêu gọi Pháp lập ra một căn cứ thường trực. Cơ sở này có 600 đến 1.000 quân nhân Pháp, được phân bố tại một căn cứ hải quân, một đơn vị bộ binh và một căn cứ không quân nằm cách Abu Dhabi khoảng 30 km về phía nam.
Pháp hợp tác chặt chẽ với lực lượng Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất thông qua các cuộc tập trận chung. Đây cũng là điểm tựa của bộ tham mưu Pháp cho các hoạt động tầm xa, như không kích vào tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ở Irak, chống buôn lậu ma túy, giám sát eo biển Ormuz, nơi trung chuyển gần 40% sản lượng dầu lửa thế giới”.
Afghanistan: Hội Đồng Bảo An kêu gọi chấm dứt bạo lực và chống khủng bố
Thu Hằng
Hỗn loạn ở Afghanistan buộc Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc họp khẩn ngày 16/08/2021. Tổng thư ký Antonio Guterres phát biểu trực tiếp trước 15 nước thành viên rằng những ngày tới sẽ mang tính quyết định, bằng mọi cách không được bỏ rơi người dân Afghanistan và cộng đồng quốc tế cần đoàn kết trên hồ sơ này.
Dù Hội Đồng Bảo An ra được thông cáo chung kêu gọi chấm dứt hành động thù địch và thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc ở Afghanistan, cuộc họp cho thấy bất đồng, chia rẽ lên đến đỉnh điểm ở Liên Hiệp Quốc.
Thông tín viên Carrie Nooten tường trình từ New York:
“Đây là một trong những phiên họp của Hội Đồng Bảo An xác nhận thế cân bằng mới về tương quan lực lượng địa chính trị đã thay đổi trong những năm gần đây. Trước tiên, người ta nghe Hoa Kỳ bày tỏ lo lắng, yêu cầu di tản êm xuôi tất cả các nhà ngoại giao và công dân Mỹ. Đại sứ Hoa Kỳ bên cạnh Liên Hiệp Quốc cũng nhấn mạnh đến khả năng di tản tất cả công dân Afghanistan muốn rời khỏi nước họ.
Đối diện với Mỹ là Nga, Moscow cũng thừa nhận là bị bất ngờ vì tốc độ tấn công thần tốc của quân Taliban, nhưng lại hoan nghênh là mọi chuyện đã diễn ra mà « không có biển máu ». Phía Nga cũng xác nhận vẫn duy trì cơ quan đại diện ngoại giao tại Afghanistan.
Tiếp theo đến lượt Trung Quốc. Đại sứ Trung Quốc thẳng thừng khẳng định: “Chúng tôi sẽ tôn trọng nguyện vọng và những lựa chọn của người dân Afghanistan » vì đối với ông, việc Kabul thất thủ gần như đồng nghĩa với một tiến trình dân chủ. Người ta vẫn biết là Bắc Kinh tìm cách tận dụng thời cơ quân Mỹ rút khỏi Afghanistan và lập trường rõ ràng của Trung Quốc ở Liên Hiệp Quốc cho thấy họ đã thắng ván cờ.
Moscow và Bắc Kinh cũng yêu cầu chế độ mới ở Kabul phải bảo đảm an ninh, làm mọi việc để ngăn chận làn sóng di cư sang các nước láng giềng. Cả Nga và Trung Quốc cũng yêu cầu quân Taliban không được nhân nhượng khủng bố, được cho là có thể tìm cách mở rộng sang Trung Á và gây bất ổn cho khu vực”.
Trung Quốc tập trận tấn công để uy hiếp Đài Loan
Thụy My
Trong lúc thế giới đang chú tâm đến Afghanistan, các chiến hạm và phi cơ tiêm kích Trung Quốc hôm nay 17/08/2021 tập trận bắn đạn thật ngoài khơi Đài Loan, mà theo Bắc Kinh là để trả đũa « sự can thiệp từ bên ngoài » và những « hành động gây hấn ».
Reuters dẫn một thông cáo của Quân khu miền đông Trung Quốc nói rằng các chiến hạm, phi cơ chống tàu ngầm và phi cơ tiêm kích đã được điều đến gần Đài Loan để “tập trận tấn công và các cuộc tập trận khác với sự tham gia của binh lính”, tuy nhiên thông cáo không cho biết chi tiết.
Thông cáo của quân đội Trung Quốc nói thêm, Hoa Kỳ và Đài Loan mới đây đã “liên tục khiêu khích, gởi đi những dấu hiệu sai trái, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Trung Quốc và gây tổn hại nặng nề cho hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan”. Theo bản thông cáo, cuộc tập trận này là “biện pháp cần thiết” để đối phó với các “can thiệp từ bên ngoài và sự khiêu khích của các lực lượng đòi Đài Loan độc lập”.
Bộ Quốc Phòng Đài Loan đáp trả rằng quân đội Đài Loan “hoàn toàn hiểu và đánh giá toàn bộ tình hình tại khu vực eo biển Đài Loan, cũng như các diễn biến liên quan trên biển và trên không”, đồng thời khẳng định Đài Loan “đã chuẩn bị những biện pháp trả đũa khác nhau”.
Từ gần 2 năm qua, Đài Loan tố cáo Trung Quốc tập trận thường xuyên ở vùng biển kế cận nhằm gây áp lực buộc Đài Bắc phải quy phục Bắc Kinh. Vào đầu tháng 08, Hoa Kỳ đã thông qua chương trình bán vũ khí mới cho Đài Loan trị giá 750 triệu đô la.
Covid: Quân đội Pháp đưa ô-xy đến tiếp cứu quần đảo Antilles
Thụy My
Tình hình dịch Covid-19 ngày càng khẩn thiết tại quần đảo Antilles, lãnh thổ hải ngoại của Pháp, do biến thể Delta lây lan nhanh chóng. Hôm 16/08/2021, bộ trưởng Quân Lực Florence Parly loan báo là hơn 100 tấn ô-xy sẽ được chiến hạm Dumont d’Urville đưa đến Martinique.
Phát biểu trên France Info, bộ trưởng Parly cho biết chuyến oxy đầu tiên này sẽ giúp tránh được nguy cơ thiếu ô-xy cho bệnh nhân Covid-19 ở đảo Martinique và Guadeloupe, nơi bùng nổ những ca nhiễm biến thể Delta của virus corona. Theo nhà cung cấp Air Liquide, số lượng ô-xy dùng cho y tế tại Martinique đã tăng gấp 8 lần và tại Guadeloupe tăng gấp 6 lần.
Chuyến hàng sẽ đến nơi ngày 19/08, sau đó Hải quân Pháp sẽ tiếp tục vận chuyển ô-xy từ Guyane sang quần đảo Antilles. Tại lãnh thổ hải ngoại này, hiện nay tỉ lệ phơi nhiễm đã lên đến 2.015 ca dương tính trên 100.000 dân.
Nhìn chung, trên toàn nước Pháp, đến hôm qua 16/08, số người nhập viện lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 10.000 kể từ ngày 22/06 ; chủ yếu tại vùng Bouches-du-Rhône, ngoại ô Paris và các đảo Guadeloupe, Martinique, Réunion. Số bệnh nhân nguy kịch là 1.908 người. Kể từ khi đại dịch lan đến, đã có 112.798 người thiệt mạng vì Covid-19 tại Pháp. Có 46.494.384 người đã được tiêm chủng ít nhất một liều, chiếm 69% dân số.
Đài Loan khẳng định sẽ không sụp đổ như Afghanistan, Trung Quốc đừng ảo tưởng
Lê Vy
Hôm thứ Ba (17/8), Thủ tướng Su Tseng-chang (Tô Trinh Xương) cho biết Đài Loan sẽ không sụp đổ giống như Afghanistan trong trường hợp bị tấn công, đồng thời đưa ra lời cảnh báo gián tiếp tới nước láng giềng Trung Quốc rằng không nên “ảo tưởng” khi nghĩ họ có thể chiếm hòn đảo này.
Trung Quốc, quốc gia tuyên bố Đài Loan là một lãnh thổ của riêng mình, đã và đang gia tăng áp lực quân sự và ngoại giao để buộc Đài Bắc chấp nhận sự cai trị của Bắc Kinh.
Sự thất bại của chính phủ Afghanistan sau khi lực lượng Hoa Kỳ rút lui đã làm dấy lên các cuộc thảo luận ở Đài Loan về điều gì sẽ xảy ra trong trường hợp Trung Quốc xâm lược, và liệu Hoa Kỳ có giúp bảo vệ Đài Loan hay không.
Khi được hỏi liệu Tổng thống hay Thủ tướng có chạy trốn nếu “kẻ thù ở ngay trước cổng” như ở Afghanistan hay không, ông Tô nói rằng mọi người không sợ bị bắt hay bị giết.
Ông nói: “Ngày nay, có những quốc gia hùng mạnh muốn nuốt chửng Đài Loan bằng vũ lực, và tương tự như vậy, chúng tôi cũng không sợ bị giết hoặc bị bỏ tù. Chúng tôi phải bảo vệ đất nước này và vùng đất này.”
Những gì đã xảy ra ở Afghanistan cho thấy rằng nếu một quốc gia đang trong tình trạng hỗn loạn nội bộ thì không có sự trợ giúp từ bên ngoài nào sẽ tạo ra sự khác biệt, và người Đài Loan phải tin tưởng vào mảnh đất quê hương của họ, rằng họ có thể bảo vệ nó, ông Tô nói thêm.
Việc mọi người cùng nhau nỗ lực để nhanh chóng kiểm soát được dịch bệnh COVID-19 cho thấy những Đài Loan có thể đạt được khi đoàn kết, ông nói.
“Chúng tôi cũng nói với các lực lượng nước ngoài muốn xâm lược và chiếm lấy Đài Loan rằng: Đừng ảo tưởng”, ông Tô nói thêm, đề cập đến Trung Quốc.
Hoa Kỳ, giống như hầu hết các quốc gia, không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, nhưng là nhà cung cấp vũ khí và là bên hỗ trợ quốc tế quan trọng nhất của hòn đảo.
Tuy nhiên, từ lâu ở Đài Loan đã có những lo ngại rằng trong trường hợp Trung Quốc tấn công, Hoa Kỳ sẽ không sẵn lòng hoặc sẽ không đến hỗ trợ cho hòn đảo.
Theo Reuters, Tổng thống Thái Anh Văn đang thúc đẩy một chương trình hiện đại hóa quân sự đầy tham vọng nhằm phát triển ngành công nghiệp vũ khí trong nước và biến Đài Loan trở thành một “con nhím” được trang bị vũ khí tiên tiến, có tính cơ động cao, để khiến một cuộc xâm lược của Trung Quốc trở nên khó khăn nhất có thể.
Ngoại trưởng Trung Quốc “lên lớp” Hoa Kỳ về khủng hoảng tại Afghanistan
Hôm 16/8, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói với Ngoại trưởng Antony Blinken rằng việc rút quân nhanh chóng của Mỹ khỏi Afghanistan có “tác động tiêu cực nghiêm trọng”, nhưng cam kết làm việc với Washington để thúc đẩy sự ổn định ở nước này.
Hàng nghìn dân thường tuyệt vọng chạy trốn khỏi Afghanistan đã vây chặt đường băng duy nhất của sân bay Kabul vào hôm thứ Hai sau khi Taliban chiếm thủ đô.
Tổng thống Joe Biden đổ lỗi cho việc Taliban tiếp quản Afghanistan là do các nhà lãnh đạo chính trị Afghanistan đã bỏ trốn khỏi đất nước và sự không sẵn sàng của quân đội Afghanistan để chống lại nhóm phiến quân.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố ngắn rằng Ngoại trưởng Blinken đã nói chuyện với ông Vương Nghị về “tình hình an ninh và những nỗ lực tương ứng của hai nước để đưa công dân Hoa Kỳ và CHND Trung Hoa đến nơi an toàn.”
Tuyên bố cũng cho biết ông Blinken đã nói chuyện riêng với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.
Bình luận trước vụ việc, ông Vương cho hay những hiện thực tại Afghanistan đã chứng minh rằng không thể tùy tiện áp dụng mô hình nước ngoài cho một quốc gia có điều kiện văn hóa và lịch sử khác, theo báo cáo của truyền thông nhà nước Trung Quốc.
“Sử dụng vũ lực và các phương tiện quân sự để giải quyết vấn đề sẽ chỉ làm gia tăng chúng. Bài học này cần phải được phản ánh nghiêm túc”, đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV dẫn lời ông Vương nói.
Ông Vương nói rằng Trung Quốc sẵn sàng liên lạc với Washington để giúp ngăn chặn một cuộc nội chiến mới hoặc thảm họa nhân đạo sau “tác động tiêu cực nghiêm trọng” của việc Hoa Kỳ “vội vàng rút quân”.
Tuy vậy, Ngoại trưởng Trung Quốc không quên cảnh báo rằng “Hoa Kỳ không thể một mặt chủ động tìm cách kiềm chế, đàn áp Trung Quốc và làm tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của Trung Quốc, nhưng mặt khác hy vọng vào sự hợp tác của Trung Quốc.”
Ông cũng chỉ trích Hoa Kỳ đã loại bỏ Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM) khỏi danh sách các nhóm khủng bố, nói rằng nó cho thấy các tiêu chuẩn kép của Hoa Kỳ về chống khủng bố.
Bắc Kinh lo ngại rằng ETIM đang hoạt động ở nước láng giềng Afghanistan và muốn tạo ra một nhà nước riêng biệt ở khu vực phía tây Tân Cương của Trung Quốc, nơi chính quyền Trung Quốc đã thiết lập hàng loạt các trại giam giữ mà họ cho là nhằm đào tạo nghề và kiềm chế chủ nghĩa cực đoan.
Chính phủ Hoa Kỳ cho biết ETIM không tồn tại như một tổ chức chính thức và thay vào đó chỉ là cái cớ để Trung Quốc gia tăng đàn áp các nhóm dân tộc Hồi giáo, bao gồm người Duy Ngô Nhĩ.