Cập nhật tin Covid tại VN: Thêm 9,595 người mắc COVID-19; Sài Gòn xin hỗ trợ khẩn cấp 28,000 tỷ đồng cứu đói cho hơn 4.7 triệu người

Hiểu Minh

Sài Gòn xin hỗ trợ khẩn cấp 28.000 tỷ đồng cứu đói cho hơn 4,7 triệu người

Thanh Niên – Chiều 17/8, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng hỗ trợ khẩn cấp khoảng 28.000 tỉ đồng và hơn 142.000 tấn gạo để cứu đói hơn 4,7 triệu người đang lâm vào cảnh khó khăn do dịch Covid-19 kéo dài.

Cụ thể, số hộ lao động nghèo mà TP.HCM dự kiến hỗ trợ khẩn cấp là hơn 1.580.000 hộ; số người lao động nghèo dự kiến hỗ trợ là hơn 4,74 triệu người. Mức hỗ trợ tiền ăn là 50.000 đồng/người/ngày; hỗ trợ tiền thuê phòng trọ là 1,5 triệu đồng/hộ/tháng; mỗi người 15 kg gạo. Thời gian nhận hỗ trợ, bao gồm 98 ngày tiền ăn, 2 tháng tiền nhà trọ và 2 tháng lương thực.

UBND TP.HCM đánh giá đợt bùng phát dịch lần thứ tư có tốc độ lây lan nhanh, đã lan rộng ra nhiều địa phương với quy mô lớn nhất từ trước đến nay và tiếp tục diễn biến khó lường. Trong đó, TP.HCM là trung tâm dịch của đợt 4, sự bùng phát lây lan dịch trong cộng đồng, số lượng người mắc bệnh và tử vong tăng nhanh.

Đợt bùng phát dịch lần thứ tư đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và tác động tiêu cực sự đến phát triển kinh tế – xã hội của thành phố; tác động tiêu cực đến tốc độ thu ngân sách trên địa bàn, số thu ngân sách có xu hướng giảm dần từ tháng 5, tháng 6 và dự kiến số thu ngân sách năm 2021 của thành phố không đạt dự toán Trung ương giao.

Thừa Thiên Huế thu phí cách ly người từ vùng dịch về

VnExpress – Từ ngày 17/8, người dân từ các tỉnh thành đang áp dụng Chỉ thị 16 về Thừa Thiên Huế sẽ phải cách ly tập trung và có thu phí.

Quyết định trên được Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 Thừa Thiên Huế đưa ra trong bối cảnh địa phương ghi nhận 333 ca nhiễm. Số người từ các tỉnh, thành phố đang áp dụng Chỉ thị 16 về tiếp tục tăng.

Theo quy định mới, người dân từ các tỉnh, thành phố đang giãn cách khi về Thừa Thiên Huế sẽ bị phạt hành chính vì vi phạm Chỉ thị 16 của Thủ tướng, phải cách ly tập trung và thanh toán chi phí ăn uống, xét nghiệm, vận chuyển.

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Thừa Thiên Huế cũng khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm tinh thần giãn cách “ai ở đâu ở đấy” theo chỉ đạo của Thủ tướng cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát.

Bộ trưởng Bộ Y tế làm việc với TP.HCM: ‘Phát hiện F0, khoanh luôn nhà, phát túi thuốc, túi an sinh’

Tuoitre – Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long có buổi làm việc với TP.HCM về công tác chăm sóc, điều trị người mắc COVID-19 tại nhà và ở các tuyến điều trị theo mô hình tháp 3 tầng. 

Ông khẳng định điều quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe F0 tại nhà là triển khai xét nghiệm tại chỗ. Nếu phát hiện F0 ở nhà nào, tổ chức khoanh luôn ngôi nhà đó, đồng thời phát túi thuốc chăm sóc điều trị tại nhà và túi an sinh dùng trong 1 tuần cho người bệnh.

“Xét nghiệm tại chỗ, chăm sóc tại chỗ và an sinh tại chỗ sẽ góp phần làm giảm lây nhiễm, giúp hạn chế chuyển tình trạng nặng” – Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Thêm 9,595 người mắc COVID-19

Hiểu Minh

Zing – Số ca mắc mới ở Sài Gòn là 3.559 (tăng 218 người), Bình Dương 3.332 (tăng 810 người).

Từ 18h ngày 16/8 đến 19h ngày 17/8, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 9.605 ca mắc Covid-19 mới. Trong đó, 10 trường hợp nhập cảnh và 9.595 ca ghi nhận trong nước.

Chi tiết ca bệnh được ghi nhận tại các tỉnh thành bao gồm: Sài Gòn (3.559), Bình Dương (3.332), Long An (581), Tiền Giang (411), Đồng Nai (298), Cần Thơ (172), Đồng Tháp (170), Khánh Hòa (139), Đà Nẵng (124), Tây Ninh (88), Trà Vinh (79), Bà Rịa – Vũng Tàu (79), Vĩnh Long (76), Phú Yên (71), Hà Nội (61), Bình Thuận (55), Sóc Trăng (44), An Giang (33), Kiên Giang (31), Gia Lai (26), Đắk Lắk (24), Bắc Ninh (20), Hà Tĩnh (19), Nghệ An (16), Bình Định (12), Thanh Hóa (12), Ninh Thuận (11), Quảng Nam (11), Bến Tre (10), Quảng Ngãi (5), Quảng Trị (5), Lào Cai (4), Bạc Liêu (3), Lạng Sơn (3), Lâm Đồng (3), Bình Phước (3), Cà Mau (2), Thái Bình (1), Thái Nguyên (1), Thừa Thiên Huế (1).

Tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cũng thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân hôm nay ghi nhận 331 ca tử vong riêng TP.HCM (285), Bình Dương (12).

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến 17/8 là 6.472, chiếm 2,2% số ca mắc và tương đương với tỷ lệ trên thế giới.

Cũng trong ngày 17/8, 4.331 bệnh nhân COVID-19 đã được công bố khỏi bệnh, qua đó nâng tổng số trường hợp được điều trị khỏi tại Việt Nam lên 111.308 người.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có tổng cộng 293.301 ca nhiễm COVID-19.

Vụ chở 46 thi thể từ Sài Gòn về Bến Tre: Phong tỏa nhà hỏa táng

Dân Trí – Trước đó, rạng sáng 16/8, Công an xã Phú Hưng (TP. Bến Tre, tỉnh Bến Tre) nhận thông tin từ cơ sở hỏa táng Phúc Lạc Viên (xã Phú Hưng) về việc tiếp nhận 46 thi thể từ TPHCM để hỏa táng, trong đó có 41 thi thể của bệnh nhân COVID-19.

Chiều 17/8, ông Huỳnh Vĩnh Khánh – Chủ tịch UBND TP. Bến Tre cho biết, đã phong tỏa toàn bộ nhà hỏa táng Phúc Lạc Viên, không tiếp nhận hỏa táng người chết vì COVID-19 ngoài địa phương.

Riêng đối với tài xế Lê Phúc Hậu, điều khiển xe tải biển kiểm soát 64C-077.84 lợi dụng “luồng xanh” để chở số thi thể người chết vì COVID-19 từ TP.HCM đến cơ sở hỏa táng Phúc Lạc Viên, công an TP. Bến Tre đã lập biên bản, xử lý theo quy định của pháp luật.

Hà Nội: Phát hiện ổ dịch COVID-19 tại khu trọ ở Đông Anh, chủ nhà cũng mắc

Dân Trí – Trưa nay, Hà Nội tiếp tục ghi nhận thêm 41 ca dương tính SARS-CoV-2, trong đó có 8 trường hợp tại cộng đồng và 33 trường hợp tại khu cách ly.

Đáng chú ý, trong số này có 5 ca tại phường Văn Miếu, Đống Đa là khu vực từng phát hiện nhiều F0. Ngoài ra, tiếp tục có thêm 6 công nhân xây dựng tại Quang Trung, Hà Đông (đã được cách ly trước đó) dương tính SARS-CoV-2. Tại Đông Anh ghi nhận thêm 3 ca dương tính tại khu trọ đã ghi nhận nhiều F0, trong đó có cả chủ nhà trọ là bà N.T.T., sinh năm 1973.

Cộng dồn số F0 tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4) là 2.306 ca, trong đó số F0 ghi nhận trong cộng đồng là 1.232 ca, số F0 là đối tượng đã được cách ly  là 1.074 ca.

Nêu quan điểm về tình hình dịch bệnh ở Hà Nội, BS Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho rằng hiện số ca mắc mới mỗi ngày của thành phố chưa nhiều. Tuy nhiên, việc có F0 lẩn khuất trong cộng đồng vẫn khiến Hà Nội là khu vực nguy cơ cao.

Xúc động chuyện người vợ mắc COVID-19 nhường máy thở cho chồng

Tuoitre – Câu chuyện do bác sĩ Lê Văn Thiệu, khoa cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, đăng trên trang cá nhân của mình. Qua tìm hiểu, đó là cặp vợ chồng khá cao tuổi, trú tại xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Hai ông bà được phát hiện dương tính hôm 26-7, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông. Đến ngày 2-8, bệnh chuyển nặng, phải chuyển tuyến lên khoa cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương. Chúng tôi xin giới thiệu câu chuyện của bác sĩ.

“Người phụ nữ đến cuối cùng vẫn chọn cách hy sinh cho gia đình, hy sinh cho chồng, cho con cho dù…. não bà đang thiếu oxy, dù bà có đang thở không ra hơi nhưng bà vẫn thều thào nói với chúng tôi: “Thưa bác sĩ: Nếu thiếu máy thở, tôi xin nhường máy cho ông ấy”. May mắn cho bà là chúng tôi không thiếu máy thở.

COVID-19 thường có yếu tố gia đình. Một người bị là cả nhà bị. Gia đình ông bà cũng không ngoại lệ và cùng vào viện trong bệnh tình rất nặng.

Qua những ngày hỗ trợ hô hấp không xâm nhập, tình trạng của cả hai ông bà đều xấu đi và bà có chỉ định cần can thiệp đặt ống thở máy. Sau khi giải thích cho bà việc can thiệp đặt ống thở máy để đảm bảo mức oxy cho cơ thể, bà nghĩ ngay đến việc sẽ nhường việc đó cho ông.

Chúng tôi phải cố giải thích cho bà rằng mỗi bệnh nhân cần một cách tiếp cận điều trị khác nhau và oxy cũng giống như việc dùng thuốc, cần đúng liều lượng, đúng thời gian, không nhiều quá mà cũng không ít quá. Trường hợp của ông cần tiếp tục theo dõi chứ không cần can thiệp ngay như bà.

Có vẻ bà chưa được thuyết phục vì điều đó. Chúng tôi đành chỉ cho bà nhìn về nơi góc phòng máy. “Bà yên tâm, chúng cháu không thiếu máy bà ạ. Chúng cháu sẽ cứu cả hai ông bà”. Thoáng chốc, tôi thấy sự an tâm trên nét mặt của bà.

Vài ngày sau bệnh tình của ông trở nặng. Ông cũng cần an thần thở máy. Nhưng ông được cai thở máy sớm hơn và rút ống nội khí quản chuyển sang chế độ thở oxy như trước. Ông như được sống lại lần nữa nhưng nhìn giường bà bên cạnh vẫn đang phải thở máy, nước mắt ông cứ lăn dài trên má.

Hôm 12-8, trời mưa khá to nhưng có lẽ là một ngày đẹp trời với cả hai ông bà khi đều được rút ống thở máy chuyển sang thở oxy thường. Bà được can thiệp rút ống nội khí quản sau ông nửa ngày. Khi được hỏi ông có muốn nói gì với bà không và chúng ta có những dòng thư trong bức ảnh.

Luận mãi, những dòng chữ run rẩy của bệnh nhân mới vừa quay về cõi sống nhắn cho người vợ đang ở giường bệnh bên cạnh và lúc ấy vẫn đang thở máy. “Em ơi cố lên”.

F0 trong cộng đồng tại TP.HCM tăng vọt dù dãn cách

Hiểu Minh

Quận Gò Vấp từng xảy ra tình trạng ùn ứ trong đợt đầu giãn cách theo Chỉ thị 16 vào đầu tháng 6. (Ảnh: Phạm Ngôn/Zing).

Theo số liệu cập nhật từ Bộ y tế, số lượng F0 được phát hiện ngoài cộng đồng tại TP.HCM tăng đột biến tại hầu hết quận, huyện.

Cụ thể theo báo Zing, trong ngày 17/8, quận Bình Thạnh ghi nhận số bệnh nhân nhiễm COVID-19 nhiều nhất thành phố với 345 ca. Trong đó, 310 người phát hiện qua xét nghiệm tầm soát ở cộng đồng và sàng lọc tại bệnh viện, chiếm gần 90% tổng số ca nhiễm toàn quận.

Xếp thứ 2 là quận Tân Bình với 332 ca mắc Covid-19. Trong đó, 259 người được phát hiện qua xét nghiệm tầm soát ngoài cộng đồng và sàng lọc ở bệnh viện, chiếm 78% tổng số ca trong ngày.

Quận 3 ghi nhận 269 ca, trong đó gần 82% là người nhiễm được phát hiện ngoài cộng đồng (220 ca). Địa bàn ghi nhận tỷ lệ F0 ngoài cộng đồng cao nhất tại TP.HCM trong ngày 17/8 là huyện Hóc Môn. Huyện này có 197 ca mắc Covid-19 được công bố, trong đó 194 F0 ngoài cộng đồng, chiếm hơn 98%.

Quận Bình Tân cũng là điểm “nóng” nhất tại TP.HCM với tổng số ca mắc trong đợt bùng phát này là 13.492. Trong 24 giờ, toàn quận ghi nhận thêm 181 ca nhiễm, số lượng F0 ngoài cộng đồng chiếm hơn 96% (174 ca).

Gò Vấp ghi nhận 187 bệnh nhân Covid-19. Trong đó, số lượng F0 ngoài cộng đồng và qua tầm soát tại bệnh viện là 165 người, chiếm hơn 88%. Tỷ lệ F0 ngoài cộng đồng được phát hiện trong ngày của huyện Bình Chánh cao đến 96% (48/50 ca).

Bên cạnh đó, một địa phương có tổng số bệnh nhân nhiễm COVID-19 thấp nhưng số lượng F0 ngoài cộng đồng khá cao. Điển hình quận Phú Nhuận có 28 ca Covid-19 được công bố, tất cả đều là F0 được ghi nhận qua tầm soát ngoài cộng đồng và sàng lọc ở bệnh viện.

Các quận, huyện còn lại bao gồm quận 11, quận 7, quận 6, quận 4…, cũng có tỷ lệ F0 trong cộng đồng rất cao.

Theo VnExpress, trước đó, chiều 16/8, Chủ tịch thành phố Nguyễn Thành Phong cho biết, trước đây số ca nhiễm mới ghi nhận hàng ngày chủ yếu trong khu phong tỏa, nhưng những ngày gần đây, số lượng F0 mới trong cộng đồng có xu hướng tăng lên. Ông Phong không lý giải tại sao số ca nhiễm cộng đồng những ngày qua tăng, trong khi thành phố giãn cách một tháng qua.

Ngày 16/8, thành phố ghi nhận 3.341 ca nhiễm mới thì số ca cộng đồng chiếm 53%. Đến ngày 17/8, thành phố ghi nhận 3.540 ca nhiễm mới, trong đó số ca cộng đồng là 2.568, chiếm 72,5%.

Để kiểm soát dịch bệnh, từ 0h ngày 16/8 đến hết ngày 15/9, TP.HCM tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 với nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó”, hạn chế tối đa số lượng người dân ra khỏi nơi cư trú, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào tự quản bảo vệ “vùng xanh”, phát triển “vùng xanh”.

Theo Bộ y tế, trong 24 giờ ngày 17/8, cả nước ghi nhận thêm 9.605 ca COVID-19. Trong 9.605 ca nhiễm có 9.595 ca ở 40 tỉnh thành, tăng 951 ca so với hôm qua; 4.331 người khỏi bệnh; 331 ca tử vong (riêng TP.HCM 285 ca).

Trong ngày 17/8, riêng TP.HCM ghi nhận thêm 3.559 ca, số ca mới nâng tổng số ca nhiễm tại TP.HCM lên 156.186 ca.

Related posts