Nhân chứng: Bắc Kinh xuất khẩu ‘nhà tù đen’ ra nước ngoài

Lý Minh

Cô Ngô Hoan (ảnh chụp màn hình AP).

Một cô gái trẻ người Trung Quốc cho biết cô đã bị giam giữ trong 8 ngày tại một cơ sở giam giữ bí mật do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) điều hành ở Dubai cùng với ít nhất hai người Duy Ngô Nhĩ. Đây có thể được coi là bằng chứng đầu tiên cho thấy, ĐCSTQ đang vận hành “nhà tù đen” bên ngoài Trung Quốc đại lục. 

Cô gái này tên là Ngô Hoan (Wu Huan), vị hôn thê của cô bị ĐCSTQ liệt vào danh sách người bất đồng chính kiến. Hôn thê của cô, anh Vương Tĩnh Du (Wang Jingyu) trở thành mục tiêu của ĐCSTQ ​​chỉ vì anh ta nghi ngờ những bản tin về cuộc biểu tình ở Hồng Kông và số binh sĩ Trung Quốc thương vong ở biên giới Trung-Ấn. Cha mẹ anh cũng bị liên lụy và bản thân Tĩnh Du đang sống lưu vong ở nước ngoài.

Chia sẻ với AP, cô Ngô nói mình đã bị bắt cóc từ một khách sạn ở Dubai và bị giới chức Trung Quốc giam giữ tại một nhà tù, vốn là một biệt thự cải tạo. Tại đây, cô nhìn và nghe thấy hai tù nhân khác, cả hai đều là người Duy Ngô Nhĩ.

Trong thời gian cô bị giam giữ, các giám sát viên của ĐCSTQ đã đe dọa và buộc cô phải ký vào một văn bản pháp lý, buộc tội Tĩnh Du đã quấy rối cô. Cuối cùng cô đã được thả vào ngày 8 tháng 6 và hiện đang xin tị nạn ở Hà Lan.

Theo AP, trong khi “nhà tù đen” phổ biến ở Trung Quốc, thì lời cáo buộc của cô Ngô là bằng chứng duy nhất về việc Bắc Kinh thiết lập “nhà tù đen” ở một quốc gia khác. Mặc dù tờ báo không thể xác nhận lời khai của cô Ngô một cách độc lập, nhưng các phóng viên đã thu thập được một số bằng chứng xác thực bao gồm: Con dấu trong hộ chiếu của cô, đoạn ghi âm điện thoại của một quan chức ĐCSTQ tra hỏi cô Ngô… 

Theo AP, các “nhà tù đen” là những nơi giam giữ bí mật, nơi các tù nhân thường bị giam giữ mà không có quyền truy tố pháp lý, không có lệnh bảo lãnh hoặc lệnh của tòa án. Nhiều nhà tù loại này được ĐCSTQ sử dụng để ngăn chặn những người khiếu kiện với chính quyền địa phương. Những nhà tù này thường ở dạng phòng khách sạn hoặc nhà nghỉ.

Bà Trần Ngọc Khiết (Yu-Jie Chen) một trợ lý giáo sư tại Academia Sinica của Đài Loan cho biết, bà chưa từng nghe nói về nhà tù bí mật của ĐCS Trung Quốc ở Dubai. 

Tuy nhiên, bà cũng lưu ý rằng loại nhà tù này cũng phù hợp với cách làm của ĐCSTQ nhằm dẫn độ công dân về nước, thông qua các phương thức chính thức như ký hiệp ước dẫn độ và các biện pháp không chính thức như thu hồi thị thực hoặc gây áp lực với gia đình ở đại lục. 

Bà Trần cho biết, nhóm người Duy Ngô Nhĩ nằm trong số những người bị dẫn độ hoặc bị đưa về nước. Thông qua các báo cáo công khai, Dự án Nhân quyền Duy Ngô Nhĩ đã phát hiện 89 người Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ hoặc trục xuất khỏi 9 quốc gia từ năm 1997 đến năm 2007. Con số đó đã dần tăng lên tới hơn 1.300 người Duy Ngô Nhĩ phải quay về Trung Quốc từ năm 2014 đến nay. 

Related posts